Nhìn lại lịch sử: Cuộc chiến tranh mùa đông 1939 giữa Liên Xô và Phần Lan

Đội quân “ma” mặc đồ trắng trượt tuyết của Phần Lan

 

Năm 1918 Phần Lan giành được độc lập sau hơn một thế kỷ dưới sự cai trị của các Sa hoàng Nga và biên giới giữa hai nước được phân định bằng hiệp ước Tartu năm 1920. Đến những năm giữa thập niên 1930, trong thời kỳ Stalin cầm quyền, tuyên truyền của Liên Xô đã mô tả Phần Lan như một lũ phát xít phản động và đến năm 1938 thì Liên Xô theo đuổi chính sách khôi phục lại những lãnh thổ cũ của nước Nga Sa hoàng về lại dưới trướng Liên Xô, đồng nghĩa với nền độc lập của Phần Lan bị đe dọa.
Phần Lan cũng như các nước vùng Baltic: Estonia, Latvia, Litva là những quốc gia trung lập trong suốt thập niên 30 nhưng hiệp ước Molotov-Ribbentrop giữa Liên Xô và Đức tháng 8/1939 đã phân định cả bốn quốc gia này thuộc phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô. Khi Đức tấn công Ba Lan tháng 9/1939, Liên Xô đã chuyển tối hậu thư cho chính phủ cả ba nước vùng Baltic, yêu cầu cho phép Hồng quân được đóng trên lãnh thổ ba nước để đề phòng quân Đức xâm lược. Miễn cưỡng chấp nhận đề nghị của Liên Xô, cả ba nước sau đó đều bị sáp nhập còn chính phủ của cả ba nước đều bị thay thế bằng các chính phủ bù nhìn do Liên Xô dựng lên. Khác với ba nước Baltic, Phần Lan không thụ động phản ứng mà chuyển sang tổng động viên quân đội.

Mối thù của Nga với nước láng giềng Bắc Âu bắt đầu từ năm 1939, khi lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin mong muốn mở rộng ảnh hưởng của mình sang Đông Âu. Viện dẫn những lo ngại về an ninh, Liên Xô tuyên bố rằng biên giới Phần Lan, cách Leningrad 20 dặm, có thể được sử dụng cho các cuộc tấn công bằng pháo vào thành phố của mình và do đó biên giới này phải được đẩy lùi vào sâu trong lãnh thổ Phần Lan. Stalin cũng muốn người Phần Lan bàn giao một số hòn đảo ở Vịnh Phần Lan và cho Liên Xô thuê phần lãnh thổ trên bán đảo Hanko để xây dựng một căn cứ hải quân. Liên Xô cũng đề nghị trao cho Phần Lan một dải lãnh thổ rộng lớn của Nga như là một phần của thỏa thuận, nhưng người Phần Lan đã nghi ngờ về động cơ của họ và từ chối đề nghị này.
Moscow cũng tuyên bố sai sự thật rằng Phần Lan đã khởi đầu cuộc chiến bằng cách nổ súng trên khắp chiều dài biên giới và giết chết binh lính Liên Xô. Trong một bài báo tuyên truyền vào ngày 3 tháng 11 năm 1939, báo Pravda tuyên bố: “Chúng ta sẽ đi theo con đường của chính mình, bất kể nó có thể dẫn đến đâu. Chúng ta sẽ đảm bảo rằng Liên Xô và các biên giới của nó sẽ được bảo vệ, và chúng ta sẽ vượt qua mọi trở ngại để đạt được mục tiêu của mình.”
Ngày 30 tháng 11 năm 1939, sau một loạt các tối hậu thư và các cuộc đàm phán thất bại, Hồng quân Liên Xô đã đã phát động một cuộc xâm lược Phần Lan với nửa triệu quân.

Ngày 26 tháng 11 năm 1939 một trận pháo kích đã nã xuống làng Manilsky nằm trong lãnh thổ Liên Xô. Theo các báo cáo của Kirill Meretskov, người sau này trở thành nguyên soái Liên Xô thì do hậu quả của các phát súng từ lãnh thổ Phần Lan lúc 15 giờ 45 ngày 26 tháng 11 năm 1939, 4 binh sĩ thiệt mạng và 9 người bị thương. Tuy nhiên hồ sơ lưu trữ của Liên Xô chưa bao giờ công khai tên tuổi của những quân nhân “xấu số” này. Trên báo chí Liên Xô, vụ việc ngay lập tức được mô tả là “một sự khiêu khích trắng trợn của quân đội Phần Lan”.
