Thủ Đức, thức đủ mỗi ngày!

 

Trần Thanh Bình

 

Ngày trước, mỗi khi có việc đi Thủ Đức, qua con đường Kha Vạn Cân, tôi thường hẹn bạn rồi tạt vào khu ẩm thực vườn cá sấu. Ngồi nghe tiếng còi tàu rời đi từ ga Sài Gòn, nhìn hành khách trên tàu nhóng qua cửa toa. Họ dần xa về một miền nào đó…

Chuyện làng mai
Còn bây giờ, đi xuôi theo đại lộ Phạm Văn Đồng thênh thang, thỉnh thoảng tôi cùng bạn bè đồng nghiệp tìm những ngôi quán ven sông, ngồi nghe gió lộng, nhìn lục bình trôi. Vì cái tên Thủ Đức mà có khi giỡn nhau là “thức đủ” rồi về. Nói lái vậy cho vui, bảo là thức nhưng tỉnh lắm, để nghe những chuyển động của xứ này. Mặt tây nam của Q.Thủ Đức được bao bọc bởi sông Sài Gòn, thành ra ngồi với chai bia lạnh trong chiều nắng, thỉnh thoảng lại nghe tiếng ồ lên thích thú của vài người vừa câu được con cá to từ mé sông gần đó. Thủ Đức êm đềm là vậy!
Trên đường về, thường gió đêm thổi mát rượi, lại nhớ đến lời của một vị giáo viên ngày xưa, ông Hoàng Trọng Sằng người Huế, nay đã 80 tuổi, đồng môn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Trường Sư phạm Quy Nhơn, vốn có thời gian ở quận này 4 tháng trước năm 1975, kể rằng: “Hầu như với người miền Nam, so với các quận khác, địa danh thị trấn Thủ Đức ngày ấy là quen thuộc nhất. Đất rộng, lại nằm ở cửa ngõ Sài Gòn, được nhắc đến nhiều thời trước”. Những ký ức lùi xa vào một cõi miên man, nhưng riêng tôi, kỷ niệm với quận này không hề ít.
…Đó là một vùng đất thuộc phường Hiệp Bình Chánh, có rất nhiều người dân bản địa chuyên trồng mai để bán mỗi độ xuân về. Một ngày nọ của năm 2002, họ nhận được “hung tin” những mảnh đất tự bao đời của mình sẽ bị quy hoạch, vì nằm trong dự án gọi là “khu đầu mối giao thông và dân cư Bình Triệu” hơn 41 ha, do Văn phòng Kiến trúc sư trưởng ký quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 ngày 18.3.2002, để làm ga khách kỹ thuật nối với ga Sài Gòn. Ngày đông chuẩn bị sang xuân năm đó, sau hơn 5 năm quy hoạch “treo”, mai cũng héo đi, bao người tỏ vẻ buồn rầu. Tôi về gặp bà con ở mấy khu phố của phường này, vừa tìm hiểu tâm tình, vừa cố nói mấy lời động viên. Rằng “sẽ viết bài để coi thành phố có xem xét lại cái đồ án quy hoạch này”, rằng “ nếu với sự quyết tâm, thành phố có triển khai đồ án, thì cũng sẽ không để bà con thiệt thòi”, lần sau lại rằng “có vẻ như thành phố đã ngưng dự án, vì sự giằng co tranh cãi việc dời ga xe lửa, nhưng không biết khi nào sẽ xóa quy hoạch treo”… Cho đến nay, người dân nơi đây dường như đã “bão hòa” với thông tin dự án này, vì suốt bao năm nó vẫn cứ… treo!
Rồi vườn mai cũng mấy lần tươi lại nở hoa, bà con lại tích cực đắp bờ bao ngăn triều cường khỏi ngập vườn. Vị nữ chủ tịch phường lúc ấy vốn là người sở tại, nhắn cho tôi một câu hồ hởi: “Bà con đã bớt phập phồng, đang chuẩn bị đón tết, chú về đây chị gửi tặng chậu mai vui xuân”. Tôi xuôi về Hiệp Bình Chánh, nhận chậu mai từ chị và tết năm ấy, rực một góc nhà!

