TẢN MẠN VỀ “CỌP”

 

 

Lê Tấn Tài

Năm Tân Sửu hết, lại đến năm Nhâm Dần, gửi đến các bạn những chuyện về Cọp. Chuyện Cọp thì nhiều lắm, kề hoài không hết; chỉ lượm lặt vài chuyện để các bạn đọc thưởng xuân vì e rằng trong tương lai cọp sẽ bị loài người săn bắn đến tuyệt giống và các thế hệ sau không còn được biết cọp là con gì nữa.

Trong tiếng Việt, cọp có nhiều tên gọi: Ông Ba Mươi (ngày xưa, ai giết được một con cọp, thì sẽ được vua thưởng cho ba mươi quan tiền, nhưng cũng bị đánh tượng trưng ba mươi hèo để hồn “ông cọp” không còn giận kẻ đã giết mình..), ông Hỗ, ông Hùm, ông Kễnh, ông Mãnh…Có lẽ vì người ta quá sợ “Ông” nên tránh gọi tên Ông. Cọp là dã thú, thân dài, cổ ngắn, đầu tròn, râu cứng, răng nhọn, thuộc họ nhà mèo, có sức mạnh, to khỏe, nhanh nhẹn, chiến đấu giỏi, săn mồi thành thạo. Đặc trưng của cọp là tính hung dữ, táo bạo, liều lĩnh, dám tấn công hay đối địch nhiều thú to khỏe khác, với tiếng gầm rống rung chuyển núi rừng gây khiếp đảm cho muôn loài. Bộ da cọp vằn vện vàng đỏ và có nhiều vằn đen, đẹp rực rỡ. Thân hình lượn sóng, uyển chuyển, hùng dũng. Dáng đi của cọp (hổ bộ) rất đặc trưng: bốn chân khi đi rất khoan thai, nhưng chắc chắn, mỗi bước chân đặt xuống đất thì các xương cốt, cơ bắp trên phần thân thể đều lộ ra. Tuổi thọ của cọp tối đa 25 nãm, phần lớn sống tới 17 hay 21 năm, cọp nuôi sống được 25 năm. Cọp trưởng thành nặng nhất độ ba trăm ký, sống trong các khu rừng, kể cả rừng đầm lầy có lau sậy. Cọp thường ăn thịt hươu nai, lợn rừng, thậm chí có khi bắt cả trâu bò mà ăn. Mỗi bữa dùng tới 30, hay 50 ký thịt. Sau đó, có thể nhịn trong nhiều ngày…Cọp săn mồi bằng cách bò thật sát đến từ phía sau con mồi. Khi khoảng cách còn độ 5m cọp chạy thật nhanh và phóng lên lưng con mồi, cắn vào gáy, ghì chặt con mồi, chờ đến khi con mồi vùng vẫy và đuối sức ngã xuống mới cắn vào cổ họng cho con mồi nghẹt thở chết.
Trước đây châu Á có hàng trăm ngàn cọp, hiện nay chỉ còn khoảng 5.000 con, trong đó có đến 3.000 con bị nhốt trong các sở thú. Khoảng 200 năm về trước, miền Nam toàn rừng rậm hoang vu, thú rừng đầy rẫy, những người khai hoang bị cọp beo, rắn rết giết hại rất nhiều. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có ghi: “Giữa ngày Tết năm 1771, cọp từ rừng Sác, phía Cần Giuộc, từng bầy kéo về chợ Tân Kiểng, trên đường vào Chợ Lớn, làm dân chúng kinh hoàng…” Việt Nam hiện còn khoảng 300 con, kể cả cọp nuôi.

Trong văn hóa hiện đại, người ta sử dụng hình tượng, biểu tượng, biểu trưng, phù hiệu, nhãn hiệu có hình ảnh cọp trên nhiều lĩnh vực như thể thao, kinh tế, quảng cáo… đặc biệt dùng hình ảnh cọp để chỉ tiềm lực hùng mạnh cũng như sự trỗi dậy của nền kinh tế mới ở các quốc gia như “bốn con hổ châu Á”, “bốn con hổ con kinh tế” (Tiger Cub Economies), “những con hổ kinh tế mới”, “những con hổ kinh tế” (Tiger economies).

Trong lịch sử có nhiều danh thần, võ tướng có tên gọi gắn với hổ như: Phạm Bạch Hổ (võ tướng các triều nhà Ngô), Lê Như Hổ (vô địch đấu vật thời nhà Lê), Bùi Cầm Hổ (quan nhà Lê), Phạm Đình Hổ (biệt hiệu Chiêu Hổ, quan triều Nguyễn), Tăng Bạt Hổ (chí sĩ tham gia phong trào Cần Vương), Đào Văn Hổ (tướng của Nguyễn Nhạc)… Thời xưa thì có Tràng An Tứ Hổ (Nhất Quỳnh, nhì Nham, tam Hoàn, tứ Tuấn), Trường An Thất Hổ (bảy con hổ của kinh thành Thăng Long). Thời Tây Sơn có Tây Sơn Thất Hổ tướng trong đó có Hám Hổ Hầu Võ Văn Dũng. Nhà Nguyễn có Ngũ Hổ tướng Gia Định, Long Hổ tướng quân Trần Hầu (cháu của đô đốc Mạc Thiên Tứ). Thời hiện đại, Lê Văn Hưng của QLVNCH được các phóng viên chiến trường gọi là một trong Ngũ Hổ U Minh Thượng, võ sư Long Hổ Hội (tên thật là Lâm Hữu Hội) danh chấn xứ Bạc Liêu, võ sư Ngô Bông còn được gọi là Lâm Hổ. Ở Việt Nam không thấy có phụ nữ nào tên là Hổ, mặc dù nhiều bà cũng được gọi là “hổ cái”, “cọp cái”.

Trung Hoa có nhiều người tên Hổ như: Đường Bá Hổ (tức Đường Dần, một danh hoạ, một nhà thơ nổi tiếng đời nhà Minh), Hàn Hổ (tức Hàn Khang Tử là vị tông chủ thứ 10 của họ Hàn giữ chức quan khanh nước Tấn), Hổ Sơn (tức Hoàng Đắc Công, tướng lãnh nhà Minh, trấn thủ Lư Châu), Mã Định Hổ (tự nhận là hậu duệ đời thứ 39 của Phục Ba tướng quân Mã Viện). Thời nhà Minh, Nỗ Nhĩ Cáp Xích được phong danh hiệu Long hổ tướng quân, Vương Đài làm Long Hổ tướng quân. Thời nhà Thanh có danh xưng Quảng Đông Thập Hổ (10 con hổ ở đất Quảng Đông) trong đó có Tô Hắc Hổ (chưởng môn phái Hắc Hổ nổi tiếng với bài Thập hình quyền). Thời Tam Quốc, Viên Thiệu được phong làm Hổ Bôn Trung Lang tướng, Vu Cấm được phong chức Hổ Uy tướng quân…
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, La Quán Trung dùng hình tượng cọp để mô tả hình dáng của nhiều viên tướng được ví như anh hùng: Đổng Trác được xưng tụng là Biên Quan Dã Hổ (con cọp dữ ở vùng biên), Lữ Bố được Tào Tháo so sánh với hình ảnh cọp, Hứa Chử được gọi là Hổ Hầu (tên gọi do Mã Siêu đặt, ban đầu có tên là Hổ Si, tức con cọp dại). Ngoài ra còn có danh xưng Ngũ Hổ tướng chỉ các viên tướng có sức mạnh như: Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu, Triệu Vân, Hoàng Trung. Trong tác phẩm Thủy Hử, có Bát Hổ Lượng Sơn Bạc: Sáp Sỉ Hổ Lôi Hoành (Hổ mọc cánh), Cẩm Mao Hổ Yến Thuận (Hổ long gấm), Nụy Cước Hổ Vương Anh (Hổ chân ngắn), Khiêu Giản Hổ Trần Đạt (Hổ nhảy khe), Hoa Hạng Hổ Cung Vượng (Hổ sẹo hoa), Đả Hổ tướng Lý Trung (Tướng đánh hổ), Tiếu Diện Hổ Chu Phú (Hổ mặt cười) và Trúng Tiễn Hổ Đinh Đắc Tôn (Hổ trúng tên).

Một số nước khác, các danh tướng cũng dùng tên Cọp để chỉ về mình như Takeda Shingen danh tướng thời chiến quốc Nhật Bản được gọi là Con Cọp Xứ Kai, đối thủ của ông là Uesugi Kenshin còn gọi là Nagao Kagetora (Trưởng Vĩ Cảnh Hổ) sau đó đổi tên thành Uesugi Masatora (Thượng Sam Chính Hổ). Viên tướng Nhật Yamashita Tomoyuki còn được gọi là con cọp Mã Lai. Võ sư Kim Chấn Bát (Triều Tiên) được đặt biệt hiệu là Kim Phi Hổ. Tên vua Babur (là người sáng lập Đế chế Mughal ở Ấn Độ) có nghĩa là cọp. Vua Sher Khan của Hồi giáo, vua Tipu Sultan (còn được gọi là Tipu Sahab hoặc là Tiger of Mysore) là những vị vua lấy cọp làm biểu tượng.

