Người Mỹ gốc Á còn bị kẹt trong cái bẫy của “Thiểu số mẫu mực”.

(Bài đăng trong tuần báo Time)

Tác giả: Nguyễn Việt Thanh
Dịch Việt: Thái Khánh Hạnh

Gương mặt của Tou Thao ám ảnh tôi. Viên cảnh sát người Mỹ gốc Hmong đứng quay lưng về phía Derek Chauvin, bạn đồng nghiệp của anh ta, trong khi Chauvin quì trên cổ của George Flody trong 8 phút 46 giây và giết chết anh chàng này. Trong phim video, tôi thấy Tou Thao đứng phía trước, một phần Chauvin ẩn phía sau, đầu của George Floyd bị đè trên nền đất. Những người qua đường đứng quanh đó năn nỉ Tou Thao can thiệp, bởi vì George Floyd bất động, và như anh chàng nói, anh chàng không thở được.

Gương mặt của Tou Thao giống gương mặt của tôi và không giống gương mặt của tôi, dù rằng gương mặt của George Floyd cũng giống gương mặt của tôi và cũng không giống gương mặt của tôi. Nạn kỳ thị chủng tộc khiến chúng ta chỉ tập trung nhìn vào những điểm dị biệt trên gương mặt của chúng ta hơn là những điểm giống nhau giữa chúng ta, và qua công cuộc thử nghiệm giả kim của nước Hoa Kỳ, sự khác biệt màu da trộn chung với sự bốc lột lao động cho ra một thành phẩm có tính chất công phá của kết hợp giữa lợi nhuận và sự tàn bạo. Trước nạn kỳ thị chủng tộc mang tính đặc thù của Mỹ, những người trong chúng ta từng là nạn nhân của sự kỳ thị đã dính kết với nhau chung quanh sự khác biệt màu da của chúng ta. Chúng ta lấy những gì người da trắng ghét về chúng ta để cải chúng thành niềm tự hào, thành cộng đồng và quyền lực.

Như vậy, Tou Thao và tôi là “người Mỹ gốc Á”, vì cả hai chúng tôi đều là “người Á Châu”, như vậy cũng đỡ hơn là bị gọi “người Đông Phương” hay là “gook” (ND: đi từ chữ Hangook, tên người Hàn quốc gọi đất nước của họ thời xa xưa. Sau Đệ nhất Thế chiến-1920- lính Hải Quân Mỹ gọi người Hàn quốc là “gook” để chế nhạo).
Nếu bị gọi là “người Đông Phương” thì chúng ta có thể bị chế nhạo và “gook” chúng ta có thể bị giết chết, thì được gọi “người Mỹ gốc Á” có thể cứu chúng ta thoát chết. Sức mạnh về số lượng, và sự đoàn kết– mặc dù có nhiều khác biệt về ngôn ngữ, dân tộc thiểu số, văn hóa , tôn giáo, nguồn gốc tổ tiên, và những thứ khác– là cơ sở căn bản của người được gọi là người Mỹ gốc Á. Nhưng có một thực tế khác, Tou Thao là người Hmong và tôi là người Việt. Anh ta là cảnh sát viên và tôi là giáo sư. Liệu sự kiện chúng tôi là người Á Châu có mang chúng tôi lại với nhau vượt qua những sự chia rẻ dân tộc và giai cấp không?

