Xu hướng phát triễn của thời đại ngày nay

 

 

 

Lê Tấn Tài

Công nghệ và khoa học ngày càng phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều sự thay đổi cho công việc, cuộc sống và nhu cầu của mỗi người, không chỉ là một khái niệm khoảnh khắc mà là quá trình rất dài, trải qua nhiều thập kỷ. Những sự phát triển này đang và sẽ tác động toàn diện và sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Trong thời đại mới, sự biến đổi không chỉ nằm ở việc tập trung phát triển và tận dụng công nghệ nhiều hơn mà còn nằm ở tư duy và phong cách sống của con người. Con người sẽ phải đối mặt với nhiều sự biến động, có tiêu cực, có tích cực. Điều nầy đòi hỏi mọi người phải biết sáng suốt, tỉnh táo trong quá trình hòa nhập và bắt kịp xu hướng thời đại để có được cuộc sống tốt đẹp nhất.

Mô hình kinh tế chia sẻ (Sharing economy)
Nền kinh tế chia sẻ hay Sharing economy (còn được gọi là Collaborative Consumption, Collaborative Economy, hay Peer Economy) đang thay đổi dần cách vận hành của kinh tế truyền thống. Mô hình hoạt động dựa trên quy tắc chia sẻ ngang hàng: những chủ sở hữu tài sản sẽ chia sẻ quyền truy cập cũng như sử dụng tài sản đó trong một thời gian ngắn hạn hoặc dài hạn. Hầu hết những ứng dụng hoạt động theo mô hình này là những công ty về công nghệ. Họ sử dụng Internet, và data của họ để có thể tối ưu hóa việc kết nối những người cung ứng và khách hàng với nhau. Có thể nói, trong số chúng ta ai cũng đã từng chia sẻ tài sản ít nhất một vài lần trong đời, có thể chúng ta đã từng cho ai đó ngủ chung phòng, hoặc cho ai đó mượn xe… Tất cả những thứ đó đều được coi là chia sẻ. Và kể từ khi nền kinh tế chia sẻ xuất hiện, chúng ta càng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chia sẻ hơn. Một cách đơn giản, giả sử chúng ta có một chiếc xe bỏ trống không dùng đến, và có một người lại đang có nhu cầu sử dụng chiếc xe đó. Nếu cả hai cùng bắt tay nhau để chia sẻ tài sản, đôi bên cùng có lợi, người sở hữu tài sản sẽ thu về một khoản chi phí, người có nhu cầu sử dụng tài sản thì sẽ giải quyết được vấn đề của họ. Một số nền tảng hiện nay đang áp dụng mô hình này, rõ ràng nhất là Uber, Grab, Airbnb… Những nền tảng này chủ yếu đang vận hành theo hình thức trung gian kết nối những người có tài sản dư thừa với những đối tượng có nhu cầu sử dụng tài sản.
Trong mô hình kinh tế nầy, những giao dịch giữa khách hàng và người cung ứng luôn luôn có trung gian đứng ra để bảo lãnh. Năm 2008, dịch vụ chia sẻ chỗ ở “Airbnb.com” ra đời, cho phép những người có nhu cầu có thể thuê được từ căn phòng trống đơn lẻ trong những căn hộ bình thường cho tới những biệt thự có giá trị, và ban hành một số qui định để bảo đảm an toàn và bảo mật cho chủ nhà và khách, chẳng hạn như yêu cầu người dùng cung cấp thông tin nhận dạng, cải thiện hồ sơ, đồng thời thực hiện bảo đảm hoàn trả thiệt hại cho chủ nhà lên đến 1 triệu USD. Dịch vụ này nhanh chóng bùng nổ, chỉ sau hơn 8 năm, Airbnb đã có mặt tại hơn 33.000 thành phố ở 192 quốc gia, đến nay đã được định giá tối thiểu khoảng 30 tỷ USD. Airbnb hiện là công ty khách sạn lớn nhất thế giới, mặc dù họ không sở hữu bất kỳ khách sạn nào. Đây là công ty tiên phong tiêu biểu và minh chứng cho thành công của xu hướng ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ. Tương tự như Airbnb, Uber đóng vai trò là bên thứ ba, kết nối những người muốn đi nhờ xe với những người có sở hữu phương tiện di chuyển rảnh rỗi, được thành lập vào năm 2009 tại Mỹ. Công ty Uber Technologies Inc. chỉ sử dụng một công cụ phần mềm giúp liên lạc giữa tài xế và khách hàng, họ không sở hữu bất kỳ chiếc xe nào, và bây giờ là công ty taxi lớn nhất thế giới.