Những cao thủ võ thuật Việt Nam danh chấn cũng được đặt biệt danh là hùm xám. Võ sư Mã Thanh Long được đặt biệt danh là Hùm xám Hòa Hưng, võ sư Huỳnh Long Hổ được mệnh danh là Hùm xám Quảng Ngãi, võ sư Hà Trọng Ngự với tuyệt kỹ quyền ba chân hổ được tôn xưng là Hùm xám miền Nam, võ sư Hà Trọng Sơn cũng có biệt danh là Hùm xám miền Trung cùng với võ sư Lý Xuân Hỷ người được mệnh danh là Hùm xám Cao nguyên.

Người Việt còn dùng thuật ngữ hùm xám để đặt tên cho các đội bóng nước ngoài như: Đội bóng Bayern Munich được báo giới Việt Nam đặt tên là Hùm xám xứ Bavaria, thủ môn José Luis Chilavert được gọi là Con hùm xám Nam Mỹ. Radamel Falcao García có biệt danh là Mãnh hổ (El Tigre). Cúp bóng đá vô địch các quốc gia Đông Nam Á trước đây còn có tên gọi là Tiger Cup do hãng Tiger Beer tài trợ. Đội bóng đá Hull City A.F.C. của giải ngoại hạng Anh cũng sử dụng hình ảnh con hổ làm logo chính thức cho mình. Cọp cũng là biểu tượng của Thế vận hội 1988 ở Seoul với hình ảnh là chú hổ Hodori. Logo của Đội tuyển bóng đá Hàn Quốc là hình một con hổ; bóng đá Hàn Quốc được biết đến là một mãnh hổ Đông Á với sức mạnh và tinh thần thi đấu quả cảm và đội tuyển bóng đá Hàn Quốc được đặt biệt danh là hổ Đông Á. Tên Tiger Woods, vận động viên golf chuyên nghiệp người Mỹ, được lấy từ tên Vương Đăng Phong (có biệt danh Tiger), người bạn quân nhân Việt Nam của cha anh. Earl Woods bắt đầu gọi con trai mình là Tiger như một sự kính trọng đối với một trong những người bạn thân nhất của mình, một người lính miền Nam Việt Nam. [Earl Woods – một đại tá quân đội Mỹ và cựu binh trong chiến tranh Việt Nam – là một người lai giữa người Mỹ gốc Phi (50%), người Trung Hoa (25%), và người Mỹ bản địa (25%). Mẹ anh, Kultida, xuất thân từ Thái Lan, là người lai giữa người Thái Lan (50%), Trung Hoa (25%) và Hà Lan (25%). Điều này khiến Tiger Woods có 1/4 dòng máu người Trung Hoa, 1/4 của người Thái lan, 1/4 của người Mỹ gốc Phi, 1/8 của người Mỹ bản địa và 1/8 dòng máu Hà Lan. Anh tự coi mình là thuộc chủng tộc Cablinasian (anh ghép từ tên 5 chủng tộc trong Tiếng Anh: Caucasian, Black, American-Indian, and Asian)].

Cọp cũng được sử dụng trong quảng cáo hàng hóa như xăng dầu và đồ ăn nhanh. Một số hãng sử dụng cọp làm biểu tượng cho mình như hãng dầu nhớt Essso, các hãng bia Tiger, bia Laruer in hình con cọp. Hãng hàng không Tiger Airways có logo với hình con cọp đang tung mình. Ở Đài Loan có Tiểu Hổ Đội (tiếng Anh: The Little Tigers), gồm ba thành viên Ngô Kỳ Long, Trần Chí Bằng và Tô Hữu Bằng, là ban nhạc của Đài Loan đầu thế kỷ 20.

Một số loại vũ khí có sức mạnh công phá lớn được gọi là hỏa hổ. Thanh đao được ví như hổ với câu: “Đao như mãnh hổ, thương tựa giao long”. Thanh kiếm của Kondō Isami được gọi là Hổ Triệt (Kotetsu), là tác phẩm của một thợ rèn danh tiếng thế kỷ 17 tên là Nagasone Kotetsu. Nhiều máy bay chiến đấu được đặt tên theo loài hổ (tiger). Không quân Hoa Kỳ sử dụng máy bay tiềm kích biệt hiệu con hổ Northrop F-5 vào những năm 1960, ngoài ra còn nhiều máy bay chiến đấu được đặt tên theo loài hổ như: Grumman F-11 Tiger, Grumman F11F Super Tiger. Trong chiến tranh thế giới thứ 2, Đức Quốc xã đã chế tạo và đưa vào sử dụng những chiếc xe tăng lợi hại gồm 2 thế hệ là Xe tăng Tiger I và Tiger II. Về tàu chiến, có mười lăm tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Anh từng được mang cái tên HMS Tiger, theo tên loài hổ, Hải quân Anh còn có lớp tàu tuần dương trực thăng Tiger là lớp đầu tiên của Hải quân Hoàng gia Anh, và cũng là những tàu tuần dương cuối cùng được chế tạo cho Hải quân Anh, xuất sắc nhất có chiếc HMS Tiger (1913).

Tên cọp cũng được đặt cho các đơn vị quân đội. Ở châu Á có Sư đoàn bộ binh Mãnh Hổ của Nam Hàn từng tham chiến tại Việt Nam. Những con Hổ giải phóng Tamil (viết tắt: Hổ Tamil /LTTE) là một tổ chức chiến đấu đòi độc lập cho người thiểu số Tamil có trụ sở ở đông bắc Sri Lanka. Một số đơn vị của QLVNCH cũng sử dụng hình ảnh con cọp cho một số đơn vị như: Tiểu đoàn biệt động Cọp đen của Sư đoàn 23 Bộ binh, Tiểu đoàn 42 Biệt động quân Cọp ba đầu rắn, Tiểu đoàn Cọp Biển (tiểu đoàn 6) của Thủy quân Lục chiến.

Uy danh của cọp còn ảnh hưởng đến tên gọi nhiều sinh vật to lớn hoặc mạnh mẽ như rắn hổ, cá hổ, cá mập hay còn gọi là cọp biển, tôm hùm, tép cọp, bướm đêm hổ đốm, muỗi hổ (Aedes albopictus), con mèo thường được gọi là tiểu hổ. Về các loài thực vật có: cây lưỡi hổ, cây ba mươi, lá lưỡi cọp, cỏ đuôi hùm, bìm bìm chân cọp… Trong kho tàng dược liệu y học cổ truyền, nhiều cây, lá mang tên hổ là vị thuốc dễ tìm có tác dụng chữa bệnh như: Hổ thiệt, Hổ nhĩ thảo, Hổ trượng căn, còn có chín vị thuốc tên hổ như Hổ kế hay ô rô (Cicus japonicus), Hổ thiệt (Aloe), Hổ cao (Siegesbeckia orientalis L), Hổ trượng căn (Polygonum cuspidatum sieh Znce), Hổ vĩ, hay hổ vĩ mép vàng (Sansevira trifasciata Prain var), Hổ phách (Succinum), Hổ chuối (Ptyas korros), Hổ mang (Ophiophagus hannah), Hổ cốt (Panthera tigris L).

Hiện nay hình ảnh cọp được diễn tả ngộ nghĩnh, đáng yêu hơn rất nhiều so với hình ảnh cọp dữ trước kia, nhằm đề cao ý thức bảo vệ, bảo tồn loài cọp vì loài này đã trở thành một động vật quý hiếm và có nguy cơ bị tuyệt chủng. Một cuộc thăm dò dư luận hơn 50.000 người đến từ 73 quốc gia, của kênh truyền hình Animal Planet cho kết quả cọp là con vật được yêu thích nhất trên thế giới. Theo kết quả bỏ phiếu thì cọp nhận được 21% đứng hạng nhất, tiếp theo là chó với số phiếu sát sao 20%, cá heo 13%, ngựa 10%, sư tử 9%, rắn 8%, sau đó là voi, tinh tinh, đười ươi và cá voi. Ngày nay, cả thế giới đã dành riêng một ngày để kỷ niệm về cọp đó là “Ngày quốc tế bảo tồn cọp” (nhằm ngày 29 tháng 7 hàng năm), ngày này đã diễn ra tại Việt Nam vào năm 2011.

Nhiều vùng đất, địa danh, công trình được đặt tên loài cọp. Trung Hoa có Long Hổ Sơn hay còn gọi là núi rồng-hổ, một địa danh linh thiêng của đạo giáo, Hổ Khiêu Hiệp (Hẻm núi Hổ Nhảy), tương truyền rằng để trốn khỏi một tay thợ săn, một con hổ đã nhảy qua con sông tại điểm hẹp nhất (rộng 25 m), do đó người ta gọi đây là hẻm núi Hổ Nhảy. Hổ Khâu, Hổ Môn nghĩa là “cổng hổ”, người phương Tây thường biết đến Hổ Môn qua tên gọi xuất phát từ tiếng Bồ Đào Nha là Bocca Tigris (nghĩa là “miệng hổ”) hay Bogue, Hổ Lao Quan, Hổ Môn (trấn), Hổ Lâm, Cầu Hổ Môn, Đại Hổ Sơn, cù lao Hổ Hạm (Hổ Hạm Châu). Ngoài ra, các nước khác còn có Sông Tigre ở Brazil, và đặc biệt là sông Tigrit một trong hai con sông của dòng sông Lưỡng Hà.

