“Baby in the box” là tấm ảnh được nhiếp ảnh gia Chick Harrity chụp vào năm 1973. Đó là hình ảnh 2 đứa bé ăn xin ốm yếu đang nằm cạnh nhau giữa hè đường, khiến hàng ngàn người đau xót thương cảm. Sau khi tấm ảnh được công bố, không ngờ lại khiến cuộc đời của đứa trẻ hoàn toàn thay đổi.
Khoảng tháng 2 năm 1973, Chick Harrity một nhiếp ảnh gia làm việc cho Association Press (AP), được lệnh đến Dinh Độc Lập để chụp hình cho buổi họp báo của Tổng thống Thiệu vào buổi sáng.
Sau khi hoàn tất nhiệm vụ của mình, ông dạo vòng quanh văn phòng của AP nằm trên đường Nguyễn Huệ và Lê Lợi… gần đó có nhiều nhà hàng, cửa tiệm mọc lên. Đi một đoạn đến gần khách sạn Continental, Harrity phát hiện nơi này có rất nhiều trẻ con xin ăn và mồ côi đang ngồi ở đó.
Và rồi hình ảnh của hai đứa bé xuất hiện, khiến ông cảm thấy vô cùng chấn động. Một bé trai đang nằm co quắp dưới sàn đất bẩn thỉu, kế bên là một bé gái đang ngủ trong chiếc hộp giấy. Đôi bàn tay nhỏ xíu của em bé thò ra ngoài nắm lấy tay anh trai, cạnh bên hai đứa trẻ là cái bát dùng để ăn xin.
Harrity vội vàng lấy chiếc máy ảnh của mình ra, và chụp ngay khoảnh khắc đó lại. Chừng 6 đến 8 tấm gì đó, rồi ông vội vã rời đi cho kịp chuyến công tác ở Đà Nẵng.
Bức ảnh được đặt tên là “Baby in the box” (Em bé trong chiếc hộp), sau đó đã được AP công bố và trở thành “tin nóng hổi” cho các báo chí và đài truyền hình ở Mỹ, đặc biệt là ở New York.
Tấm ảnh vào thời điểm đó, thật sự là một chấn động đối với rất nhiều người. Họ đã liên tục tìm cách liên lạc với văn phòng AP, để hỏi xem có cách nào nhận 2 em bé trong ảnh làm con nuôi.
Chick Harrity sau đó đã nhờ các nhân viên người Việt ở văn phòng AP tại Sài Gòn, tìm cách liên lạc với gia đình hai em bé. Và họ đã cầm tấm ảnh tới vỉa hè gần đó, hỏi thăm những người sống xung quanh khu vực, và cuối cùng đã có được địa chỉ.
Ông nhanh chóng tìm đến nhà của hai đứa trẻ, thì gặp mẹ của chúng, người phụ nữ cho biết, nhà mình rất nghèo, chồng đang đi lính, lương không đủ nuôi 7 miệng ăn, nên đành để con ra đường ăn xin, và đứa bé trong chiếc hộp chính là con út, tên là Trần Thị Hết.
Harrity nghe vậy, liền thuật lại với bà mẹ rằng, bên Mỹ có rất nhiều gia đình muốn nhận 2 em bé trong hình làm con nuôi. Tuy nhiên, người phụ nữ lập tức từ chối, bà cho rằng, dù có nghèo cũng quyết để tất cả con bên mình và không để chúng đi đâu cả.
Nhưng điều người mẹ không mong đã xảy đến, bé Hết mắc bệnh tim bẩm sinh rất nặng cần được điều trị, nhưng hoàn cảnh gia đình quá nghèo, bà mẹ không thể lo cho con, nên đến tìm các soeur ở một tổ chức từ thiện Thiên Chúa giáo nhờ sự giúp đỡ. Một năm sau, tổ chức từ thiện quyết định đưa Hết sang Mỹ để điều trị, và từ đó hai mẹ buộc phải xa cách nhau.
Sau đó, các soeur có quay lại Việt Nam tìm kiếm mẹ và các anh em cho Hết, nhưng những người sống quanh khu vực cho biết, gia đình họ đã chuyển ra Đà Nẵng. Một thời gian, thì người mẹ đã qua đời do bệnh lao phổi, sau đó thì không ai còn biết tung tích của gia đình này đâu nữa…
Năm 1974, một lần nữa Hết được nhiều người tìm đến, khi thông tin về nhân vật chính trong tấm ảnh “Baby in the box” đang điều trị bệnh tim ở Mỹ. Có đến hơn 2.000 người hảo tâm muốn nhận bé làm con nuôi.