Có một điều phải thừa nhận rằng, các công ty truyền thống từ xưa rất lười đổi mới sáng tạo. Ngành Taxi tại Việt Nam luôn luôn chủ quan rằng khách hàng sẽ luôn luôn cần mình, cho đến khi Grab xuất hiện và khiến hơn 40 hãng Taxi biến mất trên thị trường.

Điện thọai thông minh (Smart phone)
Smartphone ngày nay đã vượt ra khỏi biên giới của một thiết bị liên lạc và giải trí đơn thuần, chúng đã trở thành một trong những vật bất ly thân của đa số dân chúng. Với Smartphone, dù đang ở bất cứ lúc nào hay bất cứ nơi đâu, chỉ cần một vài thao tác là chúng ta có vô số lựa chọn để kết nối với người thân, từ hội thoại kèm video, gửi tin nhắn có hình, chat tức thời và sinh động trên chat online, hay đơn giản là cập nhật hình ảnh trên Facebook… Smartphone đang dần thay thể máy ảnh phổ thông. Chụp ảnh trên Smartphone và chia sẻ ngay trên mạng xã hội. Gửi và nhận email không phụ thuộc máy vi tính. Sở hữu tất cả những ứng dụng như đồng hồ báo thức hay lịch nhắc việc chuyên nghiệp. Sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS. Thanh toán hóa đơn qua Smartphone….
Trong tương lai, Smartphone sẽ còn phát triển đến mức nào? Những tính năng cải tiến vượt bậc nào sẽ xuất hiện trong thiết bị sau 20, 30 hay thậm chí là 50 năm nữa? Những dự đoán sau đây mà Smartphone có thể đạt chỉ trong vòng vài năm tới.
– Mạng 6G. Từ 2G, 3G cho đến 4G, 5G ở hiện tại, chắc chắn gần đây, chúng ta sẽ thấy sự xuất hiện của mạng không dây thế hệ thứ 6 (6G). Và tất nhiên, nó sẽ cung cấp tốc độ cũng như khả năng truy cập internet tốt hơn.
– Điều khiển bằng giọng nói. Đã xuất hiện ở khá nhiều dòng điện thoại, tính năng này vẫn cần được nghiên cứu và phát triển thêm rất nhiều để có thể trở nên hoàn thiện.
– Màn hình gập. Một số thông tin rò rỉ cho thấy những Smartphone có màn hình hiển thị gập sẽ được xuất xưởng vào đầu năm 2022. Điện thoại gập đòi hỏi màn hình linh hoạt và không bị hỏng khi gập nhiều lần.
– Sạc pin qua không khí. Một công ty có tên Energous đang thử nghiệm sản xuất các thiết bị cho phép sạc không dây qua không khí. Điều này có nghĩa là chúng ta chỉ cần đặt điện thoại cách nguồn sạc khoảng 3m là có thể được sạc ngay lập tức.
– Smartphone có thể kéo giãn. Thay đổi kích thước từ màn hình 15cm sang 20cm một cách dễ dàng.
– Smartphone cuộn. Đây là một cách khác về điện thoại sử dụng màn hình linh hoạt và khả thi hơn nhiều. Hơn nữa, thiết kế này không chỉ hợp lý mà còn thực sự có nguyên mẫu đã hoạt động vào năm 2018.
