Hôm qua uống cà phê với bạn bè và nghe những nhận định về ‘văn hoá’ trong giới quan chức Việt Nam rất đáng để chia sẻ ở đây. Tôi cố gắng tóm tắt trong 10 thói quen dưới đây. Các bạn đọc xem có đúng không?
Người nhận định là một chuyên gia tư vấn từng làm việc cho một công ti tư vấn nước ngoài ở Việt Nam. Anh ấy (tạm gọi là M) là con trai của một gia đình tị nạn, đến Úc khi mới 5 tuổi. Anh ấy là người đã trưởng thành và được đào tạo trong hệ thống và môi trường giáo dục Úc.
Anh M từng làm cho các công ti tư vấn bên Úc, Anh, Mĩ, và sau này (5 năm trước) vì lí do “tị nạn ái tình” nên anh về Việt Nam đầu quân cho một công ti tư vấn nước ngoài. Anh tiếp xúc với rất nhiều quan chức Việt Nam và có những nhận xét mà tôi tạm xếp vào nhóm ‘văn hoá làm việc’. Anh chỉ đưa ra nhận xét (chứ không đánh giá là đúng hay sai hay chê gì cả) như là một cách nói để bạn bè bên Úc không ngạc nhiên khi về làm việc ở trong nước.
1. Tôn sùng bằng cấp và danh xưng
M cho biết trong thời gian làm việc ở Việt Nam anh thấy các quan chức rất mê bằng cấp, đặc biệt là văn bằng tiến sĩ, và trọng danh xưng. Các danh thiếp của quan chức Nhà nước thường chi chít những bằng cấp, chức vụ trong bộ máy công quyền, chức vụ trong các đoàn thể. Có người cẩn thận ghi bằng 2 thứ tiếng Việt và Anh, nhưng phiên bản tiếng Anh thì rất ngô nghê. Họ có xu hướng đánh giá kĩ năng và kinh nghiệm nhân viên qua bằng cấp, kiểu như hễ người có bằng cấp cao được xem là có kinh nghiệm cao và thường được giao trọng trách. Nhiều người dù làm trong lãnh vực dịch vụ và kinh doanh nhưng vẫn thích có bằng tiến sĩ.
Họ cũng rất quan tâm đến danh xưng, và hay gọi nhau bằng danh xưng trong các buổi họp. Chẳng hạn như họ gọi nhau là “Thưa tiến sĩ”, “Thưa giám đốc”, có vẻ giống như phim Hàn Quốc. Tuy nhiên, M cho biết có khi họ cũng gọi quá thân mật như trong gia đình: thư kí hay cấp dưới thì gọi cấp trên bằng “Chú”, “Bác”, “Cô”, v.v. M cho biết thoạt đầu cũng thấy là lạ, nhưng riết rồi quen.
2. Hách dịch, quan liêu, khinh thường dân chúng
Các quan chức trong hệ thống công quyền Việt Nam, nhứt là công an, rất xem thường dân chúng. Anh kể chuyện khi vào đồn công an báo cáo bị móc túi, anh nghe thấy mấy người công an quát tháo người khác, đập bàn, gọi họ là “mày”, “con”, “thằng”, y như xem họ là tội phạm. Các viên chức hành chánh cũng vậy, họ nói chuyện với dân không nhìn vào mặt người ta và hay gắt gỏng. Ngay từ người tiếp dân làm thủ tục hành chánh nho nhỏ cũng có thể “hành dân lên bờ xuống ruộng”, và anh M từng là một nạn nhân. Người có chức quyền càng cao thì mức độ quan liêu và hách dịch càng lớn.
Tuy nhiên, M nhận xét rằng cái cơ chế và văn hoá có khi biến họ (quan chức) thành những kẻ quan liêu. Ý nói rằng cấp dưới nhiều khi tỏ ra quá cung phụng cấp trên, và làm cho cấp trên quen với sự cung phụng đó. Ví dụ tiêu biểu là bức hình quan chức cao cấp (?) được người cõng từ xe vào văn phòng họp vì đường ngập nước.
M theo dõi vụ án Thiền Am khá sát và đưa ra nhận xét về cách mà quan ra toà rất khác với dân ra toà. Quan ra toà thì đường hoàng, ăn mặc như là người chưa bị kết án (và điều này hoàn toàn hợp lí), còn mấy thanh niên của Thiền Am ra toà thì bị còng tay, cho mặc áo tù nhân, và viên công an hung hăn chỉ trỏ, làm như họ đã bị kết án vậy.
