Ở thôn quê, với một mảnh đất nhỏ, trồng một vài luống rau, dây bầu, dây mướp… là có đủ các loại rau cần thiết cho gia đình, không phải đi chợ mua rau nữa. Cho nên thoạt nghe chuyện trồng rau trong chậu để ở trong nhà, người ta tưởng là chuyện tào lao, vô tích sự, cần rau gì cứ ra chợ, hoặc tiệm tạp hóa là có đầy đủ, giá cả rẻ mạt. Nhưng đối với người sinh sống ở Âu châu hay Bắc Mỹ, xa chợ Á đông, vào những ngày mùa đông khi cần một ít rau thơm, vài trái ớt, tép hành, để thêm gia vị cho món ăn, không phải là dễ tìm. Trong khi đó dân thành phố ở Việt Nam, trồng rau sạch là vấn đề đang được mọi người quan tâm. Cho dù ngôi nhà chật hẹp, hay thoáng rộng, công việc rất bận, nhiều gia đình vẫn dành một không gian nhỏ và thì giờ ít ỏi của mình cho việc trồng rau tại nhà.
Sẽ có người hỏi liệu việc trồng rau trong nhà có xứng đáng với thì giờ và công sức dành ra không? Hiện nay tình trạng rau nhiễm khuẩn, tồn đọng dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học ở mức báo động, khiến nhiều người hoang mang, không biết lựa chọn rau quả thế nào cho an tâm.
Làm vườn đô thị (urban gardening) đang thực sự phát triển trên nhiều quốc gia. Người ta trồng rau cải ở những nơi không có đất như sân thượng, mái nhà, ban công, bệ cửa sổ, và bất cứ ngóc ngách nhỏ nhất nào có sẵn cho họ. Trồng rau trong chậu thường là cách dễ nhất. phù hợp ở các góc nhỏ trong nhà hay trong khu vực trống nào xung quanh nhà. Từ những bụi hẹ trong chậu lớn ở khu vườn, đến những chậu bạc hà nhỏ đặt trên bệ cửa sổ nhà bếp, vườn rau trồng chậu giúp dân đô thị thỏa mãn niềm mơ ước không gian xanh của mình.
Ở Mỹ, các siêu thị, garden shop đều có bán các chậu giống nhỏ đủ loại rau củ (vegetable) như bean (đậu), beet (củ cải đường), chard (cải lá), kale (cải xoăn ), radish (củ cải), spinach (rau chân vịt), tomato (cà chua), cucumber (dưa chuột)… hoặc các loại rau mùi (herb) như parsley (mùi tây), basil (húng quế), oregano (kinh giới), mint (bạc hà)… Mua vể chỉ cấn sang qua chậu lớn, chăm lo ánh sáng, nhiệt độ và nước, vài tuần là có thu họach.
Thực tế, trồng rau trong nhà thú vị và dễ hơn nhiều người nghĩ. Hầu hết các giống rau đều có thể phát triển tốt trong các chậu nhỏ. Nếu không thích trưng bày những cây cảnh nở hoa, thì việc trồng rau xanh trong nhà phục vụ cho bữa ăn hằng ngày của gia đình cũng cần thiểt vì:
– Có thể chọn nhiều giống khác nhau.
– Rau trong nhà có thể phát triển nhiều lứa theo mỗi giai đoạn.
– Với công nghệ hiện đại việc điều hòa nhiệt độ, ánh sáng, đất trồng, phân bón, sạch sẽ hơn và không tốn nhiều công sức.
– Có thể kiểm soát hoàn toàn quá trình phát triển và bảo đảm chất lượng an toàn cho rau củ, không thêm bất kỳ thành phần nào khác như thuốc kích thích tăng trưởng, không phải xịt thuốc trừ sâu, giảm nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, không nhiễm các vi khuẩn độc hại như E. coli, Salmonella, Listeria.
– Tiết kiệm diện tích và chi phí trồng trọt.