– Màn hình 3D và giao diện ba chiều. Những chiếc Smartphone tương lai còn có thể mang yếu tố 3D vào giao diện tương tác người dùng. Ví dụ, chúng ta có thể thay đổi kích thước các hình ảnh bằng cách “kéo thả” hay “phóng to thu nhỏ” bằng tay các hình ảnh 3D đang xuất hiện trước mắt.
– Thay đổi màu sắc. Màu sắc thay đổi có thể dễ dàng cải thiện sức hấp dẫn thẩm mỹ của Smartphone.
– Kết hợp OLED và E-ink. OLED rất phù hợp để xem video trên điện thoại, trong khi E-ink cho phép đọc trở nên dễ dàng và rành mạch hơn, ngay cả dưới ánh nắng mặt trời.
– Pin công nghệ nano. Những viên pin nano sẽ cấp phát quá trình tiêu thụ và truyền năng lượng một cách hiệu quả hơn, mang đến khả năng sạc siêu nhanh và đảm bảo thời lượng pin tốt hơn.
– Thực tế tăng cường (AR- Augmented Reality). Là chế độ xem trực tiếp hoặc gián tiếp về thế giới thực mà các yếu tố được tăng cường (hoặc bổ sung) do máy tính tạo ra như âm thanh, video, đồ họa hoặc dữ liệu GPS. Với công nghệ này, người dùng chỉ cần lấy điện thoại ra để nhận kết quả mới nhất và phù hợp với những gì họ đang tìm kiếm.
– Màn hình có tính linh hoạt cao. Có lẽ sẽ chỉ một thời gian ngắn nữa thôi điện thoại thông minh sẽ được trang bị những màn hình rất lớn có thể gấp mở thoải mái trong khi vẫn giữ được kích thước máy nhỏ gọn.
– Một trong những dự đoán được nhiều chuyên gia ủng hộ là đến năm 2030, điện thoại sẽ không còn phổ biến, thậm chí biến mất. Thay vào đó là các thiết bị liên lạc tân tiến hơn, như kính thông minh. Hiện nay, đa số kính thông minh phải kết nối với thiết bị chủ, như Smartphone, mới có thể phát huy 100% khả năng. Thời gian tới, khi công nghệ phát triển, mọi thứ đang có trên Smartphone, sẽ được gói gọn trong một chiếc kính hoàn chỉnh.
– Mật khẩu sinh trắc học hay “Sinh trắc học tĩnh mạch mắt”. Xác định người sử dụng trên võng mạc. ID vân tay hiện đã có trên điện thoại cao cấp. Tuy nhiên, mật khẩu sinh trắc học có thể nói an toàn hơn gấp ba lần so với ID vân tay.
– Điện thoại thông minh mô-đun. Là một dự án đang được Google phát triển. Người dùng có toàn quyền tùy chỉnh điện thoại của họ theo ý muốn của họ như thay đổi màn hình, pin, máy ảnh, cảm biến và các chức năng khác.
– Điều khiển bằng tâm trí (Mind control). Điều này có nghĩa là bạn có thể dễ dàng truy cập ứng dụng, chơi game, lướt web chỉ bằng cách phát ra tín hiệu sóng não. Càng tập trung cao độ bạn sẽ càng điều khiển được nhiều thứ hơn.

 Làm từ xa (Remote work)
Làm việc từ xa hay làm việc ở nhà là một thuật ngữ mới mà trong tiếng Anh có rất nhiều cách gọi: telecommuting, distance working, telework, teleworking, mobile work, remote job, hybrid work, flexible workplace, working from home (WFH), work from anywhere (WFA).
Sự phát triển của khoa học – công nghệ giúp con người có thể làm nhiều loại công việc bằng hình thức làm việc từ xa, không nhất thiết phải đến trụ sở, văn phòng, không phải giao tiếp trực tiếp với đồng nghiệp, cấp trên, thậm chí cả với đối tác… mà vẫn hoàn thành công việc. Không ít doanh nghiệp trên thế giới hiện nay đã và đang thực hiện phong cách làm việc mới nầy.