Ở Việt Nam, Tiền Giang vùng đất miệt vườn có tên gọi là Cù lao Ông Hổ. Ngoài ra còn có Mỏ dầu Bạch Hổ (cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 145 km), Thị trấn Tăng Bạt Hổ (Bình Định). Đặc biệt ở miền Nam còn lưu truyền nhiều địa danh liên quan đến cọp như Đìa Cứt Cọp (Giồng Trôm, Bến Tre) là nơi có nhiều cọp tụ tập lại săn mồi và phóng uế bừa bãi, Sân Ngự (thị trấn Bình Đại, Bến Tre) là nơi theo truyền thuyết hàng năm vào mùa khô, cọp từ các nơi tụ tập về đây gọi là cọp hội dưới sự đầu lĩnh của chúa cọp bạch ba chân, Đồn Cọp Chợ Lách, Bến Tre) là nơi cọp thường đến phá phách dân chúng mới lập mưu vây cọp lại, rồi báo cho tỉnh đưa lính về bắn, Mỏ Cày (Bến Tre) cọp ở đây rất nhiều do đó, người dân vừa cày, vừa đánh mỏ để cọp sợ không dám đến làm hại, rạch Ông Hổ (Long Hưng, Tiền Giang), Rạch Gầm (Châu Thành, Tiền Giang) là nơi trước có nhiều cọp và chúng gầm thét vang động cả một vùng nên có tên Rạch Cọp Gầm, về sau, gọi tắt thành Rạch Gầm. Đồng thời có các địa danh như suối Cọp và Hang Bạch Hổ (Định Quán), truyền rằng, trước kia, khi rừng rậm còn nhiều, có một cặp hổ trắng về ẩn tại núi Đá Voi, cặp hổ này không bắt người ăn thịt mà thường xuống nghe kinh Phật ở chùa Thiện Chơn. Sau này rừng bị phá dần, lại thêm chiến tranh, cặp hổ bỏ đi. Dân cho là Hổ thần nên đặt tên hang là Bạch Hổ. Ngoài ra còn có Thác Hang Cọp ở Đà Lạt, tương truyền nơi đây ngày xưa là nơi trú ngụ của một con cọp cho nên mới lấy hang cọp mà đặt tên cho thác, hiện nơi đây có đặt tượng hổ cao khoảng 5m, dài 10m nằm trong khuôn viên của thác.

Trong văn hóa Á đông cọp chiếm một vị trí khá quan trọng. Nói tới cọp là nói đến cái dáng dấp hào hùng mạnh mẽ, cái khí thế oai phong lẫm liệt. Vì vậy, hình ảnh cọp là biểu tượng cho các vị tướng lãnh và các bậc anh hùng, người ta dùng từ “hổ tướng” để tả một viên võ tướng có dáng điệu uy nghi, oai vệ: “Ra oai hổ tướng đoạt thành / Ngói tan, trúc chẻ, tan tành thịt xương.” Hoặc nói “hổ trướng” là nói nơi đóng quân của viên chủ tướng, thường dùng da cọp bọc quanh trướng để họp với các thuộc hạ, luận bàn cơ mật quân sự. Cũng vì thế, mà dân Việt gọi ông Hoàng Hoa Thám, hay Đề Thám, người anh hùng đất Yên Thế là Hùm thiêng Yên Thế.

Vùng Bengal ở Ấn Độ, nổi tiếng cọp dữ. Người dân vào rừng thường mang mặt nạ về phía sau đầu, nhìn tưởng người đi thụt lùi. Họ tin rằng cọp chỉ vồ từ đằng sau con mồi nên thấy mặt người thì cọp sợ nên bỏ đi. Các dân tộc thiểu số ở cao nguyên Việt Nam vẫn có tục vác chà gạt trên vai, mũi nhọn hướng về phía sau. Cọp biết nếu vồ con mồi sẽ bị đầu nhọn chà gạt đâm nên không dám tấn công. Người Việt tin rằng, ai bị cọp ăn thịt thì hồn không siêu thoát mà phải theo hầu con cọp đó (gọi là hổ trành). Hổ trành thường xúi thân nhân ra nộp mạng cho cọp để thế chỗ cho hồn cũ đi đầu thai kiếp khác.
Trò chơi “bầu cua cá cọp” ngày Tết: trên miếng giấy vẽ hình các con thú là bầu, cua, cá, cọp để người chơi đặt tiền. Vì lẽ kiêng nễ cọp nên không ai dám đặt tiền vào hình con cọp, sợ thất lễ với “ông”, nên người ta bỏ hình cọp mà thay vào bằng hình con nai.

Việt Nam ngày xưa cũng có trò chơi bắt voi và cọp đấu sức với nhau như các đấu trường thời La Mã. Cố đô Huế còn lại phế tích trường đấu Hổ Quyền xây dựng năm 1830. Trò chơi này còn đến đời vua Thành Thái ở cồn Dã Viên trên sông Hương. Trong những trận đấu này, cọp luôn luôn thua vì vóc nhỏ hơn voi, sức cũng yếu hơn voi. Móng cọp không làm rách được da voi nên cuối cùng, hổ bị voi đạp chết.
Giai thoại ngày xưa kể rằng Tả quân Lê Văn Duyệt cùng với sứ thần Xiêm La (Thái Lan) ngồi trên vọng đài xem Lê Văn Khôi, con nuôi của Tả Quân, tay không đấu với cọp. Lê Văn Khôi mình trần mặc quần cụt, tay cầm đùi heo. Không ngờ gặp con cọp quá dữ tấn công ngay, ông né mình đánh ra một côn trúng cọp ngã lăn rồi tắt thở. Sứ thần Xiêm La tấm tắc khen ngợi, nhưng Tả Quân nổi trận lôi đình truyền đao phủ bắt trói Lê Văn Khôi đem chém, vì theo lệnh đấu với cọp chỉ được bắt sống chứ không được đánh chết. Lê Văn Khôi đến trước vọng đài xin tha tội và xin được bắt sống con cọp khác để chuộc tội. Tả quân đồng ý ra lệnh thả cọp ra, bên ngoài trống thúc vang trời. Cuộc tỉ thí lần này thật gay go. Khôi đá trúng hàm dưới của cọp và cọp nằm bất tỉnh. Khôi trói cọp, đặt dưới vòng đài làm lễ xin chuộc tội. Sứ thần Xiêm la thấy vậy khen không dứt lời. Tả Quân ung dung nói: “Bọn tiểu tốt dưới trướng tôi đều như vậy cả, có chi đáng cho đại nhân khen.” Đây là hình thức phô trương nhân tài của Duyệt để dằn mặt quân Xiêm đừng sang quấy phá nước ta.

Đông Y đánh giá rất cao công dụng của xương hổ với loại thuốc trứ danh “Cao hổ cốt” là cao được nấu cô đặc từ xương cọp, trước hết phải có bộ xương cọp đầy đủ, không được thiếu mảnh xương nào và cũng không được lẫn các loại xương khác, theo đó Cao hổ cốt có thể làm thay đổi chất lượng sức khỏe con người, cứu bệnh hiểm nghèo, giúp bệnh ung thư, cứu người hậu sản… Râu cọp theo truyền thuyết có thể làm ra một thứ thuốc rất độc. Vì ăn thịt sống máu còn dính hai bên miệng, râu mép, nên cọp có mùi hôi, do đó râu cọp rất độc có chất ptomaine, khi săn hay bẫy được cọp, người ta thường đốt râu, sợ người khác lấy râu bỏ vào bẹ măng sẽ sinh ra loại sâu có phân rất độc giết người. Chỉ cần uống phải một tí hay bôi một chút vào đầu mũi tên bắn bị thương người nào thì không cứu được.

Trung Hoa xem cọp là con vật có thật và gần như là duy nhất được người ta sánh đôi với rồng, trong khi hầu hết những con vật tượng trưng sự may mắn như Long và Kỳ Lân đều là giả tưởng. Người Trung Hoa cho rằng những vệt vằn trên trán cọp có hình chữ Vương (王), có nghĩa khi sinh ra cọp đã là vua của muôn thú. Chữ vương trên trán cọp được hội họa Trung Hoa cũng như Hàn Quốc khai thác rất nhiều. Nhiều câu thành ngữ có sự so sánh giữa rồng và cọp như:
Long tranh, hổ đấu hoặc Long hổ giao đấu hay Long hổ tranh hùng: Chỉ về một trận đấu ác liệt ngang sức ngang tài giữa hai kỳ phùng địch thủ. Đây cũng là tựa đề của một bộ phim võ thuật của điện ảnh Hồng Kông có tên “Long tranh, hổ đấu” (tựa tiếng Anh: Enter The Dragon) với sự tham gia của diễn viên Lý Tiểu Long.
– Long bàn, hổ cứ (Rồng cuộn, hổ ngồi) hay hổ phục rồng chầu: Chỗ đất hiểm yếu hay một địa điểm chiến lược. Thành ngữ này được nhắc đến trong chiếu chỉ dời đô của Lý Thái Tổ khi đề cập đến địa thế của Đại La và chọn đây là kinh đô nước Việt. Câu nói này cũng là cảm hứng cho tựa đề của bộ phim của Đài Loan của đạo diễn Lý An có tựa đề “Ngọa hổ, tàng long” (tựa tiếng Anh: Crouching tiger, hidden dragon) có nghĩa là một nơi có vẻ vô hại nhưng lại có những lực lượng mạnh ẩn nấp.
– Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ: Rồng xanh bên trái, hổ trắng bên phải.
– Long đàm hổ huyệt hay Ao rồng, hang hổ: Chỉ về một nơi nguy hiểm.
– Long đằng hổ dược: Rồng nhảy, hổ vọt.
– Vân tùng long, phong tùng hổ: Mây theo rồng, gió theo hổ.
Long sinh quyển, hổ sinh phong: Rồng sinh ra mây, hổ sinh ra gió.

