Điều Khiển Tình Thân

Thưa Cô Trang Đài,
Em với Kim là hai chị em song sinh, cùng ra đời năm 1963. Chúng em có mẹ già nay ở tuổi ngoài 80.
Ở tuổi này, dù coi là khỏe thì cũng đi đứng lụm cụm rồi, may lắm mới thỉnh thoảng than thở đôi chút vì tuổi tác. Mẹ chúng em chưa thực sự làm phiền đến con cháu việc gì to tát. Cả hai chị em em đều ở riêng nhưng cách nhà mẹ chỉ chừng 5, 10 dặm đường thôi! Mẹ chúng em ăn uống đơn sơ và bà tự đi chợ, nấu những món bà thích, có khi nấu cả cho con cháu nếu chúng em có lời yêu cầu. Tháng hay hơn tháng, cả hai nhà đều đi ăn chung một bữa ở ngoài, mục đích là để mẹ em gặp gỡ tất cả con cháu và có dịp biết những tiệm ăn ngon và lạ của các văn hóa khác.
Cả hai chị em đều chăm nom mẹ vì biết mẹ đã hy sinh cho con cháu rất nhiều thời còn trẻ. Em hay để ý xem mẹ thích gì, cần gì thì mua cho mẹ dù bà không đòi hỏi nhưng Kim thì không có sự tế nhị này mà phải đợi mẹ nói ra Kim mới làm, theo cách con cái trong các gia đình Mỹ.
Mới đây, vài khi chị em chuyện trò, Kim cho em biết chồng Kim không muốn ở Cali khi về hưu vì Cali ồn ào và xô bồ, sinh hoạt đắt đỏ, đời sống chạy đua với kim đồng hồ khiến mọi người không tĩnh được nên rất mệt mỏi. Vợ chồng Kim bàn nhau di cư tới các tiểu bang nhiều thiên nhiên để an dưỡng. Họ không chỉ nói suông mà đã thực hiện nhiều chuyến đi thăm thú tình hình những nơi đó.
Thấy chuyện có vẻ nghiêm trọng, em hỏi Kim: “Mẹ ở Cali, các con em lập thân ở Cali, gia đình chị cũng ở Cali, họ hàng nội ngoại đều ở đây cả, em tính nghỉ hưu ở xa, làm sao chăm nom mẹ và thăm viếng con cái Kim cũng như họ hàng? Mình đâu có sống một mình? Hơn nữa, chồng Kim người Mỹ, đối với chú ấy, nước Mỹ đâu cũng là quê hương, là nhà của họ, khác với mình là dân nhập cư, vẫn quen sống bám vào nguồn gốc, em nghĩ sao mà tính chuyện về hưu đi xa như vậy? Chị đồng ý ở Cali thì quả là có ồn ào náo nhiệt, cuộc sống nhanh và đắt đỏ nhưng khi mình đóng cửa nhà mình lại, mình vẫn có một thế giới yên tĩnh của riêng mình, ăn thua là cái tâm không động thôi! Chị cũng không sợ phải một mình chăm nom mẹ khi mẹ già hơn, yếu đuối thêm hay đổ bệnh nên níu kéo em, chỉ là không thấy việc em đi xa là cần thiềt mà sợ mẹ sẽ thương nhớ em nhưng không nói ra thì rất tội nghiệp cho mẹ. Chị mừng thấy gia đình em hạnh phúc, chồng nói vợ nghe vì tính em hiền hòa, nhường nhịn nhưng trong việc này, chị muốn em nghĩ lại. Chị có nói quá lời thì mong em hiểu mà đừng giận. Người Mỹ họ quen sống cho họ, cùng lắm cho vợ phần nào, con cái không là vấn đề. Chồng em cũng không ngoại lệ. Chú quý mến mẹ vì mẹ biết cư xử nhưng chú sẽ không vì mẹ mà hy sinh sở thích riêng. Chị nói mạnh miệng như vậy vì chị nghĩ ý tưởng nghỉ hưu ở nơi xa xôi nào khác là từ chú mà ra, có đúng vậy không?”
Sau lần nói chuyện nghiêm chỉnh này, em Kim né tránh em, không nhắc tới chương tình nghỉ hưu của vợ chồng Kim nữa tuy em biết, trong âm thầm, họ vẫn không bỏ kế hoạch của họ. Em rất buồn và lo lắng, cũng không biết mình hành động đúng hay sai nên đem việc thỉnh ý cô, mong cô suy nghĩ và cho em một lời khuyên, em rất cảm ơn cô.<br>

Kim Lan

Em Kim Lan,
1/ Câu hỏi đúng hay sai thì cô không trả lời được vì chúng ta đang sống trong một xã hội không có chuẩn mực nhất định trong hành xử như thời ở Việt Nam thế kỷ trước, thậm chí ở nhiều quốc gia trên thế giới kể cả một phần của nước Mỹ trong cùng thời điểm ấy. Giờ đây, một việc có thể đúng ở nơi này/người này/lúc này nhưng không đúng ở nơi kia/người kia/lúc khác.
2/ Đến tuổi cô bây giờ, cô cực tin có ba điều do nhân quả quyết định:
* Nhân duyên vợ chồng
* Nghề nghiệp của mỗi người
* Nơi cư trú lúc sống cũng như lúc chết.
Mình cứ suy nghĩ, cố gắng thực hiện nhưng có như ý hay không thì không do nỗ lực hay quyết tâm của mình. Biết và hiểu được chân lý ấy, chúng ta sẽ có cách sống an nhiên, tự tại hơn, không để mình rơi vào thất vọng và chìm đắm trong bi ai.
“Tận nhân lực, tri thiên mệnh.” Theo thư em viết, cô thấy em đã làm xong bổn phận, nói xong những điều cần nói với em gái, như vậy là đủ rồi. Mai sau sự việc xảy ra thế nào, em không có điều gì để ân hận hay nuối tiếc nữa. Chuyện đời ai đi trước ai, ai săn sóc ai, ai vuốt mắt ai lúc lâm chung luôn là một bí ẩn của thiên mệnh, của số phận, con người không thể cãi, không thể chủ động. Những ai đã tự tử vài ba lần mà được cứu sống đều trải qua kinh nghiệm này. Tự tử một lần mà chết được thì cái chết ấy đã được ghi vào “sổ Thiên tào” rồi.
Cô đồng ý là Kim ở xa, có thể mẹ sẽ nhớ nhung nhiều hơn vì vắng em lâu hơn cái hẹn một tháng gặp nhau một lần đã thành thói quen cho cả nhà nhưng biết đâu mẹ em cũng đã quen với thực tế của nước Mỹ là con cái khôn lớn có đời sống riêng của chúng, miễn là chúng hạnh phúc thì lòng mẹ sáng chiều như hoa nở. Thêm nữa, khoa học tiến bộ ngày nay đã cho phép con người thu ngắn khoảng cách trong không gian, vẫn nhìn thấy nhau, vẫn trò chuyện thăm hỏi nhau hàng ngày (nếu muốn) và quan trọng nhất, có thể dành thời gian cho việc này.
Sau cùng, em đừng sợ Kim bị chồng điều khiển. Sợ như thế, muốn Kim phản kháng thì chính em lại đang muốn điều khiển Kim đấy! Tốt nhất, hãy thông cảm, chia sẻ và đừng can thiệp.
Chúc em luôn an vui và bằng lòng cuộc sống. Cảm ơn em đã tin cậy và viết thư

Trang Đài