Hiện nay, có một số công việc thích hợp cho việc làm từ xa như: Phát triễn web (Web Development) các cuộc gọi, email, trao đổi qua các ứng dụng chat là đã đủ để làm việc tốt; Quản lý (Management) chỉ đạo những người khác hoàn thành khối lượng công việc được giao, có thể làm tại văn phòng hoặc thông qua các phương pháp khác; Sáng tạo (Creative) có thể ở bất cứ đâu miễn đạt hiệu suất tốt; Kinh doanh (Sales) bán những gì mà một nhân viên kinh doanh sẽ bán có thể trong các cửa hàng, trên website hoặc thông qua điện thoại; Dịch vụ khách hàng (Customer Service) nhằm để giải quyết các vấn đề cho khách hàng bất cứ đâu; Lập trình viên (Programmer) phát triển phần mềm là những công việc có thể trao đổi qua các ứng dụng chat, cuộc gọi, email khi tham gia vào các dự án website; Cộng tác viên kế toán (Accounting collaborator) hàng tháng đến công ty nhận hồ sơ, các biên lai thu chi mang về nhà để làm sổ sách; Tiếp thị (Marketing) có thể hoàn thành công việc ở bất kỳ đâu mà không cần phải đến văn phòng mỗi sáng…
Hầu hết những người trưởng thành đều có mối lo lắng là họ không có thời gian chăm sóc cho gia đình hay thời gian dành cho những nhu cầu riêng của bản thân. Việc “mọc rễ” tại văn phòng từ ngày này sang ngày khác sẽ khiến đầu óc và cơ thể nhân viên mụ mẫm. Theo đó, họ nhận định rằng cách làm việc không phải đến văn phòng đã mang lại cho cả nhân viên và người sử dụng lao động nhiều lợi ích, đặc biệt là năng suất và hiệu quả công việc cao hơn so với làm việc tại văn phòng.
Thực tế, nếu các công ty đều có chính sách cho nhân viên làm việc tại nhà thì việc ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm lúc đi làm và lúc tan sở sẽ không còn xảy ra. Với việc sử dụng hệ thống phần mềm văn phòng điện tử như một số doanh nghiệp hiện nay thì hình thức làm việc từ xa hoàn toàn có thể thực hiện. Đây là những lợi ích to lớn mà khoa học – công nghệ mang lại, nhưng điều này cũng khiến con người trở nên lệ thuộc vào máy tính, Smartphone, hệ thống mạng internet, khiến con người ít quan tâm đến các mối quan hệ trong cộng đồng, xã hội, thậm chí là cả quan hệ gia đình…

 Giải trí (Entertainment)
Hoạt động giải trí nằm trong hệ thống các loại sinh hoạt của con người; và là hoạt động duy nhất không gắn với nhu cầu sinh lý nào. Thời gian dành cho hoạt động giải trí là thời gian rỗi mà cá nhân không bị bức bách bởi những nhu cầu sinh tồn, không bị chi phối bởi những nghĩa vụ cá nhân hoặc sự đòi hỏi bởi nhu cầu vật chất. Con người hoàn toàn tự do, thoát khỏi những băn khoăn, lo lắng thường nhật. Khi đó, với sự thanh thản về trí óc, sự bay bổng về tâm hồn, họ tìm đến những hoạt động giải trí… Do nhu cầu thưởng thức chất lượng hình ảnh rõ nét, ngày nay một chiếc tivi LCD màn hình rộng không còn đáp ứng đủ yêu cầu của người sử dụng. Rạp chiếu phim tại gia đang là mô hình lý tưởng cho những ai muốn tận hưởng những bộ phim yêu thích mà không cần phải ra khỏi nhà.