– Do thu hoạch tươi, hương vị tự nhiên của rau quả thanh mát, không cần các chất phụ gia khác để làm cho ngon hơn.
– Mọi người trong gia đình sảng khoái hơn khi theo dõi rau nảy mầm, phát triển.
Muốn có một kệ rau nho nhỏ cũng phải chuẩn bị đầy đủ. Cách trồng và chăm sóc tuy đơn giản, nhưng cần chú ý một số yếu tố sau:
– Đất tốt: Với bất kỳ loại rau nào, đất phải giàu dinh dưỡng, đầy đủ chất hữu cơ, tơi xốp, thoáng khí, giữ ẩm tốt, thoát nước tốt. Nhiệt độ từ 25ºC – 30ºC. Độ ẩm khoảng 60 – 70% Rh.
– Ánh sáng: Rau cải là loài thảo mộc phát triễn nhanh chóng dưới ánh nắng đầy đủ hoặc ánh đèn huỳnh quang, chúng không giống như cây cảnh, nên phải chú ý mỗi ngày. Lựa chọn vị trí thích hợp trong ngôi nhà, nơi có ánh nắng, càng nhiều càng tốt, ít nhất có khoảng 6-8 giờ được mặt trời chiếu sáng trực tiếp trong ngày, độ chiếu sáng cần thiết trên 400 lux. Có thể chọn nơi trồng rau là sân thượng, ban công hoặc một căn phòng có cửa phía đông hoặc phía tây. Nên xoay các chậu rau 180º mỗi ngày để cây nhận được ánh sáng đầy đủ từ các hướng.
– Nhiều nước: Rau cải nói chung điều có nhu cầu nước tưới trung bình, đất phải ẩm nhưng không được sũng nước, ngập úng. Khi dư nước, cây dễ bị bệnh thối rữa, vàng lá và có thể chết. Tưới nước 2 lần một ngày vào sáng sớm và chiều tối. Nếu sử dụng nước sinh hoạt thì phải để bay hơi chất diệt khuẩn (clo, flo) trước khi tưới cho cây.
– Bón phân: Khuyến khích sử dụng các loại phân hữu cơ, phân NPK bón cho cây rau, không nên sử dụng phân hóa học, thuốc tăng trưởng vì chúng có thể gây ngộ độc cho trẻ em và làm ô nhiễm không gian sống của gia đình.
– Lưu ý: Khi cây bị sâu bệnh gây hại, tiêu hủy tất cả cây bệnh, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp trồng rau xanh trong nhà. Rau xanh không như cây cảnh, khi chúng đến tuổi thu hoạch (sau 1-2 tháng) thì nên thu hoạch chúng, tránh để cây quá già và chết héo, vì đây sẽ là nầm bệnh ảnh hưởng đến những cây trồng khác.
Các cách trồng rau trong nhà:
– Trồng rau trong hộp, chậu, thùng bằng vật liệu đa dạng như thùng xốp, nhựa, gỗ… Có thể tận dụng đồ cũ tái chế như khay đựng thức ăn, xô nhôm, chậu nhựa hoặc giỏ mây… Cách này khá đơn giản, thích hợp cho nhiều vị trí như sân thượng, trước hiên, ban công hay một vài khu vực quanh nhà. Cần trải lớp lót bằng vải mỏng hoặc sỏi nhỏ, mùn cưa bên dưới đáy thùng rồi gắn thêm tay cầm hai bên thành để thuận lợi cho việc di chuyển. Đất trồng, hạt giống, phân hữu cơ dễ dàng tìm mua tại các cửa hàng bán hạt giống. Mỗi thùng không nên gieo quá nhiều hạt vì cây mọc dày sẽ không đủ dinh dưỡng. Những cây lớn như ớt, cà chua, dưa chuột thì nên trồng riêng mỗi loại một thùng. Đối với rau thơm như rau húng, rau mùi, ngò,… có thể kết hợp gieo nhiều loại.
