Pierre Bellemare
Đào Duy Hòa Phỏng Dịch
Ðó là ngày 19 tháng 12 năm 1978. Cậu bé Antonio, 6 tuổi, cùng mẹ đi trên đường phố Milan, nước Ý. Ở tuổi búp măng, Antonio muốn mẹ đưa đi phố mua sắm vào dịp lễ Noel là chuyện tự nhiên. Ðường phố được trang hoàng, thắp sáng bởi đủ loại màu sắc sặc sỡ, đặc biệt là những tủ kính với đủ loại hàng hóa, đồ chơi trẻ con. Nhưng chiều hôm ấy, đường phố Milan không đông người như thường lệ vì từ trưa, tuyết phủ một lớp dày khắp nơi. Sau khi ngắm nhìn thỏa thích chiếc tàu điện trong tủ kính, Antonio, bấu vào tay mẹ:
-Mình lại đằng kia xem ông già Noel đi mẹ!
Cách nơi họ đứng khoảng 20 mét, một ông già Noel đứng bất động trong trang phục cổ truyền: quần áo, mũ màu đỏ viền ren màu trắng, đôi giầy bốt màu đen, bộ râu dài trắng xóa. Ông già Noel đứng trên một cái bệ cạnh vỉa hè, mặc cho tuyết rơi, trời lạnh giá. Antonio đến bên cạnh ông già Noel:
-Chào ông già Noel!
Ông già Noel đứng lặng im. Antonio cố nài nỉ:
-Xin chào ông già Noel! Sao ông không trả lời?
Ông già Noel vẫn im thin thít. Mẹ Antonio đến bên con, hơi ngạc nhiên trước thái độ là lạ của ông già Noel. Chị định hỏi một câu gì đó nhưng lại thôi vì không có nhiều thời giờ. Bất ngờ ông già Noel tiến về cửa chiếc xe vừa mới đỗ bên vệ đường. Chắn ngang trước mặt người đàn ông vừa ra khỏi xe, ông già Noel thò tay vào ống tay áo lấy ra một vật. Sự việc sau đó diễn ra trong chớp nhoáng: hai tiếng nổ vang trời, người đàn ông ngã gục xuống vỉa hè đầy tuyết, ông già Noel tẩu thoát mất dạng.
Sau khoảnh khắc sợ hãi, mẹ Antonio hồi tỉnh. Chị chạy đến bên nạn nhân bị hai viên đạn bắn trúng vào đầu. Mẹ Antonio tri hô cấp cứu.
Một giờ sau, Trung úy Signorelli, cảnh sát trưởng Milan, người trực tiếp điều tra vụ án ông già Noel, thẩm vấn mẹ của Antonio là nhân chứng duy nhất tại hiện trường. Bước vào tuổi ngũ tuần, mái tóc của Trung úy Signorelli đã ngả màu muối tiêu:-Chị có thể mô tả vài chi tiết nhận dạng tên tội phạm?
Mẹ Antonio đưa tay lên bóp trán cố nhớ:
-Biết trả lời ông cảnh sát trưởng thế nào nhỉ? Ông già Noel là ông già Noel trong bộ đồ truyền thống màu đỏ viền trắng…
-Ví dụ gương mặt ông ta, già hay trẻ?
-Tôi không trông thấy rõ. Cái nón và bộ râu trắng che khuất gần hết gương mặt.
-Ðôi mắt hắn màu gì?
-Thực tình tôi cũng không mấy chú ý. Tôi chỉ nhìn hắn được có mấy giây trong khi tuyết rơi dày đặc.
-Thế thì chị có thể phỏng đoán chiều cao của hắn?
-Hắn hơi cao hơn tôi một tí.
Trung úy Signorelli quay sang Antonio. Cậu bé đang ôm lấy mẹ, gương mặt lộ vẻ sợ sệt.
-Cậu bé, cậu thấy nét gì đặc biệt ở tên sát nhân không?
Cậu bé lắc đầu:
-Thưa không ạ!
Nhận thấy cuộc thẩm vấn không có kết quả, Trung úy Signorelli kết luận:
-Tôi không muốn làm phiền hai mẹ con chị nữa. Cuộc thẩm vấn kết thúc tại đây. Xin cám ơn chị và cháu.
Sau khi tiễn mẹ con Antonio về, Trung úy Signorelli gọi người phụ tá đắc lực của mình là Thiếu úy Alberto Ponza, 28 tuổi.-Chúng ta không thu thập được gì từ nhân chứng, phải bắt đầu từ nhân thân của kẻ bị hại thôi. Anh đã tập họp được chi tiết nào chưa?
Ponza rút ra tập hồ sơ:
-Vâng, thưa trung úy. Nạn nhân là Ricardo Negri, 51 tuổi, hoạt động trong ngành thời trang may mặc. Ông ta khá giàu có và nổi tiếng ở Milan. Ý kiến của trung úy thế nào?-Tôi không mấy quan tâm đến nghề nghiệp của ông ta. Anh có chi tiết gì về quan hệ gia đình của ông ta không?-Nạn nhân Ricardo đã có vợ và hai con. Cô con gái, Émilia, 23 tuổi, đang theo học ngành lịch sử nghệ thuật. Cậu con trai, Sergio, 18 tuổi, là một sinh viên rất năng động, có khả năng sẽ kế nghiệp gia đình sau này.
Signorelli lắng nghe báo cáo của Thiếu úy Ponza:
-Còn vợ của ông ta?
-Bà Antonella, 45 tuổi, rất đẹp. Thời con gái, bà từng là người mẫu thời trang. Hiện Antonella đang đi trượt tuyết ở Chamonix, Pháp, cùng với tình nhân Silvio Michaelli.
Chi tiết quan trọng nầy khiến Signorelli phải thầm khen tài tháo vát, nhanh nhạy của viên phụ tá:
-Tốt lắm, Ponza! Anh thu thập thông tin rất nhanh. Bằng cách nào anh có được nó?
-Thông qua gia đình, tôi biết bà Antonella đang ở Pháp và tôi đã trực tiếp gọi đến đó. Cả hai ở chung phòng trong khách sạn.
-Họ đã quay về Milan chưa?-Antonella vẫn còn ở đó, nhưng tình nhân của bà ta đã trở về Milan. Hình như anh ta có việc gấp thì phải.
Cảnh sát trưởng Signorelli gật đầu hài lòng:
-Anh cho mời Silvio Michaelli đến ngay!
Bằng giọng khiêm tốn, Ponza đáp:
-Tôi dự đoán thế nào trung úy cũng yêu cầu điều này nên đã gọi anh ta đến. Anh ta đang chờ trung úy ở phòng ngoài.
Silvio Michaelli có dáng dấp một tay chơi. Anh ta khoảng 25-30 tuổi, trẻ hơn nhiều so với người tình. Ngoại hình của hắn thể hiện rõ một tay vô liêm sỉ chuyên sống nhờ váy đàn bà. Nhưng trước mặt Trung úy Signorelli, Silvio trở thành một kẻ nhu nhược: vai hắn trệ xuống, đôi mắt thất thần, hai tay run nhẹ:
-Tôi không giết ông ta, thưa ngài cảnh sát trưởng. Tôi xin thề không phải là tôi.
-Tại sao anh đột ngột quay về Milan?
-Vì công việc thôi ạ.
-Công việc gì? Anh sống bằng nghề gì?
Sau giây phút do dự, hắn ngẩng mặt lên:
-Tôi muốn thuật lại sự việc một cách minh bạch. Mọi người có thể đánh giá không tốt về tôi. Nhưng giết người là việc tôi không bao giờ làm. Thực sự tôi sống nhờ đàn bà chứ không có nghề ngỗng gì khác. Tôi quay về Milan vì tôi có cuộc hẹn với người tình khác ở Milan. Nghề của tôi là thế, phải phòng ngừa trước các cuộc chia tay để không phải sống cô đơn, không tiền…
-Tôi hiểu…
-Ông phải hiểu tôi. Tôi không bao giờ giết người, nhất là giết người vì ghen tuông.
-Tại sao không, bà Antonella Negri là một phụ nữ rất đẹp kia mà?
-Thế thì ông chưa thực sự hiểu tôi rồi, thưa ông. Những cuộc hẹn hò giữa tôi và phụ nữ chỉ là sự mua bán, trao đổi. Nếu có ai đó nói lời yêu đương với tôi thì tôi rút lui ngay.
-Thật thế không?
-Ðó là sự thật! Ông thử nghĩ xem, nếu tôi si mê Antonella, liệu tôi có nên ngủ chung phòng với bà ta trước khi ra tay sát hại người chồng chính thức? Khi viên phụ tá của ông gọi tới, chúng tôi xác nhận ngay đang vui vầy bên nhau, chúng tôi không giấu giếm điều gì cả.
-Ngay cả với ông Ricardo Negri?
-Không, ông Negri biết chúng tôi quan hệ với nhau. Ông có thể xác minh qua những người thân quen của ông ta.
-Vậy thì tại sao Ricardo Negri bị sát hại?
-Tại sao trung úy cứ quy kết ông ta bị giết vì ghen tuông? Ricardo Negri là nhân vật nổi tiếng, giàu có và đầy quyền lực. Có thể nguyên nhân dẫn đến án mạng là do cạnh tranh nghề nghiệp, do sa thải nhân viên…
Ðúng vào lúc đó, Alberto Ponza bước vào phòng thẩm vấn. Anh ta bước đến sát bên Signorelli nói nhỏ:
-Một nhân chứng khác vừa đến xin gặp trung úy.
-Khi nào xong tôi sẽ gặp.
-Thưa trung úy không cần phải tiếp tục với Michaelli nữa đâu ạ.
Signorelli lập tức cho Michaelli ra về với lời dặn, không được rời khỏi thành phố cho đến khi có thông báo mới.
Signorelli cau mày ngạc nhiên trước sự xuất hiện của nhân chứng mới. Ðó là một cậu bé cũng xấp xỉ tuổi Antonio. Cậu bé đến cùng với mẹ. Alberto Ponza giới thiệu:
-Xin giới thiệu, cậu bé Amedeo Berti. Amedeo đã gặp ông già Noel trước Antonio ít phút. Amedeo ghi nhận được một chi tiết rất quan trọng: cậu bé đã nghe giọng nói của ông già Noel.
