Nước Mỹ lịch sử tương đối ngắn , không có vua chúa nên danh từ ” quí tộc ” không có như các nước Âu Châu , bù lại ta chỉ có thể nhắc đến từ ” trưởng giả ” hay ” thượng lưu” trong xã hội Mỹ . Tuy thế giàu có hay quyền quí cũng phải có đẳng cấp theo giá trị của thời gian , tại sao người ta gọi dân giàu danh giá ở vùng bắc nước Mỹ như New York , Boston là ” old money ” trong khi đám đi sau ở nơi như Texas , California là ” new money ” ?
Người Mỹ hay làm thống kê ( statistics ) về đủ mọi phương diện , lấy ví dụ đặc biệt họ định vị trí của thành phần trung lưu , căn bản của nước Mỹ , qua yếu tố lợi tức của cá nhân kiếm được . Điều này còn thiếu sót vì từ ” trung lưu ” ( American middle class ) phải được hiểu là ” American value ” cho thành phần middle class , có nghĩa phải hội đủ hai yếu tố vật chất và tinh thần . Rất tiếc yếu tố ” kiến thức và trí tuệ ” họ không kiểm kê được nên đành bỏ qua !
Giai cấp ” trung lưu ” ngày nay ở VN
Với trào lưu tiến hoá của thế giới ngày nay , VN đang từ xứ nghèo khổ sau ’75 đến lúc nhờ kinh tế thị trường phát triển toàn diện đã thay đổi bộ mặt xã hội , một giai cấp mới giàu có nhanh chóng nhờ biến đổi của thời cuộc .
Yếu tố ” thượng lưu ” cũng cần có thời gian để đào luyện . Dưới góc độ quan sát của người tinh ý , phong cách của giai cấp mới ” new money ” này in rõ trên mặt họ , cách ăn nói đi đứng , cũng như cách suy nghĩ và giao tế hàng ngày … mà vật chất bao quanh không thể che dấu được , nhưng rất tiếc họ chỉ còn cách dùng vật chất để bù đắp những cái họ không có , nên cần phải ” đóng phim bộ ! “. Đó là đề tài để tác giả so sánh với nhân vật trong kịch bản của nhà viết kịch Pháp nổi tiếng Molière và cuốn phim của Mỹ đầu thập niên 80’s ” Pretty Woman ” mà ai thích xem phim phải biết .Tất cả đang hôn mê trong cơn sốt vật chất
Nếu không lầm tác giả của bài viết xuất xứ từ giới trí thức khoa bảng ngoài Bắc trước ’75 , hiện là giáo sư dạy học tại bang New South Wales của nước Úc thì phải ( chắc phải nhờ các bạn Petrus Ký ở Úc kiểm chứng dùm ) .
Tác giả viết rất trung thực và tỉ mỉ , người viết chỉ ” load ” thêm hình ảnh cho bài viết khởi sắc thôi .
” NOUVEAU RICHE ” & BAD TASTE
“…Sự hiện diện của những trọc phú mới không làm cho Việt Nam hãnh diện, mà chỉ là dấu hiệu về một sự hư hỏng mang tính hệ thống. Trong một môi trường nghèo khổ, nhà tranh vách lá, việc xuất hiện một lâu đài là dấu hiệu của hợm hĩnh…”
Nouveau Riche (có thể dịch là ‘ Trọc phú mới ‘) là chữ dùng để mô tả những người giàu sụ nhưng được cảm nhận như là những người phô trương và thiếu lịch lãm. Đặc điểm này mô tả khá đúng những người giàu sụ ở Việt Nam ngày nay.
Có lần tôi về Bến Tre và đi ngang qua một biệt thự rất lớn giữa một cánh đồng. Hàng xóm của ngôi biệt thự là những căn nhà lá thô sơ, rách nát, rất tiêu biểu cho một làng quê nghèo ở miền Tây. Ngôi biệt thự đó có thể nó đẹp, nhưng nó xuất hiện không đúng chỗ, và do đó làm cho nó xấu. Nói lịch sự theo tiếng Anh là ‘ bad taste ‘.
