Chương Đặng
Với hầu hết dân tỉnh, “đi Sài Gòn” thường được xem là một giải pháp, một nỗ lực sau cùng, một việc quan trọng.
Hầu hết những ca bệnh nặng từ tai nạn đến ung thư, giải phẫu thẩm mỹ hay sinh con khó đều cần “đi Sài Gòn.”
Gần như các gia đình từ miền Trung trở vào đều có một vài người thân đang sống ở Sài Gòn, còn miền Bắc khi gọi Nam tiến thường hàm ý là di cư vào Sài Gòn.
Những cuộc phỏng vấn quan trọng của rất nhiều người cũng là ở Sài Gòn: xin việc, thi vào trường học, học nghề, học nâng cao một chuyên ngành, phỏng vấn du học, xin visa xuất cảnh…
Sài Gòn có một thứ đặc biệt vô cùng là tiếng động. Bước xuống chuyến xe đò đầu đời ở bến xe Miền Đông, Miền Tây đó là Sài Gòn của tiếng xe ôm giành khách, tiếng rao trà đá, tiếng người ta cãi nhau, tiếng cười đùa của những người lao động tứ xứ…
Các con hẻm nhỏ cũng có những tiếng lao xao tương tự, nhưng thân mật hơn. Rồi vào những khung cảnh sang trọng nhà hàng, lounge, sảnh khách sạn, cao ốc văn phòng thì tiếng động nhỏ lại, giọng miền Nam dịu nhẹ, dáng người thanh tao. Sự sang trọng miền Nam không thể không kể đến cách họ điều chỉnh âm lượng.
Sài Gòn như những thành phố lớn khác là dân tứ xứ đổ về và tìm thấy chỗ đứng cho mình, bảo lãnh gia đình người thân để rồi lại đi xa hơn cả Sài Gòn…
Phần lớn người dân rời khỏi Việt Nam sẽ ra đi từ Tân Sơn Nhất. Phi trường này mỗi năm chứng kiến hàng vạn giọt nước mắt chia ly lẫn mừng tủi ngày trùng phùng.
Những chuyến bay hồi hương rất giống những chuyến xe đò vào bến xe miền Đông khi xưa. Khi cửa máy bay vừa mở là hơi nóng hầm cùng tiếng người lao xao, làm hồi sinh những tế bào say sóng. Người lữ khách trôi vào vòng tay người thân rồi lên chiếc xe riêng của gia đình đi thẳng về tỉnh.
Ai cũng có độ 30 phút để rời khu Hồng Hà, đi qua khu Cộng Hòa, Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Thánh Tôn… nơi có những hàng quán quen; nơi có nụ hôn vội trong thang máy, những hẹn hò; nơi có phòng trọ, có một phòng khách nhà ai, có cả những chia ly chưa bao giờ nói lời tạ từ.
Những cao ốc sáng đèn, những hợp đồng, những đồng nghiệp, đàn anh đàn chị, những người thầy trong cuộc sống… đã từng bên nhau và không bao giờ xa nhau vì ai cũng đủ giỏi để tìm ra nhau khi cần hay muốn.
Sài Gòn chứa đựng tất cả.
Khi cao ốc tắt đèn, sảnh khách sạn vắng người, hàng quán im hơi, bến xe miền Đông không có taxi, Tân Sơn Nhất không còn đón người trở về… Sài Gòn chắc lại ngơ ngác như đã từng vài lần như thế…
Sài Gòn không đau bệnh, con người đau bệnh.
Sài Gòn không nghỉ ngơi, Sài Gòn không cần nghỉ ngơi, con người cần.
Sài Gòn không nghỉ ngơi, Sài Gòn không cần nghỉ ngơi, con người cần. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)
Sài Gòn là nơi dung chứa mọi giọng nói, mọi sản vật, mọi cuộc đổi trao, những nỗi niềm, sự lãng mạn, tình yêu, hoài bão danh vọng và những chuyến ra đi.
Những ai từng đến, từng đi, từng yêu Sài Gòn đều là một phần năng lượng của Sài Gòn dù ở bất kỳ đâu, tình yêu này vẫn sống nơi mỗi người.
Chờ mong chuyến xe đò liên tỉnh mở lại, ai đó nhận diện mình theo cách ngồ ngộ: “ĐM, thằng nhóc áo sơ mi hồng là của tao.”
Có nghĩa là chưa đầy 1 phút, bàn tay rắn rỏi của anh xe ôm đen nhẻm sẽ kéo cái túi xách trên tay mình rồi gọn lỏn: “Đưa anh bỏ lên phía trên cho ngồi thoải mái.”
Chỉ cần trả giá cuốc xe chứ không cần tìm xe khác, vì không xe ôm nào dám chở một người đã được giàn xếp trước qua ô kính xe, khi xe đò vừa quẹo bến thì các chị bán cóc, ổi, mía ghim đã uyển chuyển nhảy lách người lên xe và những tiếng rao râm ran, hòa quyện như một bản nhạc nửa buồn nửa vui.