Từ Aspara Champa đến Bayon

Đã có lần tôi viết trên trang blog cá nhân này chỉ là để kể lại những gì đã được trải nghiệm trong cuộc sống, những câu chuyện phiếm của đời mình nhưng càng kể càng lòi ra thêm chuyện quá khứ, nhất là từ khi tìm gặp lại bạn bè cùng thời.
Quý lắm mới có dịp cà kê cùng nhau, kể cho nhau nghe nhiều chuyện có khi chẳng đầu chẳng đuôi gì cả như cái thời ra quán cà phê tán dóc hàng giờ vẫn còn chuyện cùng người đồng điệu. Những chuyện Ara kể thường là ở những nơi mà hắn được sờ thấy tận tay, nhìn tận mắt.

Mỗi người có một thú tiêu khiển khác nhau ; người thích ngắm nghía nhà đẹp, kẻ thích hưởng thụ xe sang, người khác lại đam mê cùng » chim, hoa, cá, kiểng », hoặc đắm chim trong cuộc đỏ đen. Riêng Ara tính thích lang thang đây đó, những kỷ vật gắn trên tủ lạnh là những nơi ít nhất một lần đã ghé chân để còn có chuyện kể với bạn bè.

Lần này, câu chuyện kể có liên quan đến lịch sử nước nhà mà suốt thời gian từ tiểu học đến hết trung học năm nào cũng có học hàng tuần, trung học môn sử địa học mỗi tuần 2 giờ, học sinh được trang bị nhiều kiến thức phổ thông từ hai môn học này .

Đây không phải là bài nghiên cứu sử học ! Ngày nay muốn xem 1 đề tài nào chỉ 1 cái click là có hàng ngàn trang để tham khảo mà chọn lựa những tài liệu có tính cách khách quan và khoa học một cách hợp lý, nếu đã có thời gian được học, có quên thì cũng dễ dàng gợi nhớ lại, còn nhận ra được đâu là chính sử, đâu là dã sử, sử ngụy tạo . Tôi chỉ phác họa sơ lại những dữ liệu lịch sử mà chúng tôi được học .

Đường biên giới nước ta trên lãnh địa nối liền với 3 quốc gia là Trung Hoa, Lào và Campuchia từ thời Văn Lang đến ngày hôm nay, không rõ ràng mà chỉ là khoanh vùng biên giới, , mỗi lần tuyên bố thống nhất đất nước là một lần máu đổ thịt rơi, lấn đất, dành dân, làng xóm điêu tàn .

Tấm bản đồ Việt Nam tôi tìm được trên một trang mạng, bờ cõi Việt Nam thay đổi từng thời kỳ trong cuộc nam tiến, cũng là nguyên nhân câu chuyện được kể.

Từ năm 1009 thời nhà hậu Lý khởi đầu cho việc bình Chiêm (tên cũ là Lâm Ấp). Lý Thái Tổ đã hạ được các đồn lũy và thành của vương quốc Champa ở Kỳ Hoa (Nam Cẩm Xuyên và Kỳ Anh bây giờ)) , năm 1069, Lý Thánh Tông lại quyết định thân chinh, cử tiên phong Lý Thường Kiệt, nổi danh vói bài « tuyên ngôn độc lâp đầu tiên trong lịch sử »,
Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Là danh tướng « phá Tống bình Chiêm », ông tiến thẳng tới kinh đô của Champa, Đồ Bàn (Bình Định) . Do Lý Thường Kiệt truy đuổi, vua Chế Củ bị bắt đưa về Thăng Long, xin hàng, dâng ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh để được chuộc tội. Biên giới Đại Việt từ thời điểm này kéo dài thêm đến sông Thạch Hãn (Bắc Quảng Trị).

Sau khi đánh đuổi quân Mông Cổ ra khỏi nước, chính sách bang giao giữa Chiêm Thành và Đại Việt thời nhà Trần có thay đổi khi thượng hoàng Trần Nhân Tôn viếng thăm Chiêm quốc năm 1301, hứa gả em vua Trần Anh Tôn là công chúa Huyền Trân cho Chế Mân với điều kiện đổi lấy hai châu Ô và Lý và cho kết hôn vào năm 1306. Hai châu này được đổi tên thành châu Thuận và châu Hóa là dải đất từ Nam Quảng Trị vào đến Bắc Quảng Nam , vào đầu năm 1307 người Việt bắt đầu di cư vào hai vùng đất này để khai phá ; « Năm xưa trong lúc sang xuân/ Ta theo công chúa Huyền Trân lên đường » . Công chúa « ra đi theo bước ái tinh- Đi cho trăm họ hòa bình ấm no( Phạm Duy trong Con đường cái quan) » để bao người thương tiếc « Tiếc thay hạt gạo trắng ngần- Đã vo nước đục lại vần lửa rơm » .

Bang giao hai nước trở nên căng thẳng khi vua Chế Mân chết ; công chúa Huyền Trân được giải cứu về và chiến tranh bùng nổ trở lại.Trận chiến dai dẳng của đôi bên kéo dài đến năm 1390 sau khi Chế bồng Nga bị Trần Khát Chân bắn chết, chấm dứt cuộc đời của một anh hùng Chiêm quốc đã 4 lần bắc tiến, từng giết chết vua Trần Duệ Tông trong trận Đồ Bàn làm rúng động triều đại nhà Trần.

Tháng 7 năm 1402, Hồ Quý Ly đi đánh Champa và thắng trận.Vua Chiêm lại dâng đất Chiêm Động và Cổ Luỹ Động. Trong thời nhà Hồ, biên giới về phía Nam của Đại Việt đã vượt qua sông Trà Khúc về phía Nam đến huyện Mộ Đức thuộc tỉnh Quảng Ngãi ngày nay, nhưng sau đó vào thời nhà Minh cai trị Đại Việt, hai động này bị quân Chiêm lấy lại.