– Trồng rau trên tường phù hợp cho những căn nhà có diện tích nhỏ. “Vườn đứng” có thể dùng những chiếc túi vải nhiều ngăn, ống nước, chai lọ nhựa, thủy tinh, xô chậu, hộp nhỏ,… hoặc các module có sẵn trên thị trường. Với cách này, cùng lúc trồng nhiều loại rau, củ, quả khác nhau, mỗi túi vải, xô chậu nhỏ là một loại. Nếu trồng cây con, luôn trồng sâu bộ rễ xuống đất để chúng hút được nhiều chất dinh dưỡng và phát triễn nhanh.
– Trồng rau thủy canh. Các loại rau ăn lá đều thích hợp với môi trường thuỷ canh như xà lách, rau muống, rau dền, rau cải, rau húng… Có rất nhiều công thức để pha dung dịch thuỷ canh. Rễ cây phát triển nhờ hút chất dinh dưỡng từ phía dưới. Cách trồng rau nầy không phổ thông, tốn kém và kỹ thuật cao.
Sau cùng là thiết trí các kệ để rau.
– Kệ treo, sử dụng móc xích hoặc dây thép để treo những chiếc chậu, giỏ cây này lên trên hiên nhà, ngang tầm mắt.
– Kệ nhiều tầng có ưu điểm tiết kiệm diện tích trồng, dễ lắp ghép, thao tác đơn giản hơn, nhưng nếu kệ không đủ độ cao giữa các tầng thì chậu rau tầng cuối cùng sẽ thiếu ánh nắng.
– Kệ bậc thang gần như có ưu điểm cho việc trồng đủ các loại rau. Hầu hết các chậu đều có ánh sáng, vì vậy rau phát triển xanh tốt. Tuy nhiên loại kệ này hơi tốn diện tích.
– Kệ để khay ốp tường, tận dụng khoảng không ở gần tường. Việc lắp ghép kệ đơn giản nhất.
Những loại rau cải có thể trồng chậu để trong nhà bằng cách gieo hạt, trồng cây giống, hoặc giâm cành.
– Xà lách phát triển nhanh, rễ ăn nông nên không cần chậu quá sâu. Chúng phát triển tốt trong nhà miễn là được trồng bên cửa sổ và tưới đủ nước. Sau khi trồng khoảng từ 35 – 40 ngày là có thể thu hoạch.
– Hành lá mua về tận dụng những cọng hành, sử dụng phần lá xanh và bớt lại phần rễ trắng dài từ 7 – 10cm để trồng trong chậu đất hay trong nước. Nhúng phần rễ vào cốc nước để gần cửa sổ hoặc nơi khô ráo, thoáng mát nhưng không nên để cây tiếp xúc với ánh năng mặt trời. Tiếp đó, thường xuyên thêm nước vào cốc, sau 1 tuần là có thể thu hoạch.
– Cần tây là loại cây gia vị với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, chế biến thơm ngon cùng những món ăn khác. Trồng trong đất hoặc trong nước. Sau khi mua về, cắt và sử dụng phần thân và lá cho bữa ăn, bớt lại khoảng 2-3cm phần củ và rễ, tỉa bớt rễ già, nhúng phần này vào cốc nước, đặt ở nơi có ánh nắng mặt trời. Sau khoảng 2 tuần có thể sử dụng cần tây hoặc trồng tiếp để cây ra nhiều lá hơn.
– Bạc hà (khác với cây bạc hà nấu canh chua, còn gọi là cây dọc mùng) là một loại thảo mộc phát triển mạnh dù thiếu ánh sáng. Đôi khi phát triển quá tốt phải để nó tránh xa ánh nắng mặt trời một chút. Các vị trí như trên quầy bếp, cạnh chậu rửa bát hoặc trên bàn ăn đều thích hợp. Cây bạc hà có thể trồng trên nhiều loại đất và phải kê chậu cao ráo, thoát nước.