Liệu sự kiện chúng tôi đều là người Đông Nam Á, cả hai cộng đồng của chúng tôi đều có mặt ở đây vì cuộc chiến của Mỹ ở đất nước chúng tôi, có khiến chúng tôi nhìn thế giới cùng một cách như nhau? Liệu Tou Thao có trải nghiệm sự kỳ thị chủng tộc đối với người Á Châu, cái đã làm cho chúng ta tất cả thành người Á Châu, dù cho chúng ta muốn hay không muốn?
Hãy để tôi trở về cái thuở mà bây giờ cái thuở đó được lập lại ở đây. Cho dù tôi không còn nhớ lúc ấy tôi mấy tuổi khi nhìn thấy giòng chữ mà tôi không bao giờ quên được: “Một người Mỹ khác bị người Việt Nam làm sập tiệm”. Có lẽ lúc ấy tôi được 12 hay 13 tuổi gì đó. Đó là những năm đầu của thập niên 80, một người nào đó đã viết như thế trên tấm bảng treo trên cửa sổ một cửa tiệm không xa cửa tiệm của ba mẹ tôi. Tấm bảng đã làm tôi hoang mang, bởi vì mặc dù sinh ra ở Việt Nam nhưng lớn lên ở Pennsylvania và California, tôi đã thâm nhập bao nhiêu thứ được xem là gắn liền với lịch sử lập quốc của nước Mỹ: tàu Mayflower, tàu Pilgrims (ND: tên những chiếc tàu đầu tiên chở người Anh từ châu Âu sang châu Mỹ định cư ); những chàng cao bồi-cowboys-, người da đỏ; Audie Murphy và JohnWayne; George Washington và Betsy Ross; Lời Thề Trung thành với Lá cờ Mỹ quốc; Bản Tuyên Ngôn Độc Lập, Tuyên Ngôn Bảo đảm Đời sống, Tự do và Mưu cầu Hạnh phúc, tất cả những gì tưởng tượng và văn hóa dân gian của Giấc Mơ của Người Mỹ.


Một phần của giấc mơ đó là chống chủ nghĩa cộng sản và ủng hộ chủ nghĩa tư bản, những điều hoàn toàn phù hợp với ba mẹ tôi. Họ được sinh ra trong gia đình nghèo khó ở vùng thôn quê, không được đến trường theo kiểu chính thống, chỉ bằng tài nghệ bẩm sinh và làm việc cần cù mà họ trở thành những thương gia làm ăn khá giả. Họ chạy trốn khỏi Việt Nam cộng sản năm 1975 sau khi mất hết nhà cửa và phần lớn tài sản. Những gì họ mang theo được trong người -vàng và tiền được may dấu trong lai áo quần–họ dùng để mua một cái nhà nằm cạnh xa lộ quận San Jose và mở cửa tiệm thực phẩm thứ hai của người Việt Nam ở đấy vào năm 1978. Với tinh thần lạc quan cộng với nỗi nhớ quê hương, họ đặt tên cho cửa tiệm là Saigon Mới.
Tôi bây giờ đang ở tuổi già hơn ba mẹ tôi lúc họ mới bắt đầu lập nghiệp trên đất nước này, lúc đó họ chỉ biết một ít tiếng Anh thôi. Những gì họ đã làm vẫn còn in đậm trong trí nhớ của tôi như là một kỳ công không thể tưởng tượng nỗi. Ở thời buổi của cơn đại dịch vi khuẩn Corona, tôi đây vẫn còn mày mò không chắc có may nổi được chiếc khẩu trang và cảm thấy lo lắng mỗi lần phải đi mua thực phẩm. Những người sống sót sau cuộc chiến, ba mẹ tôi đã chiến đấu để làm lại cuộc đời như những người xa lạ trên một vùng đất xa lạ. Cố gắng đọc để hiểu những giấy tờ vay tiền ngân hàng để mua nhà viết bằng một ngôn ngữ khác. Ghi tên cho anh em tôi đi học ở trường. Học và thi lấy bằng lái xe. Nhưng chẳng có sách nào chỉ dạy cách làm thế nào mua được một cửa hàng không nằm trong danh sách những cửa hàng được rao bán. Họ gọi điện thoại đến những người không quen biết, mày mò tìm cho ra những sở hữu chủ của những cửa hàng đó và thuyết phục người ta bán lại cho mình. Họ làm tất cả những việc đó trong khi chưa vượt qua được cơn chấn động vừa bị mất nước và phải bỏ lại sau lưng hầu hết bà con họ hàng thân quyến. Sau khi vừa mua được cửa tiệm thì mẹ tôi được tin mẹ của bà đã qua đời ở Việt Nam. Tin này làm cho mẹ tôi gần muốn sụm.