Người Hàn Quốc quan niệm rằng khi trời mưa to là lúc rồng và cọp đang giao chiến kịch liệt. Cọp được dân gian tôn làm thần giám hộ, là biểu tượng của uy dũng và quyền lực, giúp con người tránh được vận hạn và đem đến cho họ nhiều phúc lộc. Hình cọp còn được in lên bùa để bảo vệ khỏi mọi điềm gở trong đời sống.
Vùng Nam Á, cọp Bengal được gọi một cách trang trọng là “hổ Hoàng gia Bengal” (Royal Bengal Tiger). Cọp Bengal là biểu tượng của đảng bảo thủ Liên đoàn Hồi giáo Pakistan Nawaz. Quân đội Bangladesh cũng sử dụng làm phù hiệu cho mình với hình ảnh khuôn mặt của một con cọp. Biểu tượng đội bóng chày Kolkata của Ấn Độ và đội bóng chày Bangladesh là cọp Bengal.
Vùng Tây Bá Lợi Á, nơi cư ngụ của giống cọp Mãn Châu to lớn. Người Tungus, một dân tộc ở vùng Tây Bá Lợi Á gọi giống cọp Mãn Châu bằng tên gọi tôn xưng là Ông hay Ông già, người Udege và người Nanai gọi hổ Mãn Châu cùng với gấu (Doonta) bằng tên gọi Amba với ý nghĩa sùng kính. Người Mãn Châu gọi tên cọp với ý nghĩa là vua (Hu Lin), đối với người Ghiliak thì cọp với cuộc sống và tập tính của nó, là một con người đích thực, chỉ tạm thời khoác hình dáng cọp. Cọp Mãn Châu là hình tượng trên các lá cờ và huy hiệu của vùng lãnh thổ Primorsky, vùng lãnh thổ Khabarovsk, cũng như trên nhiều thành phố và quận, huyện trong khu vực vùng Viễn Đông nước Nga.
Trên cờ Lungta (trong tiếng Tây Tạng có nghĩa là “ngựa gió”, cờ cầu nguyện ở Tây Tạng) thường có sự hiện diện của bốn linh vật ở mỗi góc, được gọi là Tứ linh (Shambhala Terma) bao gồm Sư Tử Tuyết trắng (seng) ở phương Đông, Cọp vàng (tak) ở phương Tây (cọp vàng tượng trưng cho sự kiêu hãnh, sự tỉnh thức và sự khiêm hạ, an trụ), Rồng Xanh (druk) ở phương Nam, Mệnh lệnh điểu (kyung) ở phương Bắc.
Đối với những dân tộc khu vực Ấn Độ, là nơi loài cọp nhiều nhất thế giới cho nên từ lâu trong văn hóa, cọp đã hiện diện rõ rệt ở đây. Trong tranh tượng đạo Hindu, da cọp là một chiến quả của thần Siva và cọp là vật cưỡi của thần Shakti, của nữ thần Durga trong cuộc chiến chống lại ác quỷ Parvati. Ở miền Nam Ấn Độ cọp là bạn của vị thần Ayyappan. Trong Phật giáo, cọp cùng với khỉ và hươu là một trong ba linh vật thiêng liêng. Cọp biểu tượng cho sức mạnh của niềm tin, sự chiến thắng mọi trở ngại trên con đường tu chứng do đó hình ảnh thường thấy là hình tượng Bồ Tát Văn Thù cưỡi trên lưng cọp và đó là sự tượng trưng cho sự diệt trừ được tham, sân, si và ác nghiệp, tu thành quả Phật.
Ở Thái Lan một con cọp mà ăn thịt nhiều người có thể trở thành con hổ tinh. Ngoài ra còn có các loại ma cọp chẳng hạn như phù thủy với quyền năng lớn, có thể thay đổi hình dạng để trở thành động vật. Trong dân gian Indonesia và Malaysia có một loại hổ tinh được gọi là Cọp jadian (Harimau jadian), con yêu tinh này có sức mạnh và biết sử dụng phép thuật, sự quyến rũ, nhưng nó không thù địch với đàn ông. Trong các sinh vật truyền thuyết ở Nhật Bản có quái vật Nue, đây là một con quái vật tổng hợp các bộ phận của nhiều loài động vật trong đó nó có thân, chân và bộ da của một con cọp.
Cọp Mã Lai là biểu tượng quốc gia của Malaysia, được khắc họa trên quốc huy, biểu tượng của chính quyền, pháp đình cũng như biểu tượng của lực lượng cảnh sát hoàng gia, ngân hàng quốc gia và là logo của Liên đoàn bóng đá Mã Lai. Cùng với sư tử, Cọp Mã Lai được thể hiện trên Quốc huy của Singapore.

Ở Việt Nam, theo Phạm Đình Hổ thì qua tục giết người tế Thần Hổ, có nhắc đến Quỷ Xương Cuồng hay còn gọi Mộc tinh là yêu quái trong truyền thuyết của người Việt và được ghi chép trong Lĩnh Nam chích quái. Tục tế Thần Hổ này có từ xa xưa trước Tây Lịch, khi quân nhà Tần của Nhâm Ngao và Triệu Đà mới lấn chiếm và đô hộ đất Văn Lang. Ở Miền Đông Nam Bộ, những danh xưng cao nhất được dành cho cọp như Sơn quân chi thần, Sơn quân chúa xứ, Sơn quân mãnh hổ, Sơn lâm chúa tể, Sơn lâm chúa xứ, Sơn lâm đại tướng quân, Sơn quân chúa động, Chúa xứ sơn lâm, Mãnh Hổ, Thần Hổ, Ông, Ông Thầy, ông Cả, Ngài, ông Ba Mươi, Hương quản. Ở các làng quê miền Nam, thường có tập tục cử cọp giữ chức Hương cả của làng, có nơi như Bến Tre, dân làng gọi cọp với chức Đại hương cả.

Ở Phương Tây, cọp chỉ đóng vai trò thay thế sư tử để trở thành vua của muôn thú (King of the Beasts) trong khi sư tử luôn là biểu tượng của hoàng gia, biểu tượng của sức mạnh. Tây Phương thường trình bày hình ảnh cọp trong cuộc chiến với sư tử, như tranh vẽ của Eugène Delacroix, George Stubbs, và James Ward vào thế kỷ thứ 18 và 19. Các nhà thơ Edmund Spenser, Allan Ramsey, và Robert Southey thường mô tả chiến thắng của sư tử trong các cuộc chiến đấu với cọp. Oliver Goldsmith cho rằng cọp là hiện thân như một kẻ hay gây hấn, hung dữ và tính tình tàn bạo. Charles Knight cũng khẳng định sự tàn khốc vô cớ, sự tàn ác không cần thiết, và sự hèn nhát của cọp trong tương quan với lòng quảng đại và sự oai vệ của sư tử. Trên những huy hiệu của các quốc gia phương Tây, cọp được khắc họa là một con quái vật huyền ảo với một cơ thể thon gọn của một con con chó sói, có bờm, râu và chỏm lông ở đuôi giống sư tử cùng một cái mõm nhọn (điều này cho biết nhiều nghệ sĩ châu Âu thời Trung cổ chưa từng nhìn thấy một con cọp thực sự).