Và bà Evelyn Heil, sống ở thành phố Springfield (tiểu bang Ohio), chính là người đã vượt qua hàng ngàn người đó, để nhận Hết. Bà cho biết, có thể do bản thân mình là một người am hiểu về dinh dưỡng, có thể nuôi dưỡng bé được tốt, nên họ đã chọn bà.
“Ngày hôm ấy, sau khi tôi đưa cả 3 con trai đi học như thường lệ, xong xuôi tôi gọi điện thoại cho nhà thương để tiếp tục thăm dò xem tôi có lọt vào danh sách ưu tiên không, thì bất ngờ được báo mình là người đứng đầu. Tôi đã không thể tin nổi, một điều kỳ diệu đã xảy ra.
Bạn biết đó, việc Mỹ thất bại khi bảo vệ Sài Gòn, sẽ khiến con bé có thể trở thành trẻ mồ côi tị nạn. Điều này giúp cho việc xin bé làm con nuôi dễ dàng hơn. Và ngày 10/10/1974, bé chính thức trở thành con nuôi của tôi. Gia đình tôi đã đưa bé về nhà, và sống cùng tôi và 4 đứa con trai của tôi. Bé nghiễm nhiên trở thành cô công chúa nhỏ trong gia đình của chúng tôi”, bà Evelyn kể lại.
Khi được hỏi, vì sao bà muốn nhận Hết làm con nuôi đến vậy, thì bà cho hay, bản thân đã yêu mến bé ngay từ lần nhìn đầu tiên trong tấm ảnh:
“Khi tôi nhìn thấy bức hình của con bé trên tờ báo ở Houston, Texas, tôi lập tức bị thu hút. Năm 1974, lúc bấy giờ, bé được đem từ Sài Gòn sang Mỹ, và được bác sĩ Denton Cooley chữa bệnh tim cho.
Khi tôi nhìn thấy khuôn mặt của bé và bức hình ‘Baby In The Box’ đăng trên trang báo, tôi lập tức tìm cách đến ngay bệnh viện để được ôm con bé vào lòng, trông bé thật sự rất tội nghiệp, nét mặt nó đầy vẻ sợ hãi”.
Từ một đứa trẻ trong tình trạng sắp chết
Bà Evelyn kể lại rằng, thời gian đưa bé Hết về cùng gia đình, sức khỏe của bé vô cùng yếu ớt, thậm chí là không thể nói được và tưởng chừng sẽ ra đi bất cứ lúc nào. Người con trai lớn của bà, đã đặt tên cho đứa em mới nhận của mình là Nhanny. Và từ đó, mọi người đều gọi Hết là Nhanny Heil.
Cân nặng của Nhanny khi này chỉ có 12 pounds (5kg) trong khi Nhanny đã 3 tuổi. Bé còn bị bệnh về tai, nên ảnh hưởng đến việc nghe và nói, kèm theo nhiều bệnh tật khác trên cơ thể. Bà Evelyn vô cùng lo lắng, và cố gắng hết sức để chăm sóc cho Nhanny, nhưng cô bé vẫn phát triển chậm hơn những đứa trẻ bình thường khác.
Thế nhưng bà vẫn không bỏ cuộc, ngoài thời gian đi dạy học của mình, bà còn phải vất vả nuôi 4 người con trai, và nhất là phải dành thêm thời gian cho Nhanny. Bởi sức khỏe và bệnh tật của cô bé không thể nào đến trường bình thường như các trẻ em khác.
Sau đó, để hỗ trợ cho con gái, bà đã lập ra trung tâm Warren Center of Learning, tạm dịch Trung Tâm Học Tập Warren, để Nhanny có cơ hội được học hành tại đây. Năm 1983, để có thêm tài chính cho trung tâm, bà nhờ các cơ quan truyền thông hỗ trợ kêu gọi quyên góp tiền.
