Hiện đại là… hại điện!

Thời buổi công nghệ tiến triển như hiện nay, lợi ích cũng có mà lợi hại cũng kèm theo y như combo không thể thiếu. Ai dùng facebook, yahoo đều biết lúc này chuyện kẻ gian (mà chúng ta gọi là hackers) xâm nhập tài khoản của chúng ta, rồi giả mạo là chủ nhân, liên lạc chỗ này chỗ kia trong friend list để xin xỏ, lừa lọc tiền bạc, rồi dính chùm nhau mắc lừa, hackers lại tung hoành đi phá hoại tiếp những người khác.
Cách đây vài tháng, bỗng dưng cô em quen biết bên Texas nhắn trên facebook messenger hai chữ gọn lỏn: “Hi chị”. Với nhiều kinh nghiệm được bạn bè chia sẻ trên facebook tôi thắc mắc ngay vì tôi với cô em này chưa bao giờ chuyện trò với nhau cả trên facebook lẫn ngoài đời. Cô em này, nói cho rõ ngọn ngành, là con dâu của một gia đình hàng xóm cũ của tôi từ bên Việt Nam, hiện nay họ định cư bên Texas. Có nhiều lần tôi qua đó thăm cả gia đình này, có cả dâu, rể và các cháu, nhìn nhau chào nhau mỉm cười, rồi sau đó “gặp” trên facebook thì kết “bạn” dây mơ rễ má, lâu lâu bấm like những tấm hình cho vui, vậy thôi. Do vậy, chẳng có lý do gì cô em này muốn nói chuyện riêng với tôi, nhưng dù sao tôi cũng muốn thử hacker, tôi đáp lại:
– Chào cưng! Có chuyện gì không cưng?
Nó đáp lại liền:
– Chị ơi, facebook của em bị trục trặc, không vào được, họ hỏi em có vài người thân quen vào link dưới đây xác nhận giùm em nha.
Thôi rồi, đích thị là kẻ gian, nhưng tôi chưa trả lời, bèn nhắn messenger chồng của cô em này:
– Em ơi, vợ của em mới nhắn chị mở link gì đó, phải không em?
– Không chị ơi! Facebook của vợ em bị hacked rồi, chị cẩn thận nhe.
Không còn gì để nghi ngờ nữa, tôi sẽ tìm cách … xử kẻ gian này. Thông thường, theo như một số người quen trên facebook kể lại, khi xác định là hacker, họ bắt đầu nói thẳng vào “mặt” nó, đại khái là: “Xưa rồi Diễm ơi, dẹp cái trò này nhé!” hoặc nặng nề hơn: “Ê, quởn quá không có việc làm, rồi đi lừa đảo kiếm cơm hả”, nhưng tôi không thể làm như vậy, tôi không nỡ mắng mỏ, lột chân tướng kẻ khác theo kiểu đó. Dù biết rằng đó là kẻ gian, mà sao tôi vẫn thấy… thương hại hơn là rủa xả nặng lời. Thế là tôi nhẹ nhàng lịch sự:
– Cưng ơi, lúc này hackers lộng hành quá, nên trước khi bấm vào link giúp cưng, chị muốn biết chắc đó là cưng, vậy ba má chồng của cưng tên gì?
Nó suy nghĩ một vài phút rồi nhắn tiếp:
– Chị không tin em thì chị gọi phone cho em đi!
Úi dào, nó dám kêu tôi phone cho nó nữa kìa, là sao? Tôi bắt đầu thấy sợ, nên chẳng thèm nhắn lại, coi như kết thúc, nhưng bỗng nhiên tiếng phone réo lên ầm ĩ, tôi giật mình, thì ra nó gọi. Tim tôi đập thình thịch, tay tôi run rẩy không dám đụng vào phone vì sợ lỡ tay mở ra nghe thì chắc tôi chết giấc, mồ hôi của tôi bắt đầu rơi lịch bịch, tôi chạy vào phòng, để mặc cái iphone ngoài bếp cho đến khi không còn tiếng reng.
Có ai như tôi không, kẻ gian phải sợ mình, còn tôi thì sợ kẻ gian? Buổi chiều tôi kể lại cho ông xã, anh ấy khuyên tôi:
– Ngay từ đầu em không nên trả lời là tốt nhất, lần sau chừa nhé.
Con gái tôi đoán già đoán non:
– Nếu mẹ nghe phone, có thể nó sẽ lấy hết info của mẹ từ cuộc nói phone? Nhưng ít nhất nó cũng có được giọng nói của mẹ, sau đó đi lừa tiếp những người khác trong friend list của mẹ, vì bây giờ AI (artificial intelligence) giả giọng người y chang luôn đó!
Thôi cũng là rút kinh nghiệm, tôi tự nhủ lòng từ nay sẽ cẩn thận hơn, thì chiều hôm qua chị Nga hàng xóm cũ đang ở Việt Nam nhắn messenger cho tôi:
– Em ơi, em cho chị 200 đô qua số tài khoản xxxx nhe, chị cần gấp lắm!
Chị Nga là hộ nghèo quanh năm từ khi tôi còn ở Việt Nam, chồng chị cờ bạc say sưa rượu chè, nay chồng chị đã qua đời, chị vẫn tiếp tục khổ vì con vì cháu. Thỉnh thoảng vào dịp cuối năm, mấy anh chị em tôi gom tiền gửi về giúp vài hàng xóm khó khăn trong đó có chị Nga, và đây là lần đầu tiên chị nhắn cho riêng tôi.
