Ông Vũ Tài Lục xuất bản 2 quyển sách MƯU KẾ CHÍNH TRỊ và THỦ ĐOẠN CHÍNH TRỊ vào năm 1969 tại Thủ Đô Sài Gòn, MƯU KẾ CHÍNH TRỊ chủ yếu bàn luận về “tam thập lục kế” của Trung Hoa, còn THỦ ĐOẠN CHÍNH TRỊ thực chất là một quyển sách bàn luận về “những trường hợp điển hình về chính trị” (political cases study) của cả Đông – Tây bao gồm quá khứ và hiện tại chính trị.
Trong quyển MƯU KẾ CHÍNH TRỊ, tác giả Vũ Tài Lục có nhắc sơ đến quyển Binh Pháp Tôn Tử : quyển Binh Pháp Tôn Tử có 13 chương mà chương đầu lại có tên là THỦY KẾ. Ban đầu tôi cũng lấy làm lạ vì tưởng rằng Tôn Tử dạy cách đánh trận trên sông nước hoặc phương pháp giao chiến trên biển cả, nhưng THỦY ở đây là “đầu tiên” chứ không phải là “nước”. Tôn Tử viết ra điều tinh túy là: “CHỚ BAO GIỜ GÂY CHIẾN” và nếu bất đắc dĩ phải “lâm chiến” thì người lãnh đạo quốc gia phải áp dụng những kinh điển của chiến tranh trong 12 chương kế tiếp.
Hoàng Đế Guillaume đệ nhị của nước Đức đã gây ra Thế Giới Chiến Tranh lần thứ nhất 1914 – 1918, nước Đức thua trận, Hoàng Đế Guillaume đệ nhị bị lật đổ và ông phải chạy trốn qua Hòa Lan tị nạn chính trị. Một buổi chiều mưa, không có chuyện gì làm, Guillaume đệ nhị vào một thư viện cộng đồng ngồi đọc sách, ông đọc quyển Binh Pháp Tôn Tử vừa mới được dịch ra tiếng Đức. Ông đọc say mê đến nỗi tới giờ đóng cửa (8:00 PM) ông cũng không hay biết, chính người quản thủ thư viện đến nhắc ông, ông mới đứng dậy, ông nói: “Trời ơi, quyển sách hay quá mà sao không ai đưa cho ông đọc” (vì nếu ông đọc quyển này thì đã không có Thế Giới Chiến Tranh !!!)
Vladimir Putin khi phát động cuộc chiến xâm lăng Ukraina vào ngày 27 tháng 2 năm 2022 chắc là không có đọc Binh Pháp Tôn Tử, giống như Hoàng Đế Guillaume đệ nhị khi còn tại vị cũng không có đọc Binh Pháp Tôn Tử: không chừng ông Putin còn chê là sách của Tôn Tử viết từ 26 thế kỷ trước quá xa xưa không phù hợp với thế kỷ 21 chăng? Tuy nhiên, tính đến ngày 21 tháng 11 năm 2022 (là ngày thứ 271 kể từ khi bắt đầu), quân đội Nga của ông Putin đã tổn thất nhân mạng lên tới 95,400 người (trong đó bao gồm hơn một chục ông tướng và gần một trăm sĩ quan cấp Tá) và số xe tank đã bị bắn cháy tại chiến trường lên tới 859 chiếc xe tank bị bắn cháy + 64 chiếc bị hư hỏng +56 chiếc xe tank bị bỏ lại và thêm 521 chiếc xe thiết giáp bị quân đội Ukraine bắt giữ. Theo thống kê của nhóm ORYX thuộc Viện Nghiên Cứu Quân Sự của Hòa Lan, tỷ lệ tổn thất vượt quá 40% khả năng tấn công của thiết giáp quân đội Nga. Con số tổn thất của Nga vừa được nêu ra chứng tỏ rằng ông Putin không bao giờ dành được chiến thắng cuộc chiến xâm lược do chính ông phát động.
