Giữa Cơn Lốc Tháng Tư…

Minh Phượng

 

Chú thích: Hồi ký này tôi viết từ năm 1978, 3 năm sau khi đã rời quê hương, gặm nhấm nỗi đau mất em, mất nhà, mất nước. Tôi đã viết, tả chân những xúc động, suy nghĩ của một người con gái nhỏ vào những ngày cuối trên quê hương….Sau khi biết được những thảm cảnh xảy ra sau ngày 30/4 trên đất nước, tôi càng buồn thêm cho nước VN, và thấy những gì mình viết đúng là “trẻ người non dạ”, “không giống ai” hết nên tôi không chia sẻ với bất cứ ai khác, ngoài con cháu và những người thân nhất…Lâu lắm rồi tôi không muốn đăng bài viết này, nhưng các con tôi khuyến khích tôi và bảo tôi nên viết hết lại để sau này các cháu có thể hiểu thêm một góc nhìn khá lập dị về cuộc đổi đời, của chính tôi…

Ngày “bãi” trường, đầu tháng 4, 1975

Tháng tư, trời có những cơn nắng thật gắt gay, hung hãn. Nắng hừng hực chọc thủng làn da, nung sôi từng mạch máu. Nắng làm ríu cặp mắt hấp him sau những cơn mê chập chờn, làm đỏ bừng những gương mặt mồ hôi nhễ nhại. Nắng, nắng và nắng. Nắng tràn lan, tung hoành, xông đến mọi ngõ ngách, khắp bụi cỏ lùm cây. Nắng làm khí trời mù mờ những bụi trần gian, làm thời gian như lắng sâu, ngưng đọng. Nắng làm mặt đất nứt nẻ, xuất từng hơi rên rỉ, tự những nếp nhăn khe hở ngoằn ngoèo.

Và bây giờ là tháng tư. Ngày dài lê thê, đêm rút co lại. Mây trắng đục giăng đầy trên cao, thật cao, và không chuyển động, như biếng nhác, chán nản, không muốn phiêu du. Gió hời hợt, hững hờ phe phẩy trong đám lá me xanh. Gió quá nhẹ, không đủ để làm rung một cành hoa hoàng hậu, làm lay một tà áo trong nắng đổ bôn ba.

Hôm nay là ngày cuối trong trường. Các bạn tôi đã rời trường từ lúc nào. Thầy cô cũng vậy. Tôi vẫn còn lại trong sân trường vắng vẻ, yên tĩnh lạ lùng….Hè đến sớm vì những biến chuyển dập dồn theo những trận đánh khốc liệt diễn ra ở ngoài kia. Phượng dẫn chưa nở. Tôi ngồi ngắm mãi những cánh phượng thừa thãi, chơi vơi. Không có đến một nụ hoa nhỏ! Vì hè đến sớm quá chăng? Hay vì đất không vui , người không hớn hở, tươi cười nên hoa không muốn phô màu, khoe sắc? Cái nắng gắt gay vây bủa chung quanh làm tôi chợt nhớ đến hai câu thơ của Nguyễn Khuyến:
Tháng tư đầu mùa hạ
Tiết trời thật oi ả…

Và dù không có “tiếng dế kêu thiết tha, đàn mũi bay tơi tả”, tôi vẫn cảm nhận được tất cả những bực dọc, khó chịu trong một buổi trưa hè.

Tin tức những trận đánh thắng, bại đó đây vẫn với tôi giống như một cuốn phim buồn được quay đi, chiếu lại nhiều lần. Tiếng súng lớn nhỏ vọng về mỗi đêm tôi đã quá quen. Sài Gòn, nơi tôi sống, vẫn có vẻ thản nhiên với những hàng rào, những người lính phòng vệ rải rác đó đây. Không có gì đặc biệt, đáng cho tôi chú ý trong lúc này cả. Tôi hờ hững, thờ ơ với tất cả mọi việc, mọi vậy chung quanh. Đôi lúc tôi ngạc nhiên, sững sờ khi nghe tin anh của bạn tôi vừa chết, hay tin một người hàng sớm đi chơi xa bị kẹt lại trong vùng lửa đạn. Không phải tôi ngạc nhiên vì những chuyện ấy, mà vì thấy mình vẫn dẫn dưng không thể nhỏ được một giọt nước mắt khi nghe chuyện đau lòng! Trong nhà có một tấm bản đồ thật to, tin tức hằng ngày cho biết tỉnh này, thành phố kia mất, tôi thường chỉ lẳng lặng lấy cây viết đỏ gạch chéo lên địa danh đó. Hình ảnh người dân chạy giặc, bồng bế, tan hoang lại càng khiến tôi lặng chìm trong nỗi u buồn, khổ đau day dứt trong lòng…

Gió từ đâu bỗng thổi về rào rạt trên khoảng sân vận động, nơi tôi đang ngồi. Những lớp sóng cỏ xanh vàng lại có dịp chuyển động lên xuống, lao xao. Chưa bao giờ tôi thấy yêu trời đất như lúc này dù nắng đang trút lên đầu người nóng oi nồng, âm ỉ và đất thì võ vàng, khô héo như mất hết nhựa sống. Tôi thấy đất trời như hòa điệu với lòng mình trong mấy tháng gần đây! Đất và trời như mang vẻ u uẩn, ai hoài trong nắng đổ chói chan. Có phải đây là biên giới của không gian và thời gian, của cả sự sống lẫn cõi chết đang ào ạt diễn ra cùng một lúc? Cũng như những ý nghĩ, tâm tình trong tôi: đó là biên giới của buồn vui, của tin yêu lẫn chán nản, của già cỗi lẫn trẻ trung… Và cũng như hồn tôi đang thoi thóp nghẹn ngào ngắt ngoải, hoang mang trên một xác thân trông có vẻ bình an, tỉnh táo. Tất cả mọi việc như đang đua nhau, tranh giành liên tiếp, đúc kết, tạo dựng thành những cơn ác mộng chập chờn trong tôi tự mấy tháng nay.

Như bão hòa với những biến chuyển quá phũ phàng đã dập dồn xảy đến. Căn nhà chất chứa muôn ngàn kỷ niệm ấu thơ thường đã trống lạnh…nay như càng vắng vẻ, lạnh lẽo hơn sau cái chết của Minh Nguyệt, em út tôi. Ngôi nhà với những bờ tường, cột đá phủ rêu xanh, với những lớp sơn tróc màu kỹ, với khói hương vờn bay trong không gian u ám tịch liêu, trông buồn như một ngôi cổ mộ. Và vì vậy, tôi tránh ở nhà một mình. Tôi không sợ ma, mà sợ cái lạnh não nề sâu xé hồn tôi. Hiu hắt hơn cả ánh đèn vàng ở trong nghĩa địa là những sợi nắng bệnh hoạn, le lói rọi xuyên qua khe cửa sổ… tôi thấy khó chịu vô cùng với những sợi nắng buồn thảm, héo hon ấy. Nó như báo hiệu một tàn tạ, đổi thay trong cuộc sống đã ngưng đọng nửa chừng của tôi. Cái góc bếp mới lạnh lẽo làm sao với nồi niêu treo nghiêng hờ hững. Cái bàn ăn mới thừa thãi, trống trải làm sao! Và cuối cùng là cái ánh sáng mù mờ leo lét từ những ngọn bạch lạp trên bàn thờ Nguyệt. Ánh đèn chập choạng múa may những hình ảnh quái đản dị kỳ trên nền tường âm u, cũ kỹ. Tôi vẫn mường tượng ra quanh đây cái bóng dáng còm nhom của em tôi. Người em mang mắt sâu trũng, lặng lẽ, thẳm buồn trong những ngày cuối cuộc đời vẫn mãi chập chờn, ám ảnh tôi. Ngày còn bé, hai chị em thân thiết bên nhau, tôi đã tưởng không gì có thể làm cho em và tôi phải cách xa nhau đến hơn một tuần, một tháng…Vậy mà, cuối cùng rồi thì em cũng đã nhắm mắt, xuôi tay…chôn theo cả hồn tôi, trong xác thân cạn khô nước mắt, trong nhớ tiếc và ray rứt khôn nguôi…