Đến thời hậu Lê, biên giới Đại Việt đến đèo Cù Mông. Các vua đời Lê, đặc biệt là vua Lê Thánh Tông ( 1470 ) không những đã lấy lại được vùng đất Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay mà còn mang về cho lãnh thổ Đại Việt thêm phần đất Bình Định. Biên giới Đại Việt về phía Nam kéo dài đến đèo Cù Mông.

Đèo Cù Mông dài 7km, đỉnh cao 245m, nhiều dốc, khúc khuỷu, hai bên là núi cao, hiểm trở nhất nhì Việt Nam,là ranh giới của hai nước Đại Việt và Chiêm Thành ở gần cuối thế kỷ thứ 15 với thế núi nằm trải dài từ cao nguyên An Khê, Gia Lai đổ ra biển, giống như con rồng từ Xuân Lộc ra tới Gành Ráng, theo dãy Ngọc Linh.
Qua bao triều đại Trần, hậu Lê, đến thời chúa Nguyễn, » Đàng trong » đi theo chiến lược mở mang bờ cõi của cụ Trạng Trình Nguyễn bỉnh Khiêm « Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân » . Từ năm 1558 đến năm 1693 chúa Nguyễn phúc Tần, Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn phúc Khoát, Nguyễn phúc …. cùng Nguyễn Hữu Cảnh chỉ huy quân đánh dẹp, chiếm vùng đất còn lại của Champa, thu phục vùng đất Khánh Hòa, Bình Thuận . Giai đoạn này là thời phân tranh giữa các nước; lúc thì Tàu, Việt Chiêm, lúc khác thì Chân Lạp, Chiêm Thành, Đại Việt.
Đại Việt hòa hoãn với Tàu là xuôi nam tấn công Đồ Bàn ; Chiêm thỏa thuận với Chân Lạp là hưng binh bắc phạt, hoặc là bắt tay được với Đại Việt là chuẩn bị tây chinh đến tận Siam Reap. Chiến tranh liên miên dân chúng lầm than, mang bao nỗi oán hờn.

Champa đã không còn tồn tại, lần lượt sáp nhập và bị đồng hóa vào bản sắc văn hóa, tập tục Việt theo chiến thuật « tằm ăn dâu » ta cứ từ từ mà nuốt trọn . Đại Việt trở thành nơi các cộng đồng dân cư Chiêm sinh sống chung trên cùng lãnh thổ Việt Nam mà nhiều nhà sử học gọi là »một lịch sử bị quên lãng ».

…..
Đây, chiến địa nơi đôi bên giao trận,
Muôn cô hồn tử sĩ hét gầm vang,
Mắu Chàm cuộn tháng ngày niềm óan hận,
Xương Chàm tuôn rào rạt nỗi căm hờn.
….
( Trên đường về / Chế Lan Viên )

Đồng Nai được xem là vùng đất đầu tiên di dân Việt đặt chân. Đây là khu vực hoang vắng cho đến đầu thế kỷ XVII trở nên nhộn nhịp. Sở dĩ có cuộc di cư này là do cuộc nội chiến tương tàn giữa Trịnh và Nguyễn kéo dài 175 năm, dân chúng cơ cực phải bỏ làng mạc để mưu sinh, lúc đó Chiêm Thành đã sụp đổ và vùng Gia Định, Đồng Nai màu mỡ hấp đẫn di dân vì là đất vô chủ.
Một thời gian sau đủ mọi thành phần xã hội theo chân.
Trước đó di dân lẻ tẻ sau trở thành quy mô nên các chúa Nguyễn cũng kỳ vọng vào vùng đất mới này.

Dân gian hay nói » Cỗ bàn phải có thịt gà/Bang giao mà thiếu đàn bà chẳng xong ».
Một lần nữa, lại có một cuộc hôn nhân mang màu sắc ngoại giao giữa vua Chân Lạp Chettha II với công chúa Ngọc Vạn vào năm 1620 đánh dấu cho mối bang giao chính thức giữa Chân Lạp và Đàng Trong ( lại thêm một ông vua « dại gái » theo gót vua Chế Mân ), cũng bắt đầu cho công cuộc mở mang bờ cõi tới vùng Đồng Nai nói riêng và miền nam nước Việt nói chung của các chúa Nguyễn. Cuộc hôn nhân này đã mở ra nhiều sự thay đổi đối với vận mạng của Chân Lạp và đem đến cho các chúa Nguyễn những thuận lợi trên con đường mở mang bờ cõi vào Gia Định, Đồng Nai. Ngược lại là những giúp đỡ thường xuyên của chúa Nguyễn Phước Nguyên cho Chân Lạp như giúp Chân Lạp chống lại các hoạt động chiến tranh và gây sức ép của quân Xiêm, bang giao giữa Chân Lạp và Đàng Trong ngày càng chặt chẽ . Khi công chúa Ngọc Vạn trở thành hoàng hậu của Chân Lạp, thường xin với chồng tạo điều kiện dễ dàng cho người Việt sang sinh sống, khai phá ở vùng vùng Sài Gòn, Bến Nghé và vùng Đồng Xoài, Mô Xoài (vùng Biên Hòa, Bà Rịa) vẫn đang còn bỏ hoang và phía nam Bình Thuận . Quan trọng trong việc xâm nhập đất Đồng Nai của chúa Nguyễn là việc xin mở được trạm thu thuế ở Sài Gòn vào năm 1623 để đảm bảo quyền lợi và công việc làm ăn, sinh sống của người Việt. Sự kiện này còn mang tính chất xác định chủ quyền vùng lãnh thổ. Có công chúa bảo trợ cư dân người Việt đến Chân Lạp ngày một đông hơn.
Khi vua Chettha II mất,vùng đất từ Prey Nokor (Sài Gòn) trở ra phía Bắc, bao gồm Saigon, Biên Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay, đã có nhiều người Việt đến sinh sống, vô hình tạo nên nhiều đối kháng trong quan hệ giữa Chân Lạp và Đàng Trong. Kể từ bấy giờ, cuộc khai hoang mở đất của các chúa Nguyễn vào miền Nam luôn kèm theo sự xung đột trong chính quyền Chân Lạp.
Sau khi Dương ngạn Địch, Mạc Cửu, Mạc thiên Tứ vốn là những người của Thiên địa hội, chống nhà Thanh sang lưu vong ở Việt Nam được chúa Nguyễn thâu dụng, họ khai khẩn được nhiều nơi ở Tiền Giang và Hậu Giang đã dâng và sát nhập vào Việt Nam. Chúa Nguyễn và cuộc chiến với Chân Lạp sau đó, có khi tiến sát đến biên giới Xiêm La, cũng có lúc đặt nền cai trị tại đây. Chính sách đô hộ của Lê văn Duyệt, Trương minh Giảng cũng hà khắc lắm, nếu không có bàn tay người Pháp thì ngày nay lãnh thổ Việt Nam rộng thêm.