Tôn Tử còn dặn rằng nếu bất đắc dĩ phải “lâm chiến” thì các nhà lãnh đạo quốc gia (ngày xưa là các hoàng đế, bây giờ là Tổng Thống, Chủ Tịch Nhà Nước, Thủ Tướng…) phải tìm cách chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt vì đất nước và dân chúng khó thể cung cấp tài nguyên quốc gia cho chiến tranh kéo dài.
26 thế kỷ trước, xã hội Trung Hoa còn là xã hội định hình theo kinh tế nông nghiệp nên các chiến lược gia quân sự đã đặt ra phép TĨNH ĐIỀN: người ta lấy một thửa ruộng hình vuông làm tiêu biểu, rồi mỗi cạnh chia làm 3 phần bằng nhau, như vậy cả thửa ruộng có 9 phần bằng nhau, phần chính giữa gọi là công điền, 8 phần còn lại chia cho 8 nông dân làm chủ. 8 chủ điền ngoài cày cấy gặt hái hoa màu cho phần đất của mình thì phải thay phiên nhau cày cấy gặt hái phần ruộng công điền nhưng hoa màu thu được phải nạp cho làng. Khi động binh chỉ có 01 người gia nhập quân đội mà thôi, 7 người còn lại phải cày cấy chăm sóc thu hoạch hoa màu cho thửa đất của người nhập ngũ và luôn cả phần đất của công điền. Đó là phép tính để giữ thăng bằng cho “nội lực kinh tế’ hầu quốc gia có thể tiếp tục chiến đấu cho đến ngày thắng lợi.
Thời chiến tranh Việt Nam (1965 – 1975) các nhà kinh toán học phỏng đoán là cần từ 12 người trở lên sản xuất để cung ứng cho 01 người chiến đấu ngoài mặt trận. Chiến tranh Ukraina – Nga, vũ khí trang bị rất tốn kém cho nên có thể phải cần 22 người trở lên sản xuất để cung ứng cho 01 chiến binh chiến đấu ngoài mặt trận. Chỉ riêng vũ khí không thôi, bây giờ người ta sử dụng đến drone, pháo tự hành HIMAR, dàn radar hiện đại, hệ thống STARLINK thay thế cho hệ thống 6G cable, hỏa tiễn PATRIOT, S300, S400…kể cả các chiến hạm chạy bằng nguyên tử lực thì đủ tỏ rằng chiến phí đắt gấp vài trăm lần chiến phí thời TÔN TỬ.
Câu hỏi cần đặt ra là nước Nga của ông Vladimir Putincó đủ sức đeo đuổi chiến tranh tốn kém này không? Câu trả lời chắc chắn 100% là KHÔNG.
Kinh tế của nước Nga vẫn còn trong giai đoạn bán tài nguyên thiên nhiên của quốc gia như dầu mỏ, khí đốt, quặng mỏ, kim cương, đá quí… chứ nước Nga chưa có sản xuất được thành phẩm biến chế nào nổi tiếng trên thị trường giao dịch của thế giới như các quốc gia Anh, Pháp, Germany, Italia, Japan, USA, Nam Hàn… May ra Nga chỉ nổi tiếng về buôn bán vũ khí, nhưng 9 tháng chiến tranh với Ukraina, vũ khí của Nga đã mất giá vì bị thua kém các nước phương Tây cả về số lượng lẫn phẩm chất. Đó là chưa kể đến khả năng sử dụng vũ khí hiện đại của binh sĩ và sĩ quan của quân đội Nga chưa được “nhuần nhuyễn” như các binh sĩ của khối NATO.
Như thế, chiến tranh sẽ đi về đâu? Sẽ chấm dứt như hồi Thế Chiến thứ I với Hòa Ước Versailles hay như hồi Thế Chiến thứ II với sự đầu hàng vô điều kiện của “phe trục” Đức – Ý – Nhật.
