Nhìn lại 45 chân dung văn học một thời lộng lẫy của miền Nam

 

Nghĩ đến Văn Học Miền Nam 1954-1975 là nghĩ đến một khoảng thời gian 20 năm mà sau đó đã bị “hư vô hóa”. Nền văn học này, sau 30 Tháng Tư 1975, đứng chênh vênh nơi ranh giới giữa có thực và phi thực, giữa sống sót và hủy diệt, chưa kể đến những âm mưu đánh tráo nó với cái gọi là “Văn học giải phóng Miền Nam”… để khi thế giới muốn nghiên cứu về Văn Học Miền Nam trong chiến tranh, tất cả những gì họ có được chỉ là cuốn Văn học giải phóng Miền Nam của Phạm Văn Sĩ (Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp Hà Nội, năm 1975) trong đó đại diện là một tập hợp những nhà văn cộng sản gốc Nam bộ gồm Trần Bạch Đằng, Huỳnh Minh Siêng, Thanh Hải, Anh Đức, Phan Tứ, Giang Nam…

Còn Văn Học Miền Nam chân chính? Đó là những công trình thất lạc, tứ tán, rách tung, mà trong nỗi ám ảnh của Trần Vũ đó là những cuốn sách câm chưa được phép mở ra (Sài Gòn, Ngày Lạ Mặt).

Những ruột sách cũ đó chứa đựng toàn cảnh xã hội miền Nam thời đó: những tâm tư và biến chuyển tinh thần, những thể hiện mỹ học đa dạng, những phi lý tàn khốc của nội chiến, những khuynh hướng dấn thân, những kêu gọi phản chiến; những tiếng nói đối lập của những nhà văn chống cộng và cùng lúc chống chính quyền, chống sự hiện diện của Mỹ ở miền Nam.

Tiêu biểu cho khuynh hướng đối lập là tiểu luận Nghĩ Trong Một Xã Hội Tan Rã của Thế Uyên thuộc nhóm văn hóa Thái Độ. Tính phi lý của chiến tranh thể hiện qua các tác phẩm của Nhã Ca, Cung Tích Biền, Võ Phiến, Thảo Trường, Phan Nhật Nam… Sáng tạo trong bút pháp và tư tưởng phản ánh qua tác phẩm của Huỳnh Phan Anh, Tường Hùng, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Đức Sơn, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Bình Nguyên Lộc… Những suy nghiệm mang tính triết học và tôn giáo trong truyện Hồ Hữu Tường…

Không phải chỉ là sự tấp nập, đông đảo của tác giả và tác phẩm; người đọc của giai đoạn này thực sự còn đã chứng kiến những ma sát, va chạm, nhiều tiếng nói, giọng văn, quan điểm, khuynh hướng khác nhau.

Chúng vẫn có đó, lẫn khuất, sâu bên trong, để đôi khi nói năng, đôi lúc hỏi han, những tiếng nói thầm không ngừng nuôi dưỡng ký ức con người chống lại sự lãng quên…. Mà tuyển tập Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta là một ví dụ như vậy!

Theo như người trong cuộc: nhà văn Viên Linh – trong bài viết tưởng tiếc sự ra đi của chủ nhân nhà xuất bản Sóng: tác giả Nguyên Đông Ngạc – đã viết như sau:

“Càng về sau, người ta càng thấy Nguyễn Ðông Ngạc có tầm nhìn xa, nghĩ rộng, khi anh bắt tay vào việc. Anh mất ít nhất là sáu tháng để đi gặp từng nhà văn anh đã chọn lựa, khi đi một mình, khi đi với nhiếp ảnh gia, vừa chụp ảnh nhà văn, vừa xin nhà văn có mặt một chữ ký, và ba câu hỏi chính, trong đó câu chót rất thiết thực: “Về truyện ngắn hay nhất và thích nhất (anh hay chị) chọn lựa để (in trong bộ sách), xin quí anh chị nói thêm ít lời để soi sáng thêm (ý nghĩa trong truyện, hay vì sao thích nhất chuyện đó)
……..