Tôi ngồi xuống sân cỏ vắng hoe, tẩn mẩn nghịch đùa với đám cỏ lau xơ xác…Cỏ xót xa cứa nhẹ lên má, khi tôi áp tai xuống đất, để nghe xem lòng đất có đang chuyển động dập dồn như trên này mặt đất hay không….

Từ hơn tháng nay, tôi bỗng nghe thích thú khi vuốt ve lá cỏ, và nằm khuất mình trong đám lau sậy lêu nghêu. Sự yên tĩnh phủ trọn sân cỏ vắng người trong nắng chiều nghiêng đổ, và cỏ hoang, hoa dại thi nhau sinh sôi chiếm ngự. Sự sống là đây, cân bằng phần nào những trống vắng tối tăm, chết chóc chung quanh…

Chiều hôm nay dài như vô tận. Tôi lặng lẽ đứng dậy đi về phía nhà xe. Chỉ còn lại chiếc xe đạp màu xanh bé nhỏ của tôi trong nhà xe thênh thang, vắng vẻ. Mặt trời đang chiếu những tia vàng heo hiu hắt cuối trên cánh đồng bỏ lại sau lưng, trên những lớp cỏ hoang sơ, cao vút…

Thăm mộ Ba và em

Trời vẫn chưa tối. Tiếng xe cộ hối thúc, giục giã nhau trên đường kéo tôi về cuộc sống xô bồ hiện tại. Hôm nay tôi về bằng lối Lê Văn Duyệt. Những chiếc xe lam vấn vương khốn khó muộn phiền, trong khói phì phà tuôn, chở đầy những gương mặt lo âu, chán chường, mỏi mệt- Ôi một bể phù du là ở cả nơi đây! Tôi đạp xe chậm lại trước nghĩa trang Đô Thành, nơi đang gói ghém hình hài của Ba và em tôi.

Tôi đã đến thăm mộ Ba không biết bao nhiêu lần . Ngôi mộ được Má tôi cho xây cất khá kiên cố vẫn sừng sững trơ vơ vì kiến trúc xây mộ khá đặc biệt, với những bông sen hồng trên bốn góc trần che mưa, che nắng, và được lát gạch chung quanh mộ, đủ rộng cho chúng tôi cởi dép ra để quỳ lạy, và ngồi dưới cái “mái nhà” để tránh nắng mỗi khi lên thăm Ba. Ngày còn nhỏ, có khi Má tôi dẫn tụi tôi lên thăm Ba, mang theo mền gối để ngủ trưa ngay tại mộ. Đi thăm mộ Ba, Má tôi luôn mang theo rất nhiều bó nhang, và thường kêu chị em tụi tôi sau khi thắp nhang cho Ba xong, đi vòng vòng, thắp nhang nghi ngút khói cho tất cả các ngôi mộ “hàng xóm” của Ba chung quanh cho “ấm” nghĩa trang..Những lúc ấy, tôi cảm thấy như được làm quen thêm những người đã khuất khi thắp nhang, vái lạy, nhìn hình, tính nhẩm trong đầu xem nếu còn sống, người đó giờ đã bao nhiêu tuổi! Tôi thường buồn và tiếc, tủi thân nữa, mỗi khi Má tôi nói “thưa Ba đi về con”. Giờ, tôi chỉ còn thấy ngậm ngùi trong nỗi buồn sâu lắng, miên man, dằng dai không dứt. Từ sau khoảng hơn năm nay, tôi thường lên thăm mộ Ba vào cuối tuần và mang theo nước sạch, khăn sạch để lau chùi mộ phần Ba (vì có lần tôi thấy người được mướn giữ sạch mộ mang nước thật dơ, ngó như nước sình, đến làm “vệ sinh” mộ Ba). Nhìn hình Ba tôi cười rạng rỡ, đôi mắt tinh anh, thu hút, tôi khấn thầm, nói nhỏ như bao lần trước đây: “Ba ơi, con đến với Ba nè”…

Mộ em Nguyệt được xây ở khu đất mới được lập ra. Đất đen nghịt, sũng mềm và lấp lánh dưới ánh sáng ban ngày hay dưới ánh đèn vàng vọt về đêm. Tôi hay thắc mắc, không biết đó là đất mầu, thấm thấu phù sa của miền Nam trù phú, hay là đất mang mầu nâu đỏ bởi sự tan biến hoà đồng của những xác chết không được chôn cất trong kim tĩnh…

Gương mặt quá đỗi dịu dàng của Nguyệt với đôi mắt ngây thơ, nhu hoà giờ lại khiến tôi càng lặng người, chua xót. Nó trái ngược làm sao với hình ảnh tiều tụy, buồn phiền trước khi em mất. Cứ nghĩ đến cái thân hình bé bỏng trong sáng, thân yêu của em đang dần tan rã ra, biến dần vào cát bụi, tôi lại lặng người nghe buốt giá toàn thân. Ôi, cát bụi vô tình phủ lấp đời em đang chôn đi một khoảng đời thần tiên vô ưu ngày cũ, biến tôi thành một kẻ ngơ ngẩn, vô duyên, lạnh lùng trước những cảnh ly tan thê thảm…tôi lặng lẽ ngồi xuống, nhổ đi những ngọn cỏ đang lún phún nhô lên từ đám đất mỡ màng, nhễ nhại chung quanh. Tôi và ngôi mộ em cùng chìm sâu trong nỗi cô liêu vắng lạnh của buổi hoàng hôn ở nghĩa trang..Má tôi cho xây mộ em bằng đá hoa cương, hơi giống mộ Ba tôi, nhưng không có mái che, hay cửa ngõ chi hết. Trên mộ, có khoảng trống để trồng hay cắm hoa. Má tôi có trồng hoa cúc vàng, nhưng hoa chưa mọc… và không hiểu vì sao đất ở khoảng này bị sụt xuống khá sâu…

Hoàng hôn phủ đầy nghĩa trang. Ễnh ương từ những bụi cây, gốc cỏ bắt đầu khàn khàn cất giọng uềnh oang. Trời ngả màu tím sẫm, đến nỗi ánh sáng hắt lại từ cột đèn vẫn không làm cho làn da tôi bớt nhợt nhạt xanh xao…Nhìn tay mình, tôi chợt rùng mình vì trông nó như bàn tay xương xẩu khô cằn của một xác chết xa lạ nào…Tôi xát mạnh hai tay, cố tìm lại chút sức nóng gần như đã mất. Vuốt ve mộ em lần nữa, tôi loạng choạng đứng lên, bước lại chỗ để xe… Trăng non đang tỏa xuống mộ em tôi cái ánh sáng bàng bạc, lẻ loi. Tên em là Minh Nguyệt, và làm tôi thêm nhớ em quắt quay vào những đêm rằm… Gió rít mạnh hơn, cuốn cuồng, ào ạt. Lạnh lùng làm sao nơi yên nghỉ cuối của em tôi. Chiếc xe đạp mong manh chếnh choáng, lao đao trên những lối cỏ gập ghềnh. Xa bên kia là nhà xác với những khung cửa mang màu vàng hắt hủi, ảm đạm….