Sau nghĩa cử cao đẹp của bà Evelyn Heil, tại Mỹ ngày càng rộ lên một làn sóng xin nhận nuôi các trẻ em mồ côi Việt Nam, nhất là vào thời điểm trước biến cố tháng 4 năm 1975.
Cuộc hội ngộ đầy bất ngờ
Trở lại với nhiếp ảnh gia Chick Harrity, chủ nhân của tấm ảnh “Baby in the box” nổi tiếng. Sau nhiều năm kể từ ngày công bố tấm ảnh, ông đã luôn nghĩ về đứa trẻ ấy và tự hỏi, liệu đứa trẻ bây giờ ra sao.
Lúc bấy giờ, ông đã không còn làm việc cho Association Press nữa, mà trở thành phóng viên của tòa Nhà Trắng. Vào một hôm tình cờ, một người bạn từng làm việc với Harrity trong AP Sài gòn, đã gọi điện báo rằng, cô bé trong chiếc hộp giấy mà ông từng chụp năm xưa sẽ có mặt tại tòa Nhà Trắng để gặp tổng thống Reagan, và mọi người sẽ sắp xếp cho ông có thể gặp lại cô bé đó.
Có thể nói, hôm ấy là buổi đầu tiên mà ông được gặp lại cô bé năm ấy, khi đó Hết đã 12 tuổi, nhưng trông khá nhỏ bé so với độ tuổi 12 của mình.
“Tôi đã trao cho cô bé bức hình tôi chụp năm xưa, nhưng cô bé đã làm mọi người và tôi rất ngạc nhiên. Bé đã từ chối nhận và tỏ ra rất giận dữ…Tôi không hiểu vì sao lại như thế… rồi thời gian trôi qua, trong lòng tôi cứ tự hỏi về điều này…”, Harrity nhớ lại.
32 năm trôi qua, Chick Harrity với thành tựu là 16 năm làm trong AP, 10 năm làm trưởng Phòng Nhiếp Ảnh của U.S. News và World Report, 33 năm chụp hình cho tòa Nhà Trắng. Ông đã ghi lại hình ảnh của rất nhiều đời tổng thống, và rất nhiều những tấm ảnh của ông từng chụp đã đi vào lịch sử. Ông được vinh dự nhận giải thưởng “Thành Tựu Một Đời”.
Tại buổi trao giải, ông chia sẻ rằng, trong suốt 50 năm qua, bất kể ông đã ghi lại bao nhiêu tấm ảnh giá trị đi nữa, nhưng tấm ảnh mà ông thích nhất vẫn là “Baby In The Box”.
Chính vì thế, trong buổi trao giải, ban tổ chức đã sắp xếp cho ông một cuộc hội ngộ đầy cảm động. Người dẫn chương trình đã không hề thông báo trước, và bất ngờ đọc tên Nhanny Heil, cô bé trong bức hình năm xưa đến trao giải cho Harrity.
“Tôi vô cùng bàng hoàng và xúc động…nước mắt dàn dụa trên mặt tôi… Cuộc hội ngộ diễn ra vô cùng bất ngờ…
Sự kiện Trần thị Hết Nhanny trao giải cho tôi, làm cho tôi càng tin tưởng rằng: Đây là bằng chứng mà bức hình của tôi đã làm thay đổi một cuộc đời, và hy vọng rằng, sẽ có những trường hợp khác tương tự như thế… “
Nhanny Heil cũng rất xúc động khi chia sẻ về những gì đã xảy ra với mình. Hiện cô đang định cư tại thành phố Springfield, bang Ohio, và đã có chồng cùng 2 con. Mặc dù không biết nói tiếng Việt, nhưng cô không quên nguồn gốc nơi mình sinh ra, cũng như cảm kích người đã giúp mình thay đổi cuộc đời là Chick Harrity, và người mẹ nuôi là bà Evelyn Warren Heil. Tuy nhiên, bà đã qua đời vào ngày 21/8/2008, thọ 78 tuổi.
“Tôi nghĩ tôi là người may mắn nhất. Tôi đã rất may mắn gặp được mẹ nuôi, người đã cho tôi một cuộc đời mới. Tôi biết rằng tôi còn có cha và các anh trai của mình, và nhiều khi tôi tự hỏi không biết giờ này họ ra sao? Tôi không biết làm cách nào để tìm ra họ. Tôi thật không biết làm sao”.