Ngôn ngữ là một trong những di sản quý giá và quan trọng của một dân tộc. Đâu phải bỗng dưng khi không mà cụ Phạm Quỳnh để lại cho đời câu bất hủ: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn.” Hãnh diện về tiếng mẹ đẻ của mình không có gì xấu mà còn nên được khuyến khích. Nhưng hãy coi chừng, nếu vì yêu quá mà trở thành tự đắc thì rất có thể sẽ đưa tới những di hại không hay.
Người ta kể câu chuyện, khi nước Pháp được trao chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng Âu châu vào đầu năm 2021, Tổng thống Emmanuel Macron đã cố thuyết phục hội đồng sử dụng tiếng Pháp như là ngôn ngữ chính thức nhưng thất bại. Chúng ta hiểu nỗi lòng của ông Macron, người Pháp thường vẫn hãnh diện về ngôn ngữ của dân tộc họ, từng là ngôn ngữ chính của nhiều gia đình quý tộc Âu châu nhiều thế kỷ trước. Nhưng nay tiếng Pháp chỉ còn là ngôn ngữ đứng hàng thứ năm trên thế giới, sau tiếng Anh, Trung Hoa, Tây Ban Nha và Ả Rập. Nỗ lực của ông Macron khiến cho nhiều nhà ngoại giao của Liên Âu (EU) khó chịu là vì lâu nay họ đã quen dùng tiếng Anh, và hơn nữa, đã bỏ nhiều thì giờ để trau dồi kỹ năng tiếng Anh của họ. Câu chuyện nói trên cũng chỉ là một ví dụ về “cuộc chiến ngôn ngữ” đang xảy ra tại nhiều nơi trên khắp thế giới, khi các quốc gia từ Nam Phi đến Maroc đến Ấn Độ đang phải đối mặt với sự bành trướng không ngừng của tiếng Anh.
Kể từ sau Đệ nhị Thế chiến, Hoa Kỳ nổi lên thành một siêu cường về quân sự và kinh tế, tiếng Anh nhờ đó cũng trở thành ngôn ngữ thống trị thế giới. Đó là chưa kể trước đó, tiếng Anh đã được truyền bá rộng rãi trong thời gian mấy thế kỷ khi Đế quốc Anh đô hộ cả một diện tích rộng lớn trên thế giới đến nỗi đã từng được mệnh danh là “Mặt trời không bao giờ lặn trên Đế quốc Anh.” Ngày nay người ta ước tính có khoảng 1.5 tỷ người nói tiếng Anh, trong khi có ít hơn 400 triệu người nói tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ của họ. Nó là ngôn ngữ mà người Ba Tây sử dụng khi làm ăn với người Hoà Lan và người Nhật với người Ý. Tiếng Anh là ngôn ngữ chính của Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới, Toà án Tội phạm Quốc tế và khối liên minh NATO. Các nhà hoạt động chính trị từ Bắc Phi đến Miến Điện sử dụng tiếng Anh khi cần một diễn đàn quốc tế.
Ngày càng có nhiều công ty đa quốc gia sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức, gây ra một số hậu quả nghiêm trọng cho nhân viên của họ. Năm 2010, công ty bán hàng trực tuyến lớn nhất của Nhật là Rakuten tuyên bố là trong vòng hai năm tất cả nhân viên của công ty phải qua một kỳ thi để trắc nghiệm trình độ tiếng Anh của họ và nếu không vượt qua được có thể bị mất việc hoặc bị giáng cấp. Kết quả là đa số nhân viên của Rakuten đã không đậu kỳ thi, và đến năm 2018, 80% những kỹ sư mới làm việc tại văn phòng Tokyo là không phải người Nhật. Một số nhân viên may mắn được giữ lại nay cho biết họ có cảm tưởng giống như “người lưu vong” ngay trên chính quê hương của họ.
Một điều rõ ràng là việc sử dụng một ngôn ngữ chung tạo điều kiện thuận lợi cho công việc chung trong nhóm và chia sẻ kiến thức giữa các quốc gia với nhau. Thuốc chủng ngừa Covid của Pfizer, thuốc chủng đầu tiên sử dụng thành công tại Âu châu và Bắc Mỹ, là sản phẩm từ kết quả hợp tác giữa công ty dược phẩm Pfizer của Hoa Kỳ và công ty kỹ thuật sinh học BioNTech của Đức. Nếu không sử dụng tiếng Anh như là ngôn ngữ chung, thuốc chủng này chưa chắc đã được phát minh ra trong một thời gian ngắn kỷ lục.
Nhưng đồng thời, nếu chỉ dựa vào tiếng Anh không thôi chắc chắn cũng sẽ hạn chế tới việc chia sẻ kiến thức chung của thế giới. Những nhà khoa học và học giả không thông thạo tiếng Anh thường không có cơ hội được giảng dạy, xuất bản, diễn thuyết và những cơ hội cần thiết khác để thăng tiến trong sự nghiệp của họ. Đối với các học sinh và sinh viên, hậu quả cũng đáng ngại không kém. Nhiều đại học trên khắp thể giới buộc phải sử dụng tiếng Anh để quốc tế hoá trường của họ, nâng cấp bậc xếp hạng và chuẩn bị cho sinh viên để họ khỏi bỡ ngỡ khi tiếp cận với nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh rõ ràng là ưu tiên cho các sinh viên từ những gia đình có trình độ giáo dục cao, là những người sẵn được hưởng lợi từ nhiều năm được đào tạo trong môi trường giảng dạy bằng tiếng Anh ở bậc trung và tiểu học. Để tạo điều kiện cho nhiều người dễ tiếp cận hơn với chương trình giáo dục cấp đại học, năm 2018, Đan Mạch đã cắt giảm số lượng các môn học giảng dạy bằng tiếng Anh và Hoà Lan cũng đang xem xét để có thể có quyết định tương tự.