Má Tôi

Đèn đường hai bên đã lên bóng. Cái vắng vẻ lạnh lùng của con đường khiến tôi chợt nghe lo sợ vẫn vơ. Chết rồi, trễ quá, chắc là Má tôi lo lắm. Tôi tự mắng mỏ mình “hư”, đã quên, không nhớ đến nỗi lo của Má, và ráng tăng tốc độ chạy nhanh lên. Trời vẫn còn mang cái oi bức của ngày vừa qua, dù gió đang thổi về ào ạt. Bùn từ những chỗ trũng trên quãng đường lầy lội bắn tung toé lên đôi ống quần trắng rộng, lên cả vạt áo dài tôi đã nhét vào lưng quần cho gọn…Tôi phóng xe thật nhanh qua khỏi nghĩa trang, chợ Hoà Hưng, rồi trại lính. Những hàng rào hoen rỉ với những người lính trông lầm lì, lăm lăm súng đạn trên tay càng làm tăng nỗi lo lắng trong tôi. Con đường dường như gập ghềnh hơn, và chân tôi như lọng cọng hơn….Cuối cùng tôi cũng về đến chợ Sài Gòn. Sài Gòn của xe xua, của phồn hoa náo nhiệt, của lộng lẫy mỹ miều, của nhục nhằn, đau khổ…Bỗng dưng tôi nghe thương cái thành phố tôi ở hơn lúc nào hết dù đã có lúc tôi thấy nó đã có vẻ như hời hợt, vô tâm với những bài tình ca “nhạc trẻ” hay nhạc Pháp, nhạc Mỹ lời Việt trong khi bom đạn Nga, Tàu, Mỹ thi nhau cày nát quê hương. Sài gòn bây giờ đang âu sầu, héo rũ với những hàng quán đóng cửa im lìm, với những vòng kẽm gai vây bủa đó đây….Đến ngã tư lê lợi và Nguyễn Huệ, tôi vòng trở lên đường Lê thánh tôn, ngược về phía Cường Để. Lại hàng rào, lại cấm băng ngang! Và tôi lại phải vòng lên đường Gia Long, theo ngõ đường Đồn Đất. Có lẽ đây là khúc đường tối vắng nhất tôi phải đi qua. Đường Lê Thánh Tôn, giữa khoảng đường Đồn đất và Cường Để, là nơi tôi và Nguyệt đã từng chạy tung tăng, xoáy xoay theo những cơn gió mang lá me vàng mỗi độ hè sang. Đến ngã tư đường Gia Long và Nguyễn du, tôi lại vòng trở về Lê Thánh Tôn. Con đường này cũng là nơi tôi đã có hằng bao nhiêu ngày ngơ ngẩn nhìn lá me rơi trong mưa buồn, rồi lăng xăng lượm những trái me nâu chín mềm rụng rơi trên đất để mang vào chia cho bạn…. Giờ thì khoảng đường đó đã đầy me, nhưng không ai buồn nhặt. Có trái me vừa rụng đã bị nghiến nát dưới bánh xe nhà binh, dưới gót giày những người lính Thủy Quân Lục chiến đang đóng ở thành…

Một vài người lính giữ cổng bước ra, tôi thở dài ngao ngán…nếu về sớm hơn chút có lẽ tôi đã không phải vất vả ngược xuôi kiếm đường không bị cấm để vô nhà. Tôi ngượng ngập nói trỏng: “ Cho…. vô cư xá chú nha. Nhà… ở trong đó!” Hai người lính nhìn nhau, ngó chăm chăm vào mặt tôi xong, rồi cùng gật đầu. Nếu là con trai chắc họ đã chặn lại xét hỏi giấy tờ, nhà số mấy, cha mẹ là ai rồi! Chẳng trách bạn tôi vẫn ngại phải đến chơi vì chúng nói “chỗ mày ở sao kín cổng cao tường quá vậy!” Tôi cũng hay ngượng nghịu vì chuyện này nhưng biết làm sao hơn…Cứ có thêm một ông lên tướng trong khu này, là thêm khó khăn cho những người không có giấy chứng minh là có thể tự do ra vào nơi ấy! Tôi cứ thắc mắc: rủi tất cả các bác đang mang cấp tá lên tướng hết thì sao ta? Và sẽ còn thêm bao nhiêu cổng với hàng rào kẽm gai nữa? Thiên đường thơ ấu với muôn ngàn kỷ niệm tuyệt vời của tôi, giờ đang bị canh phòng, bảo vệ như một thành lính nhỏ!!!

Tôi dắt xe vào cổng. Tiếng kẽo kẹt của thời gian ăn mòn trên cái chốt sắt của cánh cửa cổng nghe buồn não nuột như một tiếng than. Hồ cá có hòn non bộ giờ chỉ đầy những đất đá, bụi bặm. Chậu hoa lài héo rũ, xác xơ như một kẻ phong sương tả tơi vì mưa gió. Bồn hoa dạ lý cũng không kém phần tiêu điều. Gốc cây mai đỏ má tôi bảo nhổ bỏ đi nhưng vẫn chưa ai làm… Ôi căn nhà dấu yêu của tôi! Căn nhà một thời nào xinh tươi ấm cúng giờ đang tàn tạ rũ buồn như cuộc đời của Má tôi, bao năm qua đã phải hết chịu tang chồng, rồi đến khóc con trong đớn đau chất ngất.

Anh em tôi dạo sau này cũng không mấy khi có mặt ở nhà. Tôi vùi đầu trên trường, thư viện và thăm mộ Ba, mộ Nguyệt. Chị tôi vừa học năm đầu đại học, vừa dạy kèm trẻ trong cư xá, con mấy bác bạn Ba Má tôi; anh tôi thì cũng hay lang thang đó đây cùng bạn, và người em trai kế thì sau giờ học thì chỉ chạy chơi đá banh với bạn trong cư xá, đến giờ ăn mới về nhà. Đôi lúc tôi cũng muốn về nhà sớm, làm một cái bánh cho Má tôi vui. Nhưng Má tôi như người mất hồn, bữa ăn bữa nhịn. Tôi bất lực, thấy thương Má mình nhưng không biết phải an ủi làm sao khi chính tôi cũng đang khổ đau, nhớ thương em mình quá đỗi. Có những đêm mưa, mưa ào ạt, vần vũ như ngày nào, tôi lại cuộn mình trong chăn, cố tìm lại những cảm giác êm đềm cũng không được, muốn khóc cũng không xong! Tôi lại chỉ nhớ đến những lần tôi và em tôi lén má tôi đi tắm mưa, hay những buổi ngồi thả thuyền giấy theo giòng nước mưa, nhìn chúng trôi vào ống cống!