Những phương tiện giải trí truyền thống như TV – vốn giữ vị trí gần như “số 1” trong mảng thiết bị hình ảnh trong suốt gần 100 năm qua đang dần nhường chỗ cho những thiết bị giải trí khác. Qua rồi thời của những chiếc ti vi màn hình phẳng, những chiếc máy chiếu đời cũ cồng kềnh với chi phí đắt đỏ. Công nghệ 4.0 sử dụng máy chiếu (projector) đời mới thay thế màn hình. Máy chiếu thuận tiện di chuyển vì có kích thước khá nhỏ, gọn và nhẹ, dễ dàng bỏ túi mang theo mình, dễ dàng lắp đặt, kết nối đa năng với nhiều thiết bị. Không giống như TV, máy chiếu kích thước có thể tùy chỉnh, có thể hoạt động ở bất kỳ bề mặt nào. Chỉ cần đảm bảo chất lượng bề mặt phải phẳng, trắng, mịn là có thể sử dụng nó như một màn chiếu. Hơn thế, máy chiếu (kể cả các thiết bị máy chiếu mini) là một thiết bị đa năng sở hữu khung hình siêu rộng từ 120 – 200 inches (# 3 – 5m), đặc biệt hơn có thể tạo ra một hình ảnh tới 300 inches (# 7m) giúp chúng ta có những cảm nhận tuyệt đỉnh bằng hình ảnh sống động, âm thanh rõ nét. Người dùng có thể tùy chỉnh cài đặt các chương trình giải trí online như xem phim, nghe nhạc, lướt web, hát karaoke, chơi game…, có thể chia sẻ dữ liệu không dây từ Smartphone, máy tính bảng, laptop lên trực tiếp máy chiếu.

Công nghệ giáo dục (Education technology – Edtech)
Công nghệ giáo dục hay còn gọi là “học trực truyến” không còn là lựa chọn mà trở thành thiết yếu trong giáo dục của nhiều quốc gia năm 2021. Giáo dục đang thay đổi. Giáo viên không còn chủ yếu giảng dạy trên bục giảng. Học sinh không cần phải chép những lời của thầy cô, đọc bài và ghi nhớ tài liệu để kiểm tra. Và lớp học cũng thay đổi, từ lớp học truyền thống chuyển sang online, nhiều đổi mới mang tính đột phá trong giáo dục được ghi nhận như lớp học trực tuyến, hệ thống quản lý học tập… Google ước tính lĩnh vực Edtech dự kiến phục vụ 9,6 triệu người dùng, giá trị 1,96 tỷ USD vào năm 2021. Các nhà giáo dục khẳng định Edtech sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sự thay đổi của giáo dục.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã thay đổi ngành giáo dục bằng cách trao quyền cho các lớp học trực tuyến, việc đánh giá, theo dõi học tập thực hiện online. Thực tế ảo và thực tế tăng cường không chỉ giúp giáo viên thu hút sự chú ý của học sinh mà còn xây dựng bài giảng mang tính đơn giản, hấp dẫn hơn.
Việc học trực tuyến cho phép học sinh đặt câu hỏi từ mọi nơi trên thế giới và chọn các lớp học theo mong muốn. Điều này không chỉ tạo môi trường học tập tại nhà cho học sinh mà còn cho phép giáo viên kiểm soát, quản lý việc học của học trò tại nhà. Việc học tập sẽ theo xu thế người dạy cung cấp tài liệu học phù hợp với trình độ và vốn kiến thức của từng học sinh. Từ khi học sinh được tiếp xúc nhiều hơn với Internet và thiết bị công nghệ, các lớp học do giảng viên dạy trực tuyến đang trở nên phổ biến. Ví dụ, giáo viên có thể mời giảng viên thông qua phần mềm trực tuyến Zoom mà không cần thiết phải đến trường. Phương pháp học tập kết hợp áp dụng cả hai phương pháp học truyền thống và học trực tuyến giúp học sinh tăng thêm thời gian tự học và tự khám phá kiến thức. Ngoài ra, kết hợp các công cụ học trực tuyến và trực tiếp có thể thúc đẩy học sinh hợp tác để tạo ra lớp học năng động hơn.
Trong tương lai khi công nghệ thực tế ảo phát triển mạnh. Chỉ cần đeo cái kính thực tế ảo, ngồi ở nhà và nghe giảng như tại lớp học vậy.