Trong cuốn sách này bạn đọc sẽ có thể sống lại trọn vẹn cuộc sống đã mất (in nghiêng trong sách) hay sắp đến của chính mình, và của cả dân tộc. Tất cả. Vằng vặc. Sao anh lại có thể cả quyết đến thế nếu anh không nhìn thấy trước, trong tâm tưởng? Thực tế bùng vỡ chỉ hơn một năm sau, Miền Nam mất, những cuộc sống cũ đã mất, và những cuộc sống sắp đến đã đến.
……..

45 nhà văn góp mặt, theo thứ tự ABC, nay đã ra đi rất nhiều. Chúng ta hãy kiểm điểm những người lúc góp truyện còn sống cả, nay ghi dấu bằng một chữ thập, nếu họ đã không còn: Bình-Nguyên Lộc (+), Cung Tích Biền, Doãn Quốc Sỹ, Du Tử Lê, Duy Lam, Duyên Anh (+), Dương Nghiễm Mậu, Ðịnh Nguyên (+), Hồ Hữu Tường (+), Huỳnh Phan Anh, Lê Tất Ðiều, Mai Thảo (+), Mặc Ðỗ, Nguyễn Ðình Toàn, Nguyễn Ðông Ngạc (+), Nguyễn Ðức Sơn, Nguyễn Mạnh Côn (+), Nguyễn Nghiệp Nhượng, Nguyễn Quốc Trụ, Nguyễn Sỹ Tế (+), Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Thụy Long (+), Nguyễn Tường Giang, Nguyễn Xuân Hoàng, Nhã Ca, Nhất Hạnh, Nhật Tiến, Sơn Nam (+), Thái Lãng, Thanh Nam (+), Thanh Tâm Tuyền (+), Thảo Trường (+), Thế Phong, Thế Uyên (+), Tô Thùy Yên, Trần Thị Ngh, Trần Tuấn Kiệt, Trùng Dương, Túy Hồng, Viên Linh, Võ Phiến, Vũ Hạnh, Vũ Khắc Khoan (+)” (hết trích bài của Viên Linh)

Và ngay thời điểm này, cũng phải thêm những dấu (+) ngậm ngùi vào sau tên của những Du Tử Lê, Dương Nghiễm Mậu, Mặc Ðỗ, Nguyễn Ðức Sơn, Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Xuân Hoàng, Thái Lãng, Tô Thùy Yên, Trần Tuấn Kiệt, Võ Phiến, Túy Hồng, Vũ Hạnh…

Mời bạn cùng đọc lại lời phi lộ của nhà xuất bản và nhìn ngắm lại 45 nhân vật văn nghệ sĩ của một thời… để “của tin còn một chút này làm ghi”.

Nguyễn Trường Trung Huy

Sài Gòn, Tháng Chín|2021

***

Lời Nhà Xuất Bản

Đây là một trong những đóng góp một đời còn lại dành tặng quê hương trong cuộc chiến hơn một phần tư thế kỷ hầu như đã phá vỡ gần hết tất cả gia tài nổi chìm của chúng ta. Sự đóng góp vào cái gia sản tinh thần bất diệt của tổ tiên của những người làm việc trong lặng lẽ giữa tiếng ồn ào của đạn bom này, đã nói lên hùng hồn ý nghĩa của tranh đấu cho Tự Do và những giá trị Nhân Bản. Những người của phần đất bên này giòng Bến Hải.

Bốn mươi lăm truyện ngắn của bốn mươi lăm người viết văn trong khoảng 20 năm từ 1954 đến 1973 là bốn mươi lăm vì sao đời đời chiếu sáng trời đêm, là sông biển, núi rừng đời đời làm hùng vĩ quê hương. Cái công việc phải bỏ cả đời mới hoàn thành được, Nhà Xuất Bản SÓNG vô cùng hãnh diện đã được thực hiện công trình của bốn mươi lăm cuộc đời ấy, cuốn sách mang tựa đề “Những truyện ngắn hay nhất của quê hương chúng ta”.

Trong cuốn sách này bạn đọc sẽ có thể sống lại trọn vẹn cuộc sống đã mất hay sắp đến của chính mình, và của cả dân tộc. Tất cả. Vằng vặc.