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, cọp được gắn với tục thờ Mẫu. Cọp là phúc thần được vẽ tranh thờ để trừ tà yểm quái. Cả ba miền đều có tục lệ thờ Thần Hổ như một biểu tượng của con vật dũng mãnh, có khả năng trấn giữ cửa ải ngũ phương. Tranh cọp còn được bày nơi đền chùa, nhất là các đền thờ Thánh Mẫu, như tranh Bạch Hổ Thần tượng đặt ở đền Quan Thánh, Hà Nội. Ngày nay, tại miền Bắc Việt Nam, từ đồng bằng lên Mạn Ngược, nhiều nhà còn sùng tín vào Tranh Hổ. Đình miếu nào cũng có bình phong vẽ hoặc phù điêu đắp nổi hình cọp để thờ vì dân tin rằng nếu cọp thật đến, thấy chúa sơn lâm trên bình phong là biết “đất đã có chủ”, không vào phá khuấy. Trên phương diện này cọp đã hoá thành vật linh thiêng với những cái tên trong huyền thoại dân gian thường gọi: Thần Hổ, Sơn quan thần Hổ, Lý nhĩ tướng quân, thần hộ vệ Thành Hoàng, chúa Sơn Lâm, ông Ba Mươi, trong khi đó ở miền Nam Việt Nam còn có tên ông Cả Cọp, Thần Bạch Hổ… Bùa ông Hổ còn được dán và ếm ngay trước cửa chánh ra vào nhà để trừ tà. Xuất phát từ tục thờ cọp, các nghệ nhân dân gian thực hiện biểu tượng cọp qua nhiều chất liệu như: gỗ, đá, vôi giấy, đất nung, tranh vẽ, tranh cắt giấy… Nhưng mẫu tranh được biết đến nhiều nhất là tranh Ngũ hổ của phố Hàng Trống (Hà Nội) xưa. Không chỉ người kinh, một số đồng bào thiểu số ở Việt Nam cũng có tục thờ cọp, trong đó có người Khơ mú sống ở khu vực Tây Bắc và miền tây Nghệ An. Với người Thái, khi được nghe tiếng cọp gầm vang trên đồi cao là niềm hân hoan, sảng khoái nhất của bản mường. Người Tà Ôi coi cọp như vị thần bảo hộ cho làng, việc bắt được cọp được ví như món quà tặng của thần rừng.

Trong văn học thế giới , cọp là đề tài được khai thác nhiều. Truyện Tây Du Ký, cọp là những con yêu quái hại người, trong đó cọp tấn công Tam Tạng khi chuẩn bị qua biên giới Đại Đường, nhưng được một người thợ săn ở biên giới giải cứu và giết chết cọp. Lần thứ hai, cọp rình tấn công Tam Tạng thì bị Tôn Ngộ Không đánh chết, Ngộ Không lấy da cọp làm áo mặc trong suốt quá trình đi thỉnh kinh. Một lần khác, Tam Tạng bị con yêu tinh làm phép biến ông thành cọp. Và con cọp đáng chú ý nhất là hổ tinh trong lốt yêu quái đạo sĩ ở nước Xa Trì gồm Dương Lực Đại Tiên (Dê), Hổ Lực Đại Tiên (Cọp) và Lộc Lực Đại Tiên (Hươu).
Tam Quốc Diễn nghĩa đầy dẫy những anh hùng ngoài Ngũ Hổ tướng, có Vương Song viên tướng được mô tả là thân hình dài chín thước, lưng gấu, mình hổ, mắt đen nhưng con ngươi vàng và được phong là Hổ oai tướng quân. Trong tác phẩm này có kể về một trận đánh của quân Thục với quân Nam Man trong đó, quân Nam Man dùng các loài dã thú, rắn rết và cọp để tấn công quân Thục.
Võ Tòng đánh hổ trên đồi Cảnh Dương là một trong những chương nổi tiếng nhất của bộ truyện Thủy Hử, được truyền tụng trong dân gian như một điển tích.
Ngoài ra cọp còn được mô tả qua việc ăn thịt mẹ của Lý Quỳ và ông này đã trả thù bằng cách tìm về hang giết cọp báo thù cho mẹ của mình.

Ở châu Âu, nhà thơ William Blake (Anh) sáng tác bài thơ “The Tyger” (Chúa sơn lâm) được coi là bài thơ hay nhất trong sự nghiệp của ông và là bài thơ hợp tuyển (anthology) hay nhất với những trích đoạn nghệ thuật mô tả sự rực rỡ và mãnh lực của cọp:
“Chao ôi hổ! Hổ cháy bừng như lửa
Chúa sơn lâm bừng cháy giữa rừng đêm
Ánh mắt nào, bàn tay nào bất tử
Có thể tạo ra cái vẻ kinh hoàng.
……..
Bờ vai nào, và từ đâu nghệ thuật
Tạo đường gân thớ thịt của con tim?
Mỗi khi con tim dồn lên nhịp đập
Chân tay nào tạo nên vẻ khiếp kinh?”

Rudyard Kipling (Anh) trong “The Jungle Books” mô tả con cọp Shere Khan là kẻ thù lớn nhất và nguy hiểm nhất của Mowgli, ông vua không ngai của rừng rậm nhiệt đới. Trong truyện tranh “Calvin and Hobbes” của Bill Watterson (Mỹ), Hobbes là con cọp đôi khi được diễn tả như là một con thú dễ thương để ôm ấp. Walt Disney Television Animation sản xuất bộ phim “My Friends Tigger & Pooh” trình diễn hình ảnh cọp Tigger có giọng khàn khàn, hay di chuyển bằng cách nhảy tưng tưng bằng đuôi. Trong tác phẩm “A Tiger for Malgudi” của nhà văn Ấn Độ thì Yogi là con cọp tốt. Nhà văn Canada Yann Martel đoạt giải Man Booker Prize năm 2002 với tiểu thuyết “Cuộc đời của Pi” (Life of Pi) kể chuyện cậu bé Ấn Độ sống sót trên Thái Bình Dương với con hổ Bengal và đã được Lý An dựng thành phim.
Trong văn học Ấn Độ, truyện “Cọp Trắng” nguyên bản tiếng Anh The White Tiger được giải Man Booker 2008 mô tả anh chàng Balram, con người phức tạp, là đầy tớ, triết gia, doanh nhân, muốn làm cọp trắng, loài vật trong rừng mà mỗi thế hệ chỉ có một con, phá cũi vươn về thế giới ánh sáng. Khát vọng của Balram không dễ thực hiện được trong xã hội anh đang sống. Và cọp trắng Balram đã không từ thủ đoạn nào, kể cả giết chết ông chủ và mặc kệ số phận gia đình để một mình thoát khỏi bóng tối.

Cọp cũng xuất hiện nhiều trong văn học Việt Nam, bên cạnh những câu chuyện cổ tích như: Trí khôn của ta đây, Cóc kiện trời, Thỏ rừng và hùm xám, Con hổ có lá gan chuột nhắt, Mèo vẫn hoàn mèo… cọp còn được nhắc đến trong các tác phẩm văn học thời cổ như: Hịch tướng sĩ của Trần Hưng Đạo, Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, Lĩnh Nam Chích Quái, Mãnh hổ hành (Bài hành về con hổ dữ) của nhà thơ Nguyễn Hành, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu. Cũng như những tác phẩm thời kỳ cận đại và hiện đại như: Thần Hổ của Tchya, Đường Rừng của Lan Khai… Đặc biệt bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ mô tả chân thực cảnh một con hổ trong vườn bách thú và hình dung ra hình ảnh của nó khi tự do trong rừng.
“Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan
Đâu những ngày xưa chuyển động bốn phương ngàn
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới
… Hỡi oai linh cảnh nước non hùng vĩ
Là nơi giống hùm thiêng ta ngự trị
Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngàn xưa…”

Trong tập truyện “Hương rừng Cà Mau” Sơn Nam viết về Cọp:
[“Vùng đất lúc bấy giờ hoang vu lắm sấu lắm cọp, “dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua” có ai dám bơi xuồng ban đêm bao giờ! Đằng này, dân mình hồi đó còn nghèo lắm, ruộng chưa hết phèn, đình chưa cất, hương chức làng chưa có…Bởi vậy chỉ có hát bội là cách giải trí độc nhất của người đi khai phá đất mới.” Họ mời gánh hát bội đến hát, nhưng phải nuôi cơm toàn ban nam nữ, phải cất rạp sẵn…Sân khấu được dựng lên giữa rừng. “Chung quanh sân khấu nọ, mình xốc cừ làm vòng thành, gốc cừ này khít gốc kia chừng một gang tay. Ai muốn coi cứ việc bơi xuồng vô vòng rào nọ. Xong xuôi đóng cửa lại. Cọp phải bơ vơ ngồi trên bờ rạch. Sấu thì đành ngóng mỏ, ngoài vòng. Trong này, mình ngồi trên xuồng mà coi sáng đêm ăn thua. Tuồng Tàu dài lắm…” “Lần lần, dân chúng thỏn mỏn về số gạo đóng góp nuôi đào kép. Ba chục ngày là ba chục vùa gạo!” Và rồi gánh hát ra đi. “Nhưng chưa hết, vì còn mấy ông cọp nọ. Có lẽ mấy ông mê hát bội hơn loài người. Chừng một hai tháng sau, cái sân khấu nọ tốc nóc, bao nhiêu nọc tràm làm hàng rào đã lung lay ngả nghiêng trên dòng nước, chừng đó người ta thấy một đôi ông cọp thường tới lui ngồi cú rũ dưa gốc cây gừa bên bờ rạch. Nhất là đêm có trăng, mấy ông le lưỡi dài thòn, như nhớ tiếc bao nhiêu con mồi ngon, bao nhiêu tiếng kèn tiếng trống. Biết đâu về sau này mấy tiếng “coi hát cọp” là do sự tích của mấy ông hồi xưa không chừng!”] (Hát bội giữa rừng)

