Chiếc xe Thổ Mộ

 

Sáng sớm tờ mờ, người Sài Gòn xưa nằm trong nhà đã nghe tiếng nhạc leng keng và tiếng vó ngựa lóc cóc của chiếc xe Thổ mộ .
Xe thổ mộ chạy lên Gò Vấp chở hàng bông về Chợ Lớn. Từ lộ trình lên Gò Vấp, nhiều xe còn ghé Chợ Lớn tranh thủ đón thêm khách. Thông thường xe tập trung tại bến xe ngựa trên đường Mã Lộ (Q.1) hay ghé đậu bến xe ngựa ở chợ Bến Thành.
Hình ảnh chiếc xe ngựa với những tiếng kêu lenh keng, lóc cóc và cặp bánh gỗ to đã trở nên thân thương, quen thuộc với bao thế hệ người miền Nam Xe dùng để chở người đi lại trong vùng hay vận chuyển hàng rau cải từ những vùng quê lên Sài Gòn. Mỗi khi có việc đi lại trong vùng, đi mua sắm, thăm viếng, cưới xin, người ta đều chọn phương tiện xe ngựa vì tính tiện lợi của nó. Thời điểm lúc bấy giờ, xe ngựa vừa nhanh chóng, vừa tiện lợi bởi người ta có thể lên xuống bất kỳ chỗ nào.

Xuất xứ của xe Thổ mộ.

Về xuất xứ của chiếc xe thổ mộ đầu tiên ở Nam Bộ có người cho là ở Sài Gòn nhưng cũng có ý kiến cho rằng xe thổ mộ có ở Bình Dương và điều này đã được khẳng định trong câu vè: “Khô như bánh tráng là chợ Phan Rang, Xe thổ mộ dọc ngang là chợ Thủ Dầu Một, Chẳng lo ngập lụt là chợ Bưng Cầu…”
Từ cuối thế kỷ XIX, đất Thủ Dầu Một là nơi nghề thủ công phát triển mạnh, kinh tế giao thông hàng hóa rộng khắp nhờ nguồn nhân lực thợ lành nghề dồi dào, nhiều nguyên vật liệu, lại ở vào vị trí giao thương thuận lợi cả về đường thủy và đường bộ, từ đây nhu cầu về đi lại và vận chuyển hàng hóa rất lớn. Trên bộ, phương tiện giao thông gần như duy nhất là xe ngựa, vì vậy mà nghề chế tác xe thổ mộ và nghề chuyên chở bằng loại xe này nhanh chóng phát triển.
Theo nhiều tài liệu khác thì vào khoảng đầu thế kỷ XX, phương tiện đi lại của người dân vùng Sài Gòn – Chợ Lớn và miền Đông Nam bộ rất hạn chế, giao thông của cả vùng đấy này có khoảng năm ba chiếc xe ô tô (lúc bấy giờ gọi là xe điện) chạy theo các tuyến đường Sài Gòn – Chợ Lớn, Sài Gòn – Hóc Môn, Sài Gòn – Thủ Dầu Một. Những chiếc xe còn rất thô sơ nhưng chỉ những người quyền quý và có tiền mới sử dụng để đi lại. Đa số dân lao động thường đi bộ, những người khá hơn chút thì được đi xe thổ mộ, nhất là khi có hàng hóa cần chuyên chở luôn phải dùng đến loại xe này. Vì thế xe thổ mộ có cơ hội để phát triển nhanh.
Các cơ sở đóng xe ngựa và nuôi ngựa đã sớm hình thành và cũng hình thành cả đội ngũ chuyên làm nghề đánh xe ngựa. Đa số những nhà nghiên cứu đều cho rằng, Đông Nam bộ thời đó chỉ có vài nơi sản xuất được xe thổ mộ, trong đó Bình Dương có Thủ Dầu Một và Lái Thiêu. Bình Dương còn có nhiều cơ sở đóng thùng xe đẹp nức tiếng như Bình Hiệp, Tân An, Phú Cường. Nơi làm bánh xe đẹp, bền chắc có vùng Thuận Giao, An Thạnh vì tại đây có nhiều thợ rèn lành nghề. Điều đó chứng tỏ xe thổ mộ thời xa xưa đã rất phát triển ở Bình Dương và người ta vẫn gọi xe thổ mộ ở đây là xe Thủ Dầu Một để phân biệt với xe nơi khác.

