Xóm là một danh từ thuần Việt. Chữ “Xóm tui” nghe thật thân thương gần gũi, một danh xưng xuất phát tự đáy lòng của Dân Nam Kỳ lục tỉnh. Ngày xưa, chòm xóm là một tập hợp những “người bỏ xứ” vô Nam khai phá lập nghiệp trên miền đất mới, họ ở kế bên nhau, nương tựa giúp đỡ nhau lúc ốm đau, tối lửa tắt đèn.
Xóm là những mái nhà quây quần sống gần nhau có chung cái giếng, cây cầu. Họ chia sẻ buồn vui khi nhà hàng xóm hữu sự. Xóm là một cộng đồng không thể thiếu trong văn hóa đời sống Việt!
Đây xóm nghèo quê tôi khi nắng lên
Sài Gòn Gia Định có khoảng 60 xóm, Riêng Gò Vấp đã có hơn 10 cái.
Xóm Thuốc ngày nay còn cái nhà thờ giáo xứ Xóm Thuốc đuợc thành lập năm 1954 trên đường Quang Trung. Nhà thờ của Dân Bắc Kỳ 54 mới đây. Xóm Thuốc là nơi trồng cây thuốc lá, để mấy ông già quấn vô giấy quyến hút kêu là thuốc rê Gò Vấp:
Thuốc Gò Vấp ngon lắm anh ơi Giấy quyến rộng khổ, anh bỏ tôi sao đành?
Sau này Xóm Thuốc gia công trồng thuốc lá cho hãng Bastos, Mélia của Pháp. Ngày nay do đô thị hóa, Xóm Thuốc ko còn trồng thuốc lá nữa.
Xóm Mới nổi tiếng nhứt ở Gò Vấp, tỉnh Gia Định vì là nơi của Dân di cư chỗ ở “mới” thành lập vào năm 1954.
Xóm Gà ở góc Nguyễn Văn Đậu Lê Quang Định, hẻm chùa Dược Sư. Xóm này nuôi gà đá cho trường gà của Tả quân Lê văn Duyệt trên lộ làng 15.
Xóm Thơm là nơi trồng trái thơm, có cái ga xe lửa cùng tên (ga Gò Vấp) trên đường Lê Lai.
Xóm Lư là xóm làm lư đồng ở làng An Hội ở khúc Quang Trung, Phan Huy Ích.
Mé quận 4, thủ đô “giang hồ” có cái xóm nổi tiếng dữ lắm, đó là Xóm Chiếu. Xứ này của thôn Khánh Hội và Bình Ý nằm gần mé kinh Bến Nghé và sông Sài Gòn. Đất cù lao, nước lên xuống toàn bưng sình, mọc đầy cây bàng và cỏ lác. Làng nghề Xóm Chiếu và chợ Xóm Chiếu ra đời ở đây.
Mé Q.5 có Xóm Cải từ Nguyễn Trãi tới Mạc Thiên Tích. Xóm Cải của đất Chợ Lớn xưa, là nơi đất gò, nơi cư ngụ của những người chuyên nghề trồng rau cải để bán.
Xế cầu Chà Và có Xóm Chỉ ở đường Tản Đà, dân vùng này chuyên làm nghề kéo chỉ. Có cái cầu sắt nhìn ốm nhách khẳng khiu tên cầu Xóm Chỉ .
Xóm Vôi đất Chợ Lớn là nơi dân chuyên chở đá vôi từ vùng Hà Tiên lên để… ăn trầu và sơn tường.
Xóm Củi xưa kia là vùng đất hoang, sình lầy, là bến lên củi và vựa chứa củi từ ghe thuyền miền Tây lên. Xóm Củi xưa là đất trũng, nước lên xuống hầu như không có người ở.
Mé quận 3 có cái cầu Kiệu được Trương Vĩnh Ký ghi cầu Xóm Kiệu, xưa chuyên trồng củ kiệu.
Xóm Lách là con hẻm nối Yên Đỗ với Công Lý ra kinh Nhiêu Lộc xưa trồng xà lách bán cho Tây.
Xóm Cối Xay ở chợ Cây Da Thằng Mọi khúc dinh Gia Long. Trong bài Gia Định phú có câu: “Xóm Cối Xay làm tở mở, chồng sửa họng vợ đục tai.”
Xóm Vườn Mít ở đường Công Lý khúc Tòa án.
Xóm Bột từ bệnh viện Chợ Quán tới bệnh viện Nguyễn Trãi chuyên sản xuất các loại bột, trong bài Phú Gia Định có câu: “Ngoài Xóm Bột phơi phong trắng dã, nhiều bột mì, bột đậu, bột lọc, bột khoai”.
Đối diện với Bến Ngự (Cột cờ Thủ ngữ) phía Thủ Thiêm, gọi là xóm Thủy tặc hoặc xóm Tàu Ô. Có nhiều tay trộm chuyên leo lên tàu nước ngoài khoắng đồ như Tàu Ô.
Xóm than Thủ thiêm là kho than của Pháp xây đựng chất đốt cho Tàu Xe thời đó.
Xóm Bình Khang là tên hoa mỹ dành cho nhà chứa, nơi các kỹ nữ ở . 平康 Bình Khang thực ra là tên một làng ở ngoại ô thành Trường An đời Đường, nơi cư ngụ của các các kỹ nữ. Ở Sài Gòn vào năm 1953 – 1954, xóm Bình Khang Cây Điệp nằm trên đường Vĩnh Viễn-Petrus Ký.
Trong thư tịch cổ ở Chợ Lớn xưa có Xóm Huê Nương (Xóm Lồng Đèn) ở khu vực KS Đồng Khánh, không phải Xóm Lồng Đèn ở xóm đạo Phú Bình quận 11.
Có nhiều cái xóm đã biến mất tiêu trong thực tế, nay chỉ còn trên thư tịch.
Ai biết lịch sử Xóm nào ở Sài Gòn nữa… Xin chỉ giáo, cám ơn!
Lê Văn Thông