Phiên chợ nón giữa đêm

 

Phiên chợ nón giữa đêm

 

Giữa thời đại siêu thị, bán hàng điện tử đang áp đảo chợ truyền thống thì tại Bình Định vẫn còn chợ phiên nón lá mở định kỳ vào lúc giữa đêm. Không đèn điện, chỉ leo lét đèn dầu, lấp loáng đèn pin. Người mua kẻ bán tấp nập chọn hàng, thỏa thuận bán mua, trao đổi qua lại thân tình như cuộc họp mặt, hẹn hò của người thân thiết mà không ồn ào mặc cả. Mặt trời chưa mọc gà chưa gáy sáng, chợ đã tan.
Những năm gần đây trên mạng xã hội thỉnh thoảng lại xuất hiện hình ảnh đẹp lãng mạn của phiên chợ nón lá giữa đêm. Những chiếc nón lá trắng ngần phản chiếu ánh sáng ngọn đèn dầu hắt lên gương mặt những người phụ nữ tạo ra vẻ đẹp liêu trai, huyền hoặc.
 

Một thời danh tiếng Gò Găng
Xưa nay, người Việt quen với chiếc nón lá bài thơ xứ Huế mảnh mai để đi chơi hội hè làm dáng, nhưng ít ai chú ý đến chiếc nón lá mềm mại bền chắc trong đời sống bình thường của người Bình Định.
Nguồn gốc sâu xa từ thời Tây Sơn, vùng Cát Tường, Phù Cát, đã sản sinh ra loại “nón lá ngựa” được làm rất công phu, bền chắc, đến mức nhiều gia đình còn lưu giữ những chiếc nón ngựa trăm năm tuổi. Nón ngựa đan kết từ hàng trăm khoanh vành bằng giang chẻ nhỏ, lợp nhiều lớp lá, trên chóp nón có bịt mũ bạc nhọn, trong nón có hoa văn trang trí cầu kỳ. Đây là loại nón đắt tiền chỉ dành cho quan chức, người giàu có. Nó đẹp sang trọng đến nỗi vào thế kỷ 21, Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc – lãnh đạo Đạo Cao Đài Tây Ninh – vẫn chọn cái nón ngựa này làm trang phục của mình trong những đại lễ, duyệt binh.
Người Bình Định từ thời Tây Sơn đã kết hợp đơn giản hóa nón ngựa và bền chắc hóa chiếc nón bài thơ để làm ra chiếc nón lá thông dụng cho đời sống của đa số người dân, binh lính. Nhiều làng của hai huyện An Nhơn và Phù Cát có nghề làm nón lá. Đầu mối chính để tiêu thụ nón lá là chợ Gò Găng thuộc khu vực Tiên Hội, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn. Do vị trí thuận lợi là trung tâm của vùng rộng lớn theo nghề làm nón, chợ Gò Găng là nơi mua sĩ các nón thành phẩm và chuyên bán các nguyên liệu, vật dụng cho nghề làm nón như lá nón (lá ké, lá cọ), nứa, lồ ồ, cước chỉ đến những dụng cụ như khung làm nón, các bán thành phẩm như vành nón, lá đã được sơ chế…

 

Nón lá từ Bình Định lan tỏa đi ra Bắc vào Nam và khắp cả Đông Dương. Chợ nón Gò Găng đã thành tên thương hiệu cho nón lá và đi vào văn học với những câu ca dao khẳng định giá trị cao quý của chiếc nón lá, trở thành phẩm vật, sính lễ trong hôn nhân: “Cưới nàng đôi nón Gò Găng/ Xấp lãnh An Thái, một khăn trầu nguồn.”
Nón lá kết hợp với áo dài, mái tóc thề đã trở thành hình ảnh đẹp biểu trưng cho người phụ nữ Việt Nam. Người Gò Găng lại tô thêm cho chiếc nón ý nghĩa biểu trưng cho lòng chung thủy: “Gò Găng có nón chung tình/ Ở đây có thiếp một dạ với mình mình ơi!”
Nhưng không yêu quý đến mức dễ tin, người xưa vẫn tỉnh táo nhắc nhở, thách thức chiếc nón về phẩm chất: “Anh về Bình Định ba ngày/ Gởi mua chiếc nón, lá dày không mua.”
Năm 2007, tỉnh Bình Định đã công nhận làng nghề nón lá Gò Găng đạt tiêu chí làng nghề truyền thống. Chợ Gò Găng được đưa vào bản đồ du lịch Bình Định như một điểm sinh hoạt văn hóa đặc thù của địa phương vì ngoài lịch sử lâu đời, tiếng tăm cả nước, chợ Gò Găng còn có đặc thù khác nữa là chỉ họp chợ lúc nửa đêm. Một truyền thống bất di bất dịch mấy trăm năm qua.