Tôi ghi lại những dữ liệu lịch sử mà chúng tôi được học hoặc đã có thời gian giảng dạy theo chương trình của VNCH dựa trên tài liệu » Việt Nam sử lươc » của gs Trần trọng Kim và các sách giáo khoa khác từ thượng cổ thời đại đến năm 1945.

Cũng vì vậy mà có những thù hận ngút ngàn với người dân Cambodge, hễ có dịp là họ nổi dậy « Cắp duồn »(chặt đầu) người Việt, chuyện hay xảy ra tại vùng « Mỏ Vẹt » và « Móc Câu » là hai phần đất ăn sâu vào VN, ranh giới với Tây Ninh và Long An, nhất là cuộc thảm sát người Việt năm 1970, quân đồi VNCH phải vào can thiệp, các tàu của Hải quân đưa người VN về nước.
Bản chất người Miên là hung tàn, để giảm bớt, người dân Miên đến tuổi thành niên hoặc đi quân dịch hay vào chùa kinh kệ vài ba năm để giảm bót ác tính. Điều này, có lần đã lâu tôi được đọc trong một quyển tiểu thuyết của nhà văn Lê văn Trương (Thằng Còm phục thù) và lần khác khi tôi làm việc ở Rạch Giá có vào ngôi chùa Miên ở Rạch Sỏi tìm mua nước thốt nốt uống thử, nghe vị trụ trì người Miên cho biết như vậy khi tôi chào hỏi các sư áo vàng hình như được gọi là các ông lục.
Có những câu chuyện bên lề lịch sử như dân Pnompenh gọi quan cai trị Trương minh Giảng là » thành phố ông Năm Giảng » vì ông thứ 5 trong gia đình gọi riết thành chữ « Nam Vang » và được thay thế chữ Pnompenh, chữ này chỉ có người Việt Nam gọi tên thủ đô của Cambodge mà thôi.
Những bên lề lịch sử này thích hợp khi ngồi » bô lô bô la » nơi quán cà phê, ghi vào đây cho vui, vì chỉ là những « lời nói gió bay » chưa được kiểm chứng.

Tấm bản đồ Việt Nam cho thấy cuộc nam tiến từ năm 1009 cho đến năm 1945, dựa vào từng thời điểm Ara ghi lại cuộc nam tiến của từng triều đại Đại Việt

Còn sót lại dấu vết văn hóa Champa là những bức tượng cùng những tòa cổ tháp mà chúng ta thường gọi là « THÁP CHÀM », hai chữ này cũng là đề tài tôi kể lại những tháp tôi có nhìn qua một lần trong đời là một kiến trúc đặc biệt của người Champa hay những giọng ca Hời. .

TỪ THÁP CHÀM ĐẾN ANKOR

Đã hai lần tôi được ngắm nhìn những ngôi tháp cổ này, một lần vào năm 1973 khi tôi làm tiền sát trại trong trại hè « Đường Việt Nam » cho sinh viên, nhưng chỉ được thấy những ngôi tháp Chàm vùng Phan Thiết, Ninh Thuận, Phan Rang, Nha Trang. Lần sau (Nov. 2010) trên một đoạn đường từ Huế nào Nha Trang, biết thêm được một số tháp Chàm khác. Bây giờ nếu có dịp trở lại chắc sẽ hiểu thêm được nhiều điều.
Cái chính là thánh địa Mỹ Sơn của Đồ Bàn chỉ cách Hội An 40km, vậy mà chỉ thoáng qua, đưa mắt nhìn, cố thu vào trong bộ nhớ mà không vào đến nơi để ngửi được mùi gạch nung đỏ, ngửi được mùi điêu tàn từ khi cố đô của các Chế bị diệt vong, không biết đến bao giờ trở lại được để được nhìn lại …
Đây, những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn.
Muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi;
Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn,
Lừng hương đưa, rộn rã tiếng từ quy !
(Chế lan Viên)
Lúc nào những ngôi tháp Chàm cũng mang vẻ huyền bí vì tín ngưỡng của họ đa dạng, đầu tiên họ theo Ấn Độ giáo đến từ miền nam Ấn Độ. Có ai đã bước vào những ngôi chùa Chà ngay trung tâm Saigon chưa ! một bên hông thương xá Tam Đa (Cristal Palace), bước vào một bầu không khí huyền bí, khói hương mù mịt mà lại thoang thoảng hương của thuốc phiện trộn lộn với mùi hương hoa nhài, ngửi vào đầu óc như bị tê liệt, đủ các loại thần được đặt trên các bệ; Môt chùa Chà khác gần tiệm hủ tíu Mỹ Tho Thanh Xuân hình như là đường Ngô đức Kế( lâu quá, đường lại đổi tên), nơi này nuôi rất nhiều bồ câu. Bồ câu quay ở nhà hàng « Thiên Nam » đường Nguyễn văn Sâm ngon có tiếng là sản phẩm « chim ra ràng » của chùa Chà này. Ngoài cửa những ngôi chùa Chà thường xuất hiện một người đàn bà ăn mặc kiểu người Chàm, đeo đủ thứ lỉnh kỉnh trên người, hay ngoắc những người đi lễ lại để bà phán cho một điều gì đó ! lúc nhỏ những người lớn thường dặn tránh lại gần những bà Hời đó, coi chừng bị họ ếm bùa, bị thư ; kể ra nhìn những người đàn bà này cũng ma quái lắm.
Con đường tơ lụa đã đem các thương nhân Arabe đã ghé chân vào bờ biển miền trung nghỉ chân trước khi đến Trung Hoa , những người này theo Islam, đã truyền bá tôn giáo của họ đến người dân Chiêm . Tôn thờ giao chủ Mahomed, chắc từ tên vị giáo chủ này mà người Việt gọi là đạo Hồi, tôn giáo này ảnh hưởng sâu đậm đến người Chiêm Thành nên dân Chàm còn có tên giống dân Hời .

