Thưa Cô Trang Đài,
Cháu đang ở tuổi 34, có một con gái lên 8. Chồng cháu kém cháu một tuổi, 33. Chúng cháu làm cùng sở tuy không học chung trường, gặp nhau, tự do yêu nhau, chọn nhau và kết hôn đến nay được 11 năm.
Sống với nhau vài tháng đầu, cháu đã biết mình chọn không đúng người nhưng vì có con nhanh quá, cháu dù muốn thay đổi cũng thấy rất ngại ngùng nên nhủ lòng hãy kiên nhẫn thêm. May mắn là cháu biết khôn nên không để có đứa con thứ hai.
Mười năm nữa trôi qua, ngày càng buồn chán hơn cho cháu. Về phần cháu thì thế, về phần chồng cháu chắc cũng không khá gì hơn. Tụi cháu sống bên nhau như hai người tù ở chung khám đường, không ai kiểm soát ai và ai muốn sống sao thì sống, miễn là đừng khuấy động nhà cửa bằng những việc quá giới hạn chung. Thỉnh thoảng tụi cháu cũng cãi nhau to tiếng, thậm chí đập vỡ chén dĩa để thiết lập biên giới mới, ví dụ chồng cháu không được kiểm soát những chi tiêu riêng của cháu, không được hỏi cháu tắm xong đã lau phòng tắm chưa, hay mang con đi đâu cả buổi mà không nói trước cho anh ấy biết, v.v…
Cháu tiếc thời gian mất đi một cách vô ích và vô nghĩa nhưng không biết phải làm gì? Mẹ cháu ở xa, bà lại theo xưa, mỗi lần có dịp chuyện trò, mẹ cháu đều nhắc đến kỷ niệm buồn của bà khi trước đây, vì tự ái, bà đã không kịp suy nghĩ mà vội vã chấp nhận đề nghị ly dị của bố cháu để rồi lâm vào cảnh phải nuôi con một mình và chịu nhiều thử thách cay đắng. Biết tâm lý mẹ cháu như thế, cháu không dám tâm sự với bà chuyện riêng của cháu nên cứ vật vờ sống qua ngày.
Mới đây, cháu gặp một người đàn ông khác. Nhìn thấy anh ta, nghe anh nói và thấy cách anh xử sự, cháu chợt nhận ra đâu là nguyên nhân sự thất vọng của cháu trong hôn nhân. Anh thật là mẫu người cháu muốn được có trong đời cô ạ! Chúng cháu hợp nhau ngay và cháu không nghĩ ngợi gì khác nữa ngoài việc nói thẳng với chồng cháu là cháu muốn chia tay.
Mặc dầu dường như có ít nhiều bất ngờ với anh nhưng anh cũng ôn hòa đồng ý là cả hai nên chấm dứt cuộc sống chung chẳng còn ý vị gì nữa. Vậy là cháu lập tức dọn ra khỏi chúng cư và cháu với anh thỏa thuận chia nhau mỗi người thay phiên giữ con 3 ngày trong tuần.
Đã hai tháng nay cháu ở một mình, vừa quên người cũ, quãng đời cũ, vừa vui hưởng hạnh phúc mới của một người đã lấy lại tự do. Cháu thực sự cảm thấy nhẹ nhàng và yêu đời như tuổi 20. 99% cháu nghĩ cháu đã làm một quyết định đúng vì cuộc sống quá ngắn mà sao con người cứ phí phạm thời gian, chịu chôn mình trong sự buồn tủi và bất như ý?
Thưa cô, sẽ không có chuyện cháu trở về ngôi nhà cũ nữa đâu, nhưng cháu muốn hỏi cô coi cháu có nên tiến tới hôn nhân với người mới hay không? Hay là cháu cứ duy trì tình trạng hiện nay để ly rượu không bao giờ được uống cạn và tình yêu không trở thành hối tiếc?
Cháu cảm ơn cô và chúc cô luôn an vui.
Khương An
Cháu An,
Cách đây 3 thập niên, mỗi khi phải trả lời độc giả nêu câu hỏi tương tự cháu hôm nay, cô đều ra sức thuyết phục người trong cuộc ở lại trong cuộc hôn nhân của họ khi tình thế còn cho phép. Ấy là vì thế hệ cô quan niệm kiên nhẫn, chịu đựng, nhường nhịn vẫn dễ hơn chia tay, sửa cái mái nhà dột, thậm chí sạt lở, vẫn dễ hơn phá cả cái nhà đi, xây lại cái mới. Tỷ lệ “du thuyết” thành công rất cao, 80,90%, chủ yếu do sự kiên tâm của các bà vợ.
Cách nay 2 thập niên, tỷ lệ hàn gắn giảm xuống khá nhiều, 50/50. Trường hợp tốt nhất là cả hai vợ chồng cùng cố gắng, chấp nhận kéo dài thời gian hưu chiến cho tới khi các con xong trung học hay đại học.
Và bây giờ, như trường hợp cháu, “tiền trảm, hậu tấu”, xử chém trước rồi mới tâu trình sau thì cô đành bó tay thúc thủ. Lời khuyên nếu có, chỉ là hãy học bài học, hãy dùng kinh nghiệm quá khứ để sống tương lai cho tốt hơn vì đây là cách biện minh duy nhất đúng cho cuộc ly dị trước đó. Bây giờ, cô hiểu rằng muốn người khác chịu đựng rất khó! Một lần, một ngày, một tháng hay một năm, có thể. Hơn thế nữa, sẽ quá sức một con người bình thường, không làm được. Cô đứng ngoài, đưa ra một đề nghị mà không biết chắc người trong cuộc có “kham” nổi không là phạm tội không tưởng, làm sao dám?
Để trả lời câu cháu hỏi, có nên tiến tới hôn nhân lần nữa không? Cô gợi ý cháu nên có những khoảng thời gian tĩnh lặng để soi rọi nội tâm mình, tìm hiểu cháu thật sự mong muốn điều gì, tự lượng sức mình có khả năng trả giá (và trả tới mức độ nào?) cho điều cháu muốn không, rồi theo đó mà quyết định. Bao lâu cháu còn dè dặt, muốn hỏi ý kiến người này, người kia, ấy là cháu chưa thật sự quyết tâm, vậy hãy khoan. Trong mọi lúc, hạnh phúc và sự phát triển an toàn của cháu bé cũng là một yếu tố quan trọng hướng dẫn đường đi và sự ứng xử của cháu, đừng rời mắt khỏi con.
Cô cảm ơn cháu đã viết thư và cầu chúc cháu may mắn, luôn yêu đời như tuổi 20.
Trang Đài