Phòng khách cũng lạnh tanh! Khoảng giữa phòng khách và phòng ăn là nơi thờ phượng. Nhà tôi là căn nhà trong cư xá có nhiều bàn thờ nhất, bảy cái luôn! Đám bạn thân năm lớp sáu có lần ghẹo tôi: “nhà mày sao giống cái …miễu quá!” “Bậy nà,” đứa khác cãi “ngó giống cái đình chớ!” Tôi chỉ cười hì hì, công nhận bạn mình “phán” đúng phóc!

Má tôi rất mực thương chồng thương con, trọn đời dốc tâm, dốc sức để lo cho gia đình…Nhưng rồi Má tôi phải chịu bao thử thách: Ba tôi đã mất sớm, để lại một bầy con năm đứa, và đứa con Má tôi thương yêu nhất là Nguyệt lại cũng đã ra đi. Tôi đã phải xót xa chứng kiến cảnh Má tôi oằn mình khi lên cơn đau bao tử sau ngày Nguyệt mất. Khi Ba tôi đột ngột tử trận, tuy đau khổ cùng cực nhưng rồi Má tôi đã dồn hết tâm trí để thương yêu, chịu đựng bao nhọc nhằn để lo cho anh chị em chúng tôi, và không hề than thân trách phận. Nhưng khi Nguyệt mất, tinh thần Má tôi gần như kiệt quệ, vì thấy mình đã không cứu nổi con, dù đã chạy đủ cách, vất vả ngược xuôi, ròng rã hơn 5 tháng trời…

Có tiếng thì thầm trong phòng Mà tôi. Tôi vừa bước vào để thưa Má mình đã về thì bác T reo lên:

“À, cháu về rồi đó hả? Sao về trễ vậy làm Má cháu lo lắm nghe! Cháu còn học hả? Giờ này còn học hành gì nữa! Mấy con bác nó nghỉ cả tuần nay rồi! Đừng đi nữa cháu ạ! Nguy hiểm lắm !”

Bác T nói luôn một hơi không ngưng nghỉ, gương mặt lộ vẻ lo âu thực sự. Tôi cúi đầu nói nhỏ:
“Dạ tại đường nhiều chỗ bị cấm quá mà con lại không có giấy tờ…”

Má tôi nhìn tôi, vẻ mặt mệt mỏi và chỉ nói: “ Lần sau nhớ về sớm hơn nghe con! Con gái không nên về trễ vậy. Đi ăn cơm đi con! Má để phần cho con trong bếp đó!”

Tôi dạ nhỏ rồi lui ra. Bác T định “dụ” Má tôi đi đâu nữa đây? Tôi thầm nghĩ “con ‘thách’ bác đó! Má con sẽ không đi đâu! Còn mồ mả ông bà, Ba, em Nguyệt nữa! Má sẽ không bao giờ đi đâu, dù chỉ một ngày!” Và chính tôi cũng không muốn đi, không bao giờ muốn rời bỏ căn nhà ăm ắp những kỷ niệm tự thuở ấu thơ, cùng những ước mơ cao vời cho quê hương yêu dấu! Mà tại sao lại phải đi nhỉ? Tôi đã tự nhủ nếu “nó” vào mà mình mất tự do, “nó” dã man tàn ác như những gì mình đã nghe được từ Má, từ nhiều người lớn, từ phim “Chúng Tôi Muốn Sống” từ truyện “Trại Giam Đầm Đùn” thì mình bỏ vào “bưng” chống nó, chết thì chết chứ không thể bao giờ tôi có thể phản bội gia đình, đấu tố người thân, và sẽ không rời bỏ quê hương, nơi ông cha tôi đã đổ máu xương gìn giữ đến giờ. Tôi luôn nghĩ “ mình là con Ba, phải gan lỳ, “anh hùng” như Ba, bất kể là trai hay gái!

Bác T về, tôi trở vô phòng ngồi gần bên Má. Gương mặt đẹp não nùng của Má tôi giờ đã bắt đầu hiện rõ những nếp khổ đau, chất chồng theo năm tháng.. tôi choàng tay ôm cổ Má, hỏi:

“Bác T nói chuyện gì vậy Má? Con nghe bác nói gì mà đi với ở hả Má?”

Má tôi nói nhỏ: “Ờ, thì bác rMá tôi nói nhỏ: “Ờ, thì bác rủ mình đi Pháp với bác, bác lo cho. Cả nhà bác định đi tuần tới”

“Sao lại phải đi hả Má? Mà Má có muốn đi hông? Con hỏng đi đâu à nhe!”

“Bác nói là lộn xộn, nguy đến nơi rồi. Nhiều người đi từ tháng ba lận. Nhưng Má cũng không đi”

Tôi nghinh mặt lên:”Bác muốn nói VC sắp vào hả? Con không tin nó sẽ vào được! Mà nếu nó vào được thì con chống nó tới cùng, không được thì con nhảy bến sông Bạch Đằng tự tử!”

Má tôi nhíu mày: “Đừng có nói tầm bậy! Chắc bác trai biết rõ tình hình nên mới định đi. Mà mình không đi thì thôi…”

Tôi lại lách chách:”Mấy bác đi trước là … dở ẹc! Chưa gì bỏ lính bỏ dân chạy hết! Con mà là tổng thống, con cúp chức mấy bác!”

Má tôi lại nghiêm giọng: “Con là con nít biết gì! Mấy bác người lớn, con không được hỗn. Có làm chồng, làm cha mới biết cái khổ của họ…”

Tôi im, không dám cãi Má. Má tôi đứng dậy ra bàn thờ thắp nhang cho Ba và em Nguyệt. Tiếng thạch sùng chậm rãi kêu trong đêm và tiếng quạt máy trên trần nhà khiến tôi lại suy nghĩ mông lung, trí óc mơ hồ, hỗn độn…Tôi vào phòng, nằm ngó lên trần nhà cao, trắng bóc, nơi mà khi còn bé, tôi từng ao ước được đặt chân lên, chổng ngược đầu xuống đất! Những lúc ấy, chỉ tưởng tượng thôi mà tôi cũng đã cảm thấy say say, quay mòng mòng với những hình ảnh kỳ lạ, không bình thường…Tôi lại tiếp tục thắc mắc: Tại sao lại phải đi ? Tại sao mình không ở lại để “lý lẽ, phải trái” với “nó” trước? Cho nó biết là mình giỏi thế nào và yêu nước ra sao! Mà nếu “nó” không ra trò trống gì thì mình… làm cách mạng, quyết chiến đến cùng! Tôi đã học gần xong lớp 9, lớn lắm rồi chứ giỡn sao? Tôi miên man nhớ đến những lời hát hùng hồn, phấn khởi của những bản du ca, những bài ca sinh hoạt Hướng Đạo, những câu thệ nguyện hy sinh, quyết gìn giữ, đắp bồi cho quê hương….Làm gì có chuyện đi một cách…lãng nhách như vậy!