Trong chừng mực nào đó, kẻ viết tấm bảng nói trên đã xem những người như ba mẹ tôi còn thấp kém hơn là con người, là một kẻ thù. Đó là lý do tại sao tôi không lấy làm ngạc nhiên khi thấy làn sóng kỳ thị người Á châu ngày càng gia tăng. Muốn phát bệnh, đúng vậy, khi nghe tin một phụ nữ bị tạt acid khi đang đứng ở thềm cửa nhà mình, một người đàn ông và con trai của ông bị một người phóng dao đâm ở tửu quán Sam’s Club; nhiều người bị gọi là “vi khuẩn Tàu” hay “vi khuẩn chink” (ND: chink là tiếng người Mỹ gọi người Tàu 1 cách mạ lỵ); bị đuổi “hãy trở về nước Tàu” cho dù họ chẳng phải là người Tàu; có người bị nhổ nước miếng vào mặt vì có gương mặt Á châu; người ta sợ không dám ra khỏi nhà, không chỉ vì sợ bị lây dịch mà còn sợ bị chưởi hay bị tấn công, hay bị liếc nhìn khinh bỉ. Trước những sự kiện đó, nhà thơ và nhà biên luận Cathy Park Hong đã viết: “Chúng ta không bị nhiễm vi khuẩn corona. Chúng ta là vi khuẩn corona”.
Nhìn về quá khứ, tôi có thể nhớ lại một loại kỳ thị chủng tộc ở mức độ thấp vào thuở tôi còn nhỏ, những kiểu nói châm chọc của bạn học cùng lớp ở trường Công Giáo, ví như “Tên họ của mày là Nam hả”, và “Trong chiến tranh mày có mang súng AK-47 không ?”, và những câu nói tục tỉu hơn thế.
Tôi tự hỏi: “Không biết Tou Thao có từng nghe những kiểu nói đùa như trên ở Minnesota không? Anh ta đã nghĩ gì trước việc Fong Lee, một người Mỹ gốc Hmong, 19 tuổi, bị bắn 8 phát, 4 phát vào lưng, bởi viên cảnh sát Minneapolis tên Jason Andersen năm 2006? Andersen được tha bổng bởi một bồi thẩm đoàn toàn người da trắng.

Là nạn nhân của sự kỳ thị chủng tộc của người da trắng đối với người Á Châu, những người Hmong vào nước Mỹ định cư theo diện tị nạn vào những thập niên 70, 80, thường được phân tán đến sống trong những khu phố đa sắc dân, trong đó có khu phần lớn là người da đen, ở đó họ cũng bị kỳ thị. “Có nhiều chuyện xảy ra trong cộng đồng chúng tôi về những vụ đánh đập bề hội đồng, những vụ cướp bóc và hăm doa mà thủ phạm là những người hàng xóm da đen của chúng tôi,” Yaia Vue đã viết gần đây. “Người Hmong ở sát nách bên cạnh người Mỹ da đen trong những khu phố nghèo, qua bao nhiêu thế hệ chồng chất những sự hiểu lầm, những định kiến vẫn còn ăn sâu trong cả hai phía.” Vậy mà khi Fong Lee bị giết, những nhà hoạt động người Mỹ da đen đã kêu gọi biểu tình đòi công lý cho anh ta. “Họ là những người lên tiếng mạnh nhất cho chúng tôi,” Cô Shoua, chị của Lee, phát biểu. ” Họ chẳng cần chờ được hỏi. Họ chỉ tự động có mặt”.
Không giống như những kỹ sư, bác sĩ đa phần đến từ Hồng Kong, Đài Loan, Trung Quốc và Ấn Độ–thiểu số mẫu mực trong mắt nhìn của người Mỹ–nhiều người tị nạn Hmong đến từ các vùng nông thôn của nước Lào bị chiến tranh tàn phá. Trong khi tinh thần còn đang bị chấn động, họ được phân bố định cư trong những khu phố nghèo với một lịch sử phức tạp của sự đàn áp dựa trên sự phân biệt màu da mà trước đó họ chẳng biết gì nhiều .Ngay cả những người Hmong phản đối Tou Thao và đoàn kết với phong trào ” Mạng sống của người da đen là quan trọng ” (Black Lives Matter), cũng nhấn mạnh rằng họ không nên được nhìn qua lăng kính của “thiểu số mẫu mực”, rằng họ không dính dáng gì đến mặc cảm tội lỗi và nỗi băn khoăn lo lắng của người Mỹ gốc Á tự do hữu khuynh khi đứng trước trường hợp Tou Thao như một biểu tượng của sự đồng lõa. Mục sư Tin Lành Ashley Gaozong Bauer, gốc người Hmong, đã viết: “Chúng ta phải chia xẻ nỗi xấu hổ tập thể của “Thiều số mẫu mực”, nhưng đã có bao giờ những người Mỹ gốc Á chia xẻ những niềm đau nỗi khổ của người tị nạn Hmong và những nỗi đe dọa bị trục xuất của họ?”