– Hẹ là loại rau gia vị dễ trồng nhất trong nhà vì chúng không đòi hỏi nhiều ánh sáng và dễ sinh trưởng. Hẹ chứa nhiều chất chống oxy hóa, chất xơ, vitamin, canxi và khoáng chất bổ dưỡng cần thiết cho cơ thể. Hẹ có thể trồng bằng củ hoặc bằng hạt nhưng trồng dễ nhất là bằng cây. Mua cây hẹ có cả rễ rồi trồng trong chậu nhỏ với đất cao nửa thân chậu. Sau đó vun đất ở gốc cao hơn một chút và cắt một phần ba chiều dài của lá để kích thích mầm mới.
– Thì là có mùi thơm đặc trưng nên thường được dùng trong chế biến các món ăn từ hải sản. Thì là mua về cắt bỏ thân cây. Đặt củ vào một cái bát và để nổi lên hoàn toàn trong nước. Đặt bát dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp và thay nước vài ngày một lần. Khi cây ra rễ, có thể tiếp tục trồng trong nước, nơi nó sẽ tiếp tục phát triển. Sau một vài tuần, khi rễ đủ to và khỏe, hãy chuyển cây sang chậu chứa đất. Thì là thích đất thoát nước tốt và một thùng chứa sâu.
– Hành tây không cần kỹ năng gì đặc biệt. Chỉ ngâm củ ở cốc nước trong bóng râm vài ngày để nảy rễ. Sau đó gieo trồng xuống đất, cung cấp đủ nắng và ẩm thì lá sẽ bắt đầu vươn lên.
– Húng qᴜế có mùi rất đặc trưng và có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Chọn cành húng quế mập mạp, khỏe không sâu bệnh có chiều dài khoảng từ 10 – 15 cm. Đặt húng quế vào trong nước sao cho nước ngập khoảng 1/3 cành húng quế. Thay nước thường xuyên cho cây, khoảng 1 – 2 tuần khi thấy cây húng quê tăng gấp đôi kích thước thì trồng lại vào chậu đất và đặt nơi có ánh sáng trong bếp. Thường xuyên tưới nước, húng quế sẽ phát triển và cho nhiều lá để sử dụng hằng ngày.
– Ngò hay rau mùi trồng trong nhà rất đơn giản. Mua rau mùi sau khi sử dụng phần thân và lá, chừa lại một đoạn ngắn 5 – 6cm còn rễ nguyên vẹn để trồng, Sau đó, đổ nước sạch vào 2/3 lọ thủy tinh, cắm phần gốc vào bình nước, đặt lọ thủy tinh ở nơi thoáng mát, có ánh nắng, mỗi ngày thay nước 1 lần. Saᴜ 5 – 7 ngày, rễ rau mùi sẽ ra dài khoảng 5 cm thì đem trồng ở chậu đất (chọn đất tươi xốp và kết hợp bón phân để đất có dinh dưỡng và ngò nhanh lên hơn).
– Ngò gai (mùi tàu – răng cưa) lá có mùi thơm dễ chịu. Trong bát phở có lá ngò tươi giúp ăn ngon miệng. Trong nồi canh chua nấu cá có lá ngò làm mất mùi tanh. Gieo hột ngò gai vừa mới hái hoặc hột tổn trữ vào chậu với đường kính chậu từ 25-30 cm để cây con dễ dàng mọc nhảy ra xung quanh cây mẹ, chiều sâu của chậu từ 15-20 cm.
– Dền trồng theo phương thức gieo hạt hoặc trồng trực tiếp bằng cây con. Khi gieo hạt xong, cần phủ một lớp đất mỏng lên trên và tưới nước cho đất ẩm. Chăm sóc hiệu quả sẽ có rau dền ăn quanh năm.
