Thực phẩm đóng hộp thường rất được ưa chuộng và luôn có mặt trong bếp gia đình vì tính tiện lợi, vừa nhanh, vừa gọn, vừa có thể để lâu lại vừa có giá phải chăng, giúp bạn tiết kiệm được thời gian và công sức.
Nhưng liệu thực phẩm đóng hộp có hại cho bạn không? Dưới đây là những lời khuyên hữu ích về cách chế biến thực phẩm đóng hộp phù hợp, mẹo mua sắm và cả ý tưởng nấu nướng, các công thức nấu như thế nào để giữ an toàn và lành mạnh, theo trang mạng Byrdie.
Thực phẩm đóng hộp có bổ dưỡng không?
Chuyên gia dinh dưỡng Lisa Richards cho biết đồ đóng hộp vẫn có thể giữ được phần dinh dưỡng của thực phẩm. “Quá trình đóng hộp thực sự có thể giữ lại các khoáng chất, vitamin tan trong chất béo và các chất dinh dưỡng đa lượng như chất béo, carbohydrate và protein,” chuyên gia Lisa Richards nói. Tuy nhiên, vì các sản phẩm đóng hộp thường được chế biến và sản xuất ở nhiệt độ cao nên sẽ làm giảm nhiều vitamin hòa tan trong nước bao gồm vitamin B và vitamin C.
Vậy tiêu thụ thực phẩm được đóng gói bằng hộp có chất liệu kim loại có an toàn không?
BPA, hay còn biết đến là Bisphenol-A, là một hóa chất được sử dụng trong bao bì, có thể xâm nhập vào thực phẩm sau khi đóng hộp. Một số cuộc nghiên cứu cho thấy để xác định những loại thực phẩm nào có chứa nhiều BPA hơn so với mức bình thường có thể dựa vào độ bong tróc của bao bì. Tỷ lệ BPA được tìm thấy trong đồ hộp thường dao động từ 48% đến 90%.
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2001 cho biết tỷ lệ BPA càng cao trong đồ hộp sẽ gây ảnh hưởng lớn và có các tác dụng phụ đối với người ăn. Vì vậy, bạn nên chọn các sản phẩm đóng hộp có ghi rõ ràng là lớp lót đóng hộp không chứa BPA, có ghi chú trên nhãn.
Phân biệt giữa thực phẩm đồ hộp tốt và xấu
Bạn nên chọn các loại thực phẩm ít đường dưới 4 gam và ít muối. Một số thành phần khác ít phổ biến hơn, bao gồm phẩm màu nhân tạo, sodium benzoate, chất ngọt nhân tạo và fructose cao cũng nên hạn chế ăn. Một thành phần khác cũng nên cần tránh là sodium nitrate, thường được dùng trong một số thực phẩm đóng hộp để giả làm hương vị tự nhiên, nhưng được biết là chất có thể dẫn đến nhiều bệnh như ung thư, tiểu đường và hội chứng chuyển hóa. Bên cạnh đó, màu nhân tạo và thuốc nhuộm có liên quan đến ung thư, cũng như các rối loạn tuyến giáp và thận.
Đầu bếp Serena Poon cho biết cô tránh bất kỳ thực phẩm đóng hộp nào có chứa bất kỳ loại chất bảo quản ngoài muối hoặc acid tự nhiên như nước chanh hoặc giấm. Cô cũng tránh xa hoa quả đóng hộp vì chúng thường có nhiều đường và chất ngọt nhân tạo.
Một mẹo khác là bạn nên tìm kiếm các mặt hàng được đóng gói trong nước thay vì đóng trong dầu hoặc siro. Dầu thường hay cung cấp thêm calories cũng như tổng số chất béo bão hòa không cần thiết trong thực phẩm. Ngay cả trong trường hợp có các loại thực phẩm cụ thể được đóng gói trong dầu, như cá ngừ và các loại cá khác, tốt nhất vẫn nên chọn nước vì những loại dầu này không phù hợp với loại dầu lành mạnh tự nhiên có trong loài cá này.
Bên cạnh đó, bạn hãy luôn đọc bảng thành phần trên bao bì sản phẩm và đừng chỉ tin vào các từ khóa như “lành mạnh” hoặc “tự nhiên” như trên bao bì.
Cuối cùng, đừng bao giờ mua những thực phẩm có bao bì bị móp, đặc biệt là những sản phẩm đã bị móp xung quanh miệng lon. Các vết lõm có thể tạo ra các lỗ cực nhỏ cho phép lượng oxy vừa đủ vào để tạo điều kiện cho vi khuẩn clostridium botulinum, thường hay gây ngộ độc phát triển tràn lan. Vi khuẩn này gây chết người và không thể bị tiêu diệt trong quá trình nấu nướng.
Vậy thực phẩm đóng hộp nào tốt nhất để dự trữ? Đó chính là đậu, các loại rau không chất bảo quản, cá, sữa dừa (coconut milk,) hoặc các loại ớt.
Lựa chọn nào để thay thế cho thực phẩm đóng hộp?
Nếu bạn đang tìm kiếm thực phẩm có thời hạn sử dụng dài nhưng muốn tránh đồ đóng hộp, bạn có thể thử các thực phẩm lên men như kim chi và dưa cải bắp vì chúng cung cấp men vi sinh, hỗ trợ hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Bên cạnh đó, một số thực phẩm khô cũng có thể thay thế cho đồ đóng hộp. Ngoài ra, bạn cũng có thể thử trái cây và rau quả đông lạnh cũng như sấy khô để bảo quản lâu hơn.