Ngày tàn của kiến thức chuyên môn?

Phạm Phú Khải

 

Hôm nay, lên nhật báo The New York Times, thì thấy tình hình Covid-19 tại Mỹ do biến thể Delta gây ra làm cho số ca nhiễm gia tăng đáng kể trên 50 bang. Số ca ngày 21 tháng 7 là 41.310 ca, và ngày 22 tháng 7 là 45.343. Hơn một nửa dân số Mỹ vẫn chưa chích ngừa (49% hoàn chích). Số tử vong là 609.870.
Đầu tháng 7, một bài viết của Jamie Seidel trên báo tại New Zealand có tựa đề “Sự thiếu hiểu biết là lý do tại sao Hoa Kỳ phải đối mặt với 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày” (Ignorance is why US faces 100,000 new infections every day) đã đề cập nhiều đến giáo sư Tom Nichols.
Xin mở ngoặc ở đây để nói rằng, tuy từ Ignorance có nghĩa là thiếu thông tin hay kiến thức, nó hàm chỉ thái độ của con người. Thông tin dù có cung cấp đầy đủ nhưng người ta không muốn biết, hay dù muốn biết nhưng chỉ chọn lọc những gì hợp với nhãn quan của mình, mà không tìm hiểu đầy đủ, sâu sắc và kỹ lưỡng, thì đó là Ignorance. Ignorance đến từ động từ Ignore, nghĩa là từ chối để ý hay ghi nhận, hoặc phủ nhận một cách cố ý.
Từ đầu đến cuối bài này, tác giả Jamie Seidel đã trích nhiều đoạn từ bài viết của giáo sư Nichols để dẫn chứng cho các lập luận của mình. Seidel cũng dùng kết luận của Nichols cho kết luận của mình: “Trừ khi có thể khôi phục được sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau nào đó, nếu không, công luận sẽ bị ô nhiễm bởi sự tôn trọng không chính đáng đối với những ý kiến vô căn cứ. Và trong một môi trường như vậy, bất cứ điều gì và mọi thứ đều có thể xảy ra, kể cả sự kết thúc của nền dân chủ.”
Nguyên do nào người ta không còn tin vào các nhà chuyên môn nữa để rồi họ bác bỏ kiến thức chuyên môn, khoa học, kể cả phương thức hay toa thuốc có thể cứu lấy mạng sống của mình?