3. Hành xử 2 mặt
Quan chức Việt Nam thường là những người hai mặt. Trước mặt đối tác thì họ cười cười nói nói thân mật, tay bắt mặt mừng, nhưng sau khi đối tác đi rồi thì họ quay sang nói xấu người ta và gọi người ta bằng “Thằng”, “Con”, thậm chí còn đưa ra những nhận xét mang tính sex của đối tác. Đối với người nước ngoài, quan chức Việt Nam quen miệng gọi họ là “Thằng”, “Con”, “Bọn”, “Chúng”, nhưng trước mặt họ thì tỏ ra kính nể và nể phục.
Anh M còn cho biết các quan chức Việt Nam cũng có thái độ hai mặt trước chuyên gia Việt kiều như anh. Trước mặt anh thì họ khen và thân thiện, nhưng khi họp chi bộ thì họ lúc nào cũng nói với đồng đảng viên là coi chừng anh ấy, làm như là người nước ngoài thì không tin được vậy. Nói cách khác, họ vẫn xem anh ấy là “Yếu tố nước ngoài” và lúc nào cũng cảnh giác. Anh biết được điều này khi có người trong chi bộ cho biết. Anh M khuyên là đừng nghe và tin những gì giới quan chức Việt Nam nói, vì lời nói của họ không tương quan với cách họ làm.
4. Cái gì cũng biết
Một trong những điều mà người nước ngoài phải làm quen với quan chức (và cả giới khoa học Việt Nam — tôi thêm) là phải chuẩn bị tinh thần để nghe họ nói “cái gì cũng biết”. Nhiều khi họ cần trợ gíup của đối tác nhưng lúc nào cũng tỏ vẻ như họ là người am hiểu tất cả.
Có khi đối tác bàn đề nghị làm như thế này hay thế kia, thì phản ứng của các quan chức Việt Nam thường là “chúng tôi đã có cái đó rồi” hay “chúng tôi đã làm rồi”. Họ tỏ ra ngang hàng với đối tác, và điều này cũng là một phản ứng tâm lí dễ hiểu (inferiority complex), nên các đối tác nước ngoài thường lịch sự ghi nhận, nhưng vẫn làm theo chương trình nghị sự của họ. M khuyên rằng tuy cách họ nói thì có vẻ như “cái gì cũng biết”, nhưng cần phải hiểu ngược lại là “họ không biết gì cả.”
5. Hoang tưởng
Song song với “Cái gì cũng biết” là thói hoang tưởng cũng rất phổ biến trong giới quan chức Việt Nam. Tình trạng hoang tưởng thể hiện qua những suy nghĩ duy ý chí, suy nghĩ không đến nơi đến chốn, suy nghĩ rằng Việt Nam có thể làm những điều mà nước ngoài không thể làm được, hay Việt Nam cũng tiến bộ như các nước Âu Mĩ. Họ rất thích cách nói “Lần đầu tiên ở Việt Nam” và từ đó tỏ ra quá tự tin, không thấy thế giới bên ngoài ra sao và lớn như thế nào.
Anh M từng làm việc với những người học ở Đông Âu về và những người này dường như có suy nghĩ rằng họ chẳng thua kém gì các nước phương Tây như Mĩ, Úc, Anh, Pháp. Ngay cả những người mới học ở các nước phương Tây chỉ vài năm mà nghĩ rằng họ biết hết về văn hoá phương Tây! Tuy nhiên, đối tác nước ngoài thì không mấy quan tâm đến sự hoang tưởng của họ, để cho họ nói thoải mái, còn đối tác thì chỉ tập trung vào “làm được việc”.
6. Thụ động và chồng chéo
Trong nhiều buổi họp, các quan chức cấp thấp thường tỏ ra rất thụ động. Họ rất ít có chánh kiến. Họ có khi có ý kiến nhưng ý kiến thiếu tính độc lập, mà chỉ chờ một người cao cấp đưa ra ý kiến, rồi họ nói theo. Nhưng cách họ nói theo nghe cứ như là một cách nịnh hót rất kì cục. Khi họ không đồng tình với cấp trên, họ tường giữ im lặng. Nhưng sau buổi họp thì họ bày tỏ sự bất đồng ý kiến bằng những ngôn từ tục tĩu và xúc phạm.
Anh M cho biết rất khó làm việc với các quan chức Việt Nam vì sự chồng chéo giữa đảng, người thừa hành và đoàn thể. Có khi người mình bàn việc không phải là người quyết định, vì người quyết định có thể là bí thư đảng bộ nhưng không nắm quyền gì chánh thức! Thành ra, khi xảy ra vấn đề thì họ đổ thừa cho cấp thừa hành, còn đảng chủ trương thì lúc nào cũng đúng, ý nói không có người chịu trách nhiệm.
