Thưa chị Trang Đài,
Tôi qua tới đây thì chồng tôi đã ăn ở với người khác hơn 5 năm rồi! Anh đón mẹ con tôi về ở chung trong một ngôi nhà có lầu. Tôi và ba con ở tầng trên, anh và bà sau có hai con một chung một riêng ở tầng dưới. Cuộc sống nhiều va chạm rất khó chịu. Tôi xin anh thuê cho mấy mẹ con một nơi ở khác thì anh trả lời không đủ tiền lo cho hai nơi. Ảnh còn nói: “Sao người ta cũng như em mà người ta chịu được, không đòi hỏi gì hết còn em thì sinh sự?” Người ta đây ý anh nói là bà sau đó!
Ai giống tôi hay khác tôi là quyền của họ, tôi không giống ai cả nên tôi nhất quyết không để anh bắt bí. Tôi dỗ dành, năn nỉ các con để chúng ở lại và ra đi hai bàn tay trắng, không bà con thân nhân nhưng có bạn bè và một cô giáo cũ. Dầu là quyết tâm tự mình nhưng lòng không khỏi cay đắng.
Cũng nhờ bạn bè thương tình giúp đỡ, tôi kiếm được việc làm ban ngày và đi học ban đêm, cuộc sống khó khăn nhưng tôi phải chấp nhận ,thôi.
Ở chỗ tôi làm, có một ông để ý thương tôi, một vài khi giúp đưa đón tôi và ông dạy tôi tập lái xe. Ông hiền lành, tử tế, tốt bụng mà bị vợ bỏ và giành hết con nên ông chỉ có một mình, hiện ở share phòng giống tôi. Ông muốn xây dựng với tôi và tuy thấy ông cũng rất được với mình nhưng khổ nỗi ông nghèo, nếu làm bạn với ông mà không mang được con theo thì tôi thấy chẳng có nghĩa lý gì cả nhưng nếu đem hết chúng về thì gánh nặng quá, làm sao kham nổi? Để chúng phải lăn lóc thì sao đành?
Trong lúc này, tôi thật sự rất buồn, muốn có người tử tề để an ủi, nâng đỡ và nương tựa nhau mà sống, bà nghĩ tôi phải làm sao?
Thu Cúc
Thưa chị,
Người Mỹ có câu nói thông dụng, được xem là nguyên tắc giúp giải quyết khi có một khối lượng nhiều công việc tới cùng một lúc, như sau: “One thing at a time,” nghĩa là giải quyết từng việc một trong mỗi lúc như người gỡ cuộn chỉ rối, từ từ hết đoạn này đến đoạn khác để không làm rối thêm. Gộp tất cả vào một mối, ôm đồm quá thì sẽ rất khó cho chị.
Vậy, trường hợp chị, bước một chị cần làm ngay là nhờ một văn phòng cố vấn pháp lý huớng dẫn để làm thủ tục ly dị với người chồng hiện chị đã không còn ở chung nữa, xin tòa phán quyết buộc ông ấy phải trả tiền cấp dưỡng hàng tháng cho các con còn vị thành niên, có thể cấp dưỡng cả chị nữa nếu chị đi làm lương thấp, không thể tự túc.
Xong giai đoạn này rồi, mẹ con đoàn tụ và có nơi ăn chốn ở tạm ổn định, chị sẽ được thanh thản đôi chút rồi tính tiếp những việc khác.
Như thư chị mô tả, người đàn ông làm chung sở với chị được chị nhận xét là “người hiền lành, tử tế, tốt bụng,” nếu chị muốn đi bước nữa thì đây là cơ hội tốt vì thời buổi này, người như thế phải nói là rất hiếm. Chị có thì giờ nên tìm hiểu thêm, cần sáng suốt và thong thả, đừng vì muốn vội có người an ủi, nâng đỡ và nương tựa nhau mà ba bốn nâng lên thành mười thì rồi lại ân hận. Chuyện trăm năm, cần có tấm lòng chân thật cho nhau về lâu về dài, cũng cần xem ông ấy đối xử với các con chị thế nào, còn chuyện nghèo, ở share phòng, chỉ là giai đoạn.
Ở Mỹ, cu ky một mình thì thường yếu ớt vì chỉ có một nguồn tiền. Có hai người góp gạo thổi cơm chung thì thu nhập gấp đôi mà chi phí sinh hoạt nhiều lắm cũng chỉ gấp rưỡi so với một mình, dành dụm được sẽ dễ chịu hơn nhiều.
Hy vọng đã giúp chị một vài ý để chị có hướng thu xếp, thời gian làm việc cho mọi người, chị cứ bình tâm, kiên nhẫn, đi từng bước vững chắc, sau cơn mưa trời lại sáng chị nhé! Chúc chị nhiều nghị lực và may mắn.
Trang Đài