Mua sắm trực tuyến (Online shopping)
Nói một cách nôm na, mua sắm trực tuyến là hình thức mua đồ qua mạng. Người mua tìm kiếm thông tin sản phẩm qua mạng internet, đặt mua hàng qua internet và người bán sẽ giao hàng đến cho người mua mà không cần phải đến shop hay cửa tiệm để mua. Đã qua rồi cái thời xu hướng mua sắm là xách giỏ tới các cửa hàng để mua thực phẩm và đồ dùng cho nhu cầu cuộc sống. Giờ đây, ai cũng có thể mua sắm bất cứ thứ gì, vào bất cứ thời điểm nào, chúng ta chỉ cần ngồi một chỗ, click chuột để lựa chọn mọi sản phẩm từ khắp nơi trên thế giới theo nhu cầu của mình, gõ địa chỉ muốn nhận hàng và thanh toán tài khoản qua máy tính, hoặc Smartphone có kết nối internet. Mọi vật sẽ xuất hiện trước cửa nhà chúng ta đúng như những gì đã chọn. Đó chính là xu hướng mua sắm và cũng là thực tế việc mua sắm của người tiêu dùng hiện nay. Xem hàng, lựa chọn, thanh toán, vận chuyển … hoàn toàn tự động.
Sản phẩm được vận chuyển đến địa chỉ của khách hàng thông qua nhà vận vận chuyển, có thể là bưu điện, đơn vị chuyển phát nhanh… qua đường bộ, đường thủy, đường hàng không. Tương lai, giao hàng tận nơi (shipping) bằng cách sử dụng drone có khả năng thay thế vận tải đường bộ truyền thống. Những chiếc drone hứa hẹn sẽ trở thành một ngành kinh doanh lớn. Hiện các công ty đang nghiên cứu áp dụng drone để vận chuyển hàng hóa đến những quốc gia có tình trạng cơ sở hạ tầng khó khăn. Drone có khả năng vận chuyển những món hàng kích thước nhỏ một cách nhanh chóng mà không gặp các vấn đề như tắc đường, chi phí nhân công đắt đỏ hoặc ngừng trệ do đình công được kỳ vọng sẽ đảm nhiệm một phần công việc của những người giao hàng (shipper).

Hội nghị trực tuyến (Wr – Web conferencing)ebbinaWebinar được hiểu là buổi thuyết trình được tổ chức dựa trên nền tảng web để kết nối với người xem trên toàn thế giới và người dùng có thể kết nối với nhau thông qua mạng internet. Mọi người có thể sử dụng webinar một cách hiệu quả trong công việc, trao đổi một cách nhanh chóng cũng như chia sẻ các bài thuyết trình cho nhau. Webinar cho phép cá nhân hoặc doanh nghiệp chia sẻ slide powerpoint, các trang web, bảng viết, video hay những dữ liệu đa phương tiện khác đến khán giả ở khắp mọi nơi. Những người tham dự tương tác trực tiếp với nhau thông qua webcam, micro hoặc cửa sổ chat để đặt câu hỏi, nêu ý kiến của mình về một vấn đề nào đó. Một số buổi webinar được lưu để xem lại tương tự như một video clip.
Một loại hình khác, hội nghị trực tuyến (Web conferencing) là một cuộc họp của một vài người không có mặt ở cùng một nơi. Với sự giúp đỡ của truyền thông điện tử, những người tham gia cuộc họp có thể ở các phần khác nhau của đất nước hoặc trong cùng một thành phố. Hội nghị có thể là một phiên họp một chiều, mà nhiều người khác nhau cần tham dự, hoặc có thể là một phiên họp tương tác đa chiều, đôi khi, chỉ có 3 đến 5 người tham gia, hoặc 30 đến 35 người, thậm chí hàng trăm người.