Kiến trúc chính để thờ thần Shiva, vị thần người Chàm coi là tối cao trong hệ thống thần linh Ấn Độ giáo. Còn có những chức năng khác là nơi để tập họp tín đồ trong các buổi lễ, nên có các bệ đặt các vật để thờ, có chỗ dành cho ban nhạc và các vũ công, nơi giữ ngọn lủa thờ. Chung quanh ngôi tháp chính còn thờ các vị thần linh khác. Các vật thờ thường là các tượng điêu khắc ; bên cạnh các hình tượng thần Brahma, Visnu, Siva, Linga, Yoni… là tượng « Vũ nữ Apsara » , bức tượng này hấp dẫn những người sưu tầm cổ vật vì thế bị thất lạc nhiều do bị đánh cắp để cung ứng cho những tay chơi .

Hàng vạn năm trước,con người đã biết có âm, có dương thì mới có muôn loài, vì thế mà họ thờ âm vật (Yoni) và dương vật (Linga). Đấy là tín ngưỡng nguyên thủy, lâu dần trở thành tôn giáo , không những từ nơi phát sinh Ấn Độ giáo mà còn ở khắp châu Á trong đó có Việt Nam.

Các tác phẩm được trưng bày ở các bảo tàng của Chàm cho thấy sự phát triển của nghệ thuật Champa đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật trong đó có vũ nữ Apsara Champa do các nhà nghiên cứu phát hiện các di tích nghệ thuật Champa như ở Mỹ Sơn, Đồng Dương, Trà Kiệu.

Vũ nữ Apsara với khuôn mặt đầy đặn, đội mũ có nhiều tầng với hai mắt mở to, sống mũi cao,cánh mũi nở rộng, nếu thiếu đi đôi môi dầy, mọng đang mỉm cười sẽ làm cho chân dung vũ nữ mất phần sinh động.
Nhìn tổng thể thân hình giống như hai hình tam giác đối đỉnh, cân đối nhưng tưởng chừng như chông chênh nếu không nhìn cánh tay đôi chân mang những nét uyển chuyển kèm theo để cân bằng. Đường cong của thân mình hài hòa đường cong của đôi chân tạo thêm sự linh hoạt kỳ diệu của người vũ nữ mà một số tài liệu nghiên cứu đã ghi đậm nét “ trong động có tĩnh, trong tĩnh có động » của vũ điệu huyền bí..
Gần như lõa thể đập vào mắt người xem với rốn sâu, ngực cao mang những cánh tay đẹp nõn nà, những chân bóng căng tròn và thon thả đầy sức sống ; lúc như tạo một sức bật đạp tung cả núi đồi, khi thì quấn chặt người tình, thủ thỉ lời lẽ âm dương. Những điệu múa tưởng chừng dung tục mà thực ra cả một nét kín đáo trang nghiêm, có khi như là cách thức mẹ dạy cho con cách chăm sóc cửa nhà, trồng trọt, chế biến thức ăn và kèm theo cả những tư thế âu yếm để biết thế nào là lạc thú của trần gian và để sinh con đẻ cái, cái đẹp và sống động ấy đánh mất toàn diện vẻ đẹp thân xác.
Không thấy sắc dục nơi Aspara mà thuần chất là điệu vũ, khi nhìn những vũ công Chàm nơi các tòa tháp thể hiện lại điệu vũ, những tiếng kêu leng keng của những lục lạc nhỏ bằng vàng đeo trên tay và chân, trên những nếp gấp của thân thể các vũ nữ, và khi những người Champa giới thiệu « …đây là vũ điệu Tamia Tatih; còn đây là Tamia Biyen, chút nữa là Tamia Tra… Hoàn toàn mới lạ nhưng cố gắng » Nghe để biết , để lần sau khỏi ngu ngơ » khi nhìn những hậu duệ của Aspara thể hiện lại mà tôi đã được chứng kiến tại tháp bà Po Nanga ở Nha Trang

Unesco tài trợ nên cũng có chút trùng tu như thay thế những viên gạch hư hao, mất mát ! nhưng từ màu viên gạch nung đã không đúng màu, không đúng khổ gạch, chấp vá, thiếu mỹ quan,lại dùng vữa, hồ để dính lại ! hoàn toàn tạm bợ, phá cách vì những gạch xây tháp phải dùng đúng đất của địa phương màu đỏ sậm, nung với độ cao và được dính vào nhau bằng một loại keo kết dính đặc biệt được tinh chế từ nhựa thực vật có sẵn trong cây cối mà người địa phương gọi là cây « dầu rái » nên trông liền lặn để có thể điêu khắc trên gạch, sau đó là nung cả tòa tháp