Mấy tháng nay, sau ngày em mất, tôi như cái xác không hồn, hờ hững với tất cả những biến động đang xảy ra chung quanh. Chỉ khi nghe chuyện người lớn tính toán, rủ rê Má tôi xuất ngoại, tôi mới giật mình, để tâm lắng nghe một chút. Và tôi lại bất mãn, giận hết mọi người! Tuy không dám lớn tiếng “phê bình” vì sợ Má bảo là tôi “hỗn”, tôi ấm ức, gặm nhấm sự bực bội, tức tối khôn nguôi! Tôi giận người Mỹ không giữ lời hứa, tàn nhẫn, bỏ “đồng minh” cái rụp. Tôi giận những người “quyền cao chức trọng” trong chính phủ miền Nam đã không thể nắm cán, rút binh, bỏ ngỏ cho CS nó vào! Và tôi căm hận nhất là bọn CS quỷ quyệt, u mê, cuồng điên, đã gây ra bao thảm cảnh chỉ vì muốn nhuộm đỏ cả nước theo cái chủ nghĩa CS hết sức tàn ác. Cái chủ thuyết ngoại lai, đến từ Nga, khiến bao nhiêu người chết thảm, chết non, gia đình ly tán. Họ, chính những người theo cái chủ thuyết “tam vô” ấy , đã xéo dày quê cha, đất tổ, làm nhục tổ tiên, phản bội tiền nhân đã dày công dựng nước!

Rồi tôi nghẹn ngào nghĩ đến những hình ảnh thanh bình trong tâm tưởng, với lúa vàng ngào ngạt hương quê … đến bao giờ dân tôi mới được thực sự sống trong no ấm, công bằng, bình an, không bị các cường quốc xâu xé tanh banh?
Ôi con người, thế giới, lòng nhân…những mỹ từ vĩ đại quay quắt trong tôi như muôn ngàn lưỡi dao lam sắt bén! Một số những “ông lớn” từ từ đi, người đi trước bằng máy bay, kẻ đi sau bằng tàu! Nhưng cũng có rất nhiều vị sĩ quan rất nghĩa khí, anh hùng, vẫn cố tử thủ, sống chết với thành, với lính….Rồi tôi nhớ đến Ba tôi và tự hỏi, nếu còn sống, Ba tôi có đi không? Má tôi luôn kể về sự can đảm, hào hùng, thanh liêm với tình yêu nước ngất trời của Ba….nên tôi tin, tôi chắc là Ba tôi cũng sẽ không đi mà sẽ chiến đấu với bọn CS-tay sai của Nga, Tàu- đến cùng cho lý tưởng tự do, công bằng dân chủ! Rồi tôi chìm dần vào giấc ngủ chập chờn, với tiếng đạn xa xa vọng về như những lời ru nhỏ….

Lên trường lần cuối

Ở nhà chưa được một tuần, tôi đã chạy trở lên trường. Tôi lên vì quá…nhớ trường và vì thầy Quảng dạy Việt văn đã hứa sẽ “gà” cho tôi trong mùa hè để năm sau tôi dự thi giải văn chương phụ nữ tại các trường trung học, nhằm dịp lễ hai bà Trưng những năm sắp đến. Bây giờ thì nghỉ hè rồi! Tôi nghĩ mình cần phải nhắc thầy về lời hứa đó….

Trường vắng hoe, nhưng cổng chính vẫn mở. Khóa chiếc xe đạp xong, tôi đi thẳng lên lầu nơi có phòng làm việc của thầy Hồ, thầy hiệu trưởng. Các văn phòng khác đều đóng kín, ngoại trừ phòng làm việc của thầy. Tôi khấp khởi vui mừng khi thấy thầy Hồ ngồi trong phòng, và cô thư ký có đôi mắt to đen lay láy, đang sắp xếp một chồng giấy tờ ở ngoài phòng đợi. Sau khi nghe tôi nói muốn được gặp thầy, cô dịu dàng bảo “em cứ vào trong gặp thầy đi nhé”.

Thầy Hồ nhìn tôi, có vẻ ngạc nhiên nhưng vẫn cười thật tươi, và hỏi:

“Con lên đây có chuyện gì không ?”

“Thưa thầy, năm sau con lên lớp 10!”

Tôi ngừng lại, ngập ngừng vì ánh mắt khó hiểu của thầy. Ráng thu hết can đảm, tôi nói tiếp:

“Dạ thưa, thầy Quảng có hứa , sẽ giúp con chuẩn bị đi thi giải văn chương phụ nữ năm sau nên con…”

Rồi tôi im bặt. Vì thầy bỗng nhìn xuống bàn, trán nhíu lại, vẻ mặt phiền muộn xa xăm, điều tôi chưa từng bao giờ thấy trước đây.

Tôi đã tưởng lúc nghe tôi hỏi Thầy sẽ vỗ trán và kêu lên: “à, có vậy mà Thầy quên mất đi! Để thầy bảo thầy Quảng liên lạc với con sau nhé!” Nhưng thầy vẫn ngồi lặng im lâu thật lâu. Cuối cùng thầy ngước lên nhìn tôi với đôi mắt thật buồn, hằn vẻ xót xa, chua chát… chỉ trong một thoáng qua ánh mắt thầy, tôi bỗng đọc thấy tất cả những điều tôi đã và đang muốn quên, muốn phủ nhận: Sài Gòn sắp mất! Tôi như mất dần cảm giác. Toàn thân tôi lạnh buốt. Và tiếng của thầy như vọng về từ một cõi xa xôi nào: “Thầy Quảng đã đi …nghỉ mát ở Pháp rồi, không biết khi nào thầy mới về. Còn việc kia, thầy hứa, nếu trường mở cửa lại….”

Óc tôi lùng bùng. Tôi có nghe lầm không? Không, rõ ràng lắm mà! Nhưng thầy đang nói cái gì vậy? Nếu trường mở cửa lại? Thầy muốn nói gì? Đất trời chung quanh như xoay vòng khiến tôi choáng váng…

Tôi lúng búng, ngập ngừng chào thầy và bước ra khỏi văn phòng. Cô thư ký nhìn tôi khẽ mỉm cười. Tôi không cười đáp trả, cổ đắng ngét. Tôi có cảm tưởng như cô ấy đang cười tôi. Mỉa mai, thương hại hay chế diễu? Cái nào cũng vậy thôi!

Tôi ra về, nắng đổ trễ tràng xuống sân cỏ xa xa. Những sợi nắng cuối cùng của một ngày mới héo hon, hiu hắt làm sao! Tai tôi lùng bùng, đầu tôi quay quay trong ánh nắng lung linh nhảy múa. Tôi chỉ muốn quên tất cả. Ba tôi qua đời, em tôi mất! Chưa đủ hay sao? Tôi đã tưởng đó là điều đau đớn, phũ phàng, cay đắng nhất tôi phải chịu đựng trong khoảng tuổi đầy tin yêu này. Cái vẻ bình thản, lạnh lùng tôi mang trên mặt từ mấy tháng nay là kết quả của sự căng thẳng, đè nén nỗi đau tột cùng sau cái chết của em tôi mùa đông trước. Bây giờ, khi nỗi đau ấy đã bắt đầu lắng dịu, khi tôi bắt đầu chấp nhận việc em mất, thì thực tế cay nghiệt đến trắng trợn phũ phàng lại thêm một lần nữa bóp nát tim tôi: Trường có thể không mở cửa!

