Khung cảnh đặc trưng tưởng như chỉ có ở miệt vườn Nam bộ lại xuất hiện ngay tại Hawaii, tiểu bang nổi tiếng của nước Mỹ nằm giữa Thái Bình Dương.
Những rặng cau thẳng tắp, giàn trầu không mơn mởn, những trái mít, mãng cầu xiêm thơm nức, vạt ngò, lá lốt xanh mướt, con đường đất trộn chút đá dăm chống trơn ngày mưa…Khung cảnh đặc trưng tưởng như chỉ có ở miệt vườn Nam bộ ít ai ngờ lại xuất hiện ngay tại Hawaii, tiểu bang nổi tiếng của nước Mỹ nằm giữa Thái Bình Dương.
Những tia nắng đầu tiên trong ngày ló rạng, trong khu trang trại rộng chừng 1 ha tĩnh lặng và yên bình, một người đàn ông vâm chắc, nước da cháy nắng, cặm cụi hái từng lá trầu không đang vào vụ. Cứ ngắt xong mỗi lá, anh lại cẩn thận, tỉ mẩn, xếp chồng lên nhau thành một vạt dài để trầu khỏi bị dập nát.
Trầu hái xong sẽ được chuyển vào đất liền bán cho bà con người Việt và một số cộng đồng người gốc Á khác. Anh đang cố thu hoạch hết giàn trầu trong buổi sáng để còn đi hái rau rồi trảy trái cây, kịp đóng thùng chiều giao hàng. Trang trại nằm ngay dưới chân một ngọn núi thuộc Oahu, hòn đảo đông dân nhất Hawaii, chẳng khác một chợ nông sản thu nhỏ ở Việt Nam.
“Việt Nam mình có gì thì ở đây có nấy. Lá lốt, lá trầu, ngò gai, rau răm, rau ngót, húng…Cây ăn trái thì có nhãn, xoài, vú sữa, hồng xiêm, mít…”, ngừng tay hái trầu, anh Lâm Hạnh, chủ trang trại tự hào giới thiệu về gia sản mà anh đã tạo dựng từ hai bàn tay trắng.
Cách đây 20 năm, người nông dân gốc Nam bộ này chưa từng nghĩ sẽ có ngày sang định cư tại Mỹ chứ chưa nói tới chuyện lập trang trại ở bên này. Thế nhưng mọi việc lại đến với anh hoàn toàn bất ngờ và đơn giản.
Anh Lâm Hạnh nhớ lại: “Hồi đó thì mình làm ruộng, làm thuê tại miền Tây, mùa nông nhàn thì đi bán kem dạo kiếm thêm, có biết nước Mỹ thế nào đâu. Vợ mình người gốc Campuchia, rồi thế nào được bà con bảo lãnh sang Mỹ. Thế là cả nhà khăn gói sang Hawaii”.
Những ngày đầu tiên trên đất Mỹ, cuộc sống của gia đình anh Hạnh cực kỳ vất vả. Tiếng Anh không biết, nghề nghiệp cũng không, hai vợ chồng bươn chải ngược xuôi, ai thuê gì làm nấy, rồi buôn bán thêm đồ lặt vặt kiếm sống, nuôi con.
Được một thời gian, tích cóp được chút tiền, anh Hạnh thuê lại mảnh đất bỏ không của một người Mỹ da trắng đang làm việc trong đất liền. Cũng may, người chủ đất khá giàu có nên giá thuê cũng rẻ mà thời hạn thuê cũng dài.
Ban đầu, vợ chồng anh Hạnh chỉ trồng rau bán cho cộng đồng người gốc Á tại Hawaii vì rau dễ trồng lại cho thu hoạch nhanh. Sau này, thấy còn nhiều đất trống, bỏ không cũng phí nên anh bắt đầu nghĩ đến chuyện trồng cây ăn quả, bắt đầu là chuối, rồi vú sữa, mít…
Anh Hạnh cho biết: “Giống cây thì chủ yếu mua từ Việt Nam, cả Mỹ cũng có. Được cái Haiwaii đất đai màu mỡ vì là khu vực nhiều núi lửa, khí hậu ôn hòa, nhiệt độ quanh năm chỉ dao động trong khoảng 20 đến 33 độ C, lại ít mưa bão nên việc trồng trọt khá thuận lợi. Nếu ở Việt Nam cây phải trồng mất 5 năm thì ở đây chỉ cần 3 năm đã cho thu hoạch”.