Cũng như người Hmong, người Việt Nam như tôi đã trải nghiệm khổ đau vì chiến tranh, và hiện nay một số người cũng bị đe dọa bị trục xuất. Khác với nhiều người Hmong, một số đông người Việt tị nạn , cố ý hay không, đã trở thành một phần của thiểu số mẫu mực, trong đó có tôi. Sự kỳ thị ở mức độ thấp mà tôi đã trải nghiệm xảy ra trong những môi trường của tầng lớp cao trong xã hội. Lúc tôi vào học trong một trường trung học tư thục độc quyền mà phần lớn học sinh là người da trắng , tôi và vài học sinh gốc Á Châu đã tiếp nhận một thông điệp rõ ràng . Hàng ngày, đa số chúng tôi tụ tập vào một góc trường và tự gọi mình, với 1 cái cười lớn, hay với cái nháy mắt, là “sự xâm lược của người châu Á”. Tuy nhiên, nếu đó là lời nói đùa không hay lắm cho bản thân chúng tôi thì đó cũng là một lời tiên đoán , bởi vì khi tôi trở lại trường này cách đây vài năm để thuyết trình về đề tài chủng tộc cho một tập hợp sinh viên học sinh gồm 1600 thanh niên, tôi nhận thức được một điều là nếu thuở đó chúng tôi đã không chiếm một số đông áp đảo thì ngày nay, gần 30 năm sau, con số Á đông chúng tôi chắc hẳn đã đông hơn nhiều .
Không còn là nỗi đe dọa của sự xâm lấn của người Á Châu, chúng tôi , thay vì đó, là một thiểu số mẫu mực: người bạn đồng lớp đáng được yêu chuộng, người hàng xóm được yêu thích , người da màu không đe dọa..

Hay có đúng như vậy không? Vài em học sinh người Mỹ gốc Á, sau buổi thuyết trình, đã đến gặp tôi và nói là họ vẫn còn cái cảm giác đó. Cái cảm giác. Cái cảm giác mình là người nước ngoài, nhất là nếu họ là, hay được cho là , người đạo Hồi, hay có màu da nâu, hay người Trung Đông. Cái cảm giác. Sự kỳ thị chủng tộc không chỉ là một bạo hành thể xác. Bản thân tôi chưa bao giờ bị bạo hành về thể xác bởi vì dáng vẻ bên ngoài của tôi. Nhưng tôi đã bị bạo hành bởi sự kỳ thị chủng tộc trên các làn sóng của các đài vô tuyến, qua những chuyện khôi hài giểu cợt nhắm vào người Á Châu trong các phim ảnh về chiến tranh của người Mỹ hay trên sân khấu.
Giống như nhiều người Mỹ gốc Á , tôi đã biết cảm thấy xấu hổ về những điều làm chúng tôi là người nước ngoài: thức ăn, tiếng nói, kiểu tóc, cách ăn mặc, mùi thân thể, cha mẹ phụ huynh..
Cái gì làm cho những cảm giác đó thêm tồi tệ, theo nhận định của Cathy Hong, đó là chúng ta tự nhủ rằng đó chỉ là “những cảm giác nhỏ nhít”. .” Làm sao chúng ta có được điều gì vững chắc để cảm thấy, hay phát biểu, về vấn đề chủng tộc khi chúng ta, như một thiểu số mẫu mực, được xem như được chấp nhận bởi xã hội Mỹ? Trong khi đó , cảm giác chống người Á Châu vẫn là một bình chứa cảm giác to lớn mà người Mỹ luôn thảy ra trong cơn khủng hoảng. Những người Mỹ gốc Á chưa có đủ quyền lực chính trị, hoặc chưa có đủ ảnh hưởng về mặt văn hóa , để có khả năng khiến cho nhiều người Mỹ phải ngần ngại trong việc khai thác một ý tưởng kỳ thị chủng tộc.

