CHUYỆN NHỎ MỖI NGÀY !

Mỗi bận phải đi ăn tiệc, hoặc tiếp đối tác. Là những lúc tôi cảm thấy đối đế nhất. Máy lạnh chạy phà phà, không gian sang trọng, ai cũng bận vest, nước hoa thơm phức. Nhưng có loại người mãi không hoà mình vào được – đó là tôi !
Con người mình có nhiều khi không hiểu được. Cứ phải “lết” ra vỉa hè, ngồi lang chạ, vừa ăn vừa hít bụi mới “nuốt trôi” miếng ăn xuống cổ họng. Vừa ăn vừa nhìn dòng xe tấp nập, người dìu người bước qua. Chuyện chợ búa, chuyện vặt vãnh. Vậy mà vui lắm, lúc đó mình mới chính là mình ! Kỳ thiệt ……
Sáng nay cũng vậy,
Chọn 1 quán bánh cuốn bình dân để ăn. Bà chủ chắc tầm ngoài 45. Xởi lởi và rất đanh đá.
Quán đơn giản. Vài bộ bàn ghế rẻ tiền kê cạnh nhau. Trên mặt bàn thì ống đũa, hủ ớt bằm, cái dĩa nhỏ xíu đựng mấy cây tăm, vậy là hết. Vách tường loang lỗ, chồng bả treo hằng hà sa số những chiếc lồng chim. Có con bả biết tên, có con bả cũng chả biết là chim gì. Cái miệng lúc nào cũng chửi chồng sa sả :
– … ông nội mẹ tui ơi … cứ cách 2 tuần là ổng tha về 1 con chim mới … tui nói … có ngày tui mở lồng cho bay bằng hết … !!!!
Miệng mồm sang sảng vậy thôi, chứ tôi để ý, lâu lâu vắng khách bả cũng “len lén” mò lại đổ thêm thức ăn cho chim. Rút khay dưới lồng để đổ chất thải. Chỉ có tắm chim là bả chưa từng … vì sợ chim bị lạnh. Có bữa vui miệng bả còn tâm sự :
– … thằng em ghé ăn cho chị nhiều … thằng em có thấy chị mày thương thằng chả (chồng bả) không … ?
Tôi :
– … tui thấy bà chửi ổng riết hà … nhưng chim nuôi thì chưa thấy bà “hành hạ” con nào …
Bả bỉu môi :
– … ĐM … biết là nuôi cho vui … nhiều đứa hót cũng hay … mà cực cho ổng quá … cả ngày dãi nắng dầm mưa chạy xe … về không được nghỉ lại phải chăm chim … tao xót … !
Tôi :
– … xót sao không nói ổng nghe … ?
Bả cười :
– … thôi … để chả tự hiểu … !
Vừa dứt lời thì ổng thù lù bước ra. Đặt thật nhanh xấp tiền đã xếp gọn vào tay bả. Ổng “nham nhở” cất tiếng :
– … anh đi nghen … bé yêu … !
Bả bỉu môi xí một tiếng thật dài:
– … cha già mắc dịch … già rồi mà còn cà rởn cà rởn … !!!
Nói vậy chứ bả cũng tất tả chạy theo. Máng lên ba-ga cho ổng chai nước mát, nhét lại vào túi cho ổng trăm mấy. Ổng cười hề hề, lôi ra trả lại bả, vỗ mông bả 1 cái rồi phóng đi ! Chỉ cần có vậy mà đôi gò má bả đã ửng hồng như thiếu nữ 18. Vừa bước vào quán vừa tủm tỉm cười …
Lấy tiền chồng xếp gọn đưa khi nãy bỏ vào hộp thiếc nhỏ. Tui thấy ghi rõ ràng bên ngoài bằng bút lông dầu mấy chữ đầy cảm động … TIỀN CHỒNG CHO … ! Đời người đàn bà phải chăng chỉ cần nhiêu đó là đủ ………
Quán bán giá bình dân. Dĩa người lớn 25.000đ. Dĩa em bé 15.000đ. Tiền nào thì của đó. Do đã ăn quen nên sau khi đá chống xe, tôi chỉ cần bước thẳng vào quán mà không cần nói gì. 1 dĩa (như hình) được nhanh chóng bưng ra. Bánh cuốn nhiều, rau giá luộc sơ, nước mắm mặn vừa đủ. Vậy là tôi đã mãn nguyện ! Nhiều bữa khách thưa bả cũng hay ngồi xuống nói chuyện vui với tôi :
– … sao chị thấy thằng em lúc nào cũng ăn sạch sẽ … không bỏ mứa bao giờ … ?
– … bị vì … chị bán ngon quá xá …
Bả nghe (khoái khoái) thì liền cười:
– … hí hí … đưa dĩa đây … chị xúc cho cưng thêm dây bánh nữa …
Tôi đáp lời :
– … rồi có tính thêm tiền hôn … ?
Bả sồ sề :
– … hề hề … miễn phí … ! (cười híp mắt)
Thiệt tình là tôi không có ý nói để lấy lòng bả. Mà là đồ của bả tuy bình dân nhưng với tôi thì nó … ngon thiệt … !!!
Ai đã từng trải qua cái đói hoa cả mắt trong quá khứ. Hiện tại mới biết trân trọng từng cọng giá, miếng rau. Nó ngon, nó ngọt, đến mức độ mà nuốt trôi xuống cổ họng rồi mà miệng vẫn còn thấy ngon. Không hiểu cảm giác này của tôi có giống với ai không ?