– Tía tô với mùi thơm đặc trưng, màu đỏ tím lạ mắt. Trồng tía tô bằng cách giâm cành hay gieo hạt. Đầu tiên chọn một cành tía tô xanh non, khỏe mạnh, nhớ vặt bỏ hết các lá phía dưới và chỉ để lại hai lá non trên cùng, rồi dùng kéo cắt một đoạn dài khoảng 5 đến 7cm tính từ lá xuống gốc, ngâm cành vào chén nước sao cho ngập khoảng 3/4 cành và để nơi sáng thoáng mát. Khi cây ra chồi nhiểu đem cấy vào chậu.
– Tỏi dễ trồng, không yêu cầu chăm sóc nhiều. Nếu để tỏi trong một vài tuần hoặc đặt tỏi trong tủ lạnh nhiều ngày, sẽ thấy chúng mọc mầm xanh. Thay vì vứt bỏ, trồng chúng vào chậu đẩt. Khi mới trồng, tưới nước đủ ẩm để rễ phát triển. Đến khi cây nhú mầm thì tưới 1 tuần/lần. Khi các nhánh tỏi đã ngả màu vàng là tỏi đã ra củ, có thể thu hoạch và trồng những cây tỏi tiếp theo. Lá tỏi có mùi cay nhẹ và mùi thơm dịu của tỏi nên được dủng chế biến thức ăn.
– Tần lá dày còn được gọi là rau húng chanh, rau thơm, rau thơm lông, được dùng chế biến món ăn, giúp khử mùi tanh của cá khi nấu canh, cây còn được sử dụng như một vị thuốc trị ho. Trồng bằng cây con hoặc cành đều được. Nên chọn cây thân to tròn, lá xanh tốt đều nhau, không sâu bệnh. Nếu là cành thì không nên chọn cành non quá hoặc già quá cây sẽ không phát triển được.
– Gừng là loại cây thường được kết hợp với nhiều món ăn để tăng hương vị thơm ngon, trị cảm lạnh, tốt cho tiêu hóa. Đặt gừng vào nơi ẩm tối để gừng mọc mầm và nảy nhánh. Sau đó cho gửng vào chậu có đất ẩm để trồng. Sau vài tháng, cây sẽ đâm chồi, lên lá và cho ra những củ gừng mới.
– Sả rất đơn giản khi trồng, chỉ cần cắt lá đi, sau đó để phần củ còn lại ngâm trong nước cho ra rễ (20-15 ngày) rồi trồng vào đất, hoặc có thể trồng trực tiếp ra đất. Sả sẽ nhanh chóng sinh trưởng. Cây sả từ xưa đến nay được mọi người sử dụng một cách triệt để từ lá, củ, rễ.
– Mồng tơi là loại rau được trồng nhiều tại vùng nhiệt đới, đặc biệt là ở những vùng đất ẩm ướt, cũng là một trong những loại rau ngắn ngày, có thể trồng một lần ăn cả năm. Mồng tơi chủ yếu được trồng từ hạt. Trước khi gieo hạt, nên tưới nước cho lớp đất ẩm đều. Trong điều kiện tốt, hạt giống sẽ nảy mầm sau một tuần gieo hạt. Nên sử dụng ngay sau khi thu hoạch để đảm bảo rau giữ được độ tươi nhất.
– Giấp cá hay diếp cá là loài ưa ẩm thấp, phát triển rất phong phú và tươi tốt vào mùa mưa hay tại những vùng đất ẩm ướt. Nhiều người không thích rau giấp cá vì mùi tanh của cá, trên thực tế đây là một loại rau được dùng làm gia vị để tăng hương vị cho món ăn. Rau giấp cá được nhân giống bằng cách giâm cành hoặc chiết từ rễ của cây con. Sau khoảng 30 đến 45 ngày có thể thu về những khóm rau xanh mướt do chính mình tạo ra.