Những hậu duệ của Aspara thể hiện lại tại tháp bà Po Nanga ở Nha Trang, xét về nhân chủng khác người kinh như nước da bánh mật, mắt hai mí, sống mũi cao thân thể gọn gàng săn chắc, đôi môi sensuel (gợi cảm) dễ có cảm tình với người xem.
“Vào năm Minh Mạng thứ 14, triều đình Huế bắt người Chàm phải theo phong tục Việt Nam. Họ phải chọn lấy một trong những tên họ đọc theo ngôn ngữ Việt Nam, gồm có: Bá, Đàng, Hứa, Lưu, Lựu, Hán, Lộ, Mã, Châu, Ngụy, Từ, Tạ, Thiên, Ức, Vạn, Ưng, Lâm, Hải, Báo, Cây, Dương, Quảng, Qua, Trượng, Tưởng, Lư.”
Đây là họ phổ biến nhất trong dân tộc Chăm gần 2 thế kỉ qua.
Còn 4 họ: Ông, Ma, Trà, Chế chỉ dành cho vua, dân chúng không được mang (Người Chàm Hồi giáo Miền Tây Nam phần Việt Nam, Nxb. Giáo dục và Thanh niên, Sài Gòn 1974, tr.116). Thế nhưng, trong thực tế vẫn có người dùng “họ” này làm khai sinh hay bút hiệu như Chế Linh, Từ công Phụng, Chế lan Viên, Ma văn Kháng, Ông ích Khiêm …..

Tháp bà Po Nanga ở Nha Trang, tên gọi “tháp Po Nagar” được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất cao khoảng 23 mét.
Mỗi tháp mang một tên một vị vua Chàm, nên ngoài việc thờ cúng thần linh cũng còn là nơi thờ các vị vua.

Tháp Chàm Poshanư tuy không bề thế và đồ sộ nhưng còn đọng lại những kỹ thuật kiến trúc tinh vi bao gồm nghệ thuật trang trí trong văn hóa của người Chàm cổ ở Phan Thiêt
Giữa ngôi tháp chính vẫn còn bệ thờ Linga và Yoni – biểu tượng của thần Shiva bằng đá xanh đen. Cho đến nay, tháp Poshanư cổ vẫn còn được lưu giữ khá nguyên vẹn.
Không xa ngôi tháp có địa danh lầu Ông Hoàng, nơi gắn liền tên tuổi và cuộc đời nhà thơ Hàn Mặc Tử và mối tình với người đẹp Mộng Cầm.
Thời gian ngắn ngủi, chưa đủ để tìm hiểu thêm về những cái hay cái đẹp của Champa thật là tiếc, ít ra phải bỏ ra 1 tuần. Những người bạn của tôi sinh trưởng tại những vùng này chắc biết nhiều hơn.
Đứa con gái vừa tốt nghiệp báo chí cũng muốn có cái nhìn về những đền đài nên hai cha con tiếp tục ghé Angkor.

Quyển sách tôi mua được tại một chợ đồ cũ Bavière ở Liège, khổ A4, ấn bản tại Bruxelles năm 1967, giấy láng, dầy, bìa cứng, chữ mạ kim nhũ mà giá chỉ như cho(20 Francs Belge = 0,5 Euro) xem xong quyển này, thích, nếu tôi có dịp cũng ghé qua để biết, xem sự khác biệt văn hóa của Chân Lạp (hay Phù Nam) và Chiêm Thành. (photo Ara)

Tấm bản đồ đông dương nơi trang đầu quyển sách còn ghi lại tên quốc gia Champa và Phù Nam ( Funan), hai nơi xảy ra cuộc Nam tiến của Đại Việt.
Ankor thuộc tỉnh Seam Reap, nằm về phía tây bắc Cambodge, giáp với Thái Lan tên cũ là Seam, nên chữ Seam Reap có nhĩa là » quân xiêm đại bại » trong những trận chiến thuòng xuyên xảy ra của hai bên .
Đền AnKor nằm về phía dông bắc của con sông TonléSap hay còn gọi là Biển Hồ (photo Ara)
Từ Saigon đến Angkor, nếu đi bằng đường xe phải đi khoảng 570km, qua thủ đô Phnompenh, tỉnh Svay Rieng, Prey Veng là đến Siam Reap, đi về mất từ 4 đến 5 ngày, không thích hợp với tôi nên hai cha con dùng phương tiện Hàng không của Cambodia Airways, chỉ mất hơn 40 phút. Đến Siam Reap lúc 10 giờ sáng, chọn một chiếc tuk tuk, một phương tiện thông dụng của người bản xứ để đến khách sạn
Cũng có thời gian để thăm viếng thành phố nguyên một ngày. Chung qanh khu vực AngKor sống động vì có nhiều du khách ghé đến.
Chợ búa buôn bán cũng không khác những ngôi chợ ở Việt Nam, cũng nói thách, trả giá, níu kéo bán những hàng đặc sản như đường thốt nốt, mắm bồ hóc, cá khô.
Đặc sản tại các nhà hàng là thịt cá sấu, vì nơi đây có nhiều trang trại nuôi, bán thịt, lấy da. Giá cả da cá sấu tính từng cm cho các nơi làm giày dép, túi xách, những đầu thừa đuôi thẹo dùng làm dây đồng hồ, nhưng cũng chưa chắc đã là da cá sấu thật.

Một trong những trại nuôi cá sấu ở Seam Reap, mỗi trại có đén hàng ngàn con, đứng nhìn họ đếm cá sấu con cỡ 1 gang tay, khách mua mỗi lần cả trăm cá sấu con. Có những con dài hơn 3m. Cá sấu ngày xưa họ nuôi thả nơi hào sâu bao bọc chung quanh kinh đô AngKor
7 giờ sáng ngày hôm sau, có xe, một hướng dẫn viên riêng cho chúng tôi, anh lái xe đưa đi nguyên ngày, từng nơi trong quần thể Angkor .
Kể ra đi như vậy cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, thấy mà không đựoc trọn vẹn và tường tận tất cả những ngóc ngách của khu đền này .

