Hòa Mỹ
Hùng mở cửa đón khách. Chàng hơi ngạc nhiên vì người khách mới đến dẫn theo một cô gái khoảng mười tám tuổi là một người Á đông trăm phần trăm. Thế mà trong sổ hẹn tên ông ta là René Brisson, một tên họ trăm phầm trăm bản xứ! Khách bắt tay và hỏi Hùng bằng tiếng Pháp:
– Ông là Bác sĩ Hùng? Tôi là René Brisson, có hẹn với ông sáng nay.
– Vâng tôi là Hùng. Xin mời hai người vào phòng.
Khách chỉ cô gái và bảo:
– Bệnh nhân của ông là cô gái này. Nó là con gái tôi.
Tâm trí Hùng xao xuyến lạ! Chàng đã gặp người đàn ông này nhiều lần ở đâu mà chàng không nhớ rõ.
Có điều chắc chắn là chàng đã gặp ông ta ở Việt Nam. Nhưng tại sao ông ta lại là dân “bản xứ” chính cống? Ông ta lại nói tiếng Pháp rất hay. Hùng rất muốn hỏi: “Ông có phải là ngườI Việt Nam không?”, nhưng sợ mất lòng khách, đành làm thinh.
Chàng nhìn kỹ thiếu nữ thì thấy nàng có một thân hình cân đối, khoẻ mạnh. Mái tóc đen huyền chấm ngang vai, mũi dọc dừa, môi mọng đỏ và đôi mắt thì tuyệt diệu, vừa đẹp, vừa thông minh!
Tất cả người nàng toát ra vẻ cao sang của một trang quốc sắc. Điều bất hạnh duy nhất là da mặt loang lổ những đám mụn quái ác, sần sùi.
Hùng hỏi:
– Ai đã giới thiệu tôi với ông?
Khách đưa ra một tờ giấy và trả lời:
– Bác sĩ Elizabeth Reichel, chuyên về da.
Hùng đọc: “Bội nhiễm kinh niên do mụn vị thành niên”. Hùng biết rõ bác sĩ Reichel. Nàng là một bác sĩ ngoài da nổi tiếng. Nàng cũng là một trong những bác sĩ hiếm hoi tin tưởng vào châm cứu. Nàng đã gởi cho Hùng rất nhiều bệnh nhân và rất hài lòng về các kết quả đạt được. Chính nàng cũng đến điều trị khi bị suy nhược thần kinh nặng vì làm việc quá sức và chấn động tình cảm sau khi ly dị.
Nàng đã lấy lại sự vui tươi và lòng hăng say làm việc sau sáu lần chữa trị. Hùng cũng đã lấy cho nàng lá số tử vi và giải đoán gần đúng hết những thăng trầm của đời nàng trong quá khứ và cho nàng biết những việc sắp xảy ra.
Hùng hỏi khách:
– Trong quá khứ cháu có bị bịnh gì không?
– Cháu là một đứa trẻ khỏe mạnh từ nhỏ đến lớn. Cách đây hai năm, cháu bắt đầu bị mụn. Chúng tôi đã đưa cháu đi hết mọi nơi, gặp hầu hết các bác sĩ danh tiếng về da và đã làm hết các thử nghiệm.
Cuối cùng các bác sĩ đều dùng tetracyclin để trị. Uống vào thì bớt. Thôi uống thì trở lại. Tôi biết tetracycline rất độc, nhưng không có sự lựa chọn nào khác, đành chịu. Điều đau khổ nhất là bệnh không lành mà càng ngày thuốc càng hết hiệu lực. Bác sĩ Reichel đã khen ông rất nhiều. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng. Xin bác sĩ vui lòng giúp cho. Đây là hy vọng cuối cùng của cháu.
Hùng bắt mạch thì thấy khí ở các kinh can, đởm, phế, đại trường mất quân bình. Chàng nói với cô gái:
– Nếu cô ráng chịu đau một tí, tôi sẽ gắng chữa lành bệnh và cô sẽ trở thành một thiếu nữ xinh đẹp như xưa.
Mắt cô gái long lanh niềm vui. Nàng bảo:
– Tôi chịu đau được!
Hùng đưa Suzanne, tên cô gái vào phòng. Khi chỉ có hai người, Hùng hỏi nhỏ cô gái bằng tiếng Việt:
– Có phải cô là người Việt Nam không?
Suzanne lấm lét nhìn về phía cửa như sợ cha cô nghe được. Hùng trấn an:
– Cô đừng sợ! Cha cô không nghe được câu chuyện của chúng ta đâu.
Suzanne sung sướng gật đầu:
– Cháu là người Việt.
Hùng vừa châm vừa hỏi:
– Cháu sinh ở đâu?
– Cháu sinh tại đây, nhưng được về Việt Nam một thời gian và rồi sang đây trở lại.
Hùng khen:
– Cháu nói tiếng Việt rất hay. Chú rất cảm động khi thấy cháu không quên tiếng mẹ đẻ. Đó là niềm hãnh diện cho gia đình cháu.
Nghe Hùng nói thế, Suzanne thoáng buồn. Nàng thở dài mà tiếng thở như bị gián đoạn. Hùng tự nhủ: “Cô bé này có điều gì u uất nhưng dấu kín. Đó là nguyên nhân của chứng bệnh”.
Chàng bắt mạch lại lần nữa và châm kim. Năm phút sau chàng bắt mạch lại. Hùng bằng lòng mỉm cười bảo:
– Chú cam đoan sẽ chữa lành bệnh để cháu trở thành một thiếu nữ đẹp tuyệt vời, nhưng cháu phải xin với cha mẹ là lần sau sẽ đến một mình. Chú có nhiều điều quan trọng cần bàn với cháu.
Suzanne vui vẻ gật đầu.
Hùng trở ra phòng khách, gặp cha Suzanne đang lo lắng chờ đợi. Hùng bảo:
– Tôi đã tìm ra nguyên nhân căn bịnh và hứa chắc sẽ chữa lành. Xin ông an tâm.
Brisson mỉm cười, nhưng ánh mắt còn đầy vẻ nghi ngờ. Ông ta nói:
– Bác sĩ có thể cắt nghĩa cho tôi hiểu nguyên nhân căn bệnh và cách nào chữa lành không?
Hùng nói với vẻ mặt đầy tự tin :
– Khi nào Suzanne hết bịnh, tôi sẽ cắt nghĩa cho ông nghe.
Tuần sau, Suzanne đến một mình. Trong lúc châm kim Hùng nói:
– Theo chú biết thì cháu có một điều gì uẩn uất mà không làm sao giải bày cho cha mẹ hiểu được tâm trạng của mình nên sinh ra bệnh này. Có điều gì khó khăn cháu có thể trình bày với chú. Chú có cách giải quyết ổn thỏa.
Suzanne mỉm cười có vẻ thách thức:
– Chú căn cứ vào đâu mà dám kết luận như vậy?
Hùng ấn tay vào các huyệt đản trung, nhựt nguyệt, tiếp cận, túc lâm khấp trên thân thể nàng. Suzanne kêu đau liên hồi. Hùng bảo:
– Chú căn cứ vào mạch khí của các kinh can, đởm, phế, đại trường, các điểm đau trên thân thể cháu và thấy cháu thở dài luôn như muốn vứt bỏ một cái gì mà không được, để kết luận.
Điều quan trọng là cháu phải nói ra nỗi uẩn ức trong lòng thì chú mới giải quyết tận gốc rễ căn bịnh được. Có phải cháu đã yêu một bạn trai và gặp khó khăn không?
Suzanne làm thinh không muốn nói. Hùng châm vào các huyệt thiên tĩnh, thần phong, linh khưu.
Nàng cảm thấy một niềm cảm xúc tuôn trào và khóc nức nở. Hùng để cho Suzanne khóc trong khoảng năm phút và khi nàng hết tức tưởi, vẻ mặt trở lại bình thường, Hùng hỏi:
– Bây giờ cháu thấy thế nào?
Suzanne vui vẻ đáp:
– Cháu thấy điểm đau trên ngực tan biến, hơi thở dễ dàng và trong người khoan khoái như trút được gánh nặng ngàn cân. Sao chú tài thế?
Hùng cười:
– Bây giờ cháu đã tin hoàn toàn vào chú chưa?
Vậy thì hãy cho chú nghe tâm sự của cháu đi!
Suzanne lặng thinh một lát rồi nói:
– Vâng, cháu xin kể cho chú nghe. Cha mẹ cháu là người Việt như chú. Ông bà được học bổng du học ở đây trước 1975, đã say mê chủ nghĩa cộng sản và hoạt động tích cực trong phong trào phản chiến để hổ trợ cho cuộc chiến tranh bên nhà và ước mong khi đất nước thanh bình sẽ về xây dựng lại một nước Việt Nam độc lập, phú cường. Ông bà đã lấy nhau và sinh cháu tại đây để có lý do hợp pháp ở lại sau khi tốt nghiệp.
Cháu nói giỏi tiếng Việt vì cha mẹ đã hết lòng thương yêu và chỉ dạy cháu từ nhỏ. Năm 1977, cháu được bảy tuổi và có hai em trai thì cha mẹ cháu bán hết cửa nhà, lên đường trở về Việt Nam phục vụ nhân dân như lòng họ mong ước. Cháu rất thương yêu cha mẹ nên cũng vui mừng không kém. Nước Việt Nam trong trí tưởng tượng của cháu lúc bây giờ là một thiên đường hạ giới như trong các phim thần thoại của Walt Disney.
Nhưng niềm vui của gia đình cháu tan vỡ nhanh chóng sau một năm sống ở quê nhà. Tuy còn nhỏ nhưng cháu cũng thấu hiểu những khó khăn của cha mẹ trong công việc làm và sự thương hại của những người thân tộc khi họ tròn xoe đôi mắt nhìn chúng cháu như những người mất trí.
Tội nghiệp nhất là ông bà nội đến thăm ôm chúng cháu vào lòng mà nước mắt chảy ròng trên đôi má nhăn nheo. Cha mẹ chỉ biết làm thinh nhận lỗi. Tuổi trẻ thơ ngây, cháu hòa mình dễ dàng vào cuộc sống mới và cảm thấy rất thú vị trong tình cảm gắn bó với các bạn bè thân thiết chung quanh.
Lúc đó cháu chưa biết phân tích, nhưng cảm tưởng chung cháu còn giữ lại được là một chuỗi ngày tràn ngập tình người vừa mong manh, vừa thắm thiết.
Khi cháu được mười tuổi thì cha mẹ cháu lại đưa cả gia đình vượt biên sang đây. Bây giờ thì ông bà đã tạo được sự nghiệp vững chắc, chúng cháu có một đời sống sung túc. Điều khổ tâm duy nhất của cháu là khi sang được đến đây thì cha mẹ cháu cấm hẳn chúng cháu không được nói tiếng Việt, và không được nhắc lại những kỷ niệm cũng như những trò chơi học được ở Việt Nam. Đôi khi chúng cháu vô tình phạm những điều cấm kỵ thì bị cha mẹ phạt rất nặng. Chúng cháu rất thương cha mẹ nên tuy ấm ức mà đành cắn răng chịu đựng. Cháu cảm thấy như mất một cái gì quý giá mà tình thương cha mẹ không đền bù nổi. Vì thế, cháu cảm thấy bất an và bực bội.
Một hôm cô giáo dạy Pháp văn nhờ cháu giúp đỡ các bạn Việt Nam mới vừa sang để họ khỏi bỡ ngỡ trong môi trường mới. Cháu từ chối thẳng tay. Cô giáo mời cháu lên phòng và bảo:
“Cô rất khâm phục sự thông minh và tài giỏi của người Việt Nam. Cô rất quí mến các em về hạnh kiểm cũng như học vấn. Có điều cô rất buồn khi thấy em từ chối nguồn gốc của mình. Cô là người Do thái. Cha mẹ cô đã sinh ra và lớn lên ở đây. Cô là dân Canadienne.
Sau bao nhiêu năm hội nhập, cô vẫn thấy lạc lõng. Chỉ có không khí gia đình và cộng đồng Do thái mới đem lại cho cô những cảm xúc chân thành. Em hơn hẳn các bạn Canada vì trong em có cả hai nền văn minh Đông và Tây. Tại sao em nỡ bỏ nguồn cội của mình?
Nếu em biết hài hòa cái đẹp của hai nền văn minh thì em sẽ thấy tâm hồn phong phú rất nhiều. Rồi có ngày em sẽ thấy lạc loài và hối hận. Cô có ý nhờ em giúp đỡ các bạn Việt Nam mới qua để cho em có cơ hội tìm lại nguồn cội của mình. Em có sẵn trong tay hai gia tài vô giá, em đánh mất một mà không hối tiếc sao? Bây giờ em đổi ý cũng chưa muộn”.
Cháu thưa lại với cô:
“Thưa cô, em có nỗi khổ tâm riêng. Xin cô hãy cho em giữ nguyên quyết định cũ”.
Từ đó về sau mỗi lần bắt gặp cái nhìn thương hại của cô giáo và cái nhìn khinh bỉ của bạn bè Việt Nam, cháu cảm thấy hối hận vô cùng. Một lần cháu mạnh dạn trình bày quan điểm đó thì cha mẹ cháu bảo: “Những điều con trình bày chỉ là ảo ảnh! Cha mẹ đã từng sống trong ảo ảnh đó và đã đau khổ nhiều rồi! Cha mẹ không muốn các con dẫm lại vết xe cũ.
Hãy quên ảo ảnh Việt Nam đi và sống với thực tế Canada này!”
Từ đó cha mẹ cháu càng khắt khe hơn khi gặp những gì liên quan đến Việt Nam. Cũng từ đó mặt cháu bắt đầu lên mụn và kinh nguyệt trồi sụt bất thường.
Hùng bàng hoàng khi nghe Suzanne kể. Chàng không tưởng tượng nổi thái độ cực đoan của cha mẹ nàng từ thương yêu đến thù hận xứ sở một cách mù quáng đến thế!
Họ là những người trí thức, là tinh hoa của dân tộc. Họ cứ tưởng với thông minh và tài trí, họ có thể làm bất cứ việc gì. Họ không ngờ sự độc đoán tư tưởng đem lại những thảm cảnh cho gia đình mà họ không hề hay biết. Bao nhiêu người tài giỏi Việt Nam đã phạm những lỗi lầm đó?
Trong quá khứ đã có nhiều người tài giỏi mà không có tinh thần thực tế và độc lập, bị lóa mắt trước những tà thuyết ngoại lai, tuy lý luận là một áng văn toàn bích, mà thực tế thì đem lại tang thương và đổ vỡ cho dân tộc. Họ dùng sự tài giỏi của để lừa bịp dân chúng theo họ và tàn sát không gớm tay những kẻ nào dám chống lại.
Phải chăng sự thông minh và tài giỏi của người Việt là một tai họa cho dân tộc chứ không phải là một niềm kiêu hãnh?
Hùng nói tiếp:
– Chú đoán không lầm thì cha mẹ cháu mỗi người mang một chứng bịnh nan y mà không bác sĩ nào chữa khỏi. Họ đành cam chịu. Tuy không tin tưởng gì vào Đông y nhưng vì thương cháu họ đành vứt bỏ tự ái để tìm về nguồn. Trong thâm tâm họ vẫn tôn thờ tinh thần vạn năng của Tây phương.
Suzanne reo lên:
– Sao chú tài thế! Cha cháu bị mất ngủ kinh niên. Mẹ cháu bị nhiễm trùng đường tiểu kinh niên. Bác sĩ cho rằng cha cháu mắc bịnh tâm thần nên dùng thuốc ngủ thường xuyên. Cha cháu nhiều khi nóng giận vô cớ và chúng cháu là những nạn nhân của các cơn giận dữ bất chợt đó. Mẹ cháu thì dùng trụ sinh thường xuyên và sức khoẻ mỗi ngày một suy kém. Chú có cách nào giúp cha mẹ cháu không?
– Cháu muốn giúp cha mẹ cháu lành bịnh thì cháu phải tự chữa lấy. Chú là người giúp cháu thêm mà thôi! Hiện nay can khí của cháu bị nghẹt, chú khai thông, nhờ đó mà những u uất có đường thoát. Nhưng nếu cháu không tự chữa cho mình thì can khí lại nghẹt trở lại. Nếu cháu khỏi bệnh thì cha mẹ cháu mới tin tưởng vào Đông y và chú mới có cơ hội giúp họ chữa lành bệnh.
Việt Nam không phải là một ảo ảnh mà là một thực tế bi thương đang cần những người dấn thân như cha mẹ cháu. Không phải dấn thân một cách kiêu ngạo và mù quáng, mà dấn thân với tất cả sự khiêm cung, sáng suốt và trái tim đầy ắp tình thương.
Cháu phải được trở về nguồn, tắm mát trong tình thương Việt Nam thì tài năng, sắc đẹp và tâm hồn cháu mới phát triển phong phú được. Thực tế đau thương Việt Nam đang cần những người như cháu vừa có tinh thần dân chủ và khả năng kỹ thuật Tây phương, vừa có sự trầm tĩnh, sáng suốt Đông phương để xây dựng và kiến thiết.
Chế độ cộng sản đang đến hồi tan rã! Nhưng phải có cái gì tốt đẹp thay thế vào. Cái tốt đẹp ấy đang tiềm ẩn trong thế hệ của các cháu. Cháu là người duy nhất giúp cha mẹ cháu khỏi bịnh.
Suzanne lắng nghe một cách thích thú. Nàng hỏi:
– Cháu phải làm gì để tự chữa?
– Cháu cứ sống như cũ để khỏi gây khó khăn cho gia đình, nhưng cháu tin tưởng chắc chắn là cháu sẽ tìm lại được nguồn gốc Việt Nam. Ngày đó thật gần. Với niềm tin ấy, mọi bế tắc được khai thông.
Đó là cháu tự chữa cho mình vậy! Sở dĩ có bệnh vì chúng ta không tự hiểu mình. Chúng ta tự đầu độc lấy mình để tình trạng ngày càng tệ hại hơn. Nếu chúng ta biết tự điều chỉnh thì chẳng bao giờ có bệnh.
Cháu xem, chú hiện nay đã gần sáu mươi mà vẫn tươi trẻ như tuổi ba mươi. Con người thật huyền diệu mà Tây y chỉ xem con người như một cái máy. Đó là một lầm lẫn tai hại!
Vì thế khoa học càng tiến bộ thì bệnh tật càng khó chữa, vì con người đã lấy sự hiểu biết giới hạn của mình làm xáo trộn sự kỳ diệu mà tạo hóa đã đặt nơi con người. Chú khuyên cháu phải tự chữa là thế.
Dẫu không hiểu rõ những điều Hùng đã trình bày, nhưng với trực giác bén nhạy, Suzanne chân nhận những điều khuyên bảo của Hùng là đúng.
Nàng không còn uất ức khi nghĩ về Việt Nam nữa. Nàng âm thầm, hăng say giúp đỡ những bạn bè Việt Nam mới đến. Nàng tìm lại niềm vui thanh thoát khi được bạn bè thương yêu và cái nhìn quí mến của cô giáo. Nhờ sự chữa trị của Hùng, bốn tháng sau nàng đã lành bệnh.
********
Hùng mời Brisson vào phòng khách. Chàng vẫn nói tiếng Pháp với Hùng:
– Tôi đến để cảm ơn bác sĩ đã giúp cho cháu khỏi bệnh. Tôi không ngờ Đông y lại kỳ diệu đến thế! Đúng là bác sĩ đã làm một phép lạ! Lúc Bác sĩ Reichel bảo thế tôi không tin! Bây giờ thì tôi tin thật rồi!
Bác sĩ có thể cho tôi biết nguyên nhân căn bệnh của cháu không?
Hùng khiêm nhường :
– Ông quá khen! Tôi chỉ là người giúp cháu. Chính cháu đã tự chữa hết bệnh. Tôi nói tiếng Pháp không rành, thành thử khó mà diễn tả cho ông hiểu rõ cặn kẽ vấn đề. Năm giờ chiều mai, mời ông trở lại đây, sẽ có một người bạn tôi làm thông ngôn từ Việt ra Pháp thì tôi mới đủ khả năng diễn tả cho ông hiểu được.
Brisson hơi buồn. Ông đứng dậy ra về. Hùng tiễn khách và bảo:
– Xin lỗi đã làm phiền ông! Xin ông đúng hẹn năm giờ chiều mai!
Vừa ra đến cửa, Brisson chợt đổi ý, trở vào và nói:
– Tôi hiểu tiếng Việt, xin ông vui lòng trình bày cho!
Hùng thấy vui vẻ vì đã buộc Brisson thú nhận gốc gác của mình mà không làm cho ông ta chạm tự ái. Chàng biết Brisson rất ngại khi bày tỏ tình trạng gia đình mình cho một người Việt Nam thứ ba biết.
Vì muốn nhờ Hùng chữa bịnh cho mình mà chàng phải nhượng bộ. Hùng nói tiếng Việt:
– Anh quên tôi rồi! Riêng tôi không bao giờ quên anh! Hôm trước mới gặp nhau tôi đã nhận ra anh ngay, nhưng không dám nói vì sợ anh buồn.
Những ngày gian khổ ở nông trường Bình Dương của trường Đại học bách khoa làm sao tôi quên được.
Tôi còn nhớ tên anh là Phong. Anh ở dãy A, tôi ở dãy B. Có thể anh không biết hoặc quên tôi, nhưng tôi thì không quên anh được. Một kỹ sư du học từ bỏ giàu sang phú quí để dấn thân về phục vụ nhân dân thì ai mà không khâm phục!
Brisson không ngờ Hùng hiểu rõ mình như thế nên đành thú nhận:
– Ba năm sống ở quê nhà là những ngày đau thương nhất của gia đình tôi. Thôi chúng ta hãy quên ảo ảnh đó đi. Đừng nhắc lại làm gì thêm buồn!
– Anh bảo hãy quên! Anh bắt các con anh phải quên! Nhưng tiềm thức của anh vẫn nhớ, vẫn uất hận thì làm sao quên được? Anh phải tìm lối thoát nào ổn thỏa hơn mới được. Anh như con đà điểu, thấy người đuổi bắt thì dấu đầu vào cát vì tưởng rằng nó không thấy người thì người không thấy nó!
Rồi Hùng thao thao bất tuyệt về những trăn trở mà Phong hằng ấp ủ mà không tìm thấy câu trả lời. Phong trầm ngâm như thấm dần các lý luận xác đáng của Hùng. Cuối cùng Phong tâm sự:
– Thực sự, khi du học tôi đâu biết gì về chủ nghĩa cộng sản. Tôi chỉ muốn học thật giỏi để trở về xây dựng quê hương. Tôi gặp Tú. Nàng vừa đẹp, vừa duyên dáng, vừa thông minh, hoạt bát lại vừa đảm đang. Nàng là hình ảnh trung thực nhất của bà mẹ Việt Nam.
Chúng tôi nhìn thấy ở nhau nhiều điểm tương đồng và yêu nhau. Nàng là người cộng sản chính gốc.
Cha và các anh nàng đều là các đảng viên cộng sản và đã tập kết ra Bắc. Mẹ nàng ở lại tảo tần nuôi con.
Vì thương và khâm phục cha và các anh nên nàng tìm hiểu và say mê chủ nghĩa cộng sản. Vì yêu nàng, tôi trở thành cộng sản. Tôi khâm phục sự thông minh của ông Mác. Những lý luận có hệ thống của ông ấy đã đưa tôi vào một thế giới lý tưởng tốt đẹp.
Hùng chen vào:
– Những người anh em cũ của anh ở Montréal hiện nay có phải là những người cộng sản chính cống như vợ anh không?
Phong thành thật thú nhận:
– Một số cũng hăng say vì lý tưởng giống như chúng tôi. Một số khác thì cơ hội chủ nghĩa. Khi tốt nghiệp không muốn trở về xứ sở chiến tranh vì sợ chết.
Họ muốn ở lại xã hội tư bản để thụ hưởng. Canada chỉ chấp nhận cho những người bị đàn áp chính trị ở lại. Cộng sản là con đường duy nhất giải thoát, nên họ theo. Họ là những người đầu cơ trục lợi.
Thật sự chỉ có chúng tôi là khờ khạo nhất, xung phong về xây dựng quốc gia để làm gương cho những người khác. Thực sự chẳng ai bắt chước làm theo. Tưởng với bầu nhiệt huyết mình sẽ thực hiện được giấc mơ ấp ủ.
Nào ngờ chế độ cộng sản chỉ là một lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài. Bên trong là cả một tập đoàn tham nhũng, ngu dốt, bất công, áp bức. Có một phái đoàn sinh viên ở Đức về gặp tôi, hỏi ý kiến có nên về xây dựng quê hương không. Tôi đã lấy kinh nghiệm bản thân mà cản ngăn họ đừng về. Có thằng cộng sản ăng-ten nghe được báo cáo lên trên. Thế là tôi bị đẩy đi nông trường.
Phong trầm ngâm một lát để lấy lại can đảm và thú nhận:
– Việc chối bỏ Việt Nam đối với chúng tôi bây giờ đã trở thành một thói quen rồi. Tám năm nay chúng tôi đã kiên trì giữ vững lập trường đó. Bây giờ nghe anh nói, tôi đâm ra hoang mang. Những quyết định của chúng tôi là sai à? Làm sao tôi có thể thuyết phục vợ tôi được?
Hùng thấy Phong tin tưởng ở mình hoàn toàn và đã nói hết những nỗi uẩn ức ở trong lòng, thì mừng lắm. Chàng cứ tưởng thuyết phục một người trí thức cực đoan như Phong sẽ rất khó khăn. Chàng đã gặp may vì tính trúng đường. Hùng cầm lấy tay Phong bắt mạch rồi nói:
– Tôi đoán không lầm. Bịnh của anh và vợ con anh cùng một nguyên nhân.
Phong ngạc nhiên:
– Anh cũng biết bịnh của vợ tôi à?
– Cháu Suzanne đã cho tôi biết và khẩn khoản nhờ tôi chữa. Cháu là một đứa trẻ rất có tâm hồn và can đảm. Anh chị rất có phước được một người con như thế. Bây giờ tôi xin phép nói hơi dài dòng một chút.
Xin anh hãy bình tĩnh lắng nghe, đừng cắt ngang mà mất sự liên tục và đưa chúng ta lạc đề khi nào không hay.
Khi tôi trình bày có gì bất mãn và thắc mắc xin anh hãy để lại sau. Tôi sẽ giải đáp và xin lỗi những xúc phạm nếu có.
Phong gật đầu đồng ý thì Hùng tiếp tục nói:
– Theo tôi, anh chị và tất cả những đảng viên cộng sản trên thế giới đều cùng phạm một lỗi lầm như nhau.
Anh chị tin vào chủ nghĩa cộng sản mà không biết rằng xã hội cộng sản chỉ là một ảo ảnh. Rồi khi anh chị hận thù người cộng sản Việt Nam đã đem lại lầm than cho gia đình anh chị thì anh chị lại đi chối bỏ nguồn gốc của mình. Đó cũng là một ảo ảnh!
Bọn cộng sản muốn làm cho mọi người thành đồng nhất: suy nghĩ như nhau, có cuộc sống như nhau, bận quần áo như nhau, ở trong những ngôi nhà cùng một kiểu như nhau, chia sẻ những lợi tức đồng đều như nhau…
Nhưng tất cả cũng chỉ là ảo ảnh! Trong tiềm thức họ đã sẵn có tính giai cấp, tính cá nhân, ích kỷ. Họ càng lấy lý trí phấn đấu để thực hiện chủ nghĩa mà họ tin tưởng thì tiềm thức họ càng nổi dậy mạnh mẽ hơn.
Cuối cùng mọi người đều mang bịnh. Bịnh mỗi người mỗi khác. Người thì biểu lộ bằng những hành động sắt máu, giết nhiều người để trấn áp tiềm thức của mình như Staline. Người thì nghiện rượu để quên đi những cơn khủng hoảng triền miên trong tâm hồn họ như dân Nga.
Anh vẫn chưa chịu nhận mình sai lầm. Các nhà lãnh đạo cộng sản cũng có cùng quan điểm như anh.
Tôi sẽ chứng minh cho anh thấy lý thuyết cộng sản sai từ gốc rễ. Đến khi nào mà các nhà lãnh đạo cộng sản chưa thừa nhận ảo ảnh sai lầm đó thì dầu có sửa đổi bao nhiêu đi nữa, dân chúng vẫn lầm than, đau khổ.
Anh cũng vậy, đến khi nào mà anh chưa chối bỏ chủ nghĩa cộng sản thì bịnh của anh vẫn chưa khỏi được.
Hùng uống một ngụm nước, tiếp tục thao thao bất tuyệt về những sai lầm trong chủ nghĩa cộng sản và vui mừng thấy Phong vẫn yên lặng theo dõi những lý luận của mình. Cuối cùng Hùng kết luận ::
– Đông y là một phần nhỏ của triết lý Á Đông. Triết lý ấy lấy bốn chữ: “âm, dương, ngũ hành” làm căn bản. Âm dương chỉ là hai biểu tượng cho thấy mọi vật đều có hai mặt vừa mâu thuẫn, vừa tương trợ nhau để sống.
Chủ nghĩa cộng sản dùng kinh tế để chứng minh và phát triển nguyên lý mâu thuẫn nội tại và đấu tranh giai cấp, và từ đó đi đến xây dựng một xã hội lý tưởng.
Đó cũng là một phần nhỏ của nguyên lý âm dương áp dụng vào chính trị và kinh tế. Muốn phát triển và trường tồn, âm dương phải vừa đối kháng, vừa hòa hợp, tương trợ lẫn nhau.
Chủ nghĩa cộng sản lại dùng hận thù, đấu tranh giai cấp để tiêu diệt đối kháng, nên cuối cùng đi đến mất quân bình. Xã hội cộng sản chỉ là một ảo ảnh vì không còn mâu thuẫn và đối lập âm dương nữa. Nghĩa là không có sự sống và phát triển. Mác là người cóp nhặt và diễn dịch sai lệch nguyên lý âm dương để thỏa mãn hận thù vì những thất bại triền miên trong cuộc đời của mình.
Anh đã chóa mắt vì lý thuyết cộng sản mà không biết rằng tổ tiên chúng ta đã áp dụng thông minh và sáng tạo nguyên lý âm dương để xây dựng đất nước.
Ông Hồ là người đã từng học triết lý Á Đông, nếu không tìm thấy được sự cóp nhặt sai lệch của Mác thì không phải là ngườI giỏi và sâu sắc trên những vấn đề lớn liên quan đến vận mạng của dân tộc.
Nếu biết sai lệch mà vẫn dùng để bịp dân thì thuộc hạng lưu manh.
Nói điều này chắc anh buồn lắm vì anh đã thần thánh hóa ông Hồ. Sự dằng co giữa lý thuyết tốt đẹp và thực tế bi thương làm cho anh khổ và mang bệnh. Muốn chữa bệnh anh cho tận gốc, tôi cần phải mổ xẻ kỹ càng mọi khía cạnh, đánh tan mọi nghi vấn.
Tuy mất lòng, nhưng sau đó anh sẽ thấy cái lý của nó. Càng ngày anh sẽ thấy những điều tôi nói là thật.
Âm dương luôn đối chọi nhau như tĩnh và động, như tối và sáng, nóng và lạnh, nhưng lại hỗ trợ cho nhau như trên và dưới, cao và thấp, trong và ngoài, phải và trái, trước và sau. Bóng tối là mầm mống cho sự sáng cũng như trong ánh sáng đã ẩn tàng sự tối tăm.
Đó là âm sinh, dương trưởng và ngược lại. Nếu anh chịu khó suy nghĩ thì sẽ thấy mọi khía cạnh của cuộc sống đa dạng này đều nằm trong nguyên lý âm dương. Ngày, đêm, bốn mùa là sự tuần hoàn bất tận của nguyên lý âm dương.
Trở lại căn bệnh của cháu Suzanne, can, đởm là hai cơ quan điều hòa sự luân lưu của tình cảm. Khi ta dùng lý trí để đè nén một tình cảm nào thì can khí sẽ nghẹt, từ đó dẫn đến sự xáo trộn của các cơ quan khác.
Bệnh lý thể hiện theo từng cá nhân. Chỉ cần điều chỉnh can khí thì mọi việc xong xuôi. Tình trạng can khí nghẹt gây nên huyết áp cao là một quá trình lâu năm và có những nguyên nhân tình cảm.
Vì thế muốn giải quyết tận gốc rễ thì phải tìm ra nguyên nhân tình cảm ấy và tìm cách giải quyết thì mới lành bệnh được.
Trường hợp của anh chị và cháu thì ngoài phương pháp chữa trị bằng châm cứu, còn phải nhận chân rằng chủ nghĩa cộng sản sai từ cội rễ.
Thêm vào đó, anh chị phải thành thực chấp nhận rằng chúng ta không thể chối bỏ cội nguồn Việt Nam được.
Cháu Suzanne hết bệnh là vì trong bốn tháng qua, cháu đã tìm về nguồn cội Việt Nam và tắm mát trong tình thương của bạn bè. Chúng ta phải tìm về nguồn với các lối đi uyển chuyển và quân bình hơn.
Đó là anh chị tự chữa cho mình vậy!
Phong mỉm cười bảo:
– Hình như anh hận thù người cộng sản lắm! Vì mọi diễn dịch của anh đều qui về sự sai trái của người cộng sản. Nhưng những điều anh vừa nói thật lý thú và giải đáp được hết những thắc mắc của tôi.
Tôi cảm thấy thơ thới trong lòng. Cám ơn anh nhiều lắm. Tôi sẽ đến nhờ anh chữa bệnh. Sau khi tôi lành thì tới phiên vợ tôi.
Hùng không ngờ lại thuyết phục được Phong một cách mau chóng như thế. Hùng bảo :
– Tôi không hận thù ai. Nhưng tôi công nhận cộng sản là một tai họa lớn mà loài người phải gánh chịu vì sự tự kiêu và ích kỷ của mình. Tôi rất tiếc là nước ta gặp vận rủi khi người tài giỏi về khả năng vận dụng người như ông Hồ lại mắc nạn về tay lũ bịp để nhân dân lầm than.
Ngoài ra điều bận tâm duy nhất của tôi bây giờ là thấy hầu hết giới lãnh đạo Việt Nam đều bệnh hoạn. Bệnh tự kiêu, thù hằn, ganh ghét, ích kỷ, ỷ lại và nhất là không có tinh thần độc lập, dễ dàng làm tay sai cho ngoại bang để đổi lấy tư lợi.
Làm sao họ có thể điều khiển quốc gia tốt hay thành lập những phong trào chống cộng tốt được?
Nếu mọi trí thức Việt Nam biết mình bệnh hoạn mà cố gắng tự chữa trị và cố gắng cùng nhau đồng tâm hiệp lực để nâng cao trình độ trí thức và chính trị của toàn dân thì tương lai Việt Nam mới khá được.
Phong gật gù như tán đồng những điều Hùng trình bày là đúng. Anh thấy lòng mình thanh thản, phải chăng vì Suzanne lành bệnh hay vì chính mình dường như thoát ra khỏi một ảo ảnh…
Hòa Mỹ