Ngày nay giải pháp họp trực tuyến đang là xu hướng phát triển trong tương lai, là sự lựa chọn hàng đầu thay thế cho các cuộc họp truyền thống vốn hạn chế về mặt địa lý. Họp trực tuyến giúp các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí và thời gian tổ chức trong hội họp. Việc đầu tư phòng họp trực tuyến rất cần thiết cho mỗi doanh nghiệp, không chỉ mang lại những lợi ích khi tổ chức những cuộc hội mà bên cạnh đó còn mang lại những thuận lợi về sau. Hiện nay, phần mềm 3CX Web Meeting hỗ trợ các cuộc họp trực tuyến trên nền tảng trình duyệt web mà không cần cài đặt bất kỳ một ứng dụng nào khác.
Một hình thức khác trong các cuộc nói chuyện trực tiếp giữa 2 người là Video Call (còn gọi là video-telephony = điện thoại truyền hình) – một chức năng cho phép truyền tải trực tiếp cả âm thanh và hình ảnh video tới người khác. Để có thể thực hiện cuộc gọi video, thiết bị của 2 bên cần phải sử dụng mạng di động 3G trở lên do việc truyền tải hình ảnh yêu cầu tình trạng mạng phải mạnh hơn nhiều so với việc chỉ truyền âm thanh. Ngày 7- 12 – 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sử dụng video-call đã vẫy tay chào, mở đầu cuộc gặp trực tuyến lịch sử trong hơn 2 giờ.

Truyền phát trực tiếp (Livestreaming)
Livestream có nghĩa là “Phát sóng trực tiếp” những gì đang xảy ra lúc bấy giờ (gương mặt, cảnh vật, sự kiện… ) cho người ở khắp mọi nơi trên thế giới thấy qua internet và mọi tương tác đều diễn ra một cách trực tiếp. Tính năng Livestream cho phép người dùng tha hồ ghi lại khoảnh khắc cuộc sống, phát trực tiếp video lên Facebook chuyển tới bạn bè, khách hàng hay người yêu mến mình. Một số Livestream hiện nay được cả triệu người theo dỏi trong cùng một lúc.
Kể từ thời điểm mới ra mắt Livestream trên Facebook, ngay lập tức nhận được sự đón nhận vô cùng tích cực từ phía người dùng. Ban đầu có vẻ như vẫn còn thử nghiệm và chưa thực sự tin vào sự thành công, nên Facebook chỉ phát triển tính năng này tại một số quốc và có lúc nó chỉ dành cho những người nổi tiếng. Tuy nhiên đến lúc này thì những video trực tiếp với người dùng Facebook trở nên là thứ gì đó không thể thiếu.
Dịch vụ truyền phát trực tiếp bao gồm nhiều chủ đề khác nhau, từ phương tiện truyền thông xã hội đến trò chơi video, truyền phát trực tiếp của các sự kiện thể thao… Một số dịch vụ phát trực tiếp phổ biến như: Netflix, Hulu, Prime Video, trang web video YouTube, các trang web phát trực tiếp phim và chương trình truyền hình, Apple Music và Spotify phát trực tiếp nhạc, Mixer và Twitch phát trực tiếp trò chơi video. Mới đây, người ta bất ngờ với một cuộc thăm dò cho biết có đến 80% người dùng mạng xã hội bày tỏ họ thích xem các chương trình được phát trực tiếp hơn là phải đọc một bài văn được post như thông thường. Đây rõ ràng là một sự dịch chuyển rất lớn trong thị hiếu của người dùng mạng. Không những vậy, Livestream còn trở thành một công cụ quan trọng trong các chiến dịch marketing của rất nhiều doanh nghiệp. Bởi vì công cụ này luôn có sẵn trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Instagram, Twitter, và cách sử dụng nó cũng rất dễ dàng, đôi khi còn miễn phí sử dụng. Sự gia tăng của các phương tiện truyền phát trực tiếp đã gây ra làn sóng mới cho người dùng dẫn tới sự sụp đổ của nhiều công ty cung cấp DVD, là khởi đầu cho sự biến mất của ngành công nghiệp này. Với sự phổ biến và thịnh hành trong những năm gần đây, Livestream được dự đoán sẽ tiếp tục thịnh hành trong những năm tiếp theo.

