Cách đây khá lâu, tôi có được mời nói chuyện về đề tài phong tục thờ cúng của người Việt. Tôi còn nhớ hôm ấy đông sinh viên dự lắm và tôi có đặt câu hỏi là các anh chị khi đi viếng người vừa mất thì lạy hay vái mấy cái. Các bạn trẻ lúng túng trả lời lung tung, người thì ba lạy, người bốn lạy.
Thật ra cũng không nên trách các bạn ấy vì có ai dạy cho các bạn ấy đâu. Ngay cả những người lớn cũng không nắm rõ những quy định này. Và những lãnh đạo nhà nước ta khi làm lễ dâng hương, vái lạy tiền nhân, dự những lễ tang cũng vái lạy đủ kiểu.
Người ta thường vái hay lạy 3 cái dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, như lễ tưởng niệm đêm qua vậy. Thế là sai mất tiêu rồi.
* Bởi lạy 3 lạy chỉ dành riêng cho lạy Phật, tượng trưng cho Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng và vái 2 vái.
* Nếu đến viếng người vừa mới qua đời, dù đã liệm nhưng chưa mang đi an táng thì vẫn xem như còn sống nên chỉ lạy 2 lạy tượng trưng cho âm dương nhị khí , nếu vái thì vái 2 cái.
Riêng với những trường hợp người mất đã được an táng dưới mộ hay đã hoả thiêu, khi đứng trước bàn thờ hay trong lễ tưởng niệm, cầu siêu thì lạy 4 lạy hay vái 4 vái tượng trưng cho tứ đại: Thổ, Thủy, Phong, Hỏa mang ý nghĩa thân tứ đại nay trả về cho tứ đại, trở về cát bụi.
Tóm lại, theo phong tục Việt, người ta lạy 2 lạy dành cho người sống; lạy 3 lạy dành cho Đức Phật hay khi lạy thần thánh và lạy 4 lạy để lạy vong hồn người chết.
Nếu không làm đúng những quy ước từ ngàn xưa, sẽ bị xem là thất lễ.
Đỗ Duy