Nằm cách thủ đô Phnom Penh 320 km về Hướng Bắc, AngKor được xây dựng dưới thời vua Suriya-warman II (1112-1150). Khởi thủy Angkor Wat thờ thần Viśnu của Ấn Độ giáo, sau Phật giáo trở thành quốc giáo của Khmer, Angkor Wat trở thành đền thờ Phật. Chiến tranh luôn xảy ra với Xiêm và Chiêm Thành, kinh đô của đế quốc Khmer bị người Xiêm chiếm và phá hủy, các nhà vua Khmer bỏ về Phnom Penh vào thế kỉ 14, Angkor Wat đi vào quên lãng, bị rừng già vây phủ, chôn vùi từ khoảng năm 1350 . Cho đến năm 1860 được một nhà thám hiểm Pháp Henri Mouhot khám phá lại . May mắn nhờ được cây cối hoang mọc thành rừng che chắn và lâu dần thành rừng cổ thụ bao phủ và bảo vệ Angkor cả thời gian 500 năm. Angkor gần như còn nguyên vẹn khi Herri tìm ra . Trong cuốn nhật ký của Henri Mouhot được ghi lại khi từ trên đỉnh núi, ông nhìn xuống AngKor “Tất cả vùng này giờ đây vắng lặng và cô quạnh, trước kia chắc hẳn nhộn nhịp và vui vẻ lắm, nay chỉ còn tiếng hú của các loài thú dữ và tiếng chim kêu giữa im lặng cô đơn. » . Hoang phế như thành Cổ Loa được Yên Vân ghi lại
Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu
Đỗ quyên đề đoạn nguyệt âm âm.
……….
Cung miếu triều xưa giờ vắng ngắt
Trăng mờ khắc khoải quốc kêu thâu

Cổng phía nam đi vào Angkor Thom. Hai bên cầu có hai hàng các Deva ngồi nâng rắn thần Naga dài. Các tượng Deva, mỗi khuôn mặt hoàn toàn khác nhau.
Nagar, tiếng Phạn và Pali có nghĩa là rắn khổng lồ. Theo Ấn giáo, Nagar tượng trưng cho năng lượng của vũ trụ; là vị thần cai quản các giếng, suối, sông ngòi, đem mưa đến và cả sự phì nhiêu…
Trung tâm của thành phố cổ Angkor Thom là đền bayon, với bốn cửa theo bốn hướng. (photo Ara)
Di sản AngKor được xây dựng từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XV còn tồn tại ở Siem Reap, là một quần thể rộng 400Km vuông gồm nhiều khối đá lớn, nhỏ, chồng chất lên nhau, khi thì liền kề cũng có khi cách nhau hàng chục km, trong quyển sách tôi xem được cho một tên là “Les ruines d’ Angkor”
Trong quá khứ, Siem Reap từng là kinh đô Angkor (Angkor Thom) cho đến năm 1431,sau 7 tháng bị quân Xiêm vây hãm,vua phải rời kinh đô di tản về hướng Đông Nam xa xôi (Phnom Penh ngày nay) . Đến thế kỷ XVII, Đế chế Khmer đã chiếm lại Siam Nakhon (thành phố Siam) từ tay vua Siam và đổi tên thành phố này thành Siam Reap với ý nghĩa khá thú vị: “người Xiêm bị đánh bại”.
Trên tường còn những phù điêu ghi lại trận chiến của Khmer đuổi quân thù với đoàn voi trận. Nhìn tấm phù điêu này nhớ lại những cuộc hành quân Ara có lần tham dự cùng thiết giáp, như những cỗ voi vũng chắc càn quét đối phương, được gọi là « tùng thiết ».

Ngày trước, Ara theo thiết giáp gọi là « tùng thiết » còn chiến thuật của Chân Lạp theo chân các » chiến tượng » chắc gọi là « tùng tượng » ? (photo Ara)

Hàng ngàn tấm phù điêu khắc trên đá, nhìn thấy tấm phù điêu trận thủy chiến với quân Champa khi đội thủy quân dựa vào thủy quân đi ngược sông Mê Kông lên Biển Hồ Tonle Sap trực diện tấn công vào các kinh đô của Angkor.tràn vào hào lũy nuôi hàng trăm ngàn cá sấu bảo vệ kinh thành người Chiêm Thành đã dùng bè tre kết thành mảng lớn, bốn mặt đốt dầu tẩm chất độc đặc chế từ cây trái mã tiền và mủ cây mít độc làm “đội thủy binh sấu” chết, không gây trở ngại cho đoàn quân thiện chiến và dũng mãnh của Chiêm Thành vượt hào đánh chiếm Angkor, bắt luôn cả vua Chân Lạp.

Còn Angkor Wat, chữ Wat tiếng Khmer là đền thờ hay chùa, trước là một đền thờ vị thần Visnu của Ấn Độ Giáo tại Angkor là một trong các di tích quan trọng bậc nhất tại Campuchia, được xem là tuyệt đỉnh của nghệ thuật và kiến trúc Khmer.
Siem Reap đã thu hút du khách cho Cambodia nhờ quần thể kiến trúc Angkor mang đậm phong cách Khmer được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa thế giới, với các công trình nổi bật như Angkor Wat, Angkor Thom, Bayon, Taprom, Banteay Srei, Preah Khan, Roulos, Phnom Bakheng…, Biển Hồ (Tonlé Sap).

Khách sạn mọc lên nhiều lắm và không được phép cao hơn Angkor Wat nên chỉ khoảng 4 tầng là tối đa. Đèn đường nhiều, nhưng chỉ được dùng loại ánh sáng màu vàng để giữ vẻ cổ kính của đất cố đô và các công trình kiến trúc đền đài do tổ chức văn hoá thế giới Unesco qui định.