Theo nhận xét riêng của người viết, chiến tranh Ukraina – Nga kéo dài tới 9 tháng vừa qua mà chả đâu ra đâu vì có thể Trung Cộng chỉ “hứa cuội” với Putin mà không hành động gì cả. Còn nhớ trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, khi Hitler tấn công Bỉ – Hòa Lan – Pháp vào tháng 6/1939, Hitler đã kêu gọi Japan tham chiến, nhưng mãi tới tháng 12/1941 quân đội Nhật mới tấn công Trân Châu Cảng. Nước Nhật chậm trễ tới 2 năm rưỡi vì “chuẩn bị chưa xong” (hàng không mẫu hạm của Hải Quân Nhật chưa hoàn thành đủ, hãng Mitshubishi chưa chế tạo đủ phi cơ ZERO cho hạm đội Thái Bình Dương của Nhật và số phi công trên hàng không mẫu hạm chưa được huấn luyện nhuần nhuyễn). Và điều dự đoán của người viết là Tập Cận Bình không dám động thủ tấn công Đài Loan vì quân đội Trung Cộng không thể có cơ may để chiến thắng đối phương như Hải Quân Nhật của Đô Đốc Yamamoto đã chiến thắng quân Mỹ ở Honolulu.
So sánh thực lực của Hoa Kỳ và Trung Cộng, chúng ta thấy:
1/ Hoa Kỳ đã có hơn 10 Hàng Không Mẫu Hạm chạy bằng nguyên tử trong khi Trung Cộng mới chỉ có 3 mà lại chạy bằng diesel (chạy bằng diesel thì phải tiếp nhiên liệu thường xuyên, hạm đội Hoa Kỳ chỉ cần chặn không cho tàu chở dầu đến gần hàng không mẫu hạm thì các hàng không mẫu hạm của Trung Cộng coi như bất khiển dụng).
2/Tấn công Đài Loan bắt buộc phải có hải lực mạnh và phải có bộ binh đổ bộ lên bờ biển phía Tây của Đài Loan. Tướng lãnh của Trung Cộng chưa hề có kinh nghiệm hải chiến trên biển và hoàn toàn chưa biết phương cách điều động một đạo quân lớn để có thể “đổ bộ” lên đất liền (thí dụ: Đô Đốc Mounbatten của Anh từ chối không dám nhận chức Tư Lệnh quân Đồng Minh tại Âu Châu vào năm 1944, mà ông nhường cho Đại Tướng Eisenhower vì Đô Đốc Mounbatten giỏi về hải chiến chứ ông không biết một chút gì để chỉ huy liên quân trong cuộc đổ bộ lên Normandie).
3/ Tất cả mọi chuẩn bị phương tiện của quân đội Trung Cộng để đổ bộ lên Đài Loan đều không thể thoát khỏi tầm nhìn của các vệ tinh nhân tạo cũng như các thám thính cơ quan sát của Hoa Kỳ và Đài Loan, đó là chưa kể là Hải Quân Trung Cộng chưa có đủ tàu đổ bộ để chuyển quân như Hải Quân Hoa Kỳ và Anh có nhiều tàu đổ bộ để chuyển hơn 200,000 quân bộ binh của Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Bỉ Hòa Lan vào thời điểm đổ bộ Normandie hồi năm 1944.
4/ Lục quân của Trung Cộng có 10 triệu quân nhưng chỉ đóng vai trò thế thủ chưa bao giờ lục quân của Trung Cộng có khả năng viễn chinh như quân đội của Hoa Kỳ, Anh, Pháp…Trận chiến với Việt Cộng năm 1979 chứng tỏ quân Trung Cộng còn rất yếu kém về chiến thuật hợp đồng tác chiến giữa bộ binh, pháo binh,thiết giáp và không quân, nên hơn ai hết Tập Cận Bình dư biết là số phần trăm chiến thắng với Đài Loan không thôi chắc chắn không vượt quá 10%. Rốt cuộc hăm he chiếm Đài Loan bằng vũ lực chỉ là chiêu bài bên ngoài để đưa các tướng lãnh quân đội vào trong Bộ Chính Trị hầu đẩy lui các phe nhóm khác trong nội bộ Đảng CS Trung Hoa mà thôi
5/Khi Đô Đốc Yoshida (Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội Nhật) hỏi Đô Đốc Yamamoto (trước khi Hải Quân Nhật tấn công Trân Châu Cảng vào tháng 12 năm 1941) là anh phỏng đoán hải quân Nhật làm chủ Thái Bình Dương được bao lâu? Thì Đô Đốc Yamamoto trả lời “tối đa chỉ được 18 tháng”, Đô Đốc Yoshida nói “sao ít vậy?”. Đô Đốc Yamamoto cho hay nước Mỹ có thừa khả năng sản xuất vũ khí để điền thế các vũ khí tổn thất, trong khi mước Nhật không có khả năng đó.