Tôi nhanh nhẩu:
– Có chuyện gì vậy chị?
– Con gái chị vào bệnh viện cấp cứu! Em ơi, cứu con gái chị với!
– Ok chị, vì em đang ở chỗ làm, chút về em sẽ nhắn bạn em chuyển cho chị liền.
Trả lời xong, tôi bừng tỉnh, nhớ ra bài học “ai kêu bấm link hoặc chuyển tiền thì phải cẩn thận”, nên vội vã nhắn lại chị hàng xóm:
– À chị Nga ơi, em nói điều này chị thông cảm, vì lúc này có nhiều trường hợp lừa đảo qua Facebook nên em xin chị vui lòng trả lời câu hỏi để em biết chắc là chị, em mới dám gửi tiền: chị cho em biết tên của 7 người em trong gia đình chị nha?
Hiểu được ý tôi, chị ấy nhắn lại thiệt dài, không những kể đầy đủ tên 7 người em chị ấy, mà còn… bonus thêm, liệt kê tên 8 anh chị em của gia đình tôi, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ, và tên ba má tôi, vượt yêu cầu quá xá!
Tôi nhìn đồng hồ, giờ này bên Việt Nam 4 giờ sáng, con gái chị Nga trong phòng cấp cứu, nếu không có tiền sớm chắc sẽ khốn khổ với hệ thống “hành là chính” của các bệnh viện, tôi bèn nôn nóng lấy phone ra nhắn messenger cho Đào, bạn tôi. Vợ chồng nó có đứa con du học bên Toronto, Canada, khi tôi cần chuyển tiền giúp ai đó, thì nhờ nó chuyển bên đó, còn bên đây tôi etransfer cho con nó, tiện lợi và mau lẹ. Nhà nó là lò làm bánh phở, từ khuya công nhân đã đến để nhập gạo vào kho, rồi các máy bánh phở bắt đầu hoạt động để kịp sáng sớm giao hàng nên Đào thức dậy rất sớm. Vì còn trong chỗ làm nên tôi nhắn vội cho nó:
– Đào ơi, chuyển ngay 200 đô vào số tài khoản xxxx nhe, chút nữa mình sẽ nói rõ hơn.
Gửi tin nhắn xong, tôi mỉm cười, trở lại làm việc, lòng vui vui vì đã giúp được chị hàng xóm cũ trong lúc ngặt nghèo. Mười phút sau, tôi check messenger, chưa thấy Đào trả lời, dù có dấu hiệu nó đã thấy tin nhắn. Sao kỳ vậy cà, bình thường nó rất mau lẹ vì tôi với nó là bạn thân cùng lớp từ cấp hai lên cấp ba, hễ tôi nhắn tin thì nó bắt đầu lạch cạch “typing” hầu như ngay lập tức, mà lần này, nó đã đọc xong mà vẫn im lặng.
Tôi chợt có ý nghĩ, hay là nó cũng đang nghi ngờ tôi là hacker “xin tiền”? Tôi đọc lại tin nhắn của tôi và hiểu ngay lý do của sự im lặng: tôi và nó luôn gọi nhau là “nhỏ” và xưng “tớ”, luôn mở đầu bằng câu “nhỏ ơi”, tự dưng bữa nay trong lúc gấp gáp, tôi lại rất nghiêm chỉnh, gọi tên nó rồi xưng là “mình”, hỏi sao nó không nghi?
Đúng lúc ấy, hiện lên tin nhắn của Đào, cũng… nghiêm chỉnh không kém:
– Bạn ơi, lúc này hackers nhiều lắm, mình bị mấy vố rồi, nên xin được hỏi bạn một câu để làm tin nhé, bạn trả lời xem,thầy chủ nhiệm lớp 12 chúng ta tên gì và vợ Thầy tên gì?
Haha! Tôi bật cười thành tiếng, trời ơi, tôi mới test chị Nga hàng xóm cũ, thì giờ đến lượt tôi bị nhỏ bạn thân test lại. Tôi xin phép supervisor đi nghỉ break, ra ngoài hành lang, thong thả nhắn Đào:
– Nhỏ ơi, hồi nãy tớ nhắn vội vì muốn chị hàng xóm nhận được tiền sớm, con chị ấy đang cấp cứu. Nghe nè nhỏ: thầy Phiệt chủ nhiệm 12A1, vợ thầy tên Lang (có g), “khuyến mãi” thêm nhe: hai đứa mình ngồi cùng bàn với Huệ, trên bàn mình là Thu với Bính, Trinh, và sau bàn mình là chàng Sơn chàng Lãm, vậy rõ chưa nhỏ?
Lần này thì nó mau chóng:
– Ok ok, hihihi… tớ sẽ chuyển khoản ngay bây giờ.
Vậy đó, tự bao giờ mà chúng ta, những bạn bè quen biết từ lâu, bỗng dưng nghi ngờ cảnh giác lẫn nhau? “Hiện đại là hại điện” đấy thôi, mọi sự phát triển luôn kèm theo những bất cập, những sơ hở hiểm nguy, mà ngày nay ChatGPT và AI đang bắt đầu mang đến cho nhân loại những lợi ích kèm theo… lợi hại nếu chúng ta không đề phòng.

 Kim Loan (Edmonton, tháng 8/2023)