Chúng ta không đủ quan trọng và vị thế lịch sử của chúng ta như một người ngoại quốc trên đất Mỹ là một lý do khiến Tổng Thống và nhiều người khác cảm thấy họ có thể gọi COVID-19 là “vi khuẩn Tàu” hay “kung flu”.
Cơ sở của sự kỳ thị người Á châu là lập luận cho rằng người châu Á thuộc về châu Á, bất kể chúng ta có ở bao lâu , có trải qua bao nhiêu thế hệ, trên bất cứ nước nào không phải là châu Á, bất kể bằng chứng gì chúng ta có thể đưa ra để chứng minh chúng ta thuộc về những nước không phải châu Á, nếu chúng ta không được sinh ra ở đó. Đổ lỗi cho người châu Á trong châu Á, hay người châu Á ở các nước không phải châu Á, xưa nay đó là một phương pháp kỳ thị chủng tộc đã từng được thử nghiệm và là một phương pháp thực sự hiện hữu từ lâu. Ở nước Mỹ nó đã hiện hữu từ thế kỷ 19.
Thuở đó, Hoa Kỳ nhập khẩu hàng ngàn công nhân Tàu để xây đường xe lửa xuyên lục địa. Đến khi không cần đến họ nữa thì các chính trị gia Mỹ , phóng viên báo chí và các nhà lãnh đạo kinh doanh phỉ báng chủng tộc của họ để xoa dịu thành phần công nhân người Mỹ da trắng là thành phần cảm thấy quyền lợi bị đe dọa bởi sự cạnh tranh của người Tàu. Kết quả là những đám người da trắng mang người Tàu di dân đi giết bằng cách treo cổ , chở họ hàng loạt ra khỏi các vùng đô thị và thiêu rụi các phố của người Tàu. Cao điểm của tình cảm chống ghét người Tàu là sự thông qua năm 1882 một đạo luật gọi là Đạo luật Loại trừ Người Tàu”, một đạo luật về vấn đề di trú mang tính kỳ thị chủng tộc đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, đạo luật này xem người Tàu vào nước Mỹ là thành phần di dân bất hợp pháp đầu tiên trên đất nước này. Cơ quan Phụ trách Các vấn đề Di dân và Nhập cư được thành lập, giám sát việc nhập cư của người Tàu và tìm bắt những người Tàu nào nhập cư vào nước Mỹ theo diện “con trai theo giấy tờ” , là người khai man là thân nhân của những người Tàu đã định cư ở Mỹ trước đó.

Như nhà khoa học chính trị Janelle Wong đã nói với tôi, “trong khi những người di dân châu Âu đối đầu với sự thù nghịch tràn lan, họ không bao giờ phải đối diện với những luật lệ ngăn cấm dựa trên màu da chủng tộc trong lãnh vực di trú và nhập cư mà người Mỹ gốc Á đã trải nghiệm”
Lịch sử nước Mỹ được đánh dấu bởi chu kỳ : những đại doanh gia dựa vào lao động rẻ của người Á châu, sự kiện này đe dọa giai cấp lao động người da trắng, nỗi sợ hãi của những người thuộc giai cấp da trắng được thổi phồng lên bởi các cơ quan truyền thông báo chí và những nhà chính trị lợi dụng yếu tố chủng tộc để câu mồi, những yếu tố này dẫn tới những sự kiện thảm khốc như Đạo luật Loại Trừ Người Tàu” và các trại giam giữ người Mỹ gốc Nhật năm 1942.
Người viết cái bảng –mà tôi thấy được hồi còn là một đứa trẻ nhỏ– trách người Việt Nam phá hủy các doanh nghiệp của người Mỹ, người này chỉ đơn giản kể câu chuyện về vấn nạn da vàng, vấn nạn luôn sẳn sàng ám ảnh những người Mỹ dễ sợ hãi.

Leave a Reply

Vui lòng bình chọn

Your email address will not be published. Required fields are marked *