Trong văn chương bình dân, có khoảng 1.300 câu ngạn ngữ, phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca có liên quan đến loài cọp được trải rộng trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp mượn chuyện con cọp để răn mình và nhắc nhở người đời.
– Hổ dữ không ăn thịt con (chỉ về đạo lý làm người, tình mẫu tử)
– Cọp chết để da, người ta chết để tiếng (nói về danh dự)
– Nam thực như hổ (chỉ về ăn khỏe)
– Mình hổ, tay vượn, bụng beo, lưng sói (chỉ về một cơ thể đầy sức mạnh)
– Hổ bộ, hổ bôn (dáng đi như cọp)
– Rồng cuộn hổ ngồi (chỉ về địa thế đẹp)
– Hổ phụ sinh hổ tử (chỉ sự tự hào khi có thế hệ tiếp nối)
– Long tranh hổ đấu (chỉ về đối thủ ngang tài ngang sức)
– Rồng bơi vũng cạn bị tôm cợt / hổ xuống đồng bằng bị chó khinh (chỉ sự thất thế)
– Mãnh hổ nan địch quần hồ (kẻ đơn độc lẻ loi cho dù có tài, có sức cũng bại trận)
– Điệu hổ ly sơn (đưa cọp ra khỏi núi, cọp sẽ bị lúng túng khó khăn, không hậu thuẫn dễ bị thất thế)
– Vuốt râu hùm, xỉa răng cọp (hành động liều mạng, coi thường mạng sống…)
– Miệng hùm gan sứa (người bề ngoài thì nói năng hùng hổ, nhưng thực chất trong lòng lại nhút nhát, sợ sệt)
– Hổ mọc thêm cánh (tạo quyền lực, sức mạnh hay một điều gì đó cho kẻ mạnh khiến kẻ đó trở nên mạnh hơn gấp bội)
– Không vào hang hổ làm sao bắt được hổ con (không tự mình trải nghiệm thì không thể gặt hái thành công)
– Cáo mượn oai hùm hay cáo giả oai hùm (chỉ hạng người luôn mượn thế kẻ mạnh, nấp dưới ô quyền lực đi hù dọa, lòe bịp người khác)
– Thả hồ về rừng (việc làm nguy hiểm vì tạo cho kẻ mạnh có điều kiện, hoàn cảnh thích hợp làm việc xấu)
– Hùm nằm cho lợn liếm lông (lợn là con vật hiền lành, là mồi ngon của con hùm to lớn, hung dữ. Vậy mà hùm lại ngoan ngoãn nằm im cho lợn liếm lông. Quả là chuyện lạ, chuyện thay bậc đổi ngôi)
– Tọa sơn quan hổ đấu (ngồi trên núi xem hổ đánh nhau chờ cơ trục lợi)
– Làm bạn với vua như đùa với hổ (ở bên cạnh vua là một điều nguy hiểm, mặc dù bình thường có thể được vua quý trọng, nhưng trong lúc bực tức vua cũng có thể ra lệnh xử tử lúc nào không hay)
– Miệng hùm chớ sợ, vảy rồng chớ ghê (đừng quan ngại, lùi bước trước sự hù dọa)

Trong nghệ thuật, nếu rồng là biểu tượng dành riêng cho vua chúa thì cọp được xem là biểu tượng cho quan võ, trang trí áo võ quan, miếu võ quan, cho ngành võ bị…
Trong hội họa phương Đông và phương Tây đều có nhiều bức tranh vẽ về cọp. Vào khoảng thế kỷ 18 và 19, qua các bức tranh vẽ tây phương thì sư tử thường là kẻ chiến thắng trong những trận quyết đấu phân chia quyền lực, loại tranh này xuất hiện trên cả huy hiệu của Hoàng gia Anh. Nhiều bức họa, tranh thủy mặc ở Trung Hoa, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản… có vẻ cảnh cọp và rồng đang ở tư thế gầm ghè chuẩn bị giao chiến và điều này cũng thể hiện trên những bức tượng, phù điêu khác. Người Trung Hoa có tranh thủy mạc về cọp và rồng. Người Hàn có bức họa thần núi (Sansindo) vẽ cảnh thần ngồi tựa vào cọp hay cưỡi trên lưng cọp và một số bức tranh cọp chính là thần núi. Bức tranh dân gian “Jakhodo” (Ác hổ đồ) vẽ con hổ ngước nhìn cành cây và con chim ác là đậu trên cành thông xanh ngắt. Người Việt, thường treo tranh ngũ hổ ở bàn thờ dành riêng cho cọp hoặc trưng dưới bàn thờ thần hoặc thờ Phật, không trưng trên bàn thờ gia tiên. Tranh Hàng Trống Việt Nam chuyên vẽ cọp để treo thờ với tư cách là những vị trấn giữ các phương trời đất. Nghệ thuật tranh cọp chuyển vấn đề từ Ngũ hổ (hổ vàng, hổ xanh, hổ trắng, hổ đỏ, hổ đen) tới Ngũ hành (kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ), Ngũ sắc (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen), Ngũ phương (đông, tây, nam, bắc, và trung tâm), Ngũ phúc (phú, quý, thọ, khang, ninh), làm cho tổng thể bức tranh thêm thần bí, lôi cuốn tâm linh người dùng tranh, và nghệ thuật thưởng thức người xem tranh.

Trong điêu khắc, tượng cọp được tạc ở nhiều nơi trên thế giới. Tượng đá chạm khắc cọp của Nhật, thường đặt ở đền chùa để trấn yểm. Việt Nam không sử dụng các tượng đá sư tử để trấn yểm, nếu cần có một con vật hung dữ, người Việt nghĩ ngay đến cọp, vì cọp được xếp vào nhóm hộ môn thú (những con thú canh gác nhà cửa, lăng mộ, đình chùa, miếu mạo). Trong suốt lịch sử xây dựng lăng miếu, cọp là con vật oai phong nhất trấn giữ các lăng mộ vua chúa, danh nhân, như tượng cọp đá ở lăng Trần Thủ Độ, lăng vua Hiến Tông, tượng chạm ở bệ đá chùa Quế Dương (Hà Tây cũ), những con cọp đá thời Lê ở Nam Kinh (Thanh Hoá)…
Ngoài ra, một số tác phẩm tiêu biểu như hình cọp khắc trên tháp đồng Vạn Thắng (Phú Thọ), tấm phù điêu dân đâm cọp ở đình Chảy (Hà Nam), bức chạm khắc gỗ cọp chạy ở đình Lỗ Hạnh (Bắc Ninh).
Hiện nay, theo phong thủy, tượng cọp mạ vàng được coi là biểu tượng cho quyền lực, công danh và kinh doanh, thường đặt trong phòng khách, trên bàn làm việc để cầu sự thăng tiến và may mắn.
Trong các đồ gốm Việt cổ sớm xuất hiện phong cách tạo hình diễn tả cái hùng, cái oai, ẩn tàng chất thơ của cọp, tạo nên những dấu ấn riêng, độc đáo, đa dạng như cọp vồ mồi, cọp ngắm trăng, cọp và rồng, cọp và đại bàng…
Cọp còn là đề tài trang trí được các thợ gốm và những người sử dụng gốm sứ Việt Nam ưa chuộng như hình gốm diễn tả dáng đứng của cọp với hai chân sau, chân trước bên phải như người vươn ra nắm khóm cây (giống cây tre), còn chân kia xoãi ra sau, cái đuôi dài đưa ra trước đến chấm đất.

Trong hệ thống các vũ khúc cung đình triều Nguyễn, “Long Hổ Hội” là điệu múa được nhiều thế hệ nghệ nhân cung đình Huế sáng tạo nhằm biểu hiện những sinh hoạt của hai loài vật, dựa theo điệu múa tứ linh.
Nghệ thuật múa Hổ độc diễn được các nghệ nhân tái hiện cực kỳ độc đáo. Chuỗi hành động của Hổ được trình diễn như lăn một vòng 360 độ, tiếp đến Hổ quan sát xung quanh, đào đất, nhảy ngồi trên 2 chân sau, nín thở, đại tiện, lấp đất, ngửi, lăn đất, cọ lưng, giỡn bóng nắng, ngủ… Khi biểu diễn hình tượng cọp, nghệ sĩ phải mang bộ lốt màu vàng đất vì Hổ ở đây chính là Hoàng Hổ tượng trưng cho đất, có những động tác như: ngồi trên hai chi sau, hai chi trước chống đất, lạy ba lạy với ý nghĩa Đất phải chịu Trời.

