Lê Mạnh Hùng
Cách đây mấy năm, có một người bạn hỏi tôi vì sao lại chọn sống ở Anh. Tôi trả lời một cách hầu như không suy nghĩ, một phần là vì gần gũi các nước khác. Sau khi suy nghĩ tôi thấy có lẽ tôi cũng sẽ trả lời như vậy nếu tôi có sống ở Pháp hay Đức.
Chỉ mất hai tiếng mười lăm phút là người ta có thể ngồi xe lửa Eurostar đi từ nhà ga St Pancras tại Luân Đôn đến Gare du Nord của Paris. (Hình minh họa: Patrick Kovarik/AFP via Getty Images)
Quốc gia này hay quốc gia khác không quan trọng vì đâu mình cũng là người nhập cư cả. Nhưng bối cảnh vùng và những hào quang của nó mới là điều chính. Và trong bối cảnh của đại dịch này, sự gần gũi địa dư của quốc gia này càng làm trăn trở những ai vẫn quen có thể nhảy lên xe từ Luân Đôn đi chừng ba tiếng đồng hồ (kể cả qua phà) sang Calais hay Boulogne ăn một bữa cơm trưa thật ngon, chẳng khác gì từ San Diego lái xe lên Little Saigon ăn trưa rồi về.
Trên thế giới có lẽ chỉ có Đông Nam Á là có thể so sánh với Châu Âu về sự đa dạng và tập trung của những cảnh đẹp và lịch sử. Để có thể hình dung sự tập trung của Châu Âu, bạn có biết bay từ Washington đến Los Angeles chiếm gấp đôi thời giờ bay từ London đến Rome.
Nhưng không phải chỉ riêng vậy. Với mọi chú ý nay tập trung vào thay đổi khí hậu, có nhiều lý do để nghĩ rằng việc du lịch bằng máy bay sẽ càng ngày càng đắt.
Thứ nhất, với số hành khách bay hạng nhất hay hạng “business” càng ngày càng ít đi vì các công ty khám phá ra rằng Zoom có thể thay thế được nhiều cuộc gặp gỡ đối mặt, một nguồn trợ giá cho hạng vé dân thường đã bị mất.
Thứ hai, hầu như chắc chắn các chính phủ sẽ tăng thuế đánh trên vé máy bay để cắt giảm số khí nhà kiếng thải ra của các hãng hàng không. Chúng ta hiện không có thể đoán trước được giá một tấm vé máy bay từ Anh sang Mỹ vào năm 2030 sẽ là bao nhiêu, nhưng điều có thể đoán trước được rằng 2019 có lẽ sẽ là năm mà du lịch bằng đường hàng không là phổ biến nhất trong lịch sử.
Với giá vé máy bay càng ngày càng đắt, ta có thể thấy trở lại thời trước đây nửa thế kỷ, nơi mà muốn đi từ Sài Gòn sang Pháp phải mất một tháng trên tàu thủy và hầu hết dân chúng, ngoại trừ những người có nhiều tiền nhất, bị giới hạn trong những nơi mà mình có thể chơi được, một tình trạng chưa từng thấy kể từ thập niên 1960 khi những máy bay phản lực dân sự đầu tiên làm thay đổi hẳn bộ mặt của du lịch.
Và đó là khi mà Châu Âu nổi bật lên trên thế giới. Cố nhiên là Mỹ, Brazil, Ấn Độ hay Trung Quốc có thể tự hào là mình có đủ những hấp dẫn của một đại lục. Đông Nam Á với 460 triệu dân và ba nền văn minh cổ. Nhưng Mỹ, Trung Quốc thì đơn điệu. Brazil và Ấn Độ có thể đa dạng hơn về chủng tộc và văn hóa, nhưng lại thiếu các phương tiện giao thông khác có thể giúp người ta đi lại dễ dàng từ nơi này đến nơi khác.
Đông Nam Á thì càng tệ hơn nữa với hơn một chục quốc gia mà hệ thống giao thông đường bộ hầu như không tiếp xúc với nhau, cũng như hàng rào kiểm soát xuất nhập cảnh gay gắt. Việc du lịch từ nước này sang nước khác không qua đường hàng không là một cuộc mạo hiểm.
Trong khi đó, Châu Âu với khoảng 500 triệu dân chia thành 40 quốc gia và hầu như một số ngôn ngữ tương đương tập trung trong một vùng rộng xấp xỉ bằng nước Mỹ có thể nói là nơi cung ứng cho khách du lịch những kích thích nhiều nhất. Và đó là chưa kể đến sự kiện là Châu Âu có một hệ thống giao thông (ngoài hàng không hoàn chỉnh nhất) từ hệ thống xe lửa cao tốc nối liền nước nọ đến nước kia cho đến mạng lưới xa lộ bao gồm hầu như toàn thể Châu Âu. Bên cạnh hệ thống lưu thông đường bộ là một mạng lưới lưu thông đường thủy tại biển Bắc, Baltic và Địa Trung Hải.
Và tuy rằng nước Anh nay đã ra khỏi Châu Âu, nhưng có là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu hay không, thì chỉ mất hai tiếng mười lăm phút là ta có thể ngồi xe lửa Eurostar đi từ nhà ga St Pancras tại Luân Đôn đến Gare du Nord của Paris. “A continent we will never leave” đó là lời của chính ông Boris Johnson, thủ tướng Anh, người đứng ra thúc đẩy việc nước Anh rút ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Cuối cùng, trừ khi giá vé máy bay trở thành quá đắt, người ta vẫn có thể để dành để đến những nơi mình thèm muốn. Tôi sẵn sàng tiết kiệm một năm để sang Nhật một chuyến chẳng hạn. Nhưng đối với đa số những người trung lưu bình thường việc đi máy bay bị giá vé máy bay càng ngày càng cao giới hạn thì Châu Âu là nơi lý tưởng để sống.
Hôm qua vợ tôi gởi cho tôi một bài trong nhật báo Financial Times về các khách sạn tại Rome. Đọc bài báo và nghĩ thơ thẩn, nếu không có máy bay đi tàu hỏa cũng chỉ mất hơn một đêm là từ Luân Đôn có thể đến được Rome rồi. Đối lại với một nước Mỹ “winner take all,” Châu Âu là nơi lý tưởng cho những người trung bình.