Đôi chân tôi gần như không vững. Ai mang gió Đông về làm tê cóng hồn tôi trong nắng đổ héo hon? Có bàn tay nào đang kéo sương làm về giăng mờ cửa mắt…Nắng lịm dần trong mây xám mênh mang. Ngôi trường thân yêu ngả màu chiều thê lương, trong hiu quạnh, ngổn ngang như một thành xưa hoang phế….

Những ngày cuối trong Cư Xá Hải Quân 29/4

Phượng vẫn chưa nở. Ngoài kia những con chim đang ríu rít gọi nhau trên cây bàng lá trổ xanh um. Mấy năm trước, cứ gần nghỉ hè, đám trẻ con trong cư xá tranh nhau hái phượng. Hoa phượng đỏ thắm, có đài xanh để làm rau, cánh hoa đỏ làm thịt xá xíu cho những cô bé chơi bán hàng…Năm nay chúng tôi được nghỉ hè thật sớm. Nhưng hè còn biếng nhác, ngại ngùng, chưa muốn đến nơi tôi ở hay ban cho chúng tôi những cành hoa đỏ ối. Tôi không còn đến trường nữa nhưng vẫn đến lớp học thêm tiếng Anh mỗi tuần hai lần, vì Má tôi đã lỡ đóng tiền trước đây. Mấy tuần trước, tôi vào lớp, thấy bàn ghế trống trơn, và nhìn gương mặt thất thần lo lắng của ông thầy dạy anh ngữ. Tôi cũng nghe được những lời bàn tán dự định đi xa của các “cô ấm, cậu chiêu”trong lớp! Kẻ khoe sắp đi Pháp. Người nói sẽ đến HK trong hai tuần. Tôi lặng lẽ, thờ ơ với những lời khoe khoang lố bịch đó. Có đứa còn ra vẻ khi dễ chuyện đi của những người không có nhiều tiền như: “eo ơi, đi bằng tàu dơ chết! Gia đình tao có passport để đi bằng máy bay hôm kia rồi!” Thì ra ngay cả lúc sắp trở thành những kẻ tha hương, những kẻ lạc lõng, bơ vơ trên đất người, có kẻ vẫn còn tìm cách để phân biệt, hơn thua, để phô trương thêm cái yếu hèn được phủ che bởi sự giàu sang, ích kỷ!

Để bớt thấy thừa thãi, vô dụng, tôi lại lôi cọ, sơn dầu ra vẽ tranh. Bức tranh tôi vẽ từ trí tưởng tượng về một ngày mai thanh bình trên quê hương, có lúa vàng trĩu nặng…Tôi loay hoay mãi vẫn chưa hoàn tất được vì thỉnh thoảng lại phải ngừng nửa chừng vì phải làm việc này, việc nọ trong nhà, hay khi nghe pháo kích…

Hôm 27/4, vì nhà bác T, gốc người Huế, có rất nhiều bà con chạy vào từ Đà Nẵng nên bác qua nhà tôi nhờ Má tôi “chứa” giùm cho một gia đình khoảng 7-8 người, có lẽ để chờ dịp , chờ khi có tàu thì đi ….Má tôi nấu nồi cơm thật lớn, mời họ cùng ăn. Nhà chỉ còn trứng và đậu phọng, Má tôi luộc trứng, dầm nước tương và cho rang đậu phọng để mời “khách” đang tạm trú …Căn nhà tôi bỗng rộn rịp tiếng người, chật chội, và vẻ lo âu, căng thẳng hiện rõ trên gương mặt từng người đang tạm trú . Má tôi vẫn thường xuyên niệm Phật, thắp hương bàn thờ. Có lẽ điều này khiến Má tôi trông có vẻ “bình thường” trong một hoàn cảnh rất bất thường!

Ngày 28, trời mưa thật lớn và giới nghiêm 24/24. Mưa làm cho cây cỏ trông xanh tươi hơn bên bầu trời xám đen nặng trĩu nỗi buồn. Tin tức cho biết có thêm TT mới. Mọi người bàn tán xôn xao: ” không còn bao lâu nữa, chắc SG sắp mất rồi”. Trên TV, hình ảnh người dân bồng bế tản cư, và chết la liệt trên đường bắt đầu khiến tôi thấy thêm xót xa, tê tái…Người chết la liệt, bên những người cuống cuồng cố tìm đường sống bấp bênh, vô định.. Tiếng súng, và tiếng pháo kích vẫn vọng về, càng lúc càng thường xuyên hơn …

Hôm nay là ngày 29. Tôi bỗng cảm thấy bình tĩnh, và thản nhiên đến lạ lùng. Những diễn biến dồn dập, khiến mọi người lo âu , hoảng sợ, những thay đổi ngôi vị mau chóng của những người trong cương vị dẫn đầu dân tộc giờ đang tuần tự diễn lại trong đầu tôi. Người tuyên bố hùng hồn nhiều điều nghe thật khó hiểu, cùng những lời hứa hẹn xa xôi… Và người dân càng cuống cuồng xuôi ngược, ly tán, ngẩn ngơ. Có lúc tôi thấy gia đình tôi ngồi chờ chết dưới chân cầu thang trong những trận mưa bom gần xa, dồn dập. Đôi khi tôi thấy Má tôi thờ thẫn quỳ dưới chân bàn thờ, lâm tâm khấn nguyện. Tâm hồn tôi bây giờ giống như một miếng thịt bị nấu quá lâu trong nồi nước sôi sùng sục. Những căng thẳng, khủng hoảng trong tinh thần khiến tôi gần như chai đá, gan lì. Tế bào thương yêu trong tôi dần như bị xéo dày, chà nghiến….

Hôm nay, sau hai ngày bị “cấm cung”, những gia đình chưa “di tản”, vẫn còn lại trong cư xá đều có vẻ vui tươi hơn khi được ra cửa, ngó mặt nhau… Gia đình người bà con bác T cũng chuẩn bị “khăn gói lên đường”, vào Hải Quân Công Xưởng, để lên tàu đi ….đâu đó. Người đàn bà trưởng gia đình cảm ơn Má tôi đã cho họ tá túc mấy hôm và trao cho Má tôi một xấp tiền, không biết bao nhiêu, nhưng chắc nhiều lắm. Má tôi không nhận, nói là Má tôi coi họ bác T như người thân trong nhà, và chúc họ đi may mắn ….