Thống chế Phần Lan Mannerheim lúc đó đang thực hiện chuyến thị sát eo đất Karelian, ngay lập tức tuyên bố rằng vào thời điểm đó các khẩu đội pháo hạng nhẹ tiên tiến của Phần Lan không thể bắn vào khu vực Mainilsky, vì chúng cách biên giới tận 20 km. Sau đó, phía Phần Lan đã tiến hành điều tra, kết quả là đã có lời khai của một số lính biên phòng, một trong số họ đã quan sát thấy dấu vết đạn pháo rơi phía Liên Xô, do họ chỉ cách biên giới chưa đầy 1 km. Trong nhật ký quan sát của lực lượng biên phòng Phần Lan trong khoảng thời gian từ 15:30 đến 16:05 theo giờ Moskva đã ghi nhận năm vụ nã pháo và hai phát súng từ phía Liên Xô.
Ngày hôm sau, 27/11, chính phủ Phần Lan, trong một thông báo trả lời đã báo cáo rằng, theo kết quả điều tra, các phát súng được bắn từ phía Liên Xô và phía Phần Lan cho rằng đây là một tai nạn trong quá trình Hồng quân tập trận. Phần Lan tuyên bố sẵn sàng thảo luận về việc rút quân song phương khỏi biên giới và đề nghị tiến hành một cuộc điều tra chung về vụ việc. Tại Moskow, thông báo trả lời của Phần Lan được coi là ” phản ánh thái độ thù địch sâu sắc của chính phủ Phần Lan đối với Liên Xô và được thiết kế để đưa cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa hai nước lên đến cực điểm “.
John Gunther, một nhà báo và tác giả người Mỹ đã viết vào tháng 12 năm 1939 rằng vụ việc “vụng về và rõ ràng là bịa đặt như tất cả những ‘sự cố’ tương tự đã có từ thời sự kiện Phụng Thiên (hay còn gọi là sự kiện Mãn Châu là một sự kiện do quân đội Nhật Bản sắp đặt để lấy cớ xâm lược Mãn Châu năm 1931). Nhà sử học người Nga Pavel Aptekar đã phân tích các tài liệu quân sự đã được giải mật của Liên Xô và nhận thấy rằng các báo cáo hàng ngày của quân đội trong khu vực không báo cáo bất kỳ tổn thất nào về nhân sự trong khoảng thời gian được đề cập, khiến ông kết luận rằng cuộc pháo kích của quân đội Liên Xô đã được dàn dựng.
Trong suốt gần nửa thế kỷ, các sách vở của Liên Xô đều mô tả sự việc là một hành động khiêu khích của Phần Lan. Sự nghi ngờ về phiên bản câu chuyện chính thức của Liên Xô chỉ được đặt ra vào cuối những năm 1980 trong thời kỳ Gorbachev công khai các bí mật của chính quyền Liên Xô
Trong cuốn hồi ký năm 1970 của mình, cựu lãnh đạo Liên Xô Khruschev đã viết: “Chúng tôi đã bắn đại bác của mình, và người Phần Lan đã đáp trả bằng hỏa lực pháo binh của chính họ. Trên thực tế, cuộc chiến đã bắt đầu. Tất nhiên là có một phiên bản khác của sự thật: người ta nói rằng người Phần Lan bắt đầu nổ súng trước và chúng tôi buộc phải bắn trả. Mọi người luôn như vậy khi bắt đầu một cuộc chiến. Họ nói, “Bạn đã bắn phát súng đầu tiên” hoặc “Bạn đã tát tôi đầu tiên, và tôi chỉ đánh trả.” Ông nhớ lại: “Trong cuộc chiến chống lại người Phần Lan, chúng tôi có thể chọn địa điểm diễn ra cuộc chiến và ngày bắt đầu…. Nhưng với những điều kiện thuận lợi nhất này, chúng tôi chỉ có thể chiến thắng trong những khó khăn to lớn và những tổn thất vô cùng lớn lao. Thực tế, chiến thắng này là một thất bại về mặt đạo đức. Nhân dân chúng tôi chắc chắn không bao giờ biết về điều đó vì chúng tôi chưa bao giờ nói với họ sự thật.”

Sau khi vụ việc xảy ra, quân đội Liên Xô ở khu vực biên giới được lệnh đáp trả bất kỳ hành động gây hấn nào từ Phần Lan bằng hỏa lực. Ngày 30/11/1939 các lực lượng Liên Xô tràn sang Phần Lan. Mặc dù các chỉ huy Liên Xô dự kiến đè bẹp Phần Lan chỉ trong chưa đầy một tháng, thực tế Phần Lan đã cầm cự được gần 4 tháng và gây tổn hại nặng nề cho uy tín của quân đội Liên Xô.
