Hòa Bình
Đến nửa đầu thế kỷ 20, đất phương Nam vẫn là những cánh rừng ngập nước bạt ngàn, có đông đảo các loài chim bản địa lẫn di trú, hình thành những sân chim, hay vườn chim. Từ sau năm 1975 đến nay, người ta đã xóa sổ những cánh rừng và sân chim chỉ còn là những mảnh vụn tàn tích của một thời miền Nam tiền vàng biển bạc.
Đàn cò trên đồng ngày càng hiếm. Hình ảnh này chụp ở khu bảo tồn Láng Sen, Đồng Tháp Mười. (Hình: Hòa Bình)
Tưởng chừng vườn chim đã bị tận diệt, “chim trời vỗ cánh tung bay” như Lam Phương đã khóc trong “Trăm Nhớ Ngàn Thương” thì gần đây, nhờ một vài người nông dân chân lấm tay bùn mà chim lại quần tụ về miền Tây.
Dù ngày nay mảnh-vụn-sân-chim chỉ là “vương quốc chim muông thu nhỏ,” nhưng ước tính hàng trăm ngàn con, hầu hết nằm trong Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới như giang sen, chàng bè, quạ, vạc, điên điển, bìm bịp, còng cọc… làm sống lại miền Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Lông chim, nguồn lợi làm ra thương cảng
Trong quyển sách khảo cứu “Lịch Sử Khẩn Hoang Miền Nam,” nhà văn Sơn Nam đã nhấn nhá về các sân chim như là nguồn lợi quan trọng, đồng thời là cảnh quan kỳ thú của đất phương Nam.
Cùng với lúa gạo, sáp ong, lông chim đã làm ra thương cảng Rạch Giá phồn thịnh giao lưu quốc tế. “Làng Đông Yên ở hữu ngạn sông Cái Lớn thành hình từ lâu nhờ nguồn lợi sân chim (sử chép là điểu đình), những khu rừng mà hằng năm loại chàng bè, lông ô (còn gọi già sói, marabout) tụ họp về làm ổ, sanh sôi nẩy nở hàng chục vạn con, thợ rừng đến sân (nơi chim tụ họp) bao vây và giết sống để nhổ lông bó lại đem bán cho tàu buôn Hải Nam. Thuở ấy người Việt cũng như người Tàu đều ao ước có cây quạt kết bằng lông chim, với đứa tiểu đồng đứng hầu quạt phe phẩy, tiêu biểu cho nếp sống phong lưu.”
Nặng tình với sân chim và số phận nghiệt ngã của loài chim, Sơn Nam viết truyện ngắn “Tháng Chạp Chim Về” đặc tả câu chuyện cả đàn chim bị tàn sát, chỉ còn lại một mình nhưng con chim già sói đôn hậu, hằng năm vẫn đơn độc quay lại vườn chim cũ. Ông mô tả chi tiết về các sân chim, thuộc tính sinh hoạt của loài chim.
“Vùng Rạch Giá, Hà Tiên nổi danh là nơi tập họp nhiều sân chim, của trời đất dành riêng cho. Từ vàm đến ngọn sông Cái Lớn, bao nhiêu là sân: sân Cái Nước, sân Thầy Quơn, sân Thứ Nhứt… Ðó là chưa kể mấy sân ở giữa rừng mà chưa ai bước chân tới. Từng vùng rộng chừng mười ngàn thước vuông, tụ tập hàng vạn con chim lớn.
…Ta có thể chia hai loại chim: thứ làm ổ trên cây và thứ làm ổ trên mặt đất. Làm ổ trên cây thì có chim chàng bè, chim già sói, chim chó đồng. Làm ổ dưới đất thì có chim bồ nông là đáng kể.
Chim bồ nông tụ tập nhiều nhứt là ngọn rạch Chắc Băng đổ ra sông Cái Lớn. Ở đây hoàn toàn hẻo lánh, ít cây to lớn, ít cọp hoặc rắn. Hai loại này hay tìm chim mà ăn thịt hoặc ăn trứng. Ngoài ra trên mặt đất phủ dày nhiều dây choại, dây dớn để cho chim làm ổ.”
Tàn sát chim non rừng vẫn còn nguyên
Điểm nhấn đau lòng của câu chuyện chính là thời điểm tàn sát đàn chim con khi chúng ra đủ lông sắp sửa bay. Người ta đào hào, làm hai lớp hàng rào, chất củi chung quanh khu đàn chim con trú ngụ và châm lửa đốt. Hàng ngàn chim gom lại một khối và bị hàng chục người thợ săn bao vây đập chết lấy lông, còn thịt thì vất lại thành đống như núi do không cách nào tiêu thụ hết.