Trung tâm của quần thể kiến trúc Angkor Thom, là đền Bayon cũng là hình ảnh tuyệt vời nhất về nghệ thuật biểu tượng Khmer. Bayon là một trong những niềm kinh ngạc lớn nhất của giới nghệ thuật. So với Angkor Wat, Bayon phóng khoáng hơn, vươn lên cao mang một sức mạnh lớn hơn, nhưng thể tích nhỏ hơn Angkor Wat.
Bayon bố cục theo kiểu kim tự tháp ba tầng, có nền cao dần lên, hai tầng ngoài cùng có hành lang kín được trang trí các bức tượng chạm khắc trên đá, chu vi chỉ khoảng 600m nhưng kiểu dáng Bayon rất đa dạng và linh hoạt. Được chú ý nhất là hệ thống tháp tạo mặt người của Bayon gồm nhiều tháp tưởng chừng như đặt để xô bồ xung quanh nhưng đối xứng trục quanh tháp lớn trung tâm, nơi có đường kính 25m và cao vượt lên 43m so với mặt đất.
Bayon gồm 54 toà tháp, với 216 mặt Phật, nhấp nhô như một thế trận bát quái đá mà Khổng Minh bao vây Lục Tốn, tạo được vẻ linh thiêng mà hùng vĩ của ngôi đền. Mỗi toà tháp có bốn mặt người, cao từ 1,8m đến 2,5m, nhìn ra bốn hướng. Đó là những tháp đá tạc mặt người với “nụ cười Angkor” hay « nụ cười Bayon » nổi tiếng.

Được bố cục theo kiểu kim tự tháp ba tầng, có nền cao dần lên, hai tầng ngoài cùng có hành lang kín được trang trí các bức tượng chạm khắc trên đá, chu vi chỉ khoảng 600m nhưng kiểu dáng Bayon rất đa dạng và linh hoạt. Nghệ thuật độc đáo đâu có kém Michelangelo
Angkor Thom là kinh đô cuối cùng của vương quốc Khmer được xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 12.

Năm 1145, vua Suryavarman II của Chân Lạp phục thù đánh chiếm thành Đồ Bàn của Chiêm Thành và tàn phá khu Thánh địa Mỹ Sơn tan tành mà ngày nay chúng ta nhìn thấy đống đổ nát hoang tàn là vậy. Sẵn trớn quân Chân Lạp tấn công Đại Việt vào thời vua Lý Nhân Tông nhưng bị đánh bại.

Vị vua huyền thoại của người Chân Lạp đã bỏ mạng giữa núi rừng sâu thẳm từng là nơi giáp ranh giữa hai quốc gia Chiêm Thành và Đại Việt. Một nhà kiến trúc vĩ đại tạo nên kỳ quan nhân loại Angkor Wat và nhiều đền đài khác, chỉ vì tham vọng bành trướng cả khu vực châu Á, đã đi đến kết cục rất bi thảm. Không ai biết thân xác nhà vua vĩ đại ở đâu và cũng không ai biết gì những bí mật về Angkor Wat mà ông mang theo vào cõi vĩnh hằng vào năm 1149.
Lúc đó vua Chiêm Thành mới đủ sức đánh đuổi người Khmer xâm lược, giành lại đất nước và cuối cùng cưỡng chiếm Angkor Wat.
Một vương triều hùng mạnh nhất trong lịch sử chấm dứt vĩnh viễn, mãi sau này, đời cháu của ông vào năm 1181 mới khôi phục lại đế chế cường thịnh.

Giới nghệ thuật đều trầm trồ, kinh ngạc, thán phục hình ảnh đền Bayon cũng là hình ảnh độc đáo nhất về nghệ thuật biểu tượng cho đất nước Khmer. Phóng khoáng hơn Ankor Wat vì không bị ảnh hưởng tôn giáo và cũng có mang tầm ảnh hưởng hon dù nhỏ hơn Ankor Wat.(Photo Ara)

Ara chạm mũi, cũng mỉm cười bí hiểm, thủ thỉ thù thì với Bayon , được ngài phán rằng « cho mày sức khỏe, lần sau ghé tao lâu hơn »… (photo by con gái Ara )
54 ngọn tháp tại Bayon đã được thiết kế như một mê cung tròn đồng tâm, trên đó khắc trăm khuôn mặt với nụ cười huyền bí đã mãi đi vào lịch sử của miền đất cổ kính này . Nhưng cũng chính những mặt Phật này đã chứng kiến thịnh suy của đất nước, chứng kiên cuộc diệt chủng thảm khốc nhất trong lịch sử Campuchia hiện đại.

Bayon gồm 54 toà tháp, với 216 mặt Phật . Mỗi toà tháp có bốn mặt người, cao từ 1,8m đến 2,5m, nhìn ra bốn hướng. Đó là những tháp đá tạc mặt người với “nụ cười Angkor” hay « nụ cười Bayon » nổi tiếng ..

Cuộc chơi của đá: Trận cười
Cuộc chơi của lá: Luân hồi lá rơi
Thế mà ai biết Cuộc Chơi
Bayon bốn mặt, không lời, không thân
Mặt Vua? Mặt Phật? Mặt Thần?
Bayon bốn mặt, bâng khuâng Mặt Người
(Phan Nhật Chiêu)

Hình Angkor Wat màu trắng ở chính giữa ba sọc ngang đỏ, xanh dương trên quốc kỳ là biểu tượng cho sự thanh liêm, công lý và là di sản văn hóa của Campuchia nghĩa là thành phố chùa được phát hiện năm 1861 làm nhiều nhà nghiên cứu bàng hoàng. Nhiều giả thuyết cho rằng những người tạo dựng Kim tự tháp đã góp phần xây dựng hay bàn tay người Hy Lạp có dự phần.
Truyền thuyết của người Khmer thì cho rằng Angkor Wat được thần linh trợ giúp xây xong Angkor Wat ngày nay trong chỉ một đêm, vi chẳng ai ghi chép bao nhiêu công nhân xây dựng hay kỹ thuật xử dụng ra sao vào thời cổ đại này mà có được 398 tác phẩm chạm trổ, khắc trên đá độc đáo, ngay cả trên trần, hành lang, các lan can… các tượng mà người hướng dẫn giới thiệu trong sử thi Ấn Độ ( Ara ù, ù , cạc cạc thứ này ! Chịu thua) chỉ để ý những tượng thần linh nam nữ trong tư thế vui vẻ, ánh mắt lẳng lơ trêu ghẹo đang nhảy múa.
Tòa tháp cao 61m nằm ngay trung tâm mà muốn đến đó phải bước qua nhiều bậc cửa; một thềm cao và một khu sân rộng, rất nhiều phù điêu đá trên tường.
Chính điện kiến trúc ba tầng, kết nối với nhau nhờ những hành lang sâu thẳm. Những phiến đá xanh chồng lên nhau, nơi nào cũng có nét chạm trổ điêu khắc.
Mỗi tầng mang một tên gọi, tằng đầu là « địa ngục », dọc theo hành lang là bức điêu khắc của những con người tài hoa dài 800m cao 2,5m ; nối tiếp tầng hai có tên là « Trần gian » thờ các vị thần Visnu, còn tầng ba mang tên gọi là « Thiên đường » nơi cao nhất trên 61m. Tôi đi trong thời kỳ tu sửa (2010) nên không được leo lên » thiên đường »