Liên Xô không tuyên chiến nhưng tuyên bố họ đang cứu Phần Lan khỏi Đức Quốc xã và bắt đầu một cuộc không kích vào Phần Lan vốn yếu hơn nhiều. Moscow đã lên kế hoạch cho một chiến dịch ngắn sẽ kết thúc sau 10 đến 12 ngày. Trong cuốn tự truyện của mình, “Khrushchev hồi tưởng” (1970), nhà lãnh đạo Liên Xô viết: “Chúng tôi nghĩ rằng tất cả những gì chúng tôi phải làm là nói vài câu, và người Phần Lan sẽ tuân theo. Nếu điều đó không thành công, chúng tôi có thể bắn một phát súng và người Phần Lan sẽ bó tay và đầu hàng”.
Liên Xô có ưu thế về quân sự áp đảo. Địa hình bằng phẳng của Phần Lan cho phép xe tăng tấn công ồ ạt, nhưng chúng bị mắc kẹt trong các con mương, kẹt xe vô thời hạn và bị những chai cocktail Molotov phá hủy khi ném ở cự ly gần. Liên Xô đã tiến hành hàng loạt cuộc bắn phá lớn vào các mục tiêu dân sự, và máy bay của họ đã tấn công hàng nghìn người tị nạn đang cố gắng chạy trốn khỏi các thành phố và thị trấn trong tuyệt vọng.
Các phóng viên chiến trường phương Tây bị giới hạn đưa tin ở Helsinki và không thể cung cấp các báo cáo chính xác từ các tiền tuyến, vốn liên tục thay đổi vị trí.
Những người lính Liên Xô không được thông báo rằng họ sẽ tham chiến và có tinh thần thấp kém. Người Phần Lan phát hiện ra rằng “Các tù nhân chiến tranh Liên Xô bị lạnh, đói và mắc bệnh tật. Ở một số sư đoàn, chỉ 60% binh sĩ được huấn luyện quân sự,” Eloise Engle và Lauri Paananen kể lại trong tác phẩm “Cuộc chiến mùa đông”(1973). Nhiều binh sĩ Liên Xô đến từ các vùng xa xôi ở miền đông nước này và không hề được huấn luyện. Các tù nhân chiến tranh người Liên Xô đã khai rằng họ thiếu đạn dược và nhiên liệu. Quân đội Liên Xô bị kiệt sức, nhiều người không chịu tiến lên, và các chỉ huy Liên Xô đã hành quyết hàng chục binh lính của chính họ.
Các chiến thuật được dạy trong sách hướng dẫn quân sự là vô dụng, và các báo cáo tình báo của Liên Xô ngay lập tức đã lỗi thời: “Bộ chỉ huy Hồng quân thiếu sự lãnh đạo sáng tạo; Họ đã chiến đấu theo các quy tắc và dường như không có sự thay đổi nào ngay cả khi tình hình bắt buộc phải như vậy,” Engle và Paananen viết. “Mọi mệnh lệnh trước tiên phải được các nhà lãnh đạo chính trị chấp thuận, dẫn đến sự chậm trễ và nhầm lẫn, giảm bớt tính chủ động và gây ra sự sợ hãi trách nhiệm”.