Mặt khác, đối với những người mà tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ, sự phổ biến rộng rãi của ngôn ngữ này mang lại nhiều lợi ích. Khi đi du lịch, người nói tiếng Anh có thể đi được nhiều nơi trên thế giới mà không gặp trở ngại ngôn ngữ; các nhà lãnh đạo chính trị cũng như kinh doanh có thể nói chuyện với nhau trực tiếp; sinh viên có thể hưởng lợi từ các chương trình du học. Người Mỹ, cũng như người Anh, người Canada, người Úc và những người nói tiếng Anh khác, có thể dễ dàng đi tới kết luận rằng việc học một ngôn ngữ khác là điều không đáng và không cần thiết. Nếu cả thế giới nói tiếng Anh thì tại sao mình phải bận tâm?
Với riêng người Mỹ, sự thờ ơ đối với việc học thêm ngoại ngữ còn có nguyên do từ chính sách giáo dục. Một thế kỷ trước, 89% các trường đại học bốn năm ở Hoa Kỳ đòi hỏi người sinh viên trước đó phải học một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh thì mới được nhận vào học. Năm 2020, con số đó rớt xuống chỉ còn 25%.
Một số tiểu bang nay cũng không còn bắt buộc học sinh phải học ngoại ngữ: Học sinh ở Oklahoma và Texas có thể thay thế bằng môn điện toán chẳng hạn, trong khi học sinh tại California có thể chọn các lớp về nghệ thuật hay kỹ thuật. Cứ năm người Mỹ thì có một là sử dụng một ngôn ngữ không phải tiếng Anh ở nhà, tuy nhiên người Mỹ lại không biết lợi dụng lợi thế đó để trau dồi kỹ năng ngoại ngữ và trở thành một quốc gia đa ngôn ngữ đúng với ý nghĩa của nó.
Có ý kiến cho rằng không học ngoại ngữ cũng chẳng sao vì nay ai cũng nói tiếng Anh thực ra không hẳn đúng. Chỉ có một phần tư dân số trên thế giới nói thông thạo tiếng Anh ở mức tối thiểu và thậm chí cả những người tự nhận là giỏi cũng không hẳn nói và viết thông thạo ở trình độ cao. Người chỉ nói độc một ngôn ngữ tiếng Anh sẽ không thể giao tiếp trực tiếp với ba phần tư dân số còn lại của thế giới. Điều này có nghĩa là họ không thể tiếp thu được kho tàng kiến thức trong những ngôn ngữ kia.
Tệ hơn nữa, họ có nguy cơ bị cô lập về chính trị và văn hoá. Theo kết quả cuộc nghiên cứu vào tháng Giêng 2020, tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất trên internet với gần 26% người sử dụng. Nhưng tiếng Hoa đứng sau không xa mấy ở mức 19%, và một số lượng lớn khác sử dụng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ả Rập. Trong khi những ứng dụng như Gentle Reader của công ty Apple có thể chuyển một bài báo hay một bài viết bằng ngoại ngữ ngay sang tiếng Anh để người đọc có thể đọc được trên máy điện toán và điện thoại iPhone, nhưng việc chuyển dịch đó không thể gọi là hoàn hảo nếu so với nguyên bản, đôi khi lại tối nghĩa.
Kỹ thuật hiện nay vẫn chưa thể đảm trách được công việc thông dịch. Người thông dịch viên vẫn cần đến trong những trường hợp khi người ta phải đưa ra những quyết định ngay tại chỗ mà nếu chỉ dựa vào máy thông dịch có thể đưa tới những sai lầm tai hại. Thế nên học để biết thêm một ngoại ngữ không chỉ có lợi mà còn là điều cần thiết.
Hiện nay người ta đang bàn cãi và suy đoán xem trong tương lai ngôn ngữ nào có khả năng đẩy tiếng Anh ra rìa để trở thành ngôn ngữ chung của thế giới không. Tiếng Pháp có lẽ không đủ khả năng lội ngược dòng để giành lại sự thống trị như thời đi thôn tính thuộc địa của họ. Tiếng Quan Thoại của Trung Quốc cũng thường được nhắc tới, nhưng với những chính sách đàn áp của chính quyền Trung Quốc hiện nay khiến nhiều người mất cảm tình và không thấy ngôn ngữ này hấp dẫn nữa. Tiếng Tây Ban Nha hiện đang được sử dụng tại năm châu lục có thể là ứng viên sáng giá nhất và là ngôn ngữ thông dụng đứng hàng thứ hai tại Hoa Kỳ.
Nhưng nói gì thì nói, tiếng Anh bị một ngôn ngữ khác qua mặt là điều khó xảy ra. Lý do một phần là vì tiếng Anh là ngôn ngữ tương đối dễ học và văn phạm đơn giản hơn so với nhiều ngôn ngữ khác. Riêng với người Việt chúng ta khi qua tới bên này, dù muốn dù không, trong thời gian đầu phải học để biết chút tiếng Anh tối thiểu để giao tiếp. Lúc đầu có người gặp nhiều khó khăn nhưng dần dà rồi cũng quen nhờ sống trong môi trường mà chung quanh ai cũng nói tiếng Anh. Ngẫm nghĩ lại mới thấy mình là người may mắn, bỗng dưng có được cơ hội để biết thêm một ngôn ngữ, được xếp vào nhóm người song ngữ và là một trong 1.5 tỷ người nói tiếng Anh.
Huy Lâm