 

Cát Tân, hậu thân của chợ Gò Găng
Chợ nón Gò Găng hấp dẫn đến như vậy nhưng rất tiếc, khi chúng tôi đến nơi thì Gò Găng còn đó, nghề làm nón còn đó nhưng chợ nón đêm Gò Găng hầu như không còn nữa.
Do áp lực sức hút thị trường, thương lái đã đến từng gia đình làm nón để mua thành phẩm, nên người làm nón không còn phải ra chợ Gò Găng. Tại khu phố chợ cũng chỉ còn vài ba gia đình mua nón thành phẩm vào ban ngày. Chỉ thỉnh thoảng vài ba cụ già nhớ chợ, theo thói quen hàng chục năm, vài ba đêm một lần đem ra chợ bày bán các loại nguyên liệu. Số lượng người bán mua thưa thớt, đìu hiu và không thường xuyên nên không còn là chợ nữa.
Nhưng rồi chúng tôi vẫn không thất vọng. Bình Định không chỉ có chợ phiên nón lá Gò Găng mà còn có chợ nón Cát Tân và chợ nón Ngô Mây cùng ở huyện Phù Cát.
Cát Tân thuộc xã Cát Tường nằm sát cạnh làng nghề Phù Gia chuyên làm nón ngựa ngày xưa. Chợ Cát Tân cũng đã có từ lâu đời, nằm ở vị trí trung tâm của vùng đất làm nghề nón, nhưng không thu nhập được nhiều về giao thương với bên ngoài nên không nổi tiếng như Gò Găng.
Trước đây, Cát Tân từng song hành với Gò Găng và bây giờ được xem như là hậu thân của Gò Găng, kế thừa đầy đủ nét của chợ phiên chuyên bán nón lá.
Chợ Cát Tân nằm khuất trong con hẻm nhỏ mỗi tháng họp sáu lần vào những ngày bội số của 5. Chợ Cát Tân họp rất sớm, từ ngay lúc giữa đêm khoảng 12 giờ thì chợ đã tấp nập kẻ bán người mua và tầm khoảng 3 giờ sáng đã tan.

 

Đi chợ như thăm viếng người thân
Bằng xe đạp, xe gắn máy hàng đoàn người tấp nập mang từng chồng nón lá mang đến chỗ các thương lái đang ngồi. Không cần trao đổi giá cả, như đã quen biết có ước hẹn sẵn với nhau từ trước, người bán lặng lẽ đặt hàng xuống trước mặt và người mua cũng lẳng lặng lấy ngẫu nhiên vài cái trong chồng nón mới giao ra soi trước ánh đèn.
Điều thú vị là cả chợ không ai dùng đèn điện. Khu vực mua bán nón thành phẩm nằm dọc theo dãy hiên hoặc một hai ngôi nhà trong phố chợ những tiểu thương soi nón thành phẩm bằng những ngọn đèn dầu bong bóng hoặc đèn pin. Mỗi người giải thích việc này một cách khác nhau. Có người cho rằng đây là thói quen lâu đời từ ngày xưa. Hồi mới lập chợ làm gì có điện. Người ta cứ dùng đèn dầu theo thói quen.
Nhưng cũng có vị tiểu thương lại khẳng định, ánh sáng đèn dầu thuận lợi cho việc soi tìm lỗi và đánh giá phẩm chất nón. Vừa cầm ngọn đèn dầu rọi nón, vừa xoay vòng chiếc nón trên tay, chị thương lái mua nhiều nón nhất chợ cho rằng đèn điện không “ăn” được đèn dầu trong khoản xem nón. Soi ngọn đèn vàng sẽ thấy được lớp lá mịn hay thô, đường chỉ khâu có vừa chưa.

 

Không biết cách giải thích nào là đúng, tuy nhiên nhìn ánh mắt chăm chú săm soi của người mua và ánh mắt nôn nao đợi chờ của người bán chúng tôi như bị cuốn vào cái đẹp mê hồn. Mỗi chồng nón cao ngất có lẽ phải trên dưới vài trăm cái nhưng người mua chỉ soi qua vài cái rồi lặng lẽ đếm hàng, không nghe thấy họ mặc cả, trả giá qua lại với nhau. Chừng như niềm tin giữa hai bên đã hình thành qua nhiều thế hệ.
Lại nữa, cái ánh sáng vàng đậm của ngọn đèn dầu hắt lên nền nón trắng, phả lên mặt những người phụ nữ sắc hồng lung linh, tạo ra cảnh quan thơ mộng lạ lùng.
Trên mặt đường của con hẻm là khu vực bán mua nguyên liệu, dụng cụ của nghề làm nón. Bày bán nhiều nhất là lá nón, được cột thành từng bó, trưng bày đủ kiểu dáng. Có người sắp thành những đống tròn, có người trải rộng trên mặt đất nhưng với mặt hàng này hầu hết được soi bằng đèn pin. Có lẽ với ánh sáng đèn pin mới đủ thẩm định phẩm chất màu sắc của lá.
Những dãy nứa, lồ ồ được cắt thành từng đoạn đều nhau được bày dưới chân cột đèn đường, người mua kẻ bán lựa chọn mà không cần soi bằng đèn riêng. Những sạp bán cước cũng tương tự như vậy. Những bó dây cước trắng lóa phản chiếu ánh sáng đèn đường và tương phản mạnh với những vật dụng chung quanh óng ả, mượt mà.