Cảnh sát trưởng Signorelli:
-Cháu có trò chuyện với ông già Noel ư?
Vẻ rụt rè, Amedeo lắc đầu phủ nhận. Phụ tá Alberto Ponza đỡ lời:
-Cậu bé không trò chuyện với ông già Noel. Nó nhìn thấy ông già Noel bị vấp chân trong tuyết và nghe ông ta thốt lên lời ta thán. Lúc bấy giờ nó ở rất gần ông già Noel. Tốt nhất là để nó tự thuật lại điều tai nghe mắt thấy với cảnh sát trưởng.
Nở nụ cười thân thiện với Amedeo, Signorelli khuyến khích:
-Nào, cháu nghe thấy gì, kể cho chú nghe đi?
-Ðó là một phụ nữ.
-Cháu nói sao?
-Cháu nghe giọng nói một phụ nữ thốt ra từ miệng ông già Noel.
Signorelli ngồi bất động vì ngạc nhiên. Chi tiết mới ngoài dự đoán làm ông thật sự bất ngờ. Cuộc điều tra rẽ sang bước ngoặt mới.
oOo
Ngày 23 tháng 12 năm 1978, tức 4 ngày sau vụ án, cảnh sát trưởng Signorelli gõ cửa một căn nhà mà bề ngoài trông có vẻ nghèo nàn. Ra mở cửa là Gina Borgo, một phụ nữ ngoài 50 tuổi, nét mặt không có gì đặc biệt. Chị ta bắt đầu bằng giọng nói mệt mỏi:
-Ông đến tìm tôi có việc gì không ạ, thưa ông cảnh sát trưởng?
Chậm rãi và trầm tĩnh, Signorelli đáp lại:
-Hẳn là bà đã biết lý do của cuộc viếng thăm, thưa bà. Và tôi nghĩ trong tận sâu đáy lòng, bà đang chờ cuộc hội ngộ này.
-Tôi không hiểu ông muốn nói gì?
-Viên phụ tá của tôi rất tài ba, thưa bà Borgo. Từ khi chúng tôi biết ông già Noel thực chất là một phụ nữ, chúng tôi chỉ việc áp dụng phương pháp loại trừ. Người phụ nữ nào có lý do để giết ông Negri? Vợ ông ta ở ngoài phạm vi điều tra vì lúc xảy ra sự việc bà ta đang ở Pháp. Chúng tôi cố tìm hiểu xem liệu ông Negri có tình nhân nào không, Không có! Ông Negri cũng chẳng cho một nữ thư ký hay nữ nhân viên nào nghỉ việc… Ðể kết luận, chúng tôi chỉ thấy có mỗi mình bà thôi, bà Borgo ạ!
-Ông kể với tôi cái gì thế, ông cảnh sát trưởng? Tôi chẳng biết ông Negri là ai cả.
-Ðúng vậy, thưa bà Borgo. Nhưng chồng bà thì biết ông Negri rất rõ. Và chính chồng bà là nguyên nhân dẫn đến vụ án mạng.
Bà Gina Borgo giữ im lặng. Signorelli nói tiếp:
-Chồng bà, ông Paolo Borgo, đã tự vận cách đây 6 tháng bằng một viên đạn bắn vào đầu. Chồng bà là chủ nhân xí nghiệp may mặc, cùng ngành sản xuất với ông Negri. Ông Negri có đề nghị chồng bà bán lại xí nghiệp cho ông ta, nhưng chồng bà từ chối. Và thế là bằng chiến thuật “cá lớn nuốt cá bé”, ông Negri đã làm chồng bà phá sản dẫn đến việc tự tử. Ðó là lý do tại sao bà giết ông Negri. Và nếu như giọng nói của bà không bị một cậu bé phát hiện thì có lẽ bà đã thoát khỏi lưới của pháp luật. Thật sự tôi cũng không ngờ kẻ phạm tội là một phụ nữ.
Bà Borgo điềm tĩnh đáp lời:
-Tôi không biết Negri là ai cả. Ông cảnh sát trưởng không có bằng chứng buộc tội nào cả, ngoại trừ lời lẽ lý luận dông dài.
-Cho đến bây giờ thì chưa, nhưng bằng chứng nằm trong tầm tay của chúng tôi. Bà biết đấy, mỗi vũ khí để lại vỏ đạn có đặc thù riêng giống như dấu vân tay. Ông Borgo tự tử bằng súng Smith & Wesson 12mm. Tôi chỉ cần khai quật mồ chồng bà lên và so sánh vỏ đạn thì biết ngay…
Bà Borgo lấy hai tay ôm đầu gào lên:
-Không, tôi không cho phép quật mồ chồng tôi! Không được đụng đến chồng tôi!
-Nếu thế thì chỉ có cách duy nhất là bà hãy tự thú.
Khoảnh khắc im lặng trôi qua. Giọng bà Gina Borgo nấc lên:
-Tôi xin tự thú. Ông già Noel chính là tôi!