Cách khai thác này đã làm ảnh hưởng đến sinh thái, nhà chức trách đã ngăn cấm. Cũng theo Sơn Nam vì lợi nhuận người ta đã tận thu, tận diệt đàn chim: “Người trúng thầu thường là Huê kiều. Họ có hệ thống tiêu thụ ở nước ngoài, giá thầu là 21,000 quan (1879), 20,000 quan (1880). Việc thầu sân chim có lúc bị bãi bỏ hoặc ngăn cấm. Năm 1908 cho khai thác trở lại. Những năm chót, nhà nước hương chức làng thầu với giá tượng trưng. Năm 1912, một hội viên của Phòng Canh Nông Nam Kỳ (cũng là tay khai thác đất đai nổi tiếng ở Hậu Giang) lên tiếng xin nhà nước cấm khai thác sân chim vì thuế thâu vào chẳng bao nhiêu mà gây tai hại lớn. Theo bài toán của ông ta, chim có đến hàng trăm ngàn con bị giết mỗi năm, mỗi ngày một con chim già sói (marabout) ăn đến 20 con chuột, mất chim thì hàng triệu chuột tha hồ sinh sôi nẩy nở.”
Sơn Nam đã bình luận bi quan về đề nghị ngăn cấm này: “Đây chỉ là bài toán không tưởng mà thôi.”
Có nghĩa là dù có cấm nhưng đàn chim, các sân chim vẫn bị tàn sát.
Bom xăng, dioxin rừng vẫn còn xanh
Dù thực tế khai thác trái phép vẫn xảy ra nhưng đến giai đoạn 1954-1975 rừng U Minh vẫn còn như nguyên vẹn. Những sân chim vẫn còn đó.
Trong cuộc chiến Việt Nam, quả thực là quân đội Mỹ có bỏ bom xăng, rải chất độc dioxin ở đây nhưng không phải để phá rừng, giết chim mà để tiêu diệt Cộng Sản đang núp trong rừng, trong vườn chim.
Suốt 20 năm chiến tranh ác liệt ấy, dù có bị tàn phá, rừng có bị tổn thương nhưng vẫn còn là rừng, sân chim vẫn còn.
Chủ trương sai, rừng tận diệt
Chỉ sau năm 1975, với chủ trương sai lầm hợp tác hóa đất đai, hàng vạn người dân tứ phương đổ dồn về Cà Mau, Rạch Giá bám vào rừng tìm cuộc mưu sinh. Họ phá rừng hầm than, làm rẫy nuôi tôm. Tiếp theo đó chủ trương ngọt hóa bán đảo Cà Mau, đem tư duy đắp đê trị thủy sông Hồng, cái tư duy “vị thóc vi bản” của miền Bắc làm thủy lợi đào kênh xả phèn các rừng ngập nước để chuyển vùng sinh thái ngập mặn quý giá của U Minh thành vùng nước ngọt để trồng lúa.
Lớp than bùn dưới chân rừng bị thủy lợi tháo khô nước đã trở thành nguyên liệu tuyệt vời cho nạn cháy ngún rừng vô phương cứu chữa. Cộng thêm áp lực gia tăng dân số lên với cấp số nhân đến cuối thập niên 1990 rừng U Minh chỉ còn là di tích bảo tồn. Tương tự khu vực Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười cũng được khẩn hoang. Rừng mất, sân chim cũng không còn.
Có một lúc người ta giật mình mừng rỡ khi đàn sếu đầu đỏ quay về Tràm Chim, Đồng Tháp, và quy hoạch khu bảo tồn hơn 1,000 hécta. Nhưng đất không lành, không giữ được chim. Đàn sếu đã đi về Kiên Giang được vài năm rồi hoảng sợ trước các công trình công nghiệp, nhà máy xi măng nên đã chuyển hướng sang tỉnh Kampot của Cambodia.
May sao với tình yêu thương, chăm chút của người dân, một số vườn chim tư nhân đã được tái tạo với quy mô nhỏ, như những mảnh vụn ký ức của một thời.