Mặc dù phải đối đầu với đội quân đông hơn và được trang bị vũ khí tốt hơn trong cái được gọi là “Cuộc chiến mùa đông”, người Phần Lan lại có lợi thế chiến đấu trên đất nhà. Được lãnh đạo bởi Nguyên soái Carl Gustaf Mannerheim, họ ẩn mình đằng sau một mạng lưới các hào, hầm bê tông và công sự tại chiến trường ở Eo đất Karelia và đánh bật các cuộc tấn công liên tiếp của xe tăng Liên Xô. Chiến đấu trên địa hình quen thuộc và bảo vệ đất nước của mình, người Phần Lan có nhuệ khí cao hơn rất nhiều. Ở những khu vực khác trên biên giới, các đội quân trượt tuyết Phần Lan đã sử dụng địa hình gồ ghề để tiến hành các cuộc tấn công chớp nhoáng vào các đơn vị quân bị cô lập của Liên Xô. Chiến thuật du kích của họ được hỗ trợ bởi thời tiết giá băng của mùa đông Phần Lan, điều đã khiến quân Liên Xô sa lầy và làm cho binh sĩ trở nên dễ dàng bị nhận ra trên địa hình đầy tuyết. Một tay bắn tỉa của Phần Lan, một nông dân tên là Simo Hayha, cuối cùng đã được ghi nhận là bắn chết hơn 500 binh sĩ Liên Xô. Được trang bị tốt và ngụy trang bằng trang phục màu trắng, họ sử dụng tuần lộc để kéo xe trượt tuyết và có quân trượt tuyết di động được trang bị với súng trường có đạn tốc độ cao. Liên Xô, do mong đợi một chiến thắng nhanh chóng, đã không trang bị quần áo lạnh. Khi nhiệt độ giảm xuống âm 40 độ C, hàng nghìn binh sĩ đã chết cóng. Phần Lan đã tiến hành một cuộc chiến mạnh mẽ hơn nhiều so với dự kiến, và cuộc chiến kéo dài gần 4 tháng, từ ngày 30 tháng 11 năm 1939 đến ngày 13 tháng 3 năm 1940. Chỉ huy quân đội Phần Lan, Thống chế Carl Mannerheim, người đã từng phục vụ trong quân đội Sa hoàng, cho biết , “Tôi không nghĩ rằng binh sĩ của tôi có thể chiến đấu tốt như vậy hay binh sĩ Liên Xô có thể chiến đấu tệ đến vậy.”
Các cuộc tấn công đầu tiên của Liên Xô đã bị sự kháng cự anh dũng của người Phần Lan đánh bại; các cuộc tấn công của bộ binh hàng loạt dẫn đến việc tử trận hàng loạt, và Liên Xô bị thương vong nhiều hơn. Một số tướng lĩnh Liên Xô, khi ra tận tiền tuyến chỉ đạo những người lính mất tinh thần thay vì chỉ đạo trận chiến từ phía sau hậu phương, đã thiệt mạng. Ông Engle và Paananen viết: Stalin, người đã thanh lý hầu hết các tướng lĩnh trong các cuộc Thanh trừng gần đây, “đã tức điên trước tin tức từ mặt trận Phần Lan. “Trận ra mắt hoành tráng của Hồng quân đã thất bại thảm hại.” Nhưng Liên Xô không thể rút quân cũng như không thể chấp nhận thất bại nếu không bị tổn thất uy tín to lớn. Các nhà lãnh đạo chính trị của Liên Xô, bị mọi người ghét bỏ và coi thường, lo lắng về sự chế giễu của dư luận thế giới và danh dự của Hồng quân.
Những người lính Xô Viết không có động lực đã không hiểu tại sao họ lại chiến đấu trong cuộc chiến này. Một tù nhân thú nhận: “Chúng tôi có nhiều người bị bệnh và bị thương. Các chỉ huy của chúng tôi gặp khó khăn trong việc biện minh cho việc vì sao chúng tôi ở đây và phải tìm đường trong lãnh thổ xa lạ này”. Một đại tá bị bắt hỏi: “Cuộc chiến này dành cho ai, đặc biệt là những trận chiến này, có giá trị không? Và để làm gì? Tại sao những thanh niên này phải chết?” Nhưng Liên Xô vẫn tiếp tục các cuộc tấn công, được các cuộc bắn phá dữ dội từ pháo binh và máy bay hỗ trợ, và cuối cùng đã chiến thắng trong cuộc chiến.
Sự phản kháng của Phần Lan đã truyền cảm hứng cho sự phản đối Liên Xô trên toàn thế giới và sự đồng tình rộng rãi, nhưng chỉ nhận được những lời đề nghị giúp đỡ không hiệu quả từ phương Tây. Ba tháng sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu vào ngày 1 tháng 9 năm 1939, Thụy Điển vẫn giữ thái độ trung lập và không một quốc gia đồng minh nào muốn can dự vào cuộc xung đột cục bộ này. Tổng thống Roosevelt nhanh chóng trao khoản tín dụng 10 triệu đô la cho Phần Lan, đồng thời cũng lưu ý rằng Phần Lan là quốc gia duy nhất đã trả toàn bộ khoản nợ Thế Chiến I của họ cho Hoa Kỳ. Nhưng khi Liên Xô có cơ hội củng cố lực lượng và gửi các nhóm tiếp viện lớn, lực lượng kháng chiến Phần Lan đã trở nên kiệt quệ. Bài phát biểu của Winston Churchill vào ngày 20 tháng 1 năm 1940, sử dụng ngôn ngữ hùng biện gây xúc động: “Phần Lan — vốn đã tuyệt vời, nay là siêu phàm trong tình huống hiểm nguy — Phần Lan cho thấy những gì những con người tự do có thể làm được . Những gì Phần Lan đã cho thế giới thấy thật tuyệt vời… Chúng ta không thể biết số phận của Phần Lan có thể sẽ ra sao, nhưng không có cảnh tượng nào thê lương hơn những gì nhân loại văn minh có thể đang thấy. Đó là việc chủng tộc phương Bắc giỏi giang này cuối cùng sẽ bị quân xâm lược tàn bạo với số lượng áp đảo tiêu diệt dần dần và biến họ thành những nô lệ, với viễn cảnh còn tồi tệ hơn cả cái chết.” Nhưng nước Anh của Churchil khi đó cũng đang chiến đấu với nước Đức và không thể có hỗ trợ đáng kể nào.