Nguồn gốc tên gọi “Xe Thổ Mộ”

Có nhiều lý giải về nguồn gốc tên gọi này. Trong từ điển tiếng Việt miền Nam, học giả Vương Hồng Sển giải thích, xe thổ mộ là xe do một con ngựa kéo dùng để chở hàng hóa cho khách bộ hành vùng ngoại ô Sài Gòn, Chợ Lớn, Lái Thiêu.. Còn theo nhà văn Sơn Nam và Nguyễn Nguyên thì “thổ mộ” bắt nguồn từ hai chữ “thảo mã” nghĩa là loại xe dùng ngựa để chở cỏ của người Trung Quốc. Cũng có ý kiến cho rằng, trước đây việc chở quan tài đi chôn xa phải dùng xe ngựa để đưa đến chỗ đất (thổ) mồ mả (mộ), nên quen gọi xe ngựa là xe “thổ mộ”.
Một số đông ý kiến khác lại cho rằng, vì mui chiếc xe có hình khum khum mu rùa, giống như nấm mộ. Một số cụ già ở Bình Dương lại khẳng định “thổ mộ” là tên gọi xe Thủ Dầu Một do nói nhanh, nói gọn của người Nam bộ. Tất cả những lý giải về tên gọi của loại xe “thổ mộ” còn cần phải được tìm hiểu thêm nhưng rõ ràng đất Thủ Dầu Một có nhiều mối quan hệ trong việc hình thành, sáng tạo cũng như sử dụng rộng rãi và lâu dài loại xe “thổ mộ”.

Cấu tạo của một chiếc xe Thổ Mộ

Xe thổ mộ có thùng (hay là khoang chứa người) dài 1,18m đến 1,2m, chiều cao 1m , phía trên chia làm ba ô cửa sổ, chiều ngang (bề rộng) thùng xe 0,85m
Vật liệu làm xe phần lớn từ gỗ giáng hương hoặc gỗ cây chò đây là hai loại gỗ quý, bền và có độ đàn hồi cao.
Thùng xe được vít cứng trên một cái nhíp bốn lá hình ô van để tạo sự đàn hồi, giữ thăng bằng cho thùng khi rong ruổi trên đường. Phía đầu thùng xe hai bên là cặp tai đèn. Hai cái vè chở hàng (porte bagage) bằng gỗ bề ngang hơn tấc tay, uốn lượn như dợn sóng rất thẩm mỹ, cặp trên hai bên thùng xe có sức chịu lực mỗi bên khoảng ba bốn mươi ký. Trên cùng là cái mui uốn cong, lợp thiếc nhô ra tới nửa mình ngựa, khum lại như cái vành mũ .
Bên trong thùng xe, khách ngồi trên chiếc chiếu bông đâu mặt nhau, chân co về một phía, ít người thì khách ngồi thòng chân ở phía chỗ bàn đạp dành cho khách lên xuống.
Giày dép, thúng mủng, quanh gánh của khách thì máng ở hai cọc sắt phía sau xe ở góc thùng. Dù chật hẹp như vậy nhưng không ai cảm thấy ngột ngạt vì bên hông thùng xe là 3 ô cửa để hở cho gió lùa vào. Mỗi khi trời mưa, khách có thể kéo tấm rèm xuống che mưa. Phía trên nước mưa chảy xuống hết hai bên vì nóc là một cái mái khum tròn như ngôi mộ đất.
Hai bánh xe lớn hai bên, mỗi bánh xe được ghép từ sáu mảnh gỗ gắn với 12 chiếc tăm cắm vào trục bánh xe. Sau đó, dùng vòng sắt quấn quanh bảo vệ bánh gỗ tạo thành một chiếc vành và dùng nệm cao su nịt chặt vòng ngoài. Bánh xe được làm hoàn toàn từ gỗ và cao su làm cho xe phát ra tiếng kêu lách cách đều đều ở bánh xe kết hợp với tiếng chuông ở cổ ngựa.