Vừa hái xong chỗ trầu không thì mặt trời cũng bắt đầu đứng bóng. Không kịp ăn trưa, anh Hạnh vội vã chạy xe sang vườn lá lốt cách đó hơn cây số để thu hoạch cho kịp giờ. Vừa rẽ những vạt lá bóng láng, mỡ màng, anh Hạnh vừa giải thích về cách trồng loại rau rất được người châu Á tại Mỹ ưa thích.
Anh Hạnh chia sẻ, trồng lá lốt chỉ cần gieo giống một lần, sau mỗi đợt thu hoạch khoảng 1 tháng, cây sẽ lại tự trổ lá. Chính vì vậy, thời điểm trồng lá lốt thường được xen kẽ nhau để có thể thu hoạch theo hình thức “cuốn chiếu”.
Cắt xong một luống lá lốt đủ đơn đặt hàng, anh Hạnh lại tất tả đeo khẩu trang, chuẩn bị phun thuốc trừ sâu cho vạt ngò gai sát đó. Anh Hạnh bảo thuốc bảo vệ thực vật không thể không dùng vì ở đâu ít nhiều cũng đều có sâu bệnh, nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về an toàn thực phẩm.“Ở Mỹ người ta quy định ngặt nghèo, kiểm tra thường xuyên, sểnh ra là mất nghiệp ngay, còn đi tù nữa. Thuốc ở bên Mỹ rất nhẹ, mùi thơm. Hiệu quả lắm, lại an toàn nữa”, anh Hạnh cho biết.
Thấm thoát đã 16 năm, từ chỗ chỉ bán loanh quanh trong Hawaii, bây giờ mỗi tuần anh Hạnh xuất sang đất liền hàng chục thùng rau quả, thu cả nghìn USD. Rau bán theo kg, chủ yếu là răm, ngổ, lá lốt, ngò, lá thơm nấu cơm…, giá dao động từ 4 USD đến 6 USD tùy từng loại và thời vụ.
Anh Hạnh cho hay trong các loại quả thì mãng cầu xiêm đang bán chạy nhất: “Quả này ngày xưa đầy vườn, đi đâu đụng đó, nhưng bây giờ tiêu thụ mạnh lắm. Bác sỹ nói quả này có chất gì đó có thể ngăn ngừa ung thư nên người ta mua nhiều”.
Chất xong mấy sọt mãng cầu lên xe, anh Hạnh vội vã quay trở lại chiếc lán giữa vườn để bắt đầu đóng hàng. Trong chiếc lán lợp mái lá lỉnh kỉnh thùng chậu, xong nồi, băng dính, thực phẩm, toàn đồ Việt Nam. Anh Hạnh nói rằng ở bên này hai chục năm nhưng vẫn không ăn được đồ tây, chỉ thèm đồ Việt nên buổi trưa hai vợ chồng vẫn nhờ mẹ và cháu gái tranh thủ nấu cơm ăn tại lán luôn.
Chỉ sau khoảng nửa tiếng, hơn chục thùng các-tông rau quả in hàng chữ “Product of Hawaii” (Sản phẩm của Haiwaii) đã được anh Hạnh đóng ngay ngắn, xếp lên xe chờ chuyển cho đại lý thu gom. Anh nói ở đâu cũng vậy, việc nhà nông lúc nào cũng vất vả, đầu tắt mặt tối, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, thu nhập thì cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống.
Nhưng khi được hỏi có muốn đổi công việc này lấy một công việc văn phòng nhẹ nhàng hơn, thu nhập cao hơn thì anh lắc đầu quầy quậy.
Anh Hạnh chia sẻ:“Mình thích ở ngoài trời, thích gió, thích mưa, hưởng không khí thiên nhiên. Làm cho công ty, hãng xưởng thấy bí bức, bó buộc lắm, giờ giấc bị lệ thuộc, lại không được ở ngoài trời nữa. Mình quen sống ngoài trời, sống trong thiên nhiên như ở Việt Nam rồi nên làm vườn thấy thoải mái hơn”.
Anh Hạnh cười lớn, tiếng cười đầy hào sảng của người miền Tây, rồi lên xe nổ máy. Đã đến lúc anh đi giao hàng rồi tiện thể đón mấy đứa nhỏ đi học về. Trời cũng vừa tắt nắng./.