Liên Xô không muốn chiếm Phần Lan, vì nếu họ làm vậy thì sẽ phải đối mặt với chiến tranh du kích vô thời hạn.
Trong khi người Phần Lan thể hiện một sự phản kháng mạnh mẽ trong mùa đông năm 1939-1940, rốt cuộc quân đội của họ cũng không phải là đối thủ trước đội quân lớn hơn nhiều của Hồng quân. Vào tháng 02/1940, sau một trong những vụ oanh tạc pháo binh lớn nhất kể từ Thế chiến I, Liên Xô đã khôi phục các đợt tấn công dữ dội của mình và đè bẹp lực lượng phòng thủ của quân Phần Lan tại Eo đất Karelia. Với lực lượng bị thiếu hụt đạn dược và đang mấp mé bờ vực kiệt sức, Phần Lan đã đồng ý với các điều khoản hòa bình trong tháng tiếp theo. Sau khi đè bẹp Phần Lan, Liên Xô đã ép Phần Lan với những điều khoản hòa bình cực kỳ khắc nghiệt. Phần Lan đã buộc phải cắt khoảng một phần chín lãnh thổ của mình dọc theo biên giới dài 800 dặm với nước Nga. Quốc gia này mất đi hồ lớn nhất, thành phố lớn thứ hai, cảng chính trên Bắc Băng Dương, cảng chiến lược ở bờ biển phía nam, toàn bộ eo đất Karelia với 12% dân số Phần Lan và 22.000 dặm vuông đất. Cuộc chiến này cũng khiến 25.000 người Phần Lan chết đi và 55.000 người bị thương, và 450.000 người Phần Lan phải di dời.
Hiệp ước kết thúc Cuộc chiến Mùa đông buộc Phần Lan phải nhường lại 11% lãnh thổ của mình cho Liên Xô, nhưng đất nước này vẫn duy trì sự độc lập của mình và sau đó chuẩn bị đối đầu với quân Nga lần thứ hai trong Thế chiến II. Trong khi đó, đối với Liên Xô, chiến thắng đến với một cái giá đắt đỏ. Trong chỉ ba tháng chiến đấu, lực lượng của họ phải chịu hơn 300.000 thương vong so với khoảng 65.000 thương vong của Phần Lan.
Cuộc chiến Mùa đông có thể cũng đã mang lại những hệ quả quan trọng cho Thế chiến II, trong đó có việc sức chiến đấu yếu ớt của Hồng quân thường được chỉ ra là một yếu tố quan trọng dẫn đến niềm tin sai lầm của Adolf Hitler rằng cuộc xâm lược vào Liên Xô tháng 6/1941 có thể sẽ thành công.

Cuộc chiến đã bộc lộ sự yếu kém của quân đội Liên Xô. Một triệu quân Liên Xô bị tiêu diệt và tan rả, 1.000 máy bay bị bắn rơi và 2.300 xe tăng bị phá hủy. Những khiếm khuyết rõ ràng và chết người của cuộc chiến này đã khuyến khích Hitler xâm lược Liên Xô vào tháng 6 năm 1941. Ernest và Trevor Dupuy đã kết luận trong cuốn bách khoa toàn thư quân sự uy tín của họ (1993) rằng “cuộc tấn công của Liên Xô được lên kế hoạch một cách nghiệp dư mà không cần quan tâm đến địa hình, thời tiết hoặc các vấn đề hậu cần liên quan”. Khrushchev thú nhận: “Tất cả chúng tôi – và trước hết là Stalin – đều cảm nhận được chiến thắng của chúng tôi là một thất bại trước người Phần Lan. Đó là một thất bại nguy hiểm vì nó khuyến khích kẻ thù của chúng tôi tin rằng Liên Xô là một người khổng lồ với đôi chân bằng đất sét.”