Dẫn chứng: trong trận chiến tại Ukraina đang xảy ra, nước Nga của ông Putin không có khả năng chế tạo các xe tank điền khuyết cho số tổn thất, đạn pháo binh quy ước cũng bị thiếu nên ông Putin phải đi mua của Bắc Hàn, số drone thay thế cho đạn pháo kích vào vị trí quân địch cũng phải mua từ Iran…Vậy nếu Tập Cận Bình tấn công Đài Loan, liệu Trung Cộng có học hỏi được gì từ Đô Đốc Yamamoto hồi 1941? Nghĩa là kỹ nghệ quốc phòng của Trung Cộng có đủ sức để chế tạo lại vũ khí đã bị thiệt hại trong lúc giao tranh?
Trở lại với chiến trận ở Ukraina, dù quân đội Ukraina có giải phóng được Mariupol và thành phố Kherson, và quân Nga đã tháo chạy về phía bán đảo Crimea, nhưng người viết tiên đoán rằng quân đội Ukraina khó chiếm lại bán đảo Crimea vì các lý do khách quan như sau:
1/ Sau khi rời thành phố Kherson vì yếu thế giữ không nổi, 30,000 quân Nga đang củng cố vị trí chiến đấu bên tả ngạn sông Dniper, quân Ukraina muốn tái chiếm bán đảo Crimea thì lại không có xe lội nước như thiết vận xa M 113 để chuyển quân. Vả lại vùng bán đảo Crimea là của Nga, năm 1956, Nikita Krouchev làm Tổng Bí Thư kiêm Thủ Tướng Chính Phủ ký sắc lệnh cắt bán đảo này cho nước Ukraina nên Putin tuyên bố Crimea là của nước Nga cũng không có gì sai.
2/ Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua (Nov 8/2022) nhiều lãnh tụ của Đảng Cộng Hòa muốn thúc ép Ukraina chấm dứt chiến tranh với Nga (lẽ dĩ nhiên Ukraina bị thua thiệt) để Hoa Kỳ chấm dứt viện trợ quân sự cho Ukraina hầu có thể rảnh tay quay qua đối phó với Trung Cộng vì nhiều chính khách của cả 2 đảng cùng có nhận định là Trung Cộng “đáng lo ngại” hơn Nga.
3/ Nhận xét chủ quan của người viết là Hoa Kỳ không muốn “tiêu diệt” và “đánh đổ” nước Nga vì tuy quá dở trong trận chiến với Ukraina nhưng lực lượng quân sự của Nga cũng đáng để Pháp và Đức phải trở lại chính sách “dùng ô dù của Hoa Kỳ để Cộng Đồng Âu Châu yên ổn làm ăn” chứ không còn áp dụng xây dựng lực lượng riêng là đối trọng với Hoa Kỳ (nói là đối trọng cho oai chứ thực tế là 2 nước Pháp – Đức đâm sau lưng đồng minh Hoa Kỳ). Dẫn chứng: mấy tháng trước đây Tổng Thống Zelensky của Ukraine không “welcome” để đón tiếp Tổng Thống nước Đức vì thời bà Merkel làm Chancelor ông này làm Ngoại Trưởng trong chính phủ Đức rất là “o bế” chính phủ Nga và ông Putin! Khi Nga xâm lăng Ukraine vào tháng 2 năm 2022, chính bà Merkel cũng “tắt tiếng” luôn (viện cớ là đã retired nên im tiếng).