Đương ngồi nói chuyện thì có người tấp vào mua. Một anh phụ hồ quần áo lấm lem, đầu đội mũ bảo hộ vàng, chân đi ủng cao su đen. Anh chở phía sau 1 chú bé sơ mi trắng đóng thùng, cổ thắt khăn quàng đỏ xinh xinh. Anh bặm môi kéo ghì đuôi xe về phía sau để dựng chống đứng, rồi nhẹ nhàng bế cậu bé xuống đất. Nắm lấy tay cậu bé và bước lại gần bà chủ quán. Anh cố ý đứng xa xe đồ ăn ra vì thấy quần áo mình bẩn quá. Anh ngập ngừng lên tiếng :
– … chị … chị chủ quán … 1 dĩa bánh cuốn giá bi nhiu ạ … ??
Bả hồ hởi :
– … người lớn hai lăm … con nít mười lăm … !!!
Anh ta:
– … dạ … vậy chị bán cho cha con em 1 dĩa người lớn ba chục ạ … nhiều chả và bánh … nước mắm không cay … nghen chị … !
Bả (đon đả) :
– … vào … vào … vào quán ngồi … !
Anh đảo mắt nhìn con và nói :
– … con trai … con vào ngồi ăn đi … Cha đợi ở ngoài được rồi …!
Cậu con trai lên tiếng :
– … Cha ……… hay mình lại đằng kia mua bánh mì không ăn đi cha …
Anh ta :
– … không được … con ăn cả tuần rồi … hôm qua con được điểm mười … Cha muốn thưởng cho con …
Con trai :
– … Cha ơi … hay cha nói bà chủ bán dĩa con nít thôi … cha con mình chia nhau ăn …
Anh ta :
– … không được cãi cha … !!!
Nghe tới đây … tui chịu hết nổi … !
Trời ơi ! Năm hai ngàn hai mươi rồi. Tôi không nghĩ là lại còn cảnh này. Xiết tay thật chặt, tôi đứng lên tính kiu bả làm 2 hộp người lớn cho cha con nhà đó. Năm chục chứ mấy …. Tui không thể chịu được cảnh tình này ! Chưa kịp nói thì bả đã oang oang :
– … ĐM … ông không ngồi ăn sao thằng nhỏ dám ăn … ông nên mừng vì có được thằng con hiếu thảo lại học giỏi như vậy … ! Vào đi. Sáng nay tui đãi … !!!!
Người cha tội nghiệp cứ đứng thẫn thờ mân mê vạt áo. Chắc do ngại nên không bước vào. Đứa con thì nhìn cha đắm đuối ! Bả tức mình la lớn :
– … ông nội mẹ tui ơi … !!! … ông có bị điếc không sao không nghe tao nói … dẫn nó vào lẹ lên …
Hai cha con dắt nhau vào một chỗ khuất nhất trong quán để ngồi. Bả làm 2 dĩa bự, thiệt nhiều bánh, rồi bưng ra đặt ngay ngắn trước mặt. Trước khi quay lưng đi bả còn không quên “xài xể” thêm 1 câu :
– … nhớ kỹ … ăn ở đây là phải no … !
Hai cha con răm rắp cúi đầu cảm ơn. Bả là vậy. Ba hơi ba hớt, cái mồm lúc nào cũng oang oang như cháy nhà đến nơi. Nhưng thiệt bụng bả rất tốt !!!!
Hai cha con ăn thật nhanh và sạch sẽ. Sau đó còn tự tay mang xuống sàn nước, nơi có chồng chén của khách đã để sẵn. Quay ra người Cha 2 tay đưa bả 3 chục ngàn (toàn tiền lẻ) được xếp ngay ngắn.
– … dạ … em gửi chị tiền trước 1 dĩa … ngày mơi … em quay lại trả thêm phần còn lại … nghen chị … !
Bả oang oang cái mỏ. Tính lại chửi thề nhưng thấy có thằng nhỏ đứng đó nên khựng lại :
– … Đ … à khỏi phải đưa … có ông khách kia trả giùm rồi … !
Hai cha con ngơ ngác nhìn dáo dác. Bả ngồi sà xuống cạnh cậu bé, tay nắm lấy đôi tay nhỏ nhắn, sửa lại cổ áo, vuốt lại mái tóc. Và cặp mắt long lanh chực trào khóc :
– … con trai … con phải học thiệt giỏi và thiệt có hiếu với cha con nghen …
– … bữa nào thèm bánh cuốn thì ghé đây dì cho ăn …
Chỉ cần có vậy mà người cha đã khóc nức nở. Khóc cười là bịnh hay lây. Thằng nhỏ cũng khóc theo … ! Không biết rằng sau đó 2 cha con cậu bé có lại ghé quán nữa hay không ? Có lẻ là không. Vì cứ ghé ăn thì bả không tính tiền. Lòng tự trọng khiến họ không làm như thế ! Tôi mong rằng cậu bé sẽ hiểu tấm lòng trời bể của cha mình, và sự tốt bụng của bà chủ, để cố gắng học hành nên người trong tương lai.
Lâu lâu tôi lại ghé quán ăn bánh cuốn. Lần nào ghé cũng thấy bả la ông chồng sa sả. Ổng vẫn cười hề hề như không có chuyện gì xảy ra. Mấy con chim trong lồng lúc nào cũng chu mỏ hót líu lo. Bả vừa bán vừa tranh thủ để ý thức ăn cho chúng. Nhìn ngoài trời bỗng thấy mây đen kéo đến. Tặc lưỡi, bả xót chồng ” … không biết thằng chả có nhớ mang áo mưa theo hôn nữa … ” !
Đời người đàn ông. Lấy được người vợ biết nghĩ như vậy thì … thiệt … không còn mong muốn gì hơn nữa !
Sài Gòn,
Thật như là cuộc sống …