‘Bad taste’ là khái niệm không dễ định nghĩa nhưng rất dễ nhận ra. Một người làm nghề lao động nghèo nhưng tậu một chiếc siêu xe hàng trăm ngàn USD có thể xem là ‘bad taste’. Tương tợ, trong một đất nước mà đa số dân chúng còn rất nghèo, nhưng xuất hiện những trọc phú tiêu ra hàng trăm triệu đồng cho một chai rượu Tây hay một bữa ăn (cho dù là do người khác tài trợ) vẫn có cái gì đó ‘ bad taste ‘ .
Những thảo luận về bad taste, về ‘quí tộc’ và ‘tinh hoa’ làm tôi liên tưởng đến một vở kịch rất nổi tiếng của văn hào Molière có tựa đề là “Le Bourgeois Gentilhomme” , có thể dịch sang tiếng Việt là “Trưởng giả học làm sang” (tựa đề này dịch chưa đúng bản chất câu chuyện) và phim “Pretty Woman” vào đầu thập niên 1980’s. Câu chuyện trong vở kịch lừng danh (viết vào thế kỉ 17) và cuốn phim 40 tuổi đó xem ra rất liên quan với những ý kiến về ‘quí tộc’ và ‘tinh hoa’ ở Việt Nam.
Trưởng giả học làm sang
Vở kịch “Le Bourgeois Gentilhomme” được dịch sang tiếng Anh là “The Would-be Gentleman” (‘Muốn làm trưởng giả’) theo tôi là đúng nghĩa hơn tựa đề tiếng Pháp. Câu chuyện trong vở kịch xoay quanh nhân vật tên là Jourdain, người thừa hưởng gia tài đáng kể của thân phụ để lại. Tuy có nhiều tiền, nhưng ông Jourdain là một người ít học và thuộc giai tầng thấp trong xã hội, và ông muốn trở thành một người trong giai cấp quí tộc.
Để thực hiện ước mơ đó, ông cho mướn thầy đến dạy nhạc, dạy triết học, khiêu vũ, kiếm thuật, và mướn thợ may đến thiết kế cho ông những bộ trang phục cầu kì, kiểu cách, y như những nhà quí tộc. Thấy giới quí tộc hay tổ chức những buổi hoà nhạc trong biệt thự, ông Jourdain cũng mướn những dàn nhạc biểu diễn tại nhà ông. Nói tóm lại, lão Jourdain — nói theo người miền Tây — là một kẻ học đòi.
Là kẻ học đòi, nên ông Jourdain trở thành một người hợm hĩnh và bị gạt. Xuất thân từ giai cấp hạ tầng, ông phải đóng kịch để được giới quí tộc xem là cùng ‘bộ lạc’ với họ, nhưng trong thực tế giới quí tộc chẳng xem ông ra gì vì ông không bao giờ là người của bộ lạc cả.
Chúng (giới quí tộc) lợi dụng và khai thác ông để kiếm tiền. Điển hình là tay bá tước tên là Dorante (lúc đó thiếu nợ đầy đầu) lợi dụng giấc mơ quí tộc của Jourdain để vòi tiền, vì hắn nói rằng chỉ cần đề cập cái tên Jourdain lên vua là vua sẽ xoá nợ cho Dorante; lão già Jourdain khoái chí và thế là tung tiền cho tên bá tước ma giáo.
Vì nghĩ mình đã là quí tộc, nên lão Jourdain muốn cô con gái (tên là Lucille) thành hôn với một chàng trai thuộc giai cấp quí tộc. Biết được ý định này, người yêu của Lucille là Cléonte (chàng trai thuộc giai cấp trung lưu) bèn đóng vai con trai của một bá tước Thổ Nhĩ Kì, và thế là ông Jourdain gật đầu cho cuộc hôn nhân! Ông Jourdain đã bị lường gạt vì giấc mơ quí tộc của ông.
Toàn bộ vở kịch là một bài học ở đời và cũng là một thông điệp mạnh mẽ: Hãy là chính mình, chứ đừng bắt chước người khác.
Nói đến giai tầng xã hội và ‘hãy là chính mình’ tôi chợt nhớ đến phim “Pretty Woman” do Richard Gere và Julia Roberts thủ diễn. Phim Pretty Woman, có thể xem là thuộc thể loại tình cảm hài, rất rất nổi tiếng vào đầu thập niên 1990s và trở thành một đề tài cho sách giáo khoa và nghiên cứu xã hội học.