Nếu độc giả nào còn nhớ truyện Hán Sở Tranh Hùng (hay còn gọi là Tây Hán Chí), vì Hàn Tín không nghe lời khuyên của mưu sĩ Khoái Kiệt mà đem tài dụng binh của mình “triệt hạ” Hạng Võ nên sau khi Hạng Võ tự sát ở bờ sông Ô Giang thì chinh Hàn Tín bị Lưu Bang giết hại.
4/ Có nhiều độc giả so sánh Putin độc tài như Hitler, nhưng người viết cho rằng đây là một sự so sánh “khập khễnh” vì khi mở màn Thế chiến Thứ II, quân đội của Hitler đã xâm chiếm Tiệp Khắc, Ba Lan, Bỉ, Hòa Lan rồi xâm lăng Pháp (nước Pháp đầu hàng sau 4 tuần chống đỡ rồi đuổi liên quân Anh – Pháp – Bỉ – Hòa Lan khoảng hơn 100,000 người phải lui quân về Dunkerque để vượt thoát sang Anh trong khi quân Nga của Putin đánh Ukraine trong 9 tháng trời thiệt hại khoảng 100,000 quân mà còn phải lui quân rút bỏ nhiều vùng “giải phóng”. Xâm lăng một nước nhỏ như Ukraine mà còn làm không xong thì bày đặt đòi làm “bá chủ” thì rõ ràng là chuyện “tào lao”.
5/ Các nước Tây Âu viện trợ quân sự cho Ukraine chỉ làm chuyện “tự vệ” cho chính họ chứ không phải có ý muốn “xâm lăng nước Nga”. Sự thiệt hại tới 40% lực lượng thiết giáp của quân đội Nga cũng có nghĩa là quân đội Nga không thể nào xâm lăng Tây Âu ồ ạt bằng thiết giáp mở đường như Hitler đã sử dụng hàng trăm sư đoàn bộ binh với thiết giáp và không quân tiến đánh Bỉ – Hòa Lan – Pháp – Ba Lan như hồi 1939. Như vậy chiến tranh hiện nay là Hoa Kỳ và các nước Tây Âu chủ trương làm cho nước Nga kiệt quệ buộc phải từ bỏ giấc mộng điên cuồng làm “bá chủ” Âu châu. Về một phương diện khác nước Nga đang có một lợi thế về dầu hỏa và khí đốt mà các nước Tây Âu rất đang cần, tuy nhiên thất bại về mặt quân sự cũng có nghĩa là nước Nga phải thương thuyết “biết điều” hơn chứ không còn ở vị thế ra điều kiện hay yêu sách thượng phong được nữa.
Kết luận:
Hiện nay còn quá sớm để vội kết luận là ông Putin phải ký “hòa ước” hay văn kiện đầu hàng, tuy nhiên cả Nga và Ukraine vẫn còn mạnh miệng chưa bên nào chịu bước vào bàn hòa đàm, cũng chưa có dấu hiệu “vừa đánh vừa đàm” như hồi chiến tranh Việt Nam vào những năm 1968 – 1972. Và cũng có thể là các đại cường sẽ để “chiến tranh tàn lụi” nghĩa là nước Nga sẽ kiệt lực thì sẽ lẳng lặng bỏ rơi Ukraine như đã từng bỏ rơi Afghanistan hồi 1988. Người viết cũng mong mỏi là chính giới nước Nga sẽ làm “một cái gì đó để bứng bỏ“ Putin hầu giúp cho nhân dân Nga và nhân dân Ukraina không còn đổ máu một cách phi lý nữa. Mong mỏi của người viết là được hát bản nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang là bản HY VỌNG ĐÃ VƯƠN LÊN để chấm dứt bài viết này.
Trần Trung Chính