Thành phố thông minh (Smart city)
Thành phố thông minh hay đô thị thông minh đang là một trong những chủ đề lớn của thế giới. Đây là nơi sẽ ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền thành phố và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, giúp giải nhiều bài toán khó trong quản lý đô thị. Hầu hết các quốc gia trên thế giới hào hứng với mô hình này, theo đuổi tham vọng xây dựng các thành phố thông minh trong tương lai, tập trung lấy công nghệ làm trung tâm, nhưng không thể bỏ qua nhiều vấn đề khác của con người như quyền riêng tư, bảo mật thông tin, các nhóm nhu cầu tổng thể khác của các nhóm người đa dạng.
Trong đô thị thông minh con người sẽ tối ưu hóa các hoạt động của mình. Lưu thông sẽ nhanh và linh hoạt hơn do ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giải quyết bài toán khó về tắc nghẽn đường. Tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe cũng tốt hơn nhờ ứng dụng công nghệ y tế vào việc khám chữa bệnh, trong tương lai sẽ có thêm các thiết bị thông minh theo dõi sức khỏe con người hàng ngày. Con em chúng ta sẽ được học trong môi trường giáo dục thông minh, những công nghệ mới kết hợp với trí tuệ nhân tạo sẽ được đưa vào giảng dạy và đào tạo. Việc mua sắm tại các siêu thị cũng trở lên tiện lợi hơn, giúp con người tiết kiệm được thời gian.
Robot và các trang thiết bị thông minh trong nhà sẽ được sử dụng nhiều hơn. Đây là những trợ lý máy móc hỗ trợ con người có nhiều thời gian hơn cho những công việc cần sự sáng tạo, hay nghỉ ngơi bên gia đình. Nếu ví thành phố thông minh là một con người, thì chúng ta sẽ có các bộ phận như sau:
– Hệ thống nhúng thông minh (embedded system) tức là các bộ điều khiển trung tâm thông minh hoạt động trong các sản phẩm và thiết bị công nghệ hiện đại nhất. (não bộ).
– Mạng viễn thông tin học (dây thần kinh).
– Cảm biến thông minh (giác quan).
– Phần mềm (tinh thần và nhận thức).
Nền tảng chính của một mô hình đô thị thông minh sẽ gồm có:
– Nhà thông minh sử dụng Smartphone để điều khiển bật/tắt các thiết bị điện trong nhà ngay cả khi không có ở nhà.
– Xe hơi tự lái, có khả năng chỉ dẫn tài xế đến những điểm đến khả dụng nhất.
– Đèn giao thông sử dụng cảm biến để nhận biết và tắt/mở đèn tự động.
– Bãi đỗ xe thông minh với hệ thống báo tìm chỗ đậu xe còn trống để di chuyển vào dễ dàng.
– Thùng rác thông minh tự động gửi dữ liệu đến các công ty quản lý rác thải để lên lịch lấy rác.
– Gợi ý quán ăn, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi… qua điện thoại khi đến bất kỳ nơi nào.
– Gửi thông tin khẩn cấp như hỏng xe đến các đơn vị sửa chữa.
– Sử dụng cảm biến theo dõi rò rỉ nước sạch, hệ thống cấp thoát nước cho thành phố.
– Sử dụng thiết bị giám sát, theo dõi sự biến động môi trường, tình hình ô nhiễm để cảnh báo đến người dân.
– Smartphone sẽ thay thế bằng lái và thẻ căn cước, xác minh và truy cập lý lịch trở nên dễ dàng hơn.
– Sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt để theo dõi nghi phạm trong đám đông cũng như để kiểm soát xe ra vào trong bãi giữ xe.
Thiết kế mô hình đô thị thông minh phải lấy con người làm trung tâm để phục vụ và phát triển, và mục tiêu cuối cùng không chỉ là nơi ứng dụng các công nghệ để giải quyết các vấn đề đô thị, mà vẫn là sử dụng những sáng kiến để phục vụ cho mục đích xã hội và con người.