 

Chợ làng nghề, ánh hồi quang quá khứ
Phần lớn người bán nguyên liệu, vật dụng làm nón bày bán lượng hàng rất nhỏ lẻ. Có người chỉ mang đến chợ vài bó nứa nhỏ. Có người chỉ bày bán mươi cái khung làm nón, hay những vòng nan tre nứa đã sơ chế thành vành nón. Không khí sinh hoạt ở đây cũng yên ả như bên khu mua bán nón thành phẩm.
Người bán vốn không lớn, người mua cũng chẳng tiêu nhiều tiền. Có người khi đến tay không, khi về chỉ cầm theo bó lá, bó cước, hay một cái khung.
Hỏi thăm một số bạn hàng thì được biết nhiều người ở khá xa phải đi xe đạp, xe gắn máy hàng tiếng đồng hồ mới đến chợ. Có những người từ huyện An Lão hái lá cọ chở về đây. Hầu như tất cả hàng hóa bày bán không phải mua từ người khác mà chính họ trồng hoặc khai thác từ tự nhiên. Những người mua, cũng không phải mua tất cả các bộ phận nguyên liệu của chiếc nón mà đa số người làm nón cũng tự trồng, tự khai thác các nguyên liệu ấy và chỉ mua những thứ nào không thể làm ra được.

 

Chính điều đó lý giải vì sao một người phải mất 8 đến 10 tiếng đồng hồ làm việc liên tục, cần mẫn, tỉ mỉ chính xác mới có thể làm ra 10 cái nón và bán giá sỉ chỉ có 40,000 đồng (khoảng $1.7) nhưng họ vẫn thấy vui. Vì chính ra, phần lớn giá bán là công lao động của họ, tiền vốn nguyên liệu rất nhỏ đến gần như là vô nghĩa.
Phiên chợ nón đêm chừng như vẫn còn là nơi trao đổi hàng hóa đơn thuần tự sản tự tiêu của những nông dân làm thêm nghề phụ thủ công chứ chưa phải là cái chợ của nơi sản xuất và kinh doanh hàng hóa. Ngay những người mua nón sỉ hầu hết là những người từng làm nón, nay có chút ít đồng vốn họ chuyển sang mua bán.
Cũng như những bà cụ vẫn còn bám chợ Gò Găng, nhiều người đi chợ Cát Tân lấy mua bán chỉ là cái cớ. Chừng như họ yêu thích, gần gũi với ánh đèn dầu leo lét trong không gian phố chợ như một phần máu thịt của mình.

 

Giờ đây khi ngồi viết những dòng chữ này tôi vẫn say say, lâng lâng, bùi ngùi hoài nhớ không gian chợ phiên nón Cát Tân. Chừng như nó là ánh hồi quang của quá khứ không xa nhưng đã không còn. Nó kiên cường tựa vào lòng yêu nghề, yêu quê của người dân Phù Cát sống dai dẳng bền bỉ trước áp lực kinh khủng của kinh tế thị trường. Nó lưu giữ và lưu truyền nét đẹp truyền thống từ hình thức mềm mại sáng trong của nón lá đến sự đôn hậu, tỉ mỉ đến chi li của tấm lòng người thợ.
Nhưng liệu còn được bao lâu nữa? Trong xã hội hiện đại, xe hơi, xe gắn máy, nhịp sống tốc độ cao không có không gian sống cho nón lá. Ngay tại chợ Hội An – thành phố di sản lưu giữ tốt nhất nét đẹp cổ xưa – thì nón lá vẫn đang bị chìm khuất sau nhiều thứ nón thời trang.
Người đời ơi, xin hãy giữ lại những chiếc nón lá duyên, giữ không gian phiên chợ giữa đêm như giữ gìn ký ức hoài niệm.

Đại Trí

Leave a Reply

Vui lòng bình chọn

Your email address will not be published. Required fields are marked *