Hiện tượng địa chấn bí hiểm

 

 

Ngày 11/11/2018, toàn bộ hành tinh của chúng ta “rung lắc” trong gần 20 phút đồng hồ song không một ai cảm nhận được sự khác biệt.
Cho đến hiện tại, khi biết thực sự có vấn đề xảy ra thì giới khoa học vẫn chưa xác định được chính xác hiện tượng đó là gì.
Đợt rung lắc bắt đầu từ khoảng 9h30 (giờ GMT) sáng 11/11, cách hòn đảo Mayotte của Pháp 24 km. Sau đó những đợt sóng địa chấn kỳ lạ còn lan sang Chile, New Zealand và Canada, thậm chí còn vươn xa tới Hawaii (Mỹ) cách đó hơn 17.000 km.
“Tôi không nghĩ rằng tôi đã nhìn thấy bất cứ dữ liệu gì giống hiện tượng này”, nhà địa chấn học thuộc Đại học Columbia Göran Ekström trả lời kênh truyền hình National Geographic.
Một trận động đất bình thường là sự kiện diễn ra trong thời gian ngắn chỉ có vài giây, kéo theo là một loạt dư chấn nhỏ. Trong quá trình dịch chuẩn địa chấn, các nhà khoa học phân loại thành ba loại sóng địa chấn.
Một trận động đất thông thường sẽ kích hoạt tín hiệu đầu tiên được gọi là sóng P (sóng sơ cấp) và sau đó là sóng S (sóng thứ cấp).
Loại sóng cuối cùng, được gọi là sóng bề mặt với tần suất đủ cao sẽ tạo ra một cơn động đất thường thấy. Trong khi loại sóng này gần giống nhất với hiện tượng bí ẩn ở khu vực Mayotte, song theo giới quan sát lại không có bất kỳ ghi nhận sự cố động đất nào ở đây.
Hơn thế nữa, các nhà quan sát cũng ghi nhận những tín hiệu sóng đều đặn và tần số thấp đáng kinh ngạc khiến hiện tượng ở Mayotte càng trở nên bí hiểm hơn trong mắt giới khoa học. Các đợt sóng đều đặn và cứ cách 17 giây lại lặp lại một lần – hoàn toàn khác biệt với hiện tượng sóng “ồn ào” của các trận động đất thông thường.
Lý giải hợp lý nhất cho hiện tượng bí ẩn này có thể là do một khối mắc ma, có kích thước 4,1 tỷ m3, chuyển hướng thông qua bề mặt Trái Đất và có thể gây ra một vụ đổ sụp buồng mắc ma (một vùng khối đá mắc ma lỏng bên dưới bề mặt Trái Đất).

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng rất nhiều dữ liệu thu thập được hơn 100 năm qua để xây dựng các mô hình toán học nhằm theo dõi nguyên nhân về sự rung lắc của vòng quay Trái đất. Họ nhận thấy có ba tác nhân, và loài người chịu trách nhiệm cho một trong số chúng.
Khi nhìn từ xa, Trái đất dường như là một khối cầu hoàn hảo nhưng thực tế không phải như vậy. Trái Đất không đồng đều ở tất cả các phía do khối lượng đất đá dịch chuyển và thay đổi theo thời gian, hành tinh của chúng ta thực sự có một chút rung lắc khi quay xung quanh trục của nó. Hiện nay, một nghiên cứu mới từ các nhà khoa học thuộc Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA và một số trường đại học, trung tâm khoa học khác đã xác định chính xác nguyên nhân của sự quay vòng không hoàn hảo của Trái Đất – hay còn gọi là “chuyển động phân cực” – và họ còn nhận thấy con người đang góp phần vào hiện tượng này.
Tính toán cho thấy Trái đất đang quay lệch trục.
Hai trong ba yếu tố được xác định bởi các nhà khoa học là hiện tượng đẳng tĩnh băng và sự đối lưu của quyển Man-ta (lớp phủ địa chất). Hiện tượng đẳng tĩnh băng xảy ra khi các dải băng dày đẩy các khối đất đá xuống, nén chúng lại, nhưng sau đó lực ép này được giải phóng khi băng tan chảy. Nhờ vậy, tầng địa chất sau đó nổi dần trở lại theo thời gian, khiến vòng quay của Trái Đất lung lay như thể lệch trục. Những ảnh hưởng của kỷ băng hà cuối cùng có thể đã nén xuống một lượng lớn đất đá trên khắp các châu lục mà chúng ta vẫn đang cảm nhận được ngày nay dưới dạng đẳng tĩnh băng.
Sự đối lưu của lớp phủ địa chất, một yếu tố không kiểm soát được trong sự rung lắc của Trái Đất, liên quan đến hoạt động bên trong hành tinh của chúng ta. Các lớp phủ trên bề mặt Trái Đất thay đổi liên tục nhờ sự chuyển động của các dòng đá lỏng ở phía sâu dưới chân chúng ta. Các nhà nghiên cứu tin rằng các dòng dịch chuyển này cũng góp phần vào vòng quay không hoàn hảo của Trái Đất.
Việc mất đi lượng lớn băng ở Greenland cũng là nguyên nhân khiến Trái Đất quay lệch trục.
Yếu tố thứ ba và cuối cùng được xác định bởi các nhà khoa học là việc ngày càng nhiều băng của các dải băng trên vùng Greenland, Đan Mạch và các khu vực khác biến mất, đó là kết quả trực tiếp của sự nóng lên toàn cầu do các hoạt động của con người. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng Greenland đã mất khoảng 7.500 tỷ tấn băng Trái Đất nóng lên.
Tất cả số lượng băng bị mất đi trong thế kỷ 20 và hoạt động phát thải khí nhà kính được coi là nguyên nhân chính. Các dải băng biến mất đã gây ra một sự thay đổi đáng kể trên hành tinh và cũng đã góp phần làm Trái Đất rung lắc.
NASA cho biết: “Với việc chỉ ra ba phát hiện chính yếu này, các nhà khoa học có thể phân biệt những thay đổi khối lượng và chuyển động phân cực do các chu trình dài hạn của Trái Đất, từ đó chúng ta có một chút sự kiểm soát lên các yếu tố gây nên bởi hiện tượng biến đổi khí hậu… Họ giờ đây nhận thức được rằng nếu hiện tượng tan băng ở Greenland tăng nhanh, chuyển động phân cực cũng sẽ tăng theo”.