Phan Thanh Tâm
Nhà báo Lê Đình Điểu, trước khi qua đời, trong lúc nằm trên giường bệnh, viết bài điểm sách đăng trên Thế Kỷ 21 số tháng 04/1999: “Đọc Người Trung Hoa Xấu Xí của Bá Dương”, người VN nào cũng liên tưởng đến việc đây là chuyện của mình. Có lẽ chỉ thay cái tựa là Người Việt Nam Xấu Xí cuốn sách cũng vẫn có ý nghĩa. Phải chăng đó là lý do nhà thơ Nguyễn Hồi Thủ bỏ thì giờ, công sức ra dịch cuốn sách sang Việt Ngữ? Trả lời câu hỏi của nhà phê bình văn học Đặng Tiến, đăng trong Việt Mercury, dịch giả, tên thật là Nguyễn Khôi Minh, sinh năm 1945 tại Hà Bắc nói sự đời là thuốc đắng đả tật; có chướng tai cũng phải lên tiếng. Ông tâm sự: «không đọc quyển sách này có khi đở phải nghĩ ngơị lôi thôi; còn chẳng may đọc cò thể sẽ bị đau khổ nhiều hơn là thích thú».
Tác giả Bá Dương, là nhà báo, nhà văn, nhà thơ và là sử gia, sinh năm 1920, chạy sang Đài Loan năm 1949, ở tù 10 năm vì các bài viết bị xem là phạm thượng. Ra tù ông đi diễn thuyết về hiện tượng Người Trung Hoa Xấu Xí. Cuốn sách gồm những bài nói chuyện của ông và của những người tranh luận với ông. Có người cho rằng nếu không đọc được sách của Bá Dương là một sự thiệt thòi lớn. Sách hấp dẫn hơn chuyện chưởng của Kim Dung vì nó khiến thiên hạ phải đọc người rồi ngẫm đến ta. Thấy sao nó giống dữ vậy. Giống dễ sợ. Theo ông, văn hoá Trung Hoa đã biến thành một đầm nước chết, càng lâu càng thối, thành một vại tương rồi. Đăc tính rõ nhất của người Trung Hoa là dơ bẩn, hỗn loạn, ồn ào. Có nhiều nơi, nếu người Trung Hoa đến ở là những người khác dọn đi.
Bất kỳ ở chân trời góc biển nào hễ có người Trung Hoa là có cắn xé nhau. Mỗi người Trung Hoa đều là một con rồng, nói năng vanh vách, cứ như là ở bên trên chỉ cần thổi một cái là tắt được mặt trời, ở dưới thì tài trị quốc bình thiên hạ có dư. Nhưng nếu ba người Trung Hoa họp lại với nhau, ba con rồng này lại biến thành một con heo, một con giòi. Người Trung Hoa vĩnh viễn không đoàn kết được. Mỗi người lại còn có đầy đủ lý do để có thể viết một quyển sách nói tai sao họ lại không đoàn kết. Bất cứ xã hội người Hoa nào it nhất cũng phải có 365 phe phái tìm cách tiêu diệt lẫn nhau. Họ chưa biết tầm quan trọng của sự hợp tác; nhưng họ có thể viết ngay cho anh xem một quyển sách nói tại sao cần phải đoàn kết, hay ho đến Thượng Đế cũng có thể khóc được. Những thói xấu đó đã thâm căn cố đế. Cái loại triết học xâu xé nhau đó lại đẻ ra nơi chúng ta một hành vi đặc thù khác: chết cũng không chịu nhận lỗi. Họ thích nói khoác, nói suông, nói dối, nói láo, nói những lời độc địa. Hễ cứ có dính đến lập trường chính trị hay tranh quyền đoạt lợi là những lời nói độc địa sẽ được tuôn ra vô hạn định.
