Bi kịch lao động xuất khẩu Việt: Tưởng đổi đời nhưng nợ chồng nợ chất

Người lao động phải trả khoản phí tương đương từ 3 đến 4 năm lương tại Việt Nam để được làm việc ở nước ngoài trong các nhà máy của các thương hiệu quốc tế lớn. Nhưng không phải ai cũng xoá được nợ và gửi được nhiều tiền về phụ giúp gia đình! Tờ The Diplomat (ngày 13-6-2022) đã cho thấy bi kịch của bức tranh “xuất khẩu lao động” Việt Nam…

Nợ chồng nợ chất
Mỗi năm có đến hàng vạn người lao động Việt Nam lại lên đường kiếm sống ở nước ngoài, trong cái gọi là lao động hợp tác. Thực chất là đi làm thuê làm mướn ở xứ người. Chỉ trong năm 2021, theo báo Người Lao Động (ngày 21-3-2022), có tổng cộng 45,058 người đã rời bỏ quê nhà để lên đường đi hợp tác lao động (chủ yếu đến Nhật và Đài Loan). Muốn đi cũng không phải dễ. Nhiều người phải vay nợ, cầm cố nhà cửa mới có thể luồn lách tìm được chiếc vé hợp tác lao động. Tưởng chừng được đổi đời nhưng họ lại lâm vào cảnh nợ nần thê lương.
Hai mươi công nhân Việt Nam được phỏng vấn trong nửa năm qua đã chia sẻ những câu chuyện đáng buồn về thực tiễn tuyển dụng và điều kiện làm việc (tất cả được đổi tên và tên của các công ty họ làm việc cũng được ẩn danh để bảo vệ họ). Đây là câu chuyện của các cá nhân, nhưng cũng là câu chuyện rộng hơn về tệ nạn bóc lột có hệ thống hàng ngàn người tìm việc Việt Nam của các nhà tuyển dụng lao động xuất khẩu. Mỗi người được phỏng vấn cho biết họ đều phải trả phí cắt cổ để có việc làm.
Không ai trong số họ được hoàn lại phí tuyển dụng. Nhiều người phải vay số tiền lớn để được xuất khẩu lao động, bị tịch thu hộ chiếu để khỏi bỏ trốn, bị lệnh giới nghiêm nghiêm ngặt ở Đài Loan vào mùa Covid, hoặc phải… săn thỏ trong các khu rừng gần đó để có thêm thức ăn tại Cộng hoà Serbia. Nhiều người bị cưỡng bức lao động nghiêm trọng theo định nghĩa của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thuộc Liên Hợp Quốc – như được thuật trong bài điều tra của The Diplomat.