Trong võ thuật, phong cách, kỹ thuật chiến đấu, những thế võ, đòn đánh phần lớn mô phỏng động tác của loài cọp. Khi quan sát hoạt động của cọp, các nhà sư Thiếu Lâm thấy được sức mạnh, sự dũng cảm, uy lực của cọp, bèn kết luận đây là con vật tiêu biểu để noi theo rèn luyện võ thuật. Đuôi cọp giữ vai trò quan trọng trong các động tác vồ, nhảy trái phải, xoay trở trước sau, cùng với sức bật tối đa, cọp có thể cắn họng một con bê, nhảy vọt qua hàng rào cao vài mét. Cọp chế ngự con mồi từ mọi góc độ, từ những cuộc tập kích và cắn cổ, để làm gãy cột sống hay khí quản của con mồi, hay làm tổn thương tĩnh mạch hoặc động mạch chủ. Đòn mạnh nhất của cọp là vả thật mạnh vào khu vực mặt và cổ của đối phương, với nanh vuốt cực sắc nhọn, chiêu đòn này thường khiến con mồi bất động ngay tại chỗ. Cọp còn có một tuyệt chiêu mà giới võ học gọi là thế “trâu vằng” với việc con cọp khi chiến đầu thường nằm ngửa, và chổng chân lên trời là thế để lừa giết con mồi nếu con mồi sơ ý nhảy vào là sẽ bị tấn công bằng một đòn chí mạng.
Những động tác, tư thế của cọp được thể hiện qua nhiều bài quyền, thế võ. Môn võ cọp cùng với những linh vật khác như Long, Xà, Hạc, Báo… của các nước Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia với những đòn đánh kỹ thuật căn bản hổ trảo (sử dụng đòn tay bằng cách quặp các ngón tay theo dáng của móng cọp), tấn công mãnh liệt, hiểm độc chớp nhoáng. Nhiều người cho rằng võ hổ ra đời ở Trung Hoa, căn cứ vào nhiều bài quyền của phái Thiếu Lâm hay Võ Đang. Tuy vậy, trong Karate của Nhật Bản (cọp là cảm hứng cho Võ sư Gichin Funakoshi sáng lập ra phong cách Shotokan của hệ phái Shotokai, đến nay, hệ phái võ Không Thủ Đạo (Karate) Shotokan cũng dùng hình ảnh con hổ làm biểu trưng cho hệ phái của mình). Pencak Silat môn võ xuất phát từ Indonesia mô phỏng theo động tác của loài cọp (Harimau) và đại bàng (Garuda), tương truyền khởi nguồn từ việc chứng kiến cảnh quyết đấu của một con cọp với chim đại bàng. Kalari của Ấn Độ, võ hổ Việt Nam cũng đều lấy cảm hứng tử cọp.
Trong võ phái Bạch Hổ Việt Nam tương truyền do Nguyễn Hữu Cảnh sáng lập là môn quyền cước chiến đấu, chú trọng đến kỹ thuật cận chiến, mọi đòn tấn công đều nhắm vào chỗ hiểm trên thân thể đối phương. Đặc biệt, trong kỹ thuật thủ pháp, môn phái này sử dụng khá nhiều đòn hổ trảo. Biểu trưng của phái võ Tân Khánh Bà Trà là hình ảnh một võ sư tung cú đá vào đầu con hổ lớn trong tư thế đẹp. Đây chính là bắt nguồn từ những trận đả hổ của các bậc tiền bối, môn phái Bạch Hổ Lâm ở Quảng Bình cũng có biểu tượng hổ, lò võ Bạch Hổ của võ sư Võ Thiện Đường ở Trung Nhứt, Trà Bay, Cần Thơ lấy linh vật là con hổ trắng vì Bạch Hổ là tướng tinh, biểu tượng sức mạnh của Tiết Nhơn Quý trong truyện Trung Hoa. Võ hổ cổ truyền Việt Nam, xuất hiện khá nhiều như Mãnh hổ xuất sơn, Hắc hổ xuyên tâm, Long hổ quyền của hệ phái Nam Hồng Sơn, Phục hổ công, Mãnh hổ quyền của Thăng Long võ đạo, Hồng hổ quyền của Tây Sơn Bình Định được xây dựng dựa trên 4 bộ chính: Hổ quyền, Long quyền, Hầu quyền và Xà quyền.

Trong điện ảnh, cọp cũng xuất hiện nhiều trong các bộ phim ảnh, phim hoạt hình. Phim “Cậu bé rừng xanh” (1942) do Sabu Dastagir đóng vai Mowgli thì cọp Shere Khan được mô tả đúng như tiểu thuyết là một con cọp hung ác, và sau này bị Mơgli giết chết trong một trận đánh diễn ra dưới nước. Cũng phim “Cậu bé rừng xanh” (1994) của Mỹ với sự tham gia của ngôi sao Jason Scott Lee vào vai Mowgli thì cọp Shere Khan được mô tả có khác với tiểu thuyết, Shere Khan thực sự là một con hổ thiêng, có nhiệm vụ thực thi Luật của rừng xanh.
Một phim nổi danh khác là Tây Du Ký (1986) trong đó có cảnh Đường Tăng hóa hổ. Cảnh Cầu viện Mỹ Hầu Vương là một cảnh quay hết sức khó khăn và vất vả lúc bấy giờ. Đoàn làm phim phải chọn một con cọp đã được huấn luyện của Đoàn xiếc Thượng Hải.
Một bộ phim của điện ảnh Nga có tên “Coi chừng, có động vật hoang dã trên tàu!” (Chuyến tàu chở cọp) cũng miêu tả về loài cọp trong đó có một tiểu cảnh nhỏ mô tả cảnh đánh nhau giữa cọp và sư tử.
Một bộ phim Thái Lan chiếu năm 2002 có tựa đề: “Sab Suea” (tên tiếng Anh: Tigress of the King River, phụ đề tiếng Việt: Hổ cái rừng thiêng) có kể về một cô gái bị chết trong chiến tranh và đầu thai vào một con hổ cái thành tinh, sau này được một nhà sư cảm hóa ác tính.

Trong phong thuỷ hai đối cực “Tả Thanh Long – Hữu Bạch hổ” là hai thế đất bên cạnh huyệt (địa thế rồng cuộn, hổ ngồi hay là nơi ngọa hổ, tàng long).. Khi giành được giang san, nhà Nguyễn chọn xây kinh thành về hướng Đông Nam, hai bên có Tả Thanh Long (rồng xanh ở phia trái) là cồn Hến nằm phía đông thuộc hành mộc và Hữu Bạch Hổ (cọp trắng ở phía phải) là cồn Dã Viên nằm phía tây thuộc hành kim. Ngoài ra, Cồn Dã Viên còn gắn với một dấu ấn khác – cầu Bạch Hổ. Tương truyền, khi cầu Bạch Hổ (lúc đó chưa được đặt tên) đang được xây cất, có một con hổ trắng đến ngồi ở giữa cầu khiến mọi người đều hoảng hốt bỏ chạy. Đó là thế rồng chầu hổ phục bảo vệ cho vương triều.
Cọp nhập hệ lịch can chi 12 con vật, là biểu tượng chi Dần với những ý nghĩa triết lý nhân văn sâu sắc. “Một năm là mấy tháng xuân / Một ngày là mấy giờ Dần sớm mai”. Như vậy, giờ Dần đến sớm từ 3 tới đúng 5 giờ sáng hôm sau. Từ giờ Dần sang giờ Dậu (17gi đến 19gi) là lâu lắm, tính ra là từ sáng sớm đến chiều tối . Những người lề mề, chậm chạp, kéo dài công việc bị ví như là làm từ giờ Dần sang giờ Dậu. Trẻ con chậm ăn thường bị mắng là ăn có một bát cơm nhỏ mà suốt từ giờ Dần sang giờ Dậu cũng chưa xong. Con gái có lứa, có thì, chỉ có một khoảng thời gian thích hợp nhất để tính đến chuyện cả đời, như một năm chỉ có ba tháng xuân, một ngày chỉ có giờ Dần sớm sủa. Người xưa cũng có ghi vào sách đáng cho chúng ta suy ngẫm như : Nhứt niên chi kế tại ư Xuân / Nhứt nhựt chi kế tại ư Dần. (Muốn thực hiện kế hoạch: 1 năm phải sắp đặt bắt đầu vào mùa Xuân và 1 ngày phải sắp đặt vào giờ Dần tức giờ Cọp thức dậy nhìn mặt trời vào bình minh sáng).
Tháng Giêng gọi là tháng Dần, đầu xuân, đầu năm mới, tháng mà âm dương giao hoà, khí dương (của trời) cân bằng với khí âm (của đất), do đó cũng là tháng mở đầu của con người (nhân sinh ư dần), vì con người là sự cân bằng giữa trời – đất và khoẻ mạnh là sự cân bằng âm – dương, nóng – lạnh từ nội tạng… Trong 12 con giáp thuộc cung Hoàng đạo thì cọp là con vật đứng thứ hàng thứ ba sau Chuột (Tý), Trâu (Sửu). Cọp đứng ở phương Đông, cung Dần, góc vuông thứ nhất của tử vi. Tính cách con giáp của cọp là tính cách của một năm mạnh mẽ nhất về sức khỏe, sung mãn kinh tế, mở mang học vấn và tính vượng khí của trục Dần-Thân đầy sức sống.