– Rau răm chủ yếu để làm gia vị. Ăn hột vịt lộn không thể thiếu rau nầy. Rau răm thường được nhân giống bằng cành. Cây giống nên chọn những cành khỏe, mập mạp, không sâu bệnh. Khi trồng, nên cắt cây thành từng đoạn dài 12 -15cm, có khoảng 5 – 6 mắt, lấp đất khoảng 2/3 đoạn cành, sau đó dận chặt gốc rồi tưới nước đủ ẩm. Tránh ánh nắng trực tiếp. Khi phát triển tốt, rau đâm nhiều chồi, lá vươn dài kín chậu cành nọ gối cành kia là có thể thu hoạch được. Cắt tỉa các cành dài hoặc cắt luân phiên từng đám, cần được cắt sát gốc, chỉ chừa lại khỏang 5cm, bón thêm phân, tưới nước để cây phục hồi lại.
– Rau đay hay rau nhớt là loại rau nấu canh ngon vừa tốt cho sức khỏe con người. Loại rau này có 4 tác dụng nổi bật, đó là trị táo bón, lợi sữa, thanh nhiệt giải độc và lợi tiểu. Có thể chọn trồng bằng cây con, mỗi chậu chỉ nên trồng 1 đến 2 cây. Muốn thu hoạch theo từng lứa, chọn cách gieo hạt, thời gian gieo hạt và chăm sóc 40 ngày.
– Củ dền hay củ dền baby, ngọt, đỏ thẫm này rất tuyệt vời khi được thu hoạch khi còn bé. Củ dền là một trong những loại củ được yêu thích, có nhiều loại và giống khác nhau. Củ dền baby có rễ phát triển thành củ, cứng và ngọt này tạo ra những quả cầu nhỏ hơn các giống khác. Trồng bắng cách gieo hạt. Ngâm hạt giống vào nước ấm có nhiệt độ khoảng 40 độ C khoảng 3 – 5 tiếng. Lót 1 lớp bông gòn xuống đáy một cái chén nhỏ, tưới nước cho ấm và rải hạt lên trên lớp bông sau đó phủ tiếp 1 lớp bông gòn khác lên trên, tưới ẩm. Chờ đến khi hạt xuất hiện vết nứt nhỏ thì bắt đầu đem trồng ra đất.
– Ớt là trái không thể thiếu trong bửa ăn. Ớt có năng suất cao mà không cần chăm sóc nhiều. Tuy nhiên, cần một nơi đầy nắng và ấm áp để phát triển. Có nhiều giống ớt: ớt chỉ thiên, ớt thái lan, ớt kiểng, ớt chuông, ớt hiểm. Ớt trồng bằng hạt, cách đơn giản nhất là lấy lại hạt giống sau khi sử dụng.
– Quất hay tắc được trồng làm cây cảnh, thậm chí làm bonsai, thường được chưng vào dịp Tết vì nó biểu tượng cho sự may mắn. Quả tắc tươi ngâm mật làm thức uống, có tác dụng chữa viêm khí quản. Rễ, lá, quả, hạt dùng làm thuốc. Vỏ tắc ăn rất thơm, lá có thể pha trà. Cây tắc gieo trồng từ hạt hoặc chiết cành. Tuy nhiên, quất trồng bằng hạt dễ bị biến dị, cây chậm ra trái, nên chiết cành. Đơn giản nhất nên mua giống bán sẵn, chọn những cây khỏe mạnh, mập mạp, không sâu bệnh, không gãy dập.
Việc trồng rau xanh trong nhà không mang nhiều lợi ích kinh tế, nhưng nó góp phần tạo một mảng xanh, sạch, đẹp, không khí trong lành, hạ nhiệt độ trong nhà và thoả chí làm vườn của dân thành thị. Thật đơn giản để có được mảnh vườn nhỏ, xanh tươi và hữu ích cho những căn nhà vây quanh bốn bức tường xám ngắt, nhàm chán, ngột ngạt. Nếu không bố trí được một kệ rau trong nhà, thì đặt một vài chậu tắc, chậu ớt, hay chậu tía tô… vừa làm kiểng, vừa để ăn, cuộc đời chẳng thú vị lắm sao?
Lê Tấn Tài