Nạn nhân của bọn cá mập
M, 21 tuổi, đã thế chấp đất đai cha mẹ để có tiền đóng cho nhà tuyển dụng. M tạm biệt cha mẹ và anh chị em ở vùng quê Nghệ An, một trong những cái nôi lao động xuất khẩu. Các khu công nghiệp rộng lớn ở Đào Viên (Taoyuan), đô thị giáp thủ đô Đài Bắc của Đài Loan, là sự tương phản hoàn toàn với thời thơ ấu của M trên những cánh đồng lúa ngoại thành Hà Nội. Đáp xuống sân bay, M được đưa ngay đến khu ký túc xá công nhân.
Sau khi “tham quan” chiếu lệ nhiều nhà máy lớn nhỏ khác nhau; hai ngày sau, M được sắp xếp làm ca 12 giờ. “Mọi thứ diễn ra quá nhanh, không có thời gian nghỉ ngơi nên tôi hoàn toàn kiệt sức và cảm thấy rất cô đơn, dù có hàng trăm người đồng hương trong ký túc xá” – M nhớ lại. Nhiều người cũng rơi vào trường hợp như anh, trong đó có Tuấn. Tuấn đến Đài Loan vào cuối năm 2019 để làm việc cho nhà máy A, chuyên cung cấp hàng triệu kg hạt nhựa thô và polyeste cho các công ty đa quốc gia như Continental, Dupont, DSM, Niagara Bottling (nhà cung cấp nước đóng chai cho Walmart, Costco) và hàng chục nhà bán lẻ khác.
Như M, Tuấn chưa lập gia đình và đến Đài Loan cũng với giấc mơ đổi đời và giúp đỡ gia đình ở quê nhà. Nhưng phải gần hai năm sau anh mới có thể gửi tiền về nhà để trả khoản vay $7,700 gồm $6,500 phí tuyển dụng và các chi phí khác. Tất cả đều trả trước nên phải đi vay lãi cao hoặc thế chấp đất đai. Hết hợp đồng, về nước, muốn gia hạn thêm ba năm nữa phải trả khoản tiền tương tự.
Nói về hợp đồng, Tuấn không nhận được một bản sao nào từ nhà tuyển dụng. Một đồng nghiệp của Tuấn cho biết nhà tuyển dụng ở Việt Nam yêu cầu anh không đọc hợp đồng mà chỉ ký vào đó và ký vào một mảnh giấy trắng kèm theo. Không biết lý do nhưng anh không dám hỏi. Hệ quả của màn mờ ám này là Tuấn không chỉ trả cho nhà tuyển dụng trong nước mà còn bị trừ 6-7% lương cơ bản hàng tháng cho công ty môi giới hợp pháp ở Đài Loan (trừ trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của anh). Ngoài ra còn 10% phí cho ký túc xá và tiền ăn. Tuấn và các đồng nghiệp sẽ bị phạt tiền nếu vi phạm nội quy ký túc xá hoặc nhà máy, khiến thu nhập càng giảm.
Bây giờ thử xem tiếp trường hợp của Hiền và những công nhân trẻ khác từ nhà máy B chuyên cung cấp linh kiện điện tử cho các nhà sản xuất như Bosch, Continental, Hella, Visteon và Magna. Ngoài việc vay để trả phí tuyển dụng $4,200-$6,500, Hiền cho biết còn phải trả thêm $1,000 tiền “bảo đảm” cho các nhà tuyển dụng ở quê nhà (số tiền này sẽ bị mất nếu họ không hoàn thành thời hạn hợp đồng). Một số than thở phải mất tới một năm rưỡi mới trả hết các khoản vay tại quê nhà. “Làm thêm giờ sẽ giúp trả nợ nhanh hơn” – Hiền nói.
Thịnh, một cựu ngư dân, phải mất hai năm mới trả hết khoản vay $6,000 đóng cho nhà tuyển dụng để sang làm việc cho một nhà máy ốc vít của Đài Loan (nhưng lại bị đẩy sang làm việc tại nhà máy đồ nội thất!). Lý do trả nợ lâu vì anh hiếm khi có hơn 50 giờ công một tuần. Nếu làm thêm giờ là con đường tắt để sớm trả hết nợ thì tai nạn lao động sẽ phá huỷ tất cả, như trường hợp của Đạt. Đạt vay và đóng $6,000 cho nhà tuyển dụng để sang Đài Loan làm việc tại một nhà máy sản xuất máy công cụ, nhưng khoản nợ tăng lên khi anh nhập viện do tai nạn tại nơi làm việc chỉ vài tháng sau khi đến. Phần lớn viện phí và thuốc men tự lo. Mất thị lực một bên mắt và bị mất việc, anh phải tìm việc làm bất hợp pháp trong ngành xây dựng. “Nếu gặp tai nạn như tôi, bạn sẽ bị sa thải và có nguy cơ bị trục xuất. Tốt hơn là bỏ trốn và trở thành người không có giấy tờ để có thể kiếm tiền trả nợ” – Đạt nói.
Theo thống kê của Bộ Lao động Đài Loan, lao động Việt chiếm gần một nửa số lao động nhập cư tại các khu công nghiệp. Kể từ giữa năm 2021 khi Đài Loan có đợt nhiễm COVID-19 đầu tiên, nước này đã áp dụng chính sách giới nghiêm chặt chẽ đối với lao động nước ngoài tại nơi làm việc. Những sai sót trong dây chuyền sản xuất cũng bị phạt. Công nhân Việt Nam tại nhà máy A bị phạt vì vi phạm nội qui ký túc xá: Thức quá khuya, ồn ào, hút thuốc, uống rượu. Đánh nhau có thể bị trục xuất. “Lần đầu tiên bị người giám sát ký túc xá phát hiện cư xử không đúng mực, bạn sẽ bị phạt 500 Đài tệ, lần sau là 1,000 và lần thứ ba là 1,500” – Tuấn nói.

Những con đỉa hút máu người lao động
Những kẻ kiểm soát công việc tuyển dụng kiếm được bao nhiêu tiền? Nếu 90% trong 150,000 người Việt Nam phải bỏ ra trung bình $6,500 để được làm việc ở Đài Loan và Nhật Bản, tổng cộng sẽ là $880 triệu hoặc 420,000 năm lương tối thiểu! Tất cả đều hợp pháp và… không hợp pháp! Các nhà tuyển dụng Việt Nam được pháp luật cho phép thu tối đa ba tháng tiền lương theo hợp đồng khi người lao động tìm được việc ở nước ngoài. Cũng hợp pháp khi họ thay mặt các công ty môi giới nước ngoài lấy thêm hai tháng lương!
Tính chung, mỗi lao động xuất khẩu bị các nhà tuyển dụng Việt Nam và Đài Loan móc túi $4,000 trở lên (chưa kể chi phí đi lại, xin visa, đào tạo, kiểm tra y tế). Các chuyên gia và những người trong cuộc cho rằng nguyên nhân dẫn đến chi phí trả trước quá cao là do nhà nước tham nhũng, cùng những thỏa thuận chia sẻ lợi nhuận với các môi giới nước ngoài. Luật mới của Việt Nam có hiệu lực vào Tháng Một 2022 cấm các công ty môi giới nước ngoài thu phí người lao động. Nó cũng cấm các cơ quan công quyền thu phí dịch vụ của người lao động. Tuy nhiên, các nhà tuyển dụng tư nhân vẫn được phép thu từ một đến vài năm lương tối thiểu.
Thực tế là trong nhiều năm qua, truyền thông Việt Nam đã liên tục kể những câu chuyện về việc đồng hương bị bóc lột, về những nhà tuyển dụng vô trách nhiệm và bộ máy chính quyền chệch choạc nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề. Không chỉ truyền thông Việt Nam mà các chính phủ nước ngoài, tổ chức tư vấn cũng thường xuyên đề cập những bất cập trong thị trường kinh doanh nguồn lao động Việt Nam.