Phim xoay quanh câu chuyện một triệu phú (hay tỉ phú?) tên là Edward Lewis (Richard Gere đóng) trong một chuyến đi công cán ở Los Angeles, và giữa lúc lạc đường trong khu phố ‘đèn đỏ’, tình cờ gặp Vivian Ward (Julia Roberts), và cuộc tình giữa hai người nảy nở từ đó để lại cho khán giả nhiều ấn tượng buồn vui về giai cấp xã hội.
Cuộc tình chợp nhoáng (1 tuần) giữa hai người, một thuộc giai cấp thượng lưu và một thuộc giai cấp hạ đẳng. Trong khi Edward là doanh nhân thuộc hạng ‘corporate raider’ mua bán các công ti để kiếm bạc triệu, Vivian là một … ‘sex worker’. Vivian lúc đó chỉ đòi 20 USD để chỉ đường cho Edward, nhưng cuộc gặp gỡ tình cờ đó trở thành một ‘hợp đồng’ tình cảm lâm thời giữa hai người.
Chỉ qua nói chuyện, Edward thấy Vivian là người thú vị chứ không đơn giản là một cô gái làng chơi. Edward lúc đó độc thân (và mới chia tay với người bạn gái) muốn mướn Vivian đóng vai là ‘partner’ để theo anh ta trong một cuộc thương lượng quan trọng với các đối tác kinh doanh. Edward đề nghị cái giá 3000 USD cho cả tuần, một số tiền quá lớn đối với cô gái đứng đường và nghèo khổ như Vivian. Edward mời Vivian về ở chung trong một penthouse thuộc một khách sạn Regent Beverly Wiltshire sang trọng bậc nhất của Los Angeles.
Trong thời gian này, Vivian được người quản lí khách sạn là Barney Thompson chỉ dạy cho cách trang phục và cách ăn uống trong nhà hàng sang trọng, hay nói chung là học làm trưởng giả để có thể xứng đôi với vị khách hàng triệu phú của khách sạn là Edward Lewis.
Pretty Woman là một câu chuyện về sự cách biệt giai cấp và lối sống. Xuyên suốt cuốn phim, cả hai người — Edward và Vivian — phải ‘đấu tranh’ với những khác biệt về giai tầng và giá trị xã hội. Vivian học làm người trưởng giả, và Edward phải thấu cảm cho những vụng về và thô kệch thỉnh thoảng được biểu hiện qua hành vi của Vivian. Nhưng Edward học từ Vivian cách đối nhân xử thế công bằng và kính trọng. Phim Pretty Woman có một cái kết có hậu (happy ending).
Sau 1 tuần hợp đồng, Edward Lewis đem lòng thương Vivian Ward (và Vivian cũng thấy thương anh chàng triệu phú). Câu chuyện được xem như là một chuyện lọ lem hiện đại. (Thật ra, bản gốc của phim thì sau khi chia tay Edward, Vivian bị chết vì quá liều thuốc phiện). Nhưng cái thông điệp quan trọng nhất của Pretty Woman là “hãy là chính mình, đừng đóng kịch”. Những cử chỉ có khi vụng về của Vivian rất đáng yêu và thật hơn là những kiểu cách kệch cỡm không tự nhiên.
Vở kịch “The Would-be Gentleman” và phim “Pretty Woman” nhắc nhở chúng ta về giai cấp xã hội ở Việt Nam ngày nay. Để hiểu chữ “giai cấp xã hội” tôi nghĩ phải hiểu cái nghĩa gốc của nó trong tiếng Anh là “socio-economic status”. Chú ý tính từ này, socio-economic, gồm hai chữ xã hội (social) và kinh tế (economic) nối kết nhau.
Xã hội ở đây phải hiểu là các yếu tố như trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú, sắc tộc, còn ‘kinh tế’ ở đây là tiền bạc và địa vị trong guồng máy kinh tế. Nói cách khác, phải có hai yếu tố — xã hội và kinh tế — (chứ không phải một) thì mới xác định một giai tầng xã hội cho một cá nhân.