Tôi chợt nhớ đến khoảng đường Cường Để tôi còn chạy xe đạp ngang hơn một tuần trước. Tôi đã thấy me rụng đầy đường, vàng cả lối đi…Và rồi, như một kẻ mộng du, tôi chạy thẳng ra phía đường Cường Để. Tôi lặng người bởi cảnh tượng trước mắt. Sau bức hàng rào kẽm gai, từng đợt me rơi lả tả, như bất chấp, như vội vàng cho xong một kiếp phù du. Mưa vàng của tôi! Những cơn mưa hè nhẹ nhàng rớt rơi theo lá me đã cho tôi từng giọt vàng bé nhỏ; đã khiến tôi và Nguyệt không biết bao nhiêu lần mê say, ngơ ngẩn, và chạy ruợc nhau theo từng cơn gió xoáy xoay. …Giờ cũng những giọt vàng bé bỏng ấy, cũng lấp lánh, tơi tả rụng rơi trong nắng đổ miên man…Nhưng không một ai chiêm ngưỡng, hay xót thương…Cổng vào HQCX dường như đang bị cấm. Tôi thẫn thờ trở về nhà….Thiên đường vụng dại của tôi từ đây mất hẳn.

Tiếng xì xào bàn tán của những gia đình còn lại trong cư xá đang tụ họp càng lúc càng lớn hơn. Có tin là đêm nay chúng sẽ pháo kích vào Cư Xá. Cũng có thể “chúng”sẽ theo ngả sông Bạch đằng để chiếm trọn bộ tư lệnh và Cư Xá. Vẻ lo âu hiện rõ trên gương mặt của mỗi người.

Em trai tôi chạy về nói “Má ơi, ai cũng đi hết, mình cũng đi nha Má?” Căn nhà tôi bỗng nhộn nhịp khác thường. Hết bác T, đến bác Đ, bác H…Các bác cố thuyết phục Má tôi đi…. Tôi nghe loáng thoáng những câu nói: “đi chị! Ở đây nó bắn chết, chị cũng đâu săn sóc được mồ mả cho anh!”

Má tôi vẫn tỉnh queo: “kệ, sống chết có số. Cùng lắm là mình chết thôi chứ tôi không đi đâu.”

Một bác khác năn nỉ: “Mình chỉ vào bộ chỉ huy để tránh đạn đêm nay thôi, mai về sớm. Đi, đi với tụi em chị nhé?”

Má tôi vẫn lắc đầu, không nói, ánh mắt xa xôi, hiu hắt…

Thấy Má tôi nhất định không đi, cuối cùng, bác Đ đổi “chiến thuật”. Bác chỉ vào chị tôi và tôi, xong phán một câu: “chị không đi tụi nó mà vô được, rủi nó bắt hai đứa này làm vợ, chị chịu được không?”

Chỉ đến khi nghe câu này, tôi mới thấy Má tôi có vẻ lo lắng! Gì chứ nghe đến chuyện “bị bắt làm vợ” đối với Má tôi là điều kinh khủng hơn cả chuyện bị chúng giết! Má tôi nhìn lên bàn thờ Ba tôi, xong nhìn tụi tôi, nói giản dị: “Thôi, đi trốn vài bữa con. Mang theo vài bộ đồ thay đổi vài ngày, và có giấy tờ gì cần thiết thì mang theo. Nhớ phụ Má khoá kỹ mấy cửa tủ trong nhà…”

Má tôi thắp hương đến các bàn thờ trong nhà, vẻ mặt xa vắng, muộn phiền như những ngày em tôi vừa chết.

Trước khi đi “soạn đồ”, tôi ngồi vào cái bàn đánh máy chữ hiệu Remington Má tôi mới mua cho tôi vài tháng trước. Đó là “bảo vật” của tôi khoảng sau này! Tự dưng tôi nghĩ là …có thể tôi không còn được dùng nó nữa! Tôi đánh vài chữ “trối trăn” rồi nhét lên trên máy, đại khái như sau: “cái máy này là của tui. Không ai được đánh máy này hết! Nếu tui không về nhà được, nếu tui chết khi đi lánh đạn, vì CS, thì hồn tôi sẽ theo “ám”, làm cho bất cứ người CS nào muốn dùng máy này cũng sẽ không thể đánh trọn bài nào hết”. Rồi tôi lại tự an ủi là người lớn hay lo quá độ thôi, và chỉ vài ngày nữa là mình cũng về lại nhà mà. Tôi không nói thêm chi nữa, lẳng lặng vào tủ lấy vài bộ đồ thường mặc để vào cái va li chung của cả nhà! Má tôi và chị tôi bỏ những món đồ nào có vẻ như “quý”, khoá hết vào tủ sắt! Thức ăn mang theo của cả nhà tôi chỉ có vài nắm cơm nguội, và mấy cái trứng luộc và đậu phộng rang còn lại trong chạn tủ…Đầu óc tôi trống rỗng, tay chân bỗng lóng cóng, vụng về suy tính: mang cơm, áo xong còn bàn chải và kem đánh răng nữa chứ! Trung, em tôi, lý luận bảo mang đồ cũ, xấu theo, để rủi bị bắt, “nó” nghĩ mình là nghèo, không giết mình! Thế là xong hành lý đi “tránh bom” của cả gia đình tôi.

Trước khi đóng cổng, tôi nhìn lại căn nhà lần cuối. Chậu hoa lài thường đã xơ xác, nay lại càng ủ rũ, tiêu điều hơn. Bồn cúc Nhật chính tay tôi săn sóc cũng còi cọc, võ vàng như cụm cỏ khô. Cả ngôi nhà, và những cây cỏ, hoa lá như chìm trong thê lương, ảm đạm, hoang vắng đến vô cùng….Ngay phút ấy, tự dưng tôi nao nao, thấy thương cái u buồn, quạnh hiu của căn nhà quá đỗi! Rồi mình sẽ về mà! Sáng mai cũng không chừng! Và tôi tự hứa, kỳ này về nhà sẽ chăm sóc lại các cây lá trong vườn, và trang hoàng lại cho ngôi nhà lại được ấm áp như cũ! Tôi sẽ trồng lại hoa, nuôi lại cá. Tôi không còn nước mắt để khóc nữa. Chắc là không còn gì để tôi đau xót hơn được nữa đâu!

***

Gia đình tôi ra khỏi cổng chính của cư xá, trên đường Lê Thánh Tôn, rồi hướng về Cường Để. Nhiều gia đình trong cư xá mang theo rất nhiều hành lý, cả người làm nữa! Vào đến Hải Quân Công Xưởng (HQCX) thì đã hơn 6 giờ chiều. Đoạn đường từ nhà đến HQCX trước đây thật thơ mộng, bình an và ngắn ngủi vì cách nhà tôi chỉ vài trăm mét, bây giờ bỗng dưng trở thành quá dài, quá hỗn độn! Đạn bắt đầu bay, mỗi lúc một nhiều và dồn dập hơn. Đến lúc này thì cảnh hằng ngàn người từ đâu không biết cũng đã tràn ngập trên đường Cường Để. Tiếng người inh ỏi gọi nhau, những cánh tay níu chặt nhau vì sợ bị lạc mất! Tôi đi, rồi chạy theo gia đình, tìm chỗ núp, rồi lại đi, trong ánh hoàng hôn tím lịm, trong gió rít theo tiếng đạn bay veo véo trên đầu. Rốt cuộc thì gia đình chúng tôi cũng vào được bộ chỉ huy hạm đội, nơi khá kiên cố, có thể tránh được đạn đang bay liên tiếp bên ngoài. Những viên sĩ quan trực, những người lính nhìn bọn tôi nửa tò mò, nửa như ngạc nhiên, lẫn vẻ chế riễu. Họ vẫn thản nhiên cười đùa, vẫn tụ năm tụ ba xem ti vi đang chiếu chương trình nhạc gì đó. Một người lính thủy bỗng cười sằng sặc khi nghe ca sĩ Thanh Mai hát “Sao anh không đến thăm em chiều nay…”rồi chửi đổng, hướng về…cái TV: “ĐM, anh cắm trại 100% , làm sao thăm em được!” Tôi đâu ngờ đó là lần cuối tôi được nghe ca sĩ Thanh Mai hát trên TV VN!