Những mảnh vụn tái sinh
Đó là vườn chim Tư Na ở Cái Nai, gần thị trấn Năm Căn, Cà Mau. Nguyên gia đình ông Nguyễn Hoàng Na nhận khoán trồng 30 hécta trong vùng đất rừng ngập mặn. May sao, một đàn chim đổ về quần tụ trên khu đất của ông sinh con đẻ cái. Ông Tư Na đã nhạy bén trồng thêm cây, thả thêm cá dưới các mương rạch, bảo vệ đàn chim chống lại người lạ vào săn bắt.
Sau hàng chục năm, khu đất đã thành “Vương quốc chim muông thu nhỏ,” ước tính có khoảng 100,000 con, hầu hết nằm trong Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới như: giang sen, chàng bè, quạ, vạc, điên điển, bìm bịp, còng cọc…
Hiện nay vườn chim trở thành điểm du lịch của Cà Mau. Từ Năm Căn du khách đi đường bộ ngược về Cà Mau hơn 2 km, sau đó đi vỏ lãi (*) hơn 2 km nữa là trở về với thế giới hoang sơ, phồn thịnh của đất rừng phương Nam với chim trời cá nước.
Ở Thốt Nốt, Cần Thơ, có vườn cò Bằng Lăng. Chủ vườn là ông Nguyễn Ngọc Thuyền. Nguyên ông Thuyền có phần đất biền ven sông rộng hơn 1.5 hécta chuyên trồng lúa. Phía bờ sông có nhiều cây tre, bần rậm rạp. Năm 1983, bỗng dưng một đàn cò hàng trăm con bay về đậu kín hàng cây. Bụng bảo dạ đất lành chim đậu, ông không xua đuổi hay làm gì kinh động. Ít lâu sau, đàn cò bay đi, gần một năm chúng quay trở lại số lượng đông hơn lần trước.
Táo bạo nghĩ cách hút chân cò ở lại, ông cùng gia đình trồng tre, trúc, dừa nước, trâm bầu… trên toàn bộ mảnh đất đang trồng lúa thành khu vườn, ông còn vét sâu mương rạch, thả thêm cá, ốc, làm thức ăn cho cò. Có cây xanh, nước mát và thức ăn, đàn cò an cư và sinh sản đến nay có hơn 300,000 con, cò cá, cò ruồi, cò quắm, cò rán, cò sen, cò bông, cò ma, bạc má, diều, vạc, bồ nông, cuốc…
Vườn cò Bằng Lăng không rộng nhưng lượng cò tập trung mỗi sáng mỗi chiều đậu trắng các ngọn cây thành cảnh quan sinh động kỳ thú.
Một mảnh vườn chim mi ni độc đáo khác là chùa Cò, tên thật là chùa Nodol, hay chùa Giồng, ở tại ấp Cây Da, xã Đại An, huyện Trà Cú, nằm cách thành phố Trà Vinh khoảng 40 km về hướng Nam. Chùa Cò được xây dựng từ năm 1677, được trùng tu nhiều lần có quần thể kiến trúc mang đặc trưng của chùa Khmer Nam Bộ rất độc đáo… được bài trí hài hòa trên một khuôn viên rộng lớn.
Khuôn viên chùa Cò được những rặng tre xanh, những hàng cây sao, sầu đâu, cây dầu và đặc biệt là hàng cây phượng vĩ bao bọc, là nơi cư trú của hàng ngàn con chim cò các loại như cò, cồng cộc, bồ câu… trong đó đông nhất là họ nhà cò với rất nhiều loại cò trắng, cò quắm, cò đầu đỏ, cò đầu vàng, cò mỏ vàng, cò mỏ đen.
Ghé thăm chùa Cò vào mùa Hè du khách sẽ bắt gặp hình ảnh độc đáo những cánh cò trắng ẩn hiện trong tàng hoa phượng vĩ đỏ rực một góc trời.
Bí hiểm hơn nữa tương truyền vị sư cả có “cách nói” cho cò bay đi hay gọi cò trở về tùy ý nên những ngày sóc vọng, khách thập phương đến viếng chùa hoàn toàn yên tâm không sợ “bom bay” nhưng sẽ không được nhìn ngắm đàn cò!
Chú thích: (*) Một loại thuyền máy, hoặc xuồng, ghe nhỏ và dài hình thoi, thường làm bằng gỗ và gắn thêm máy, là phương tiện di chuyển chủ yếu và phổ biến ở các tỉnh miền Tây, vùng sông nước Đồng Bằng Sông Cửu Long.