Lão Jourdain tuy có nhiều tiền, nhưng không phải là người thuộc giai cấp quí tộc vì ông thiếu yếu tố xã hội. Cô Vivian Ward trong Pretty Woman tuy là một cô gái đứng đường nhưng cô có những suy nghĩ và tố chất của một người thuộc nhóm elite – tinh hoa, vì những suy nghĩ của cô thậm chí có thể thay đổi đường hướng kinh doanh của Edward Lewis.
Việt Nam có những người rất nhiều tiền, nhưng khó mà xếp họ vào nhóm ‘quí tộc’, cho dù họ rất muốn như thế. Thật ra, tôi nghĩ Việt Nam trong hơn nửa thế kỉ qua không có giai cấp quí tộc. Làm sao có giai cấp quí tộc khi người ta chọn theo con đường của mấy ông Tây râu ria kia và ông Tàu mặt trơn nọ. Làm sao có giai cấp quí tộc sau cuộc cách mạng dưới danh nghĩa “trí phú, địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”. Ngay cả những người muốn nghĩ mình là ‘quí tộc’ chỉ mới thoát ra từ cái văn hóa XHCN, họ không có những tố chất — và vẫn còn phải học — trí, văn, thiện, mĩ của giới quí tộc.
Nhưng các nước mới ra khỏi XHCN như Nga và Tàu có giai cấp “Nouveau riche”. Nouveau riche (có thể tạm dịch là “trọc phú mới”) là một danh từ không hàm ý nghĩa tích cực, mà là tiêu cực và có phần khinh bỉ. Thành phần nouveau riche là những người trục lợi và làm giàu, không phải nhờ vào gia tài của tổ tiên để lại, cũng chẳng phải nhờ vào thực tài đóng góp cho xã hội, mà là nhờ vào những mối quan hệ hắc ám với các thế lực cầm quyền và cướp bóc dân chúng có bài bản. Những kẻ nouveau riche làm giàu rất nhanh. Họ xuất phát từ thành phần hạ đẳng trong xã hội, và do đó, họ thường ít học, thiếu kiến thức, và kém văn hoá trong cư xử hàng ngày.
Tiêu biểu cho những kẻ nouveau riche là những trọc phú bên Tàu hiện nay, họ là những hậu duệ của những người bần cùng theo Mao làm cách mạng, và họ làm giàu nhờ vào lợi dụng mối quan hệ với đảng cộng sản Tàu — có khi là con cái của các đảng viên cao cấp — để thu tóm và buôn bán bất động sản, và khai thác tài nguyên quốc gia.
Giới nouveau riche ở Tàu đang học làm làm ‘quí tộc’. Họ thừa biết rằng đồng tiền họ đang có không mua được danh giá, không làm cho họ sang trọng, không làm cho người phương Tây nể trọng, mà ngược lại làm cho người ta khinh rẻ. Giới nouveau riche Tàu thừa biết rằng quần chúng Tàu chỉ sợ họ, nhưng trong thâm tâm thì rất khinh họ. Thế là họ phải bỏ tiền ra để ghi danh học những lớp học về văn hoá và cư xử.
Những lớp học chỉ có 7 ngày nhưng tốn 12,000 USD. Cái giá 12,000 USD đó sẽ giúp cho họ biết nói tiếng Anh cho lịch lãm; biết cách hành xử ở những nơi sang trọng, như đi thang máy trong khách sạn ‘up market’; cách ăn mặc hợp thời; cách dùng muỗng nĩa trong các buổi tiệc ‘formal’; cách thưởng thức nghệ thuật, từ âm nhạc đến hội hoạ. Nói chung là họ học những ‘protocol’ và kiến thức cơ bản trong xã hội phương Tây, mà những ai sống lâu và hoà nhập ở các nước phương Tây đều không ít thì nhiều biết qua. (Có vài trường đại học bên Mĩ gởi giáo sư của họ đi học những lớp protocol này).
Ở Việt Nam, nơi có thể xem là một phiên bản của Tàu, cũng có thành phần nouveau riche. Những người nouveau riche ở Việt Nam cũng chẳng khác gì so với các đồng môn của họ ở bên Tàu về xuất thân và cách làm giàu. Do vậy, những người nouveau riche ở Việt Nam cũng có những đặc điểm giống như giới tân trọc phú ở bên Tàu, tức là vụng về trong phát biểu, nông cạn trong ý kiến, thô kệch trong hành xử, kém văn hoá trong cách ăn và mặc, v.v.