Tiếng dội bom mỗi lúc một gần. Những người lính bớt cười đùa. Rồi một người bạn của ba tôi thình lình xuất hiện, và bảo gia đình tôi theo cả nhà bác xuống tàu (một chiếc tàu đang hư, chưa sửa xong) để “tránh bom” vì bộ chỉ huy đã ra lệnh không cho đàn bà con nít ở lại đó. Đến lúc này tôi mới thấy tận mắt cảnh chạy loạn, rất loạn. Người ta xô nhau, bừa lên nhau mà đi. Bác H kiếm được một chiếc xe zeep đưa cả gia đình tôi ra bến tàu. Ở đây, người ta đông như kiến , lúc nhúc lấn chen nhau ở các cầu tàu. Trông xa xa, mặt sông bàng bạc, lấp lánh phản chiếu ánh đèn và ánh trăng. Cái cảnh ngược xuôi tức tưởi ở trên bờ mới đối chọi, trái ngược làm sao với vẻ êm ả, hiền hoà mặt sông đang mang. Gia đình tôi bị thúc lên cầu tàu. Trong sự căng thẳng sợ bị lạc mất gia đình, tôi như cái máy, cố níu chặt tay những người thân. Tôi đi, chạy, vấp ngã, đứng dậy, leo lên một chiếc tàu, trong những tiếng người ơi ới gọi nhau, thúc bách và những tiếng hét, ra lệnh từ những quân nhân trên và dưới tàu: “ đến chiếc tàu kia, ở đây chật lắm, hết chỗ rồi, xuống đi, xuống mau….”

Má tôi đang còn rất yếu vì chưa dứt bệnh bao tử , gương mặt bơ phờ, nhợt nhạt….Cuối cùng, gia đình tôi cũng “lọt” hết lên một chiếc tàu được xem là tàu hư vì đang còn trong “ụ” để được sửa chữa. Nhưng tàu cũng đầy nghịt người, chen chúc, hỗn loạn. Có người mang cả drap trải giường, gối, mền, cả quạt máy! Tôi ngẩn người, thắc mắc tại sao họ lại phải mang bao nhiêu đồ đạc nhiêu khê, lỉnh kỉnh … cho một đêm tránh bom???

Bỗng dưng tôi nghe tiếng la thất thanh của một người đàn bà. Bà khóc và gào thét, cầu cứu vì con bà đã bị rớt xuống sông. Tiếng thét não nùng, tuyệt vọng. Tôi căng mắt lặng nhìn, tim gan như muốn vỡ trong lồng ngực vì cảnh tượng kinh hoàng đó… và tiếng thét gào của ngừoi đàn bà ấy vẫn ám ảnh tôi, mãi đến sau này…

Rồi thì cầu tàu cũng được kéo lên. Trên bờ vẫn còn rất nhiều người đứng, tay xách nách mang….lúc này tôi chỉ mong có một chỗ ngồi với gia đình mà không bị người khác dẫm lên mình! Một lúc sau thì cũng có chỗ : một góc nhỏ của sàn tàu hoen rỉ là chỗ ngủ của gia đình tôi đêm nay. Cả nhà mệt mỏi, ngồi tựa vào nhau…Đoàn thủy thủ trên tàu bảo mọi người phải im lặng tối đa, không khóc la, không được hút thuốc. Tôi thiếp dần đi trong sự mỏi mệt tột cùng sau những giây phút kinh hoàng, căng thẳng….

Trong đêm tối mịt mù, tôi chợt giật mình tỉnh dậy vì có ai đó đã đạp vào chân tôi, giữa những tiếng ồn ào chung quanh “tàu sắp nhổ neo, sắp đi!” . Tôi ngơ ngác hỏi: “Đi đâu? Chứ không phải mình ở đây để tránh đạn sao? Không phải là tàu đang hư hay sao? “ Có tiếng người khác hỏi, ” Đi Phú Quốc hả? hay Côn Sơn” rồi có tiếng trả lời:“ không, đi Phi!” “Đi Mỹ”, xong có tiếng ai đó: “hỏng có đâu, tàu này là tàu hư, đang chờ sửa mà, đi đâu nổi!” và cũng có người nói “ đi đâu cũng được miễn xa khỏi SG đêm nay!”

Rồi một giọng nghiêm khắc cất lên: ”tất cả im hết! Không nói, không la, không hút thuốc hay mở đèn pin nghe chưa?”

Và chiếc tàu từ từ đi động, tôi bàng hoàng, chết lặng người…đầu tôi quay quay, cả bầu trời dường như sụp đổ! Tôi đâu có nói với ai, bạn bè, thây cô, bà con là mình sẽ đi. Còn sách vở, bàn đánh máy, căn nhà, bàn thờ, nấm mồ em tôi còn chưa có hoa vàng nở trên khoảnh đất có bụi cúc mới trồng….Ai sẽ trông nom, thăm viếng mộ Ba tôi, và em tôi? Và nhất là: tôi chưa có dịp, có chút cơ hội nào để cống hiến cho quê hương những mơ ước cao vời, cho một VN thanh bình, công bằng, no ấm…Trời hỡi!

Tôi nhìn qua Má tôi. Tuy không khóc, nhưng đôi mắt to đen của Má tôi chất chứa nỗi buồn đau, chua xót mênh mang…. Tôi cố mở căng mắt nhìn lại bến Bạch Đằng đang dần xa trong màn đêm. Cổ tôi đắng ngét, khô cằn, mắt tôi mờ đi sau hàng nước mắt xót xa, não nề….

Sương bắt đầu rơi phủ trên sông. Trong cái buốt giá của cơn đau chất ngất, chơi vơi, đóng băng tim óc, tôi lịm dần vào giấc mộng chập chờn, mơ hồ, lơ lửng…Ở đó, có bóng hai đứa bé giang rộng cánh tay, xoay vòng theo từng cơn gió lốc, có những giọt vàng lấp lánh, rơi rụng trên cao, và có sóng lúa nghiêng ngả vàng hoe trong tấm tranh còn đang vẽ dở….

Đường Cường Để gần bến Bạch Đằng, là nơi gia đình tôi đã lên tàu Thị Nại ngày 29/4/1975. Bên trái hình là Hải Quân Công Xưởng. Bên phải là Bệnh Xá HQ….

Minh Phượng (Hồi ký, viết vào năm 1978)