7. Nô lệ vào tiểu tiết
Anh M nhận xét rằng các quan chức Việt Nam rất thích tiểu tiết. Có khi cuộc họp chỉ có 1 giờ đồng hồ nhưng họ bỏ ra cả 30 phút để bàn cãi nhau chỉ vì một tiểu tiết như một chữ, một câu văn, một con số lẻ (mà họ gọi là “chính xác”) chẳng làm thay đổi nội dung của vấn đề, nhưng làm mất giờ của nhiều người. Có khi họ chỉ bắt lấy một tiểu tiết và bác bỏ toàn bộ nghị luận của người khác.
Nói cách khác, họ “chỉ thấy cây mà không thấy rừng”. Tuy nhiên, điều kì lạ là họ rất tự hào vì đã chỉ ra được một tiểu tiết nào đó và xem đó như là một “thắng lợi”, một sự thông minh! Hành vi của họ rất giống như nhân vật Trạng Quỳnh.
8. Nhiều chuyện và lạc đề
Các quan chức Việt Nam thường … nhiều chuyện. Những quan chức cao cấp họ có cơ hội tiếp xúc với những quan chức trung ương, nên họ có những chuyện tiếu lâm để kể cho cấp dưới nghe, nhưng những chuyện họ kể thường lạc đề, chẳng dính dáng gì đến vấn đề đang bàn. Thoạt đầu nghe những câu chuyện như thế thì cũng thú vị, nhưng nó rất mất thì giờ. Anh M kể rằng một hôm trong một hội thảo, một quan chức cao cấp ngoài Hà Nội được mời lên nói chuyện; anh tưởng sẽ nghe về viễn kiến của người này, nhưng thật ra ông chỉ kể những chuyện ăn uống, chơi bời trong các chuyến công tác ở nước ngoài!
Các quan chức rất thích nói về những ăn chơi đàn đúm trong các động đĩ ở các nước phương Tây như là “trả thù dân tộc”! Là người lớn lên ở Úc và xem mình là người của phương Tây, nên M rất “dị ứng” với cách nói mang mặc cảm thấp hèn đó.
Cấp cao “nhiều chuyện” đã đành, nhưng cấp dưới còn “lắm chuyện” hơn. Họ soi mói nhau từng cử chỉ, từng cái quần, màu áo, chiếc xe, và đem ra làm chuyện để bàn tán kiểu “ngồi lê đôi mách”. Thoạt đầu anh M không quen, nhưng qua nhiều năm anh chỉ biết ngồi nghe mà không có phản ứng!
9. Xuề xoà
Đa số các quan chức Việt Nam, kể cả những người cao cấp, tỏ ra khá xuề xoà. Trong các buổi họp quan trọng, trong khi khách mời đều ăn mặc trang trọng, họ lại xuất hiện trong trang phục ‘casual’ (vd: áo ngoài quần, mang dép). Anh kể một lần anh tham dự một buổi họp có cả khách mời nước ngoài, một quan chức ngoài Hà Nội đến chủ trì nhưng cách ăn mặc của ông làm cho người ta thấy ông không tỏ ra tôn trọng khách mời chút nào.
Không chỉ xuề xoà, rất nhiều trong giới quan chức còn tỏ ra là những người không am hiểu về văn hoá giao tiếp. Cho dù họ ăn mặc theo cách thức phương Tây nhưng vẫn để lộ những lệch lạc về phong cách như caravat hay chọn áo, hay thậm chí cách dùng dĩa, nĩa, dao, li, v.v. trong các buổi dạ tiệc. Có lẽ họ thiếu huấn luyện về văn hoá giao tiếp của doanh nhân.
10. Không đúng giờ
Không đúng giờ gần như là một “bệnh mãn tính” của người Việt chứ không hằn là quan chức Việt Nam. Có người trễ cả nửa tiếng đồng hồ mà không hề có lời xin lỗi, càng không báo trước là họ sẽ trễ giờ họp. Người có chức vụ càng cao thì tình trạng trễ giờ càng phổ biến. Hình như một số quan chức cho rằng họ quan trọng hơn người khác và do đó họ có quyền trễ giờ. Anh M còn nghe họ nói rằng phải đi trễ giờ để cho đối tác biết mình là người quan trọng!
Mười thói quen trên có liên quan đến chỉ 1 điều mà người phương Tây gọi là professionalism – tính chuyên nghiệp. Thiếu tính chuyên nghiệp là một “yếu tố nguy cơ” làm cho các quan chức Việt Nam khó hội nhập với thế giới.
Dĩ nhiên, không phải quan chức nào cũng như mô tả trên, vì trong thực tế tôi từng tiếp xúc với nhiều quan chức và thấy họ ok (đa số), có người chuyên nghiệp (ít), có người tỏ ra thân mật (nhiều), còn đằng sau thì không biết. Tuy nhiên, chỉ cần 50% các quan chức với các thói quen trên thì cũng đủ để giật lùi Việt Nam vài chục năm.