Những năm Dần với những sự kiện lịch sử không thể nào quên:
– Nhâm Dần (42 Sau công nguyên) Mã Viện đem quân sang đánh Trưng Nữ Vương. Vì quân ít thế cô, nên hai Bà phải lui quân về Cẩm Khê và nhảy xuống Hát Giang tự vẫn. Rồi Mã Viện cho lập trụ đồng và khắc vào đó ‘đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt‘.
– Mậu Dần (618) Nhà Tùy sai sứ sang dụ hàng Tiết độ sứ Giao Châu là Khấu Hòa nhưng bất thành nên đem quân sang đánh, Khấu Hòa về hàng Nam Ðường.
– Mậu Dần (858) Quân Nam Chiếu sang cướp phá Giao Châu, quan kinh lược sứ Giao Châu là Vương Thức đem quân đánh đuổi giặc tận Vân Nam. Giao Châu tạm yên từ đó.
– Bính Dần (966) Nam tấn Vương Ngô Xương Văn mất, kéo theo sự sụp đổ của nhà Ngô. Khắp nơi quần hùng nổi lên thành loạn thập nhị sứ quân. Vua Ngô là Xương Xí chỉ còn giữ được đất Bình Kiều. Ðinh Bộ Lĩnh dẹp tan loạn sứ quân thống nhất đất nước.
– Canh Dần (990) Vua Lê Ðại Hành đánh chiếm ba châu Ðịa Lý, Ma Linh và Bố Chính của Chiêm Thành. Sau đó sai Phụ quốc tướng quân Ngô Tử An đem 3 vạn quân, mở con đường từ biên giới Chiêm Việt ở Thạch Hà (Hà Tĩnh) tới châu Ðịa Lý (Quảng Bình). Ðây là con đường bộ đầu tiên của nước ta.
– Giáp Dần (1074) Chế Củ được vua Lý Thánh Tôn tha về nước nhưng ngôi vua Chiêm Thành đã lọt về tay Madhavamurty nên nội chiến lại xảy ra. Cuối cùng Harivarman IV lên làm vua, đem quân đánh Ðại Việt và Chân Lạp. Lý Thường Kiệt dẹp yên đồng thời tổ chức cuộc di dân tới ba châu Ðịa Lý, Ma Linh và Bố Chính vừa mới chiếm của Chiêm Thành. Ðây là cuộc di dân đầu tiên của Ðại Việt.
– Canh Dần (1170) Vua Jaya Indravarman sau khi giao hảo với Ðại Việt, đem quân đánh Chân Lạp, phá thành Angkor giết vua nước này và cướp hết tài sản đem về nước. Nhưng không bao lâu, Chiêm Thành lại bị vua Java Varman VII của Chân Lạp nổi lên chiếm lại kinh đô Angkor và đánh đuổi quân Chiêm ra khỏi nước.
– Nhâm Dần (1302) Vua Chiêm là Chế Mân cử phái đoàn sang Ðại Việt cầu hôn công chúa Huyền Trân nhưng dù đã được thượng hoàng Nhân Tông hứa gả vẫn bị vua Anh Tông và triều thần từ chối. Cuối cùng Chế Mân xin dâng hai châu Ô, Rí (Quảng Trị và phía bắc Thừa Thiên ngày nay) làm sính lễ mới được nhà Trần chịu gả.
– Mậu Dần (1398) Hồ Quý Ly tự xưng Khâm Ðức Hưng Liệt Ðại Vương Quốc Tổ Nhiếp Chính, để lộ ý định thoán đoạt nhà Trần. Lại sai đạo sĩ Nguyễn Khánh dụ vua Thuận Tôn nhường ngôi cho Thiếu Ðế để đi tu. Nhân có Trần Thiểm Bình chạy sang Tàu cầu cứu, nhà Minh vin vào lý do trên sang xâm lược và đô hộ nước ta hơn 10 năm.
– Giáp Dần (1434) Lê Thái Tổ mất, thừa dịp vua Thái Tôn còn nhỏ nên vua Chiêm là Bồ Ðề sang cướp chiếm Hóa Châu nhưng bị các tướng Lê Chuyết, Lê Liệt và Trần Lê Khôi đánh tan.
– Canh Dần (1470) Theo gót Chế Bồng Nga, Trà Toại đem 10 vạn quân cướp phá Hóa Châu. Do đó vua Lê Thánh Tông đem lực lượng thủy bộ chinh phạt Chiêm Thành, đuổi Trà Toại chạy vào sông Phan Lang (Ninh Thuận).
– Giáp Dần (1674) Nặc Ông Ðài cầu viện quân Xiêm về đánh Chân Lạp, Nặc Ông Nộn sang cầu cứu. Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần sai cai cơ Nguyễn Dương Lâm đánh quân Xiêm, phá đồn Sài Côn, xây thành Nam Vang, Nặc Ông Ðài chạy trốn và chết trong rừng.
– Mậu Dần (1818) Vua Gia Long sai trấn thủ trấn Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại huy động 1500 dân công người Việt và Khmer đào sông Tam Khê (kênh Thoại Hà) dài 12.410 tầm khoảng 31.769m, rộng 10 trượng (40m) và sâu 18 thước ta (7,2m). Công tác được hoàn thành sau 1 tháng.
– Canh Dần (1890) Pháp nhập ba châu Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Mộ Ðức vào phủ Tư Nghĩa, còn trấn Sơn Phòng cũng giao luôn cho tỉnh Quảng Ngãi. Thay chức bố chánh bằng tuần vũ cai trị tỉnh Quảng Ngãi gồm phủ Tư Nghĩa và 6 huyện trực thuộc.
– Nhâm Dần (1902) Tiểu La Nguyễn Thành một chí sĩ cần vương tại Quảng Nam, cùng Phan Bội Châu lập Việt Nam Quang Phục Hội, tôn Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể làm minh chủ với tôn chỉ dùng vũ lực đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi nước Việt Nam.
– Giáp Dần (1914) Ðại chiến thứ nhất bùng nổ (1914-1918), để phòng Phan Chu Trinh đang ở Pháp theo Ðức, thực dân bắt ông giam vào ngục Sante (Paris) một năm sau mới thả.
– Bính Dần (1926) Khải Ðịnh chết, Bảo Ðại từ Pháp trở về Việt Nam lên ngôi hoàng đế Ðại Nam, rồi lại sang Pháp tiếp tục học.

Trong nhân tướng học, cọp là con vật linh thiêng hổ trợ bản mệnh người tuổi Dần. Theo quan điểm người xưa, năm Dần thường được coi là năm tốt, sanh được con trai thì càng quý bởi cọp tượng trưng cho thế và lực, cho sự oai phong lẫm liệt và sức mạnh phi thường. Người tuổi Dần có nét uy quyền, cá tính mạnh mẽ, có tính tập trung cao, nhiều năng lực, tính can đảm, thích mạo hiểm, luôn đem hết cả sức lực, tinh thần để làm việc, có lối sống khá lập dị, ham bay nhảy, du lịch đó đây. Đời sống tình cảm rất phong phú, rất nhạy cảm, dễ xúc động, tình yêu thật nồng nàn và mãnh liệt. Người tuổi Dần mệnh Mộc có tài ngoại giao, trọng danh dự, có thể tạo dựng nên sự nghiệp lớn. Người nữ tuổi Dần rất có duyên, hoạt bát, linh lợi, thanh lịch, họ không bao giờ hài lòng với bất cứ việc gì. Quan niệm dân gian cho rằng “Dần-Thân-Tỵ- Hợi tứ hành xung” và phần đông tin rằng những con giáp trong tứ hành xung đều xung khắc lẫn nhau, nhưng hiểu như vậy là không đúng, người tuổi Dần hợp với người tuổi Hợi, vì người tuổi Hợi điềm đạm, từ tốn, bổ túc, kiềm chế sự nóng nảy của người tuổi Dần. Dần ý hợp tâm đầu với người tuổi Tỵ vì cả hai đều rất đa nghi. Sự khác biệt là ở chỗ người tuổi Dần liều lĩnh trong khi người tuổi Tỵ thì thận trọng. Người tuổi Dần sẽ nếm hậu quả nếu đối đầu với người tuổi Thân vì người tuổi Thân nhanh nhẹn, tháo vát, lắm mưu nhiều kế.

Một số danh nhân tuổi Dần có thể kể đến là:
– Nhà toán học Hi Lạp Euclide (Canh Dần, 330-257 tr. CN)
– Vua Trần Thái Tông (Mậu Dần, 1218-1277)
– Triết gia Đức Hegel Goerg Wilhelm Friedric (Canh Dần, 1770-1831)
– Nhà sử học Phan Huy Chú (Nhâm Dần, 1782-1840)
– Triết gia Đức Karl Max (Mậu Dần, 1818-1883)
– Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tôn Trung Sơn (Bính Dần, 1866-1925)
– Nhà văn Nga Boris Pasternak (Canh Dần, 1890-1960)
– Nữ nhà văn Anh Agatha Christie (Canh Dần, 1890- 1976)
– Tổng thống Mỹ Dwight David Eisenhower (Canh Dần, 1890 – 1969)
– Tướng Pháp De Gaulle (Canh Dần, 1890 -1970)

Cọp là một hình tượng phức tạp trong tâm linh người Việt: vừa uy dũng hùng tráng, vùa diễm lệ kỳ ảo, là thần hộ mệnh, trong một trần thế phôi pha màu sắc, âm thanh … Chúc các bạn một năm táo bạo, liều lĩnh, vẫy vùng ngang dọc như cọp trở về rừng thiêng…

Lê Tấn Tài