Người Trung Hoa sống tại Mỹ cũng vậy, nào cánh tả, cánh hưũ, trung lập, độc lập, thiên tả, trung, trung thiên hưũ, hưũ thiên trung vân vân và vân vân, chẳng biết đường nào mà mò. Người này đối với kẻ nọ đều mang mối cựu thù như nó giết bố mình. Thật không hiểu là thứ dân tộc gì? Đối xử với người Trung Hoa tệ hại nhất không phải là người nước ngoài, mà chính là ngươi Trung Hoa với nhau. Bán rẻ, hăm doạ người Trung Hoa lại không phải là người Mỹ mà là người Hoa. Người Tây Phương có thể đánh nhau vỡ đầu rồi vẫn lại bắt tay nhau, nhưng người Trung Hoa đã đánh nhau rồi thì cưù hận một đời, thậm chí có khi báo thù đến ba đơi cũng chưa hết. Sống trường kỳ trong cái hũ tương lâu ngày quá tự nhiên sinh ra thói cẩu thả. Một mặt tự đại khoe khoang, còn mặt khác tự ti, ích kỷ; không có can đảm dám khen người khác, chỉ có dũng khí dùng để đả kích kẻ khác; chửi bới sau lưng; yêu thì sợ chúng cười, ghét thì sợ chúng thù. Họ vĩnh viễn không thể nào so sánh được với người Do Thái, chỉ cần so sánh với người Nhật, ngươi Đại Hàn là cũng thấy bị thua tới cả trăm nghìn năm ánh sáng rồi.
Người Hoa sợ sệt đủ mọi thứ trên đờì. Cái não trạng hãi sợ này đã nuôi dưỡng bao nhiêu bạo chúa, làm tổ ấm cho bao nhiêu bạo quan. Vì vậy bạo chúa, bạo quan không bao giờ bị tiêu diệt, và đã biến dân tộc Trung Hoa thành một dân tộc hèn mọn. Sức tưởng tượng, óc suy xét, tư tưởng của giới trí thức bị bóp chết, xơ cứng. Trong 4000 năm, từ Khổng Tử trở đi, không còn có một nhà tư tưởng nào lớn nữa. Cái hũ tương văn hoá, cái hũ tương thối làm cho người Trung Hoa xấu xí, không thể dùng tư tưởng của mình giải quyết, phải bắt chước, phải dùng cái tư tưởng của kẻ khác; lớn lên trong tham ô, hỗn loạn, chiến tranh, giết chóc, bần cùng, cho nên chẳng bao giờ có cảm giác an toàn, lúc nào cũng hoảng hốt, lo âu. Trung Hoa diện tích rộng thế, lâu đời thế mà người Hoa lại có một tâm địa thật hẹp hòi, không muốn ai hơn mình. Phải chăng Thượng Đế đã phú cho chúng ta có một nội tâm xấu xa?
Trên đây là những đoạn trích các ý tưởng trong sách của nhà báo Bá Dương. Ai cũng biết, gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Hơn một ngàn năm bị đô hộ, lại sống sát nách một kẻ như thế, chẳng lẽ ta gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn? Họ sao ta vậy hay ta tệ hơn thì chẳng có gì lạ cả. Hơn nữa, mỗi dân tộc có mỗi bệnh trạng xã hội. Bệnh trạng của ta cộng thêm bệnh trạng của anh bạn láng giềng thì chắc phải hết thuốc chữa; hèn gì nước ta lúc nào cũng loay hoay như gà mắc đẻ, lệt bệt đi sau hửi đít thiên hạ. Nếu văn hoá Trung Hoa đã biến thành một cái hũ tương thối thì văn hoá ta là cái hũ gì? Hũ vàng hay là hũ mắm thối? Còn Người VN ra sao? Thử nhìn thoáng vào gương xem.
Mẫu người Việt Nam
Trong cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim có đoạn tả tính tình người VN trước năm 1930 như sau: Về đàng trí tuệ và tính tình, thì người VN có cả các tính tốt và các tính xấu. Đại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lấy sự nhân nghĩa, lễ, trí, tín làm năm đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy cũng có hay tính tinh vặt, cũng có khi quỷ quyệt, và hay bài bác chế nhạo. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ và muốn sự hoà bình nhưng mà đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỹ luật. Tâm điạ thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang, và ưa trang hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma, tin quỷ, sùng sự lễ bái nhưng mà vẫn không nhiệt tin tôn giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn. Đàn bà thì hay làm lụng và hay đảm đang, khéo chân, khéo tay, làm được đủ moi việc mà lại biết lấy việc gia đạo làm trọng, hết lòng chiều chồng, nuôi con,thường giữ được các đức tính rất quý là tiết, nghĩa, cần, kiệm.
