Nguyễn Đan Tâm
Mỗi người có hai con mắt gọi là đôi mắt. Về cơ thể học, mắt có mí mắt với lông mi, lông mày và tròng mắt hay nhãn cầu. Nhãn cầu có thủy tinh thể và mống mắt. Mắt để nhìn, ngắm, trông, coi, đọc, ngó, liếc…
Ai cũng có mắt, nhưng nhiều người có “mắt như mù” hoặc có “mắt không tròng,” hay “mắt lọt tròng” nên không nhận thức được người và sự việc. Vì thế, cụ Nguyễn Đình Chiểu đã viết:
“Thà đui mà giữ đạo nhà,
Còn hơn có mắt ông cha không thờ.”
Như vậy, đui đâu phải là điều xấu hổ.
Những người bị tật bẩm sinh, bệnh về mắt hoặc tai nạn thương tích làm cho hư mắt khiến thị lực giảm hay mất hẳn. Mất thị giác một mắt gọi là “chột” hay “độc nhãn,” mất hai mắt là mù hay đui.”
Việt Cộng thích theo Tàu nên dùng chữ “khiếm thị.” Trước năm 1975, tại ngã sáu Chợ Lớn có “trường mù” để dạy cho người mù. Khi mắt hư, bác sĩ phải mổ mắt, lấy mắt ra gọi là “múc mắt.” Sau khi vết thương lành, mắt giả được để vào hốc mắt, thay thế cho mắt thật, bù đắp khiếm khuyết của cơ thể.
Tiếc rằng, mắt giả không giúp gì cho thị lực. Trong tương lai, hy vọng “camera đặc biệt” sẽ giúp người mù phục hồi thị lực. Để diễn tả khoảng cách vượt quá tầm nhìn, thì có dài, xa “mút” mắt. Cái ở gần là sát mắt, ngay mắt, tận mắt, cạnh mắt, gần mắt, hay cận mắt. Việc xảy ra trước mắt là “nhãn tiền,” nếu đột ngột thì như “đập vào mắt.” Mở rộng “tầm mắt” là hiểu thêm sự việc. “Đánh mắt” là trang điểm mắt, nghĩa bóng là nam nữ cặp bồ. Người quen đi mất là “biệt mắt.” Đôi khi, mắt còn nguyên vẹn, tốt, nhưng thần kinh thị giác bị hư thì cũng không thấy gì như trường hợp của cô Christine Hà, giải nhất “Master chef” Mỹ.
Chỉ nhìn thấy gần là mắt cận thị. Chỉ thấy xa là mắt viễn thị. Không phân biệt được màu sắc là mắt loạn sắc. Nhìn thấy hình ảnh cong queo là mắt loạn thị. Mắt “song thị” là nhìn một vật thành hai…
Mắt người bình thường sau 40 tuổi, sẽ bị mắt già, hay viễn thị, vì thủy tinh thể mất tính đàn hồi. Do bẩm sinh, hai mắt nhìn không cùng một chiều, đó là mắt lé hay “mắt lác.” Câu nói “Nhất lé, nhì lùn” có ý khinh miệt khuyết điểm nầy. Các tật về mắt được chữa bằng cách đeo mắt kính, contact lens hay bằng giải phẫu.
Một chứng khác cũng liên hệ đến tuổi già là thủy tinh thể bị đục làm mắt có cườm, khiến cho mắt mờ “mắt lòa,” “lóe mắt.” Giải phẩu thay thủy tinh thể nhân tạo chữa được chứng nầy. Liệt mắt là mí và tròng mắt không cử động, thường do bệnh lý thần kinh. “Lóe mắt” hay “lé mắt,” “lác mắt” là trạng thái bàng hoàng khi thấy chuyện quá sức tưởng tượng. Đó là tâm trạng của cán bộ Việt Cộng sau ngày 30 Tháng Tư,1975, “chóa mắt” vì sự phồn thịnh của miền Nam. