Sáng tạo không bao giờ có giới hạn, con người có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật bằng cách sử dụng bất cứ hình thức, phương tiện, vật chất nào mà họ muốn, kể cả các vật liệu kim loại, đất, nước hay chỉ là những chiếc lá thô sơ… Chiếc lá cây trông rất bình thường tưởng chừng như rác rưởi, nhưng qua bàn tay nghệ nhân, chiếc lá mỏng manh, thô sơ biến thành các tác phẩm đẹp đến bất ngờ.
Nghệ nhân Tây Ban Nha, Lorenzo Duran, sau khi học hỏi kỹ thuật cắt giấy ở Châu Á, bắt đầu ấp ủ ý tưởng áp dụng kỹ thuật đã học để cắt… lá. Anh bắt đầu thử nghiệm và phát hiện được nhiều loại lá bản cứng có thể giúp tạo nên được những nét cắt tuyệt đẹp. Lorenzo Duran gọi những tác phẩm của mình là “Naturayarte”.
Quy trình cắt lá khá đơn giản, sau khi lựa chọn kỹ càng những chiếc lá tốt , rửa sạch và để ráo nước, Duran đặt bản vẽ mẫu lên trên những chiếc lá phẳng và bắt đầu thực hiện quá trình cắt lá. Công đoạn tách bản mẫu ra khỏi lá là khó nhất bởi nó dễ dính với lá, làm rách hình.
Một nghệ nhân Nhật Bản có tên tài khoản trên Instagram là “Lito Leaf Art” đã chia sẻ hàng loạt những sản phẩm nghệ thuật sáng tạo từ những chiếc lá. Các tác phẩm độc đáo của anh được cắt bằng tay một cách ấn tượng và giàu trí tưởng tượng. Anh viết: “Trước khi chọn lá cây, tôi đã cắt trên giấy rất nhiều lần nhưng không được nhiều chú ý. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến tác phẩm cắt lá đẹp mắt của người nghệ sĩ Tây Ban Nha và từ đó tôi quyết định theo đuổi nghệ thuật này”.
Tác phẩm của anh thường chọn bầu trời làm nền chụp ảnh, Lito Leaf Art nói rằng hồi đầu anh chụp trên bức tường trắng trong nhà, song không có được cảm giác chiều sâu như khi áp lên nền trời. Khi được hỏi về thời gian cắt lá, anh nói với báo Chunichi rằng các chiếc lá sẽ bị hư và xuống màu nên cần hoàn thành tác phẩm trong vòng 2 giờ đồng hồ. Nếu tính cả thời gian vẽ trên giấy, nghệ sĩ cho biết anh mất ít nhất 5 đến 6 tiếng.
Dự án của nghệ nhân Malaysia – Tang Chiew Ling kết hợp giữa những hình vẽ 2D và lá cây, khắc họa khoảnh khắc cuộc sống đáng yêu, đơn giản là ký ức tuổi thơ qua việc thả diều trên cánh đồng, thổi bong bóng xà phòng hay cảnh tượng lãng mạn đi bộ dưới trời mưa, mang nhiều cảm xúc cho người xem.
Kanat Nurtazin sống tại Cộng hòa Kazakhstan, trong ba năm dài thực hiện dự án “100 phương pháp vẽ”, nghệ thuật cắt lá là một trong những phương pháp yêu thích của Kanat Nurtazin. Những chiếc lá được anh cắt tỉ mỉ và khéo léo, kết hợp với ảnh nền được chụp đúng thời điểm, đúng góc độ đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật sống động và đẹp tuyệt vời.
Nhìn vào chiếc lá, ai cũng thấy được nghệ nhân rất khéo léo, tỉ mỉ, kiên nhẫn và mất nhiều thời gian, để hoàn thành tác phẩm. Trí tưởng tượng của nghệ nhân “bay cao, bay xa” trong các sáng tạo tuy đơn giản nhưng thú vị…Khi giơ từng chiếc lá lên bầu trời trước khi chụp ảnh, ánh sáng mặt trời làm lộ ra nhiều chi tiết nhỏ. Mỗi chiếc lá là một thế giới linh hoạt, nhiều màu sắc từ những con vật dễ thương đến nhưng họa tiết bình dị như nhà cửa, chim muông… Mỗi thiết kế trên chiếc lá có một câu chuyện riêng của nó.
Chiếc lá thừa thải, mong manh, cuộc đời ngắn ngủi thoáng qua nhưng nếu biết sáng tạo nó vẫn là nguồn cảm hứng vô tận. Vì là một tác phẩm nên nó cũng chuyên chở tâm hồn của người sáng tạo, chẳng khác gì một tác phẩm thơ, hội họa, điêu khắc…Khi cắt tỉa, con người rèn luyện được đức tính khiêm nhường, giản dị, kiên nhẫn, tin tưởng vào cuộc sống vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống hiện tại. Chiếc lá là sản phẩm thiên nhiên, thiên nhiên liên tục vận động biến đổi và tiến hoá hoàn thiện, nghệ thuật cắt tỉa lá luôn hướng tới sự sáng tạo nầy, sâu xa nhất của nghệ thuật là “Con người chỉ có thể góp phần hoàn thiện thiên nhiên chứ không thể tạo ra thiên nhiên”.
Lê Tấn Tài