“Biển như đứa trẻ đói, sau cái hồi liếm láp rìa bánh đất liền như dè sẻn, nâng niu, giờ thực sự ngoạm sâu, cắn miếng nào đáng miếng đó. Ai mà biết nước mặn vào sâu vậy…”.
Bà má ở quê gọi điện than rát ruột, kêu vườn cam mật bị nhiễm nước mặn đổ lá, không biết cầm cự nổi không. Gió chướng thì tháng chạp nào cũng thổi cong vòm trời, bạc đầu lau lách, chẳng biết có mạnh lên chút nào, nhưng nước mặn mỗi năm mỗi vào đất liền sâu hơn. Nhà bạn cách cửa sông gần bảy chục cây số, vậy mà nước mặn vẫn len lỏi chảy vô mương vườn. Chừng nghe thằng cháu nhỏ vỗ tay khen nước lấp lánh quá chừng, mới hay là lân tinh, thì cây trong vườn đã vàng lá. Quê bạn, người ta còn xử lý nước sông cho cả thành phố xài chung, hôm rồi nấu canh khỏi bỏ muối, vì nước đã mặn sẵn.
Ai mà biết nước mặn vào sâu vậy, má bạn rầu. Cái đẹp thường kèm với nỗi đau, có người từng nói vậy khi mô tả tình yêu. Nhưng đem ứng vào đâu cũng đúng. Một dải sông khuấy vào đâu cũng tung tóe ánh sao, vậy mà làm con người cùng cỏ cây khô héo. Sực nhớ tới một cái tin cũ trên đài, họ nói các chuyên gia Viện địa kỹ thuật Hoàng gia Na Uy dự báo nếu không có cách đối phó với biến đổi khí hậu, khai thác nước ngầm và phá rừng quá mức, năm mươi năm nữa xứ này sẽ chìm dưới mặt nước biển. Bữa đó ông già bên xóm phẩy tay, “có sao đâu, đất bồi thì ở, đất lở lại đi”. Mười năm trước, vẫn cái giọng lạc quan này, vẫn là ông già này bảo “nếu cứ cái đà phù sa bồi đắp, vài chục năm nữa đất liền của xứ mình có khi nối với Malaysia. Lúc đó nếu còn mạnh giỏi, tao sẽ ngồi xe đò qua bển chơi.”
Ông già không lạc quan một mình, hồi ấy chuyện đều xuôi chảy, ai cũng nghĩ cái bãi bồi đất Mũi xa xôi ấy rồi sẽ sớm thành chợ, thành làng. Đất lầm lì, không ngủ, mỗi năm ngang tàng lấn biển vài chục mét.
Nhưng hải lưu đổi dòng, phía nào đất cũng lở. So với cái ảnh mũi đất chụp từ vệ tinh của mười lăm năm trước và bây giờ, thấy giấc mơ con cháu mình cuối tuần lái xe qua Malaysia chơi tan tành mây khói. Biển như đứa trẻ đói, sau cái hồi liếm láp rìa bánh đất liền như dè sẻn, nâng niu, giờ thực sự ngoạm sâu, cắn miếng nào đáng miếng đó. Thơ văn xưa rày hay lạc quan (và có chút ngạo mạn nữa) tả xứ này đất cũng sinh sôi, hay mũi thuyền chẻ sóng ra khơi, hay ngón chân chưa khô bùn vạn dặm, giờ đọc lại sao thấy hơi nghi, cái tư thế của vùng đất, thấy giống như bỏ chạy, sau lưng là biển đang đuổi theo ráo riết, vừa rượt vừa liếm mép. Vẻ mặt biển vẫn lành hiền, như đang trong một trò trẻ nít. Như chỉ là giỡn thôi.
Trong nước biển đục ngầu, không còn phân biệt được phù sa nào biển mang tới, và hạt nào biển lấy đi. Rừng còn không giữ được chính nó, hơi sức đâu mà phụ người ta giữ đất đừng chìm. Mấy ông già bên xóm cũng nói, đất mà chìm xuống thì sắm chiếc ghe, nước tới đâu mình theo tới đó, hơi đâu lo.
Ở miền Tây này, ai mà không thấy chút bóng mình trong bài hát Thuyền viễn xứ “chiều nay gửi tới quê xưa, biết là bao thương nhớ cho vừa”, ai không thừa hưởng chút máu lang bạt của cha ông. Chẳng của người xứ Quảng xuôi Nam thì cũng từ người Minh Hương vượt biển, người Công giáo phía Bắc di cư. Cứ nhìn mấy cô dâu Việt ríu rít rủ nhau đi lấy chồng xa xứ, là thấy cái máu nổi trôi nó mạnh mẽ đến mức nào. Liều lĩnh, và có phần bất chấp. “Chiều nay trên bến muôn phương/có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường”.
Nguyễn Ngọc Tư