Bạn đọc sẽ thấy rõ từng sắc thái nhà văn qua tiểu sử, truyện ngắn và quan niệm về truyện ngắn của mỗi người, mà SÓNG đã phỏng vấn tóm tắt qua 3 câu hỏi:

1/- Xin quí anh chị vui lòng cho biết sơ qua tiểu sử.

2/- Xin quí anh chị vui lòng cho biết quan niệm của quí anh chị về truyện ngắn.

3/- Về truyện ngắn hay và thích nhất dằnh cho nhà xuất bản xin quí anh chị nói thêm ít lời để soi sáng thêm.

Có thể nói trong cuốn sách này gồm đủ các khuynh hướng văn học miền Nam và các bạn đọc chắc sẽ dễ dàng nhận biết và thẩm định được từng giá trị sau khi đọc xong bốn mươi lăm truyện ngắn. Đáng lẽ Nhà Xuất Bản phải viết bài “tổng quan” về truyện ngắn nói chung và truyện ngắn của mỗi nhà văn nói riêng với tinh thần phân tích, tổng hợp rồi đưa ra quan điểm của nhà xuất bản. Nhưng vì một vài lý do, ấn bản lần thứ nhất chúng tôi không muốn có trên trang đầu cuốn sách bài đó, chúng tôi xin để quyền phê bình cho độc giả và các nhà phê bình. Trong lần tái bản hoặc khi dịch ra ngoại ngữ, SÓNG sẽ thực hiện bài “tổng quan” thật công phu và cho in thêm những bài phê bình có giá trị của các học giả hữu danh.

SÓNG sẽ cố gắng cho dịch những truyện ngắn tiêu biểu trên của văn học miền Nam ra ngoại ngữ vì tin rằng về thơ và truyện ngắn chúng ta không thua kém bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Hơn thế để đóng góp vào kho tàng văn hóa nhân loại và chứng tỏ cho thế giới biết tới những giá trị “hữu xạ” nhưng không “tự nhiên hương” của chúng ta chỉ vì sự không được phổ biến của ngôn ngữ, văn tự và bị lấn át bởi những ầm ĩ của chiến sự và chính trị giữa các phe phái, nên miền Nam đã phải chịu những thua thiệt, ngộ nhận của một số quốc gia “thiếu sự mở rộng tầm mắt” không thể chấp nhận được.

Về điểm này SÓNG hi vọng những người Việt Nam hiện đang sống ở các nước ngoài nhất là giới sinh viên trí thức là các nhân tài quốc gia đã đầu tư khi đọc cuốn sách này (bằng tiếng Việt) sẽ có dịp sống lại các tình tự dân tộc để thấy mình gắn bó với quê hương hơn, sẵn sàng chia sẻ những vinh nhục với đồng bào và không bao giờ quên những gì đã và đang xảy ra ở quê nhà và nhất là biết kiêu hãnh được làm người Việt Nam và yêu nước hơn dù quê hương đang chiến tranh và nghèo khổ.

SÓNG cũng hy vọng cuốn sách này một ngày sẽ có trong tay một số bạn đọc phía bên kia như một khởi đầu của kêu gọi thức tỉnh.

Những người cầm bút, những chứng nhân, được quyền kiêu hãnh vì đã làm được một phần cái công việc đã lựa chọn và vẫn còn đang tiếp tục. Và Nhà Xuất Bản SÓNG thực hiện cuốn sách này không ngoài những mục đích đã nêu trên. Những lời cuối cùng SÓNG muốn gửi tới các bạn trước khi các bạn đọc những trang đầu của cuốn sách là:

Tặng phẩm tinh thần vô giá này SÓNG gửi tới các bạn là công trình của những nhà văn hiện đang sống tại miền Nam Việt Nam và đây cũng là đóng góp của chúng tôi với mục đích tiếp nối những công trình tinh thần của tiền nhân. Xin trân trọng và thân ái mời các bạn dở trang thứ nhất của truyện ngắn đầu tiên”.

Miền Nam Việt Nam 1973

Nhà Xuất Bản SÓNG