Hình Angkor Wat màu trắng ở chính giữa ba sọc ngang đỏ, xanh dương trên quốc kỳ Cambodge

Hình ảnh nào trong các sách khi nói về AngKor Wat cũng kèm theo vài vị sư áo vàng, thánh địa Angkor Wat của ngày xưa nay chỉ còn là phế tích, đã không còn là đất thánh, cho dù ngày nay có vài ba trăm vị sư tay cầm tràng hạt, miệng niệm nam mô.

Angkor Wat đã không còn là miền đất thánh vì các tượng còn lại đa số là những tượng thánh mất đầu… người ta đến đây để nghiên cứu gì…gì đấy, có lẽ chỉ mình họ biết để viết sách…để trình bày luận án tiến sĩ…

Từ Aspara Champa đến Bayon

Apsara những ngực trần
Mải chơi trần thế ngàn năm không về
Đá tàn, điệu múa còn mê
Lá rơi, cây vẫn cứ ghì đá thôi

Ngay những Aspara Bayon cũng bị hư hao, tượng nào đẹp đã bị lấy đi bán cho giới khảo cổ, một số còn lại không hiểu được bảo tồn bằng cách nào.

Nhiều cây cổ thụ như cây Tung, cây Knia… mọc tràn lên đỉnh của ngôi đền và tường thành. Những cây cổ thụ này, với bộ rễ cây khổng lồ xâm lấn, là đặc điểm làm tăng thêm vẻ đẹp và bí ẩn của Ta Prohm.

Chỉ cách Angkor Wat vài trăm mét hiện ra một thế giới bí hiểm của núi rừng. Nơi đây thiên nhiên chiếm lãnh quanh ngôi đền hoang tàn Ta Prohm . Những cây cổ thụ mọc đầy, tràn qua cả mái đình rêu phong. Như những con trăn khổng lồ quấn vào những bức tường đổ nát mà từ khe của bức tường những rễ cây cổ thụ này vươn lên.
Bao nhiêu thế kỷ trôi qua tạo nên những hình thù tuy kỳ quái, ma mị nhưng lại mang một nét đẹp bí ẩn của Ta Prohm

Hai cha con trước bộ rễ cây như đàn rắn, những bộ rễ này được chống đỡ, che chắn và bảo vệ .
Đứa con gái mặc váy ngắn nên không được phép vào các đền đài thờ cúng, khi muốn phải dùng mảnh vải quấn quanh như một chiếc váy dài.

Hai cha con « tùng tượng » chung quanh khu Angkor Thom trước khi từ giã đền đài lăng miếu
Bản tính Ara là thích đi, la cà mọi nơi, ngắm nhìn mọi chuyện; xong! để trong đầu có dịp kể lại cho bạn bè, con cháu cho vui. Hỏi sâu vào khảo cổ hay địa chất thì chỉ thuộc dạng i, tờ ! Nghĩa là cũng biết mặt chữ nhưng chưa đủ trình độ đùa với chữ. Chỉ học qua loa địa chất năm lớp đệ tam, cũng chẳng để ý nhiều, cũng may vào thời đại mới, có thể dễ dàng truy nguyên để biết thêm.
Sẵn kể những câu chuyện quanh chuyến đi thăm đền đài cũng có chút ý kiến (của riêng hắn) là tháp Chàm xây dựng trước khi có Angkor vì dựa theo lịch sử Agkor vào cuối thế kỷ thứ 9, còn Tháp Chàm lại có sớm hơn từ thế kỷ thứ 7 cho đến 8 (lịch sử ghi) với nhiều phong cách khác nhau nhưng có thể một vài tháp Chăm và tháp Angkor có cùng một thời kỳ xây dựng nên có chút tương đồng vì cùng theo một tôn giáo là Ấn Độ giáo nên có chung ảnh hưởng, cùng đẹp tuyệt vời.
Nếu phải chọn lựa, tôi vẫn thích cái màu đỏ đất nung của tháp Champa hơn, lôi cuốn tôi hơn cái màu đá núi. Lạ lắm ! là một màu đỏ vĩnh cửu theo thời gian cho dù mưa nắng vùi dập,vẫn ánh lên bóng bảy nhưng không phải bóng vì nung quá độ để thành chất sành mà nung kỹ hơn gốm để già dặn thêm tựa như một người đàn bà đẹp đã từng một lần bước chân qua đò mang đường nét hấp đẫn lôi cuốn chứ không còn là thiếu nữ thanh xuân mơ mộng cũng lại không quá lứa, lỡ thì như các hoa hậu phu nhân khi bước vào cánh cửa »tiền mãn ».
Chắc bản chất hắn là vậy, thích màu « nóng » ; đi chơi, vợ thấy chiếc áo đỏ thường cười, chỉ hắn thấy, hoặc mua tặng hắn, cả con hắn đi đâu cũng có quà cho Papa chiếc áo đỏ. Với hắn, mặc màu đỏ bình minh hay hoàng hôn đều hòa hợp, lúc như kiêu hãnh lúc lại chịu đựng mọi chuyện đang hay sắp xảy ra.
Và với Aspara Champa, khi nhìn hắn thấy vẫn sensuel hơn những Aspara xứ chùa Tháp.

Liège, ngày 19/4/2010
Ara Phát