Xin mời quý bạn đọc tìm hiểu bài luận văn của giáo sư Tom Nichols trên Foreign Affairs, tựa đề “Làm sao người Mỹ mất niềm tin vào kiến thức chuyên môn?” (How America Lost Faith in Expertise). Tôi đọc bài này vào đầu năm 2017, và lấy làm tâm đắc với những điều Nichols trình bày trong đó. Tôi định viết một hay nhiều bài liên quan đến những gì giáo sư Nichols trình bày trong bài luận văn này, nhưng vẫn chưa thực hiện được cho đến nay, dù cơ hội và thời điểm có đến.
Bài viết của Nichols trên Foreign Affairs dựa trên cuốn sách có tựa đề “Cái chết của kiến thức chuyên môn: Chiến dịch chống lại kiến thức đã được hình thành và tại sao nó lại quan trọng” (The Death of Expertise: The Campaign Against Established Knowledge and Why It Matters), do Oxford University Press xuất bản cùng thời điểm. Buổi ra mắt sách, được tổ chức vào ngày 13 tháng 4 năm 2017, có nhiều sự kiện thú vị. Nó cũng giúp độc giả hiểu sâu hơn tâm tư của tác giả, và những vấn đề thời sự và chính trị không nằm trong cuốn sách.
Những diễn biến liên quan đến cuộc bầu cử Mỹ cuối năm 2020, cũng như đại dịch Covid-19 toàn cầu, nhất là tại Mỹ, đã thôi thúc tôi viết vài suy nghĩ về bài luận văn của Nichols.
Vào thời điểm đọc bài của Nichols đầu năm 2017, bối cảnh hậu bầu cử Mỹ năm 2016, nó thật sự làm tôi băn khoăn. Bởi vì những gì mình nghĩ và hiểu về nước Mỹ phải chăng là phiến diện? Bởi giáo sư Nichols cho người đọc như tôi một cách nhìn khác. Nhưng càng suy ngẫm, thì tôi, và chắc nhiều người khác, cũng sẽ nhận ra rằng thật ra không riêng gì nước Mỹ. Sự coi thường kiến thức chuyên môn đã trở thành một hiện tượng toàn cầu. Khác nhau chỉ ở mức độ và nồng độ thôi.
Tom Nichols là Giáo sư về An ninh Quốc gia tại Trường Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ. Nichols chuyên về Nga, vũ khí hạt nhân và các vấn đề an ninh quốc gia. Nichols cộng tác với tạp chí The Atlantic. Tuy chủ đề này không phải là lĩnh vực chuyên môn, Nichols nói cảm thấy cần phải viết về nó sau khi viết vài bài Blog ngắn và nhận được sự phản hồi tích cực của cả triệu người.
Theo giáo sư Nichols, mục tiêu viết cuốn sách này là để kiểm tra… “Mối quan hệ giữa các chuyên gia và công dân trong một nền dân chủ, tại sao mối quan hệ đó lại sụp đổ, và tất cả chúng ta, công dân và chuyên gia, có thể làm gì về nó.”
Trong bài viết trên Foreign Affairs tóm tắt nội dung cuốn sách của mình, Nichols cho biết, là một giáo sư, ông đã quen với việc mọi người không đồng ý với ông về nhiều thứ, và điều đó không sao cả. Đối với ông, những lập luận có nguyên tắc, có hiểu biết là một dấu hiệu của sức mạnh trí tuệ và sức sống trong một nền dân chủ. Tuy nhiên, ông lo lắng vì truyền thống, chuẩn mực đó, tức ‘khả năng tranh luận công khai mang tính xây dựng, tích cực’, đang suy tàn, đang sụp đổ. Nichols thương tiếc cho sự xuống cấp khả năng tranh luận công khai mang tính xây dựng và tích cực. Thay vào đó, nó toàn là những trận la hét giận dữ.
Nichols cho biết trong một nền dân chủ, chính phủ và chuyên môn dựa vào nhau, bởi vì, trong sự phân công lao động của nền kinh tế và công nghệ, các chuyên gia, trong khả năng chuyên môn của họ, được yêu cầu cố gắng hết sức để phục vụ khách hàng của họ. Khách hàng quan trọng nhất chính là xã hội, cộng đồng. Nó là một phần của khế ước xã hội. Các chuyên gia phải thực hiện các phần việc của họ để giúp người dân nắm vững thông tin, gia tăng hiểu biết, để giúp mọi công dân đưa ra những quyết định hợp lý.
Nhưng công dân cũng cần phải hoàn thành bổn phận trách nhiệm của họ. Họ cũng nên biết rằng trang mạng Internet, hệ thống tìm kiếm của Google, một hoặc hai cú nhấp của con chuột, không làm cho họ trở thành chuyên gia. Nó không thể thay thế vai trò của chuyên gia trong xã hội. Công dân cũng không thể từ bỏ vai trò quan trọng của mình trong quá trình dân chủ. Họ cần được cập nhật thông tin và đủ kiến thức về chính trị để chọn những người đại diện có thể hành động khôn ngoan thay cho họ. Không ai làm tốt công việc này hơn các chuyên gia, và do đó họ cần tôn trọng vai trò của chuyên gia. Họ không nhất thiết đồng ý hay lắng nghe mọi thứ chuyên gia nói. Thách thức chuyên gia là một điều lành mạnh, cần thiết trong cuộc sống. Bởi chuyên gia, cũng giống như mọi người khác, cũng sai lầm. Chuyên gia khi sai cũng nên công khai nhận lỗi lầm của mình.
Tóm lại, Nichols cho rằng mối quan hệ giữa các chuyên gia và người dân là rất quan trọng. Nghi ngờ là tốt, nhưng không tin tưởng nhau là không lành mạnh, sẽ dẫn đến những hệ quả tai hại.
Điều Nichols quan ngại nhất là người dân bác bỏ vai trò chuyên gia và kiến thức chuyên môn. Nichols nói: “Những người kém năng lực nhất hóa ra lại là những người ít có khả năng nhận ra họ sai và những người khác đúng, lại có nhiều khả năng phản ứng lại sự thiếu hiểu biết của họ bằng cách cố gắng giả mạo, và ít có khả năng học bất cứ điều gì.”
Đây là những lập luận chính của bài luận văn của Nichols. Còn nhiều phần khác trong bài luận của Nichols mà tôi thấy rất phù hợp và thú vị với những gì diễn ra trên thế giới hiện nay. Đặc biệt về cách làm việc của giới khoa học và nghiên cứu, trong đó người dân phần lớn không hiểu tiến trình và phương pháp thực hiện của họ. Vì không thấy và không hiểu nên quá trình đó là vô hình đối với hầu hết người dân. Do đó việc phán xét của họ phần lớn không có giá trị.
Bất cứ một xã hội nào mà có nhiều công dân Ignorance, tức thiếu hiểu biết mà còn chủ quan coi thường sự việc trước khi tìm hiểu kỹ lưỡng vấn đề Giống như tình trạng coi thường Covid-19 vaccine hiện nay tại Mỹ và nhiều nơi khác. Nền dân chủ ở đó có nguy cơ bị lung lay tận gốc.
Giáo sư Tom Nichols sắp sửa cho ra mắt một cuốn sách mới có tên “Kẻ thù tồi tệ nhất của chúng ta: Cuộc tấn công từ bên trong nền dân chủ hiện đại” (Our Own Worst Enemy The Assault from within on Modern Democracy), cũng do Oxford University Press USA xuất bản. Tác phẩm này sẽ có sẵn từ ngày 1 tháng 8 trên Amazon.