BS. Đỗ Hồng Ngọc
Khi còn trẻ, ta dễ thấy cái “ăn” là quan trọng, khi về già mới biết cái “chuyện lớn” kia càng quan trọng hơn!
Triết gia Lâm Ngữ Đường bảo: “Hạnh phúc ư? Rất đơn giản. Nó nằm ở ruột già! Ruột già mà điều hòa thì ta hạnh phúc, còn không thì ta khổ sở. Chỉ có vậy thôi!” (Sống đẹp, bản dịch Nguyễn Hiến Lê).
Ngày trước, trên báo Bách Khoa có một truyện ngắn tựa là “Chuột khâu đít” kể ở một nhà kia, chuột nhiều quá, phá phách chịu không nổi. Nuôi mèo, đặt bẫy, thuốc chuột, keo dính chuột… chẳng ăn thua! Thế rồi gia chủ nghe người ta khuyên bắt lấy một con chuột to, khâu đít nó lại, rồi thả ra. Mới đầu chẳng có chuyện gì xảy ra nhưng chỉ vài ba hôm sau, con chuột bị khâu đít bắt đầu tấn công các con chuột khác, bởi vì nó đang khổ vì bón mà những con chuột khác cứ phây phây, chí chóe, thấy ghét! Từ đó không còn một con chuột nào dám lai vãng nhà ông ta nữa!
Trong cơ thể ta, hệ tiêu hóa còn được gọi là “ống tiêu hóa”. Nó đúng là một cái ống tròn, chạy dài từ miệng tới hậu môn, phình ra chỗ này, bóp lại chỗ kia, ngoằn ngoèo chỗ nọ… Thức ăn thức uống đi xuyên qua cái ống đó, được hấp thu vào cơ thể để tạo năng lượng, phần còn lại là chất bả, là phân, phải thải bỏ. Không thải ra được thì kẹt, thì bí!
Nhớ rằng trong phân có 3/4 là nước, 1/4 chất rắn, trong đó có 30% chất vô cơ, 30% là chất xơ và 1-3% proteine cùng các tế bào biểu mô, vi trùng các thứ v.v…Hiểu vậy, ta thấy cần có đủ chất xơ trong thức ăn và cần uống đầy đủ nước trong ngày, đặc biệt là ở người già.
Con cháu thông minh sẽ phải quan tâm đến “đại sự” này của ông bà cha mẹ già. Tại sao người già dễ bị bón? Ấy bởi vì ruột đã bắt đầu làm biếng – nhiều nơi khác cũng bắt đầu làm biếng như vậy!!- không buồn co bóp nữa; rồi cũng do răng có vấn đề, khó nhai khó nuốt nên người già thường thích ăn những thực phẩm mềm như bột, như sữa, dễ thiếu chất xơ ( các lọai sữa bột, béo bổ quá, hấp thu sạch trơn, không còn chút gì để làm phân!).
Người già lại ít vận động, quen ngồi lì một chỗ nên ruột cũng ì ra, cơ bụng nhão, phình lên. Các phản xạ đều chậm chạp kể cả phản xạ co bóp tống phân ra ngoài, ruột tái hấp thu hết khối lượng nước nên phân ngày càng cứng, khô. Không kể một số thuốc dùng thường ngày hay thuốc bổ nhiều thứ cũng gây bón như thuốc ngủ, thuốc huyết áp, Calci, Vitamine… nếu dùng quá liều lượng. Bón làm cho đau bụng lâm râm cả ngày, dễ cau có gắt gỏng, thấy ai cũng… ghét! Không kể có khi còn bị trĩ, gây thêm sợ hãi, lo lắng.
Mặt khác, người già thường đi cầu khó, ngồi lâu, dễ ngại ngùng, thấy bất tiện, ráng nín nhịn, rồi quen dần, mất luôn phản xạ. Người dùng thuốc nhuận trường lâu ngày cũng mất phản xạ như vậy. Ruột đợi có thuốc mới chịu họat động, mà liều lượng cũng ngày càng tăng, cứ y như bị ghiền! Đó là chưa kể một vài loại bệnh tật khác ở ruột như rối lọan tiêu hóa, polype, u bướu…
Cần chọn lựa thức ăn cho người già sao cho đủ chất, lại có nhiều xơ, và nhớ mỗi ngày uống đủ lượng nước. Bớt dùng các lọai đường bột, sữa, dầu mỡ, nước ngọt các thứ. Một người uống cam hộp, uống nước ngọt có mùi vị trái cây thơm tho không sao bằng ăn nguyên trái cam, có cả xơ cả múi! Hiện nay thức ăn trên thị trường thường lạm dụng chất hóa học, có mùi vị “như thiệt mà không phải thiệt”, lường gạt khẩu vị của ta , tuy có ngon mà không có chất, kể cả chất xơ, cần thiết để chống táo bón.
Cũng nên để ý rằng chuyện lớn này đúng là “đại sự”, chớ coi thường. Ta thấy ở những nơi văn minh, lịch sự- những tòa cao ốc lớn, nhà hàng, khách sạn…- bao giờ hệ thống toilet cũng đặt ngay ở cửa ra vào, sạch đẹp, thơm tho, có tiếng nhạc dặt dìu, đầy quyến rũ…
BS Đỗ Hồng Ngọc