Đại lộ trong đêm khuya
Phải nói rằng xác định khu phố thương mại sầm uất nhất của Thủ Đức là đường Võ Văn Ngân, chạy qua ngôi chợ Thủ Đức truyền thống, nơi bây giờ đã hiện diện nhiều trung tâm mua sắm hoành tráng. Vincom (thuộc Vingroup) cũng đã có mặt khá sớm trên con đường này. Và mới đây, đầu năm 2019, đã xuất hiện trên đường Phạm Văn Đồng một trung tâm thương mại Giga mall, với 7 tầng nổi và 1 tầng thượng, diện tích sàn là 110.000 m2. Người dân mặc sức mua sắm sau khi kiếm ra tiền, với đủ thứ thượng vàng hạ cám. Một ngày đầu tháng 12, phỏng vấn nhanh một câu với vị giáo viên nói trên, bây giờ đang ở Đồng Nai, về không khí Thủ Đức bây giờ, ông nói: “Tôi có con gái nhà ở đường Đặng Văn Bi, cũng khá gần chợ Thủ Đức, nên hay lui tới. Thủ Đức bây giờ so với mấy chục năm trước, hầu như không còn nhận ra…”. Cái điều ông “nhớ lại” và liên tưởng, ai cũng có thể hình dung được là một sự đổi thay gần như “lột xác”. Có thể từ hơn 20 năm trước, sau khi Q.Thủ Đức được “chia ba”, để có thêm Q.2 và Q.9 vào năm 1997!
Nhưng, cái sự phát triển mà không ai có thể chối cãi là đại lộ huyết mạch Phạm Văn Đồng chạy từ tây sang đông, nối liền sân bay Tân Sơn Nhất với nút giao thông cầu vượt Linh Xuân – QL1K. Điểm giao cắt hạ tầng giao thông này đã thông thoáng hơn nhiều, làm bật dậy một vùng đất dọc theo đại lộ xuyên qua 3 quận Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức. Con đường làm trong 7 năm do Hàn Quốc làm chủ đầu tư đã sớm bộc lộ ưu điểm ngay từ khi mới khánh thành vào năm 2015, trong đó đoạn dài nhất là chạy qua địa bàn Thủ Đức. Nhưng với tôi, độc đáo và ấn tượng nhất là mỗi khi qua cây cầu Bình Lợi màu đỏ gắt với 12 làn xe, rộng 60 m nối 2 quận Bình Thạnh, Thủ Đức. Gió mênh mông thổi, nắng thênh thang chiếu, tưởng chừng như những chật chội của những con đường nhỏ hẹp cắt ngang không còn thấm thía gì nữa!
Bởi vậy, mới hiểu vì sao hai bên con đường này, mỗi tối nam thanh nữ tú Sài thành thường ra đây cà phê hóng gió. Tôi và bạn bè, đã lớn tuổi nhưng đôi lần cũng không ngoại lệ, khi bỗng thèm một chút náo nhiệt phố phường và muốn ngắm trăng đêm. Nên một hôm nào đó thức khuya, có người nổi hứng đề nghị “hay là ta lập câu lạc bộ đêm khuya để thức đủ với miền trăng ở ven đại lộ này mỗi tháng một lần được không?”…

Đôi điều…
Tại TP.HCM, Thủ Đức là một quận có vị trí chiến lược. Ngoài đại lộ Phạm Văn Đồng xuyên quận, còn có 2 tuyến giao thông quan trọng, cửa ngõ giao thương với các tỉnh Đông Nam bộ, là xa lộ Hà Nội và QL1A. Các đoàn xe từ miền Bắc, miền Trung muốn vận chuyển hàng hóa vào TP.HCM đều phải đi qua “cánh cổng” này. Lợi thế có được cho Thủ Đức rất lớn, nhưng việc phát huy lợi thế ấy như thế nào, các nút giao thông kết nối liên vùng phải mở rộng ra sao để xóa bỏ tình trạng “thắt cổ chai” ở một vài chỗ đang là thách thức lớn nhất.
Sự bế tắc về nguồn vốn cho phát triển hạ tầng và an sinh xã hội đang đẩy thành phố vào tình thế khó bề xoay xở để hoàn thành các chương trình hoạch định lớn. Chính vì vậy, ngày 7.12 vừa qua, lãnh đạo TP.HCM cho biết là sẽ kiến nghị lên Trung ương điều tiết tỷ lệ ngân sách cho TP lên 33% trong giai đoạn 2026 – 2030, thay vì 18% như hiện nay. Thông tin này mới nhìn có vẻ là một con số mang tính… vĩ mô, song nếu đặt vào trong bối cảnh phát triển hạ tầng, nhất là các khu vực quan trọng, là “đầu mối” như Thủ Đức, nơi có tuyến metro chạy qua, hiện đang dang dở, thì nó có ý nghĩa vô cùng thiết thân với một quận cửa ngõ.
Những câu chuyện lùm xùm về đất đai, xây dựng mới đây xảy ra ở Thủ Đức như một “vết-thương – kỳ – lạ”, hiện hữu trên “thân thể” của một vùng đất. Bởi, bất cứ nơi đâu, người dân cũng luôn kỳ vọng có những người “cầm cân nảy mực” liêm chính thực sự. Nói như lời một người bạn khi ngồi với tôi bên bờ sông buổi ấy, trong chút nắng muộn còn vương lại trên sông loáng ánh chiều: “Bây giờ nếu rà soát lại cho hết những đoạn bờ sông chạy dài theo địa giới Thủ Đức, thì có biết bao nhiêu công trình lấn chiếm. Ai sẽ còn ngợi ca những điều tốt đẹp được, khi mỗi ngày chúng ta cứ phải chứng kiến bao điều chưa tốt, từ những hành xử lệch lạc của một bộ phận quan chức và công dân cố tình coi thường kỷ cương phép nước”.
Và tôi rất đồng ý với điều bạn bức xúc tỏ bày!
Q.Thủ Đức được chia tách ra từ H.Thủ Đức cũ vào năm 1997, hiện có 12 phường, với diện tích tự nhiên 48 km2, dân số theo thống kê năm 2019 là 592.000 người, là quận đứng thứ 5 về số dân sau Q.Bình Tân (784.000), H.Bình Chánh (705.000), Q.Gò Vấp (676.000) và Q.12 (620.000). Quận có 2 khu chế xuất Linh Trung 1 và 2 với tổng diện tích 600 ha, có khu công nghiệp Bình Chiểu diện tích 200 ha…