Tại sao đời sống đô thị ngày càng thiếu thân thiện?

 

Một lý do khiến thành phố ít thân thiện và tử tế hơn là các cư dân của nó luôn bị bội thực bởi sự tương tác giữa người và người trong cuộc sống hàng ngày khiến họ dễ nảy sinh tư tưởng an thân. Không biết từ lúc nào, sự giao tiếp với người khác đã biến thành ác mộng đối với số đông. Họ không biết chính họ đã góp phần làm cho hình ảnh cư dân đô thị xấu đi, bị phê là “thiếu thân thiện” và “kém tử tế”. Điều này càng đáng lo khi con người ngày càng xa cách nhau bởi đại dịch Covid-19.

Các thí nghiệm về sự thân thiện và lòng tử tế của người dân thành phố
Trên thực tế, ngay cả trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, cư dân New York City hay cư dân ở bất cứ thành phố lớn và đông đúc nào khác đã bị mang tiếng xấu là “thiếu thân thiện”. “Dễ thương” lại càng không. Nó hoàn toàn đúng với bài viết mới của Will Doig đăng trên tạp chí Salon có tựa đề “Có đúng là các thành phố ngày càng bần tiện hơn?”. Doig đưa ra một số nghiên cứu thường được trích dẫn nhất về vấn đề khá nhạy cảm này, kể cả nghiên cứu độc đáo của Robert Levine, trong đó ông so sánh sự giúp đỡ đối với khách lạ gặp trên đường tại 22 thành phố khác nhau trên thế giới.
Levine kết luận: “Những người sống trong các đô thị chịu ảnh hưởng của văn hóa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có vẻ tử tế hơn người dân New York”. Doig cũng nhắc lại vụ giết người nổi tiếng năm 1964 mà nạn nhân là cô Kitty Genovese ở Queens, New York. Ông viết: “Cô ta bị giết trước mặt hàng trăm nhân chứng mà không có người nào dám can thiệp”. Trong khi cái chết của Genovese gây sốc cho cả nước Mỹ (và tình tiết của vụ án không bao giờ được dựng lại đầy đủ), các phân tích sâu đều cho thấy chỉ có một người nhận được tính nghiêm trọng của thảm kịch khi nó đang xảy ra. Đó chính là… nạn nhân.
Còn đám đông chứng kiến chỉ nhìn nó bằng ánh mắt vô tư, xem đây không phải chuyện của mình. Vô số lời bình luận trên trang web Salon cũng chẳng mang lại kết luận cuối cùng được nhiều người đồng tình. Thậm chí có người nói Doig “xuyên tạc sự thật”! Bài viết của Doig đã làm sống lại một lần nữa sự phân cực về thái độ và lối sống của các cư dân đô thị, dẫn đến cách họ nhìn một sự kiện, một vấn đề và giải pháp đưa ra cũng khác nhau. Người thích sống cô lập không muốn xen vào chuyện nguời khác; kẻ lại thích hòa đồng và xem trọng giao tiếp. Kẻ thân thiện, người cảnh giác trước khách lạ.
Đã có nhiều nghiên cứu về triết lý sống và ứng xử của cư dân đô thị. Trong nghiên cứu của mình, Levine đếm số người sẵn lòng giúp đỡ kẻ “hoạn nạn” trong ba hoàn cảnh được dàn dựng khác nhau: một người mù, một người bị thương ở chân và một người bị rơi viết. Chúng ta biết rằng có khác biệt giữa sự giúp đỡ và cư xử văn minh. Tại những đô thị người dân có tốc độ đi bộ nhanh; do áp lực “của sự quá tải”, ứng xử của họ có vẻ ít “lịch sự” hơn trong việc giúp đỡ người khác.
Tại New York, hành vi tránh né thấy rất rõ. Trong thí nghiệm rơi viết, thay vì nhặt lên, người nhìn thấy vội vã chuyển hướng 90 độ như không nhìn thấy! Trái lại, tại Rio De Janeiro của Brazil, nơi thường bị cho là “quá cá nhân chủ nghĩa” với đủ loại tội phạm xem thường sinh mạng kẻ khác, đa số cư dân lại sẵn sàng cúi xuống lượm viết, thậm chí đuổi theo cây viết nếu nó lăn ra xa để lượm và giao lại cho “nạn nhân”.
Trong thí nghiệm về người mù, người dân New York thường chờ đợi khi đèn tín hiệu đổi qua màu xanh để bảo đảm an toàn 100% mới đi đến trợ giúp nạn nhân. Sự trợ giúp cũng xảy ra rất nhanh như “làm cho xong chuyện vì không làm không được”. Ngược lại, tại các thành phố thân thiện hơn, sau khi giúp “người mù” qua đường, người trợ giúp còn hỏi anh ta có cần giúp thêm gì không; và họ rất sẵn lòng.