Cứ nhìn trang phục và cách họ mặc, cách họ dùng cái cà vạt, cách họ quàng cái khăn ngang cổ, cách họ trang điểm, cách họ cầm li rượu, cách họ đi đứng, cách họ ngồi, v.v. thì chúng ta thấy rõ họ thiếu cái cốt cách của giai tầng ‘quí tộc’. Mượn câu nói của John Steiner (“You can take the ape out of the jungle, but you cannot take the jungle out of the ape”), họ có thể đã thoát khỏi ngôi nhà nông XHCN, nhưng cái chất lúa vẫn chưa thoát ra khỏi họ.
Cô chiêu của giai cấp mới
Việt Nam — cũng như bất cứ nước nào — có thành phần ‘political elite’. Đó là những người đang cầm quyền trong hệ thống chính trị và guồng máy kinh tế. Có thể nói đa số những political elites này là đảng viên. Vì là tinh hoa chính trị, khó mà nói họ đại diện cho quần thể dân chúng.
Cứ nhìn xem ở trong nước, họ nói và viết tiếng Việt làm cho dân chúng nhăn mặt khó chịu, còn ra nước ngoài cách họ nói tiếng Anh (thật ra là đọc) trong các hội nghị quốc tế chẳng ai hiểu. Một dân tộc 90 triệu người mà có những người ‘mang chuông đi đấm xứ người’ như thế thì quả là một sự thiệt thòi đáng kể.
Tóm lại, Việt Nam có thể có tầng lớp “political elite”, nhưng khó mà nói họ là “intellectual elite.” Nhưng dĩ nhiên, elite hay tinh hoa cũng không có nghĩa là ‘quí tộc’. Thật ra, tôi đoán rằng những political elites này cũng không muốn xem mình là quí tộc, vì họ tự hào xuất thân từ giai cấp lao động, và cha anh họ từng căm thù và đánh đổ giai cấp quí tộc.
Cũng giống như ông Jourdain mời dàn nhạc về nhà biểu diễn, những kẻ trọc phú mới này đang rao bán ý tưởng một nhà hát giao hưởng. Nhà hát giao hưởng để những kẻ tự xem mình là quí tộc thưởng thức. Nhưng như nói trên, họ không thể nào thuộc giai cấp quí tộc được, và họ cũng chỉ là những kẻ đang giúp cho những tên bá tước Dorante trong vở kịch Moliere trục lợi mà thôi.
Cũng như ông Jourdain trong The Would-be Gentleman và cô Vivian Ward trong Pretty Woman dù được khoác lên người những bộ đồ sang trọng và đã qua lớp học về giao tiếp trong giai cấp thượng lưu, nhưng những người trong giai cấp đó vẫn không xem cô là người trong ‘bộ lạc’.
Cũng như đất nước Việt Nam, dù có tỉ phú và nhiều triệu phú đô la, nhưng trong con mắt của người phương Tây thì vẫn là một nước nghèo hay rất nghèo (và trong thực tế thì đúng như thế). Những bữa ăn bạc tỉ đồng hay những phung phí hàng trăm triệu đô la mang tính biểu tượng không làm cho họ sang hơn, mà chỉ làm cho họ hợm hĩnh hơn.
Sự hiện diện của những trọc phú mới không làm cho Việt Nam hãnh diện, mà chỉ là dấu hiệu về một sự hư hỏng mang tính hệ thống. Trong một môi trường nghèo khổ, nhà tranh vách lá, việc xuất hiện một lâu đài là dấu hiệu của hợm hĩnh.
Ở Úc, những chiếc xe hơi cao ngồng ngềnh có thời được xem là antisocial – phản xã hội. Ở Việt Nam, trong môi trường đường xá tồi tệ và ngập nước triền miên mà xuất hiện ‘siêu xe’ là dấu hiệu của bất bình thường, của một ‘antisocial disease’ – bệnh phản xã hội. Tương tự, sự hiện diện của một nhà hát giao hưởng không làm cho cái thành phố mang tên Hồ Chí Minh sang trọng hơn, nếu không muốn nói là làm cho thành phố thêm nhí nhố và hợm hĩnh, như sự hợm hĩnh của căn biệt thự ở Bến Tre.
Nguyễn Tuấn