Với mẫu người nói trên và nếu cho rằng, văn hoá là sinh hoạt, ta không hiểu văn hoá ta là văn hoá gì, lại có thể sinh ra một tay gian hùng nhưng rất thành công như Trần Thủ Độ. Việt Nam Sử Lược của học gỉả Trần Trọng Kim cho biết, vì cốt gây dựng cơ nghiệp cho nhà Trần, dù tàn bạo đến đâu Trần Thủ Độ cũng làm cho được. Ông đã chôn sống cả giòng họ Lý. Trước đó, Trần Thủ Độ nói với vua Lý Huệ Tông, tuy đã bỏ ngôi vua, xuất gia đi tu, môt câu để đời “nhổ cỏ thì phải nhổ cả rể cái”. Trong khi đó, Nguyễn Trãi, đại công thần của vua Lê Lợi, thảo ra Bình Ngô Đại Cáo, môt bản văn chương giá trị, và là tác gỉả câu đầy tình người ‘Thương người như thể thương thân’, trong tập Gia Huấn Ca, thì lại bị giết cả họ vì bị kết tội là dùng người thiếp đẹp và giỏi thơ, Nguyễn Thị Lộ, để mưu hại nhà vua.
Trong cuốn Từ Thực Dân Đến Cộng Sản, tác giả Hoàng văn Chí cho biết, vào những năm 1954 và 1956, khi Cộng Sản Việt Nam đem chiến thuật «Cải Cách Ruộng Đất» của Mao Trạch Đông, áp dụng tại Bắc Việt, mới thấy người mình sao lại có đầu óc nô lệ dữ vậy. Đúng như cụ Trần Trọng Kim phê bình: «Từ tư tưởng cho chí công việc làm, điều gì mình cũng lấy Tàu làm gương. Hễ ai bắt chước được Tàu là giỏi, không bắt chước được là dở». Mà theo Bá Dương, Trung Hoa hiện tại còn là một nước dã man nguyên thuỷ, thì việc Cộng Sản Việt Nam đưa ra phương châm: “thà sai hơn là bỏ sót” trong khi phát động chiến dịch long trời lở đất nói trên cũng là điều hiển nhiên thôi. Ở các nước văn minh thì khác. Nguyên tắc luật pháp của CSVN là: thà bắt lầm hơn tha lầm.
Mặt khác, trên sân khấu chình trị nước ta có một “diễn viên kỳ tài”, chữ của nhà văn Vũ Thư Hiên khi nói về Hồ Chí Minh, một người làm cách mạng chuyên nghiệp, được huấn luyện tại Nga, tên thật là Nguyễn Sinh Cung. Ông tiến, ông thoái, khi hai bước, khi ba bước, khi khóc, khi cười, khi ôm hôn thắm thiết, biến ảo khôn lường. Cả thế giới đều nghe danh ông. Cho đến nay chưa ai biết rõ «con đường bác đi». Theo giáo sư Nga Anatoli Sokolov, chuyên viên Liên Sô về Việt Nam Học, tại Trung Tâm Nghiên Cứu Đông Phương ở Mạc Tư Khoa, trong cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh, ông có trên 150 bí danh. Để cho «chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên toàn thế giới» ông sẵn sàng mua chiến thắng đó «dẫu phải đốt sạch cả dãy Trường Sơn» hay phải «đánh Mỹ đến người VN cuối cùng». Không hiểu khí thiêng sông núi VN thế nào mà lại có thể sinh ra một con ngươi kỳ dị như vậy? Chính ông đã gây ra bao cuộc bể dâu, chết chóc.
Hồi thập niên 60, có bài Tâm Ca Số Năm của Phạm Duy mang tên Để Lại Cho Em nói lên thực tế của đất nước: «Bây giờ chỉ còn là một mảnh đất bị chia cắt, cày xới lên bởi bom đạn. Hận thù nhân danh chủ nghĩa, bạo lực vênh vang bề thế»; và «Đường về tương lai nghẽn lối». Thế hệ đàn anh chỉ đề lại «những giả dối, đê hèn, và vụng dại». Bài hát lưu hành ở miền Nam rồi rơi vào quên lãng, bị át bởi tiếng xe tăng, máy bay, hoả tiển, AK, M16. Vũ khí này được cung cấp bởi các nước đồng minh của hai miền Nam Bắc. Đó là hệ quả của việc tìm đường cứu nước của bậc tiền bối. Kẻ đi Tàu, đi Nga, ngưòi đi Tây, đi Nhật, đi Mỹ. Ai cũng cho là thuốc mình mang về là thuốc tiên; nhưng vì muốn độc quyền trị nước nên VN thành nơi thử lửa cuộc chiến tranh lạnh. Nước ta hết nạn hủ nho, thì đến nạn hủ Marx, hủ Mao. «Tôi không có tư tưởng ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác Lê Nin ». Hồ Chí Minh đã khẳng định như thế (1).
Trong ba mươi năm nội chiến từng ngày, nửa nước từ con sông Bến Hải trở ra Bắc theo Nga, theo Tàu; nửa nước phía Nam chống lại bằng dựa vào Tây, vào Mỹ. Cuối cùng miền Nam sụm vì đỡ hoài thì ắt có ngày bị đánh gục. Lại nữa, Hoa K ỳ rút lời cam kết, ngưng viện trợ. Chỉ nội hai tháng 03 và 04 năm 1975, cả một chế độ tan tành. Khôn sống, mống chết. Tướng tá cao chạy xa bay, tìm đường thoát thân. Trong lúc trời đất nổi cơn gió bụi mới thấy nhân tài, khôn lanh thì nhiều như lá mùa Thu, còn tuấn kiệt thì như sao mai buổi sớm. Có bao nhiêu người đứng lại chịu chết, chịu tù, chịu nhục, chịu chia sẻ với thuộc cấp? Anh hùng tất phải hiếm. Điều đó dễ hiểu. Nhưng đâu rồi câu hát “Dân ta hằng anh dũng, dân ta vẫn oai hùng, dân ta dù nguy biến không nao”?
Ngày 30/04/1975 là ngày phơi bày rõ ràng bộ mặt của cấp lãnh đạo hai miền: Miền Nam hèn kém, miền Bắc xảo trá, đê tiện, đầu óc nô lệ. Sau khi chiếm Sài Gòn, nhà cầm quyền Cộng Sản tìm cách tiêu diệt các thành phần tinh nhuệ bằng học tập cải tạo và vơ vét, cướp bóc tài sản của miền Nam một cách có hệ thống bằng hai chữ quản lý. Họ lại đốt sách báo và cấm lưu trữ các sản phẩm văn hoá cũ như thời Tần Thuỷ Hoàng. Họ cố xoá bỏ căn cước của dân miền Nam. Dân miền này không thấy được giải phóng mà thấy mình là dân bị trị, bị người anh em làm nhục, trả thù vì thế mới có chuyện người Việt dù chết vẫn tìm cách lao đầu ra biển, làm mồi cho hải tặc, cho sóng dữ. Đến ngay «cả cái cột đèn nếu biết đi cũng còn muốn bỏ nước ra đi». Dân tộc VN, có quá khứ dài lâu; anh em như thể chân tay, sao lại không thể sống chung với nhau, mà lại đi ra xứ người sống với thiên hạ?
Con Rồng Cháu Tiên?
Sau thế chiến thứ hai, chỉ trong vòng 20 năm, hai nước chiến bại, Đức và Nhật đã phục hưng nhanh chóng, trở thành cường quốc kinh tế. Ông Bá Dương đã ví họ, “chẳng khác nào, một anh khổng lồ ba đầu sáu tay, đùng một cái bị đánh gục xuống đất, một lúc sau từ từ hồi tỉnh, đứng dậy phủi quần aó bước đi, vẫn đường đường là một hảo hán”. Còn nước ta, Việt Nam là một nước nghèo. Đời sống nói chung so với các nước ở Đông Nam Á hãy còn thấp. Theo tin báo, nhà nước lại tăng cường tốc độ các bức tường lửa để kiểm soát các ngươì vào Internet. Người dân chưa được tự do sử dụng máy in, một phát minh từ thế kỷ 15 của ông Johann Gutenberg. Mọi ấn phẩm đều phải có giấy phép của nhà cầm quyền. Ở thời đại tin học mà còn phải làm báo chui, báo lậu như tờ Thao Thức của một số sinh viên thì phải kể là chuyện lạ bốn phương.
Tháng 05/1999, nhà văn Dương Thu Hương , từ trong nước đã gửi lén ra Hải Ngoại một đoản văn. Theo bà: “sau chiến tranh ngót một phần tư thế kỷ, trên dải đất này vẫn chỉ nghe rõ tiếng vỗ cánh của bầy quạ đen trên các nghĩa địa nối dài từ bắc vào Nam, từ nam ra Bắc” và «Chiến tranh không làm cho các công dân chín chắn hơn, khôn ngoan hơn, sử dụng quyền công dân mạnh bạo hơn mà ngược lại nó khiến đám đông hèn nhát hơn, dễ thoả hiệp hơn với sự nhục nhã, dễ cúi đầu hơn trước tội ác». Tại sao vậy? Ông Nguyễn Gia Kiểng, thuộc nhóm Thông Luận trong bài Vết Thương 30/04/1999 cho rằng: “Đó là vì dân tộc ta đã rã hàng, mỗi người tự thấy mình cô đơn, có muốn cũng chẳng làm được gì. Đó cũng là vì đã quá chán đất nước, đã mệt mỏi, đã mất ý chí và lòng tự hào. Đảng Cộng Sản VN không phải chỉ đánh gục phe quốc gia hay miền Nam. Họ đã đánh gục được cả dân tộc VN. Chúng ta đã bị đả thương quá đau nên không thể đứng dậy».
Còn Hải Ngoại, được coi như là một VNCH nối dài thì thế nào? Tờ báo Hợp Lưu số 49 viết: «có nước nào trên thế giới chỉ bé tí bằng lỗ chân lông như Bolsa tiểu quốc, thế mà cái gì cũng thặng dư lạm phát. Báo chí thì rợp trời kín đất như lá mùa Thu. Văn bút thì chúng tôi có đến nhị vị chủ tịch (dù bây giờ chả còn ai trên thế giới công nhận, nhưng mặc xác thế giới, chúng tôi cứ là văn bút, cứ là chủ tịch, làm gì nhau?), cộng đồng cũng đương kim hai ngài Tổng Thống (dù thật thà mà nói, trông mặt các ngài, con nít sẽ khóc thét như gặp ma, người lớn sẽ nôn nao ruột gan muốn ói), và chính phủ lưu vong cùng đảng phái yêu nước, nói không phải khoe, trung bình mỗi tháng mọc thêm chừng mươi cái, nhanh, nhiều như nấm dại mùa Đông». Sang đây, mất tất cả, thiên hạ mơ có quyền lực, mong có cái danh. Ông nào cũng tự cho mình có sứ mệnh, như «ai bao năm từng lê gót nơi quê người» của thuở nào. Vàng thau lẫn lộn, không biết đâu là thật, đâu là giả.
Năm 1958 hai tác giả William J Lederer và Eugene Burdick cho phát hành cuốn The Ugly American (Người Mỹ Xấu Xí), nói về thói hư, vụng về, ngu dốt, tham nhũng, dốc tướng, của các chính khách Mỹ. Cuốn sách gây xôn xao trong chính trường Hoa Kỳ, bán rất chạy. Hơn sáu triệu ấn bản được bán ra. Tổng Thống Mỹ Eisenhower phải cho thành lập một uỷ ban gồm chín nhân vật có uy tín để duyệt xét lại các chương trình viện trợ quân sự. Thượng Viện Hoa Kỳ cùng lập một nhóm nghiên cưú cuốn sách và gửi cho mỗi Nghị sĩ mỗi người một cuốn. Ông Bá Dương viết, họ có năng lực sửa sai, tự điều chỉnh mình. Thay vì lấy tay che đít, họ nói toáng lên cho mọi người biết “’tôi có bệnh trĩ đây”. Họ có được cái trí tuệ và dũng cảm, tìm cách sửa đổi và giải quyết một cách thoả đáng những lỗi lầm.
Nước Việt Nam cứ lẩn quẩn trong vòng chậm tiến, cũng «hoang mang lúng túng chẳng kém các cụ nhà Nho cách đây một thế kỷ» là vì ta không biết mình biết ta. Ta cần có một cuốn Người Việt Xấu Xí để «nôn ra được tất cả những thứ dơ bẩn trong ruột», rồi tìm ăn những thứ có chất dinh dưỡng tốt, giúp ta có thể tự phản tỉnh. Bỏ chuyện tự kiêu hão, giấy rách giữ lấy lề hay đói cho sạch rách cho thơm, thẳng thắn nói lên những tệ hại của dân tộc mình, để cùng nhau cải tiến. Trong thế kỷ và thiên niên kỷ mới, nhân loại đang tiến nhanh tiến mạnh trong cuộc cách mạng truyền thông, chúng ta phải lẹ lẹ lên. Chậm thì chết. Chúng ta hãy hè nhau vạch áo cho mọi người cùng xem, nếu không, thay vì Con Rồng Cháu Tiên lại trở thành con khùng cháu điên mất. Phải không quý vị?