Đi nhanh, sống vội nên dễ vô cảm
Cứ nhìn vào những toa tàu điện ngầm đông đúc và chính xác đến từng giây thì thấy thành phố vận hành hối hả thế nào trong 24 tiếng không ngủ của nó. Trên nét mặt người nào cũng hiện nét vội vã lo toan, dù ở chiều đi hay ở chiều về. Họ luôn có cảm giác sắp bị lỡ một công việc nào đó nên không có chỗ cho sự lan man trò chuyện. Người ta đứng hay ngồi sát bên nhau nhưng lại cực kỳ xa lạ và cảnh giác. Không muốn tạo cơ hội cho người khác bắt chuyện với mình.
Khoảng cách vô hình được giữ vững như thế cho đến khi xuống tàu. Và tiếp tục, ngày này sang ngày khác. Mối quan hệ giữa thời gian, tiền bạc, vô cảm và đi nhanh, sống vội được củng cố bằng một nghiên cứu năm 2010 của nhà tâm lý Robert Levine thuộc Đại học tiểu bang California ở Fresno (California, Mỹ). Levine nghiên cứu kỹ cái mà ông gọi là “nhịp sống” (pace of life) trong các thành phố khác nhau, chủ yếu là các thành phố lớn, đông dân tại 31 nước trên thế giới.
Trong bài viết đăng trên tờ Journal of Cross-Cultural Psychology, Levine giải thích nghiên cứu của mình là “để biết, ngoài kích cỡ dân số, còn các yếu tố văn hóa nào có thể ảnh hưởng đến tốc độ đi và sống của người dân đô thị”. Levine đo lường ba “pace of life” khác nhau là: Tốc độ đi bộ (walking speed), tốc độ làm việc (work speed) và sự chính xác của đồng hồ (clock accuracy).
Về tốc độ đi bộ, 10 thành phố có tốc độ đi bộ nhanh nhất là Dublin (Ireland), Amsterdam (Hoà Lan), Bern/Zurich (Thuỵ Sĩ), London (Anh), Frankfurt (Đức), New York (Mỹ), Tokyo (Nhật Bản), Paris (Pháp), Nairobi (Kenya) và Rome (Ý). Ngoài Nairobi của Kenya, nơi sản xuất nhiều vận động viên vô địch marathon quốc tế, tất cả các thành phố có tốc độ đi bộ nhanh nhất đều nằm tại các nước giàu.
Phân tích sâu hơn qua thống kê thì thấy: Hai trong ba chỉ số dự báo đáng tin cậy nhất về tốc độ đi bộ là: GDP và sức mua (mãi lực). Chỉ số thứ ba là chủ nghĩa cá nhân (individualism). Thật vậy, khi Levine xem xét tất cả ba thước đo nhịp sống (tốc độ đi bộ, tốc độ làm việc và sự chính xác của đồng hồ) thì ông thấy chúng đều nhanh hơn tại những nước có nền kinh tế đã phát triển và có hiệu suất lao động cao nhất như Tây Âu và Nhật Bản. Ông thấy người tại các nước nghèo thường đi đứng chậm chạp, làm việc lề mề và quen dùng “giờ cao su” hơn các nước khác. “Nhanh hơn” là chỉ dẫn cho sức sống mãnh liệt của một nền kinh tế, dấu hiệu của hiệu suất lao động cao và “giá trị của thời gian” được nhìn nhận đúng.

Sự vô cảm của người dân đô thị đã đến mức báo động
Trong những yếu tố tạo ra khác biệt này, “sự tất bật” đóng vai trò quan trọng nhất. Vì bận rộn hơn (bằng chứng là đi nhanh hơn) nên người dân New York chỉ giúp người khác… cho có lệ. Như vậy vấn đề không hoàn toàn là tử tế hay không tử tế mà do sống tại New York, “thời gian giá trị hơn, nói nhanh hơn, đi nhanh hơn nên giúp người khác cũng… nhanh hơn”. Ngoài ra, thí nghiệm của Levine còn phát hiện ra một điều khá thú vị: Người dân New York giúp người khác giống như… thi đấu thể thao, theo kiểu “tao sẽ chứng tỏ là tao giỏi hơn mày”!
Ví dụ khi có người hỏi phương hướng với ai đó trên tàu điện ngầm và nhận được câu trả lời, lập tức có một người khác đưa ra phương án mà anh ta cho là “ưu việt” hơn! Trong người hợp này, người giúp không chỉ muốn giúp mà còn muốn trở thành “kẻ hảo tâm xuất sắc nhất”. Có vô số câu chuyện vui buồn về sự thân thiện và lòng tử tế của cư dân đô thị. Ví dụ các tài xế taxi chân thật trả đồ để quên của khách, các “hiệp sĩ” tàu điện ngầm dám đánh cược mạng sống để cứu các nạn nhân. Rồi các công dân bình thường gọi điện đến số 911 để báo về một tội ác đang diễn ra chứ không chờ đến khi nó kết thúc.
Một lý do khiến người dân thành phố ít thân thiện và tử tế hơn, theo Doig, là các cư dân luôn bị bội thực bởi sự tương tác giữa người và người trong cuộc sống hàng ngày khiến họ dễ nảy sinh tư tưởng an thân. Không biết từ lúc nào, sự giao tiếp với người khác đã biến thành ác mộng đối với số đông. Họ không biết chính họ đã góp phần làm cho hình ảnh cư dân đô thị xấu đi, bị phê là “thiếu thân thiện” và “kém tử tế”. Nếu bạn sống ở vùng nông thôn, thậm chí ngoại ô của các thành phố lớn, bạn sẽ ít bị người lạ can thiệp vào dòng chảy hàng ngày của cuộc sống riêng.
Bạn không phải chen chúc trên các con đường sầm uất mà chỉ ở nhà, ngồi trong xe hay ngồi tại nơi làm việc. Cơ hội giúp người mù, người tàn tật hay người rơi viết cũng ít hơn. Trong khi tại thành phố, nhìn đâu cũng thấy “cơ hội”. Các chuyên viên về cuộc sống đô thị cảnh báo là trong tương lai, người dân thành phố sẽ còn bị lên án hơn nữa về tính vô cảm. Đối với nhiều người, đường phố tại các trung tâm đô thị ngày càng giống cửa hàng Walmart hay bãi đậu xe.
Mỗi cư dân sống tại đô thị đông đúc phải đối mặt với hàng loạt quyết định hàng ngày trong đủ mọi lĩnh vực. Sự tự do của họ mất dần. Luôn có một ai đó can thiệp vào cuộc sống cá nhân, từ chen lấn xếp hàng đến giành chỗ đậu xe. Công việc ngập đầu và thời gian eo hẹp khiến không còn chỗ cho sự thân thiện và lòng tử tế tại nơi công cộng. Thậm chí giúp người khác đã trở thành màn xa xỉ. Khi đó, sự tử tế chỉ còn có thể trông chờ vào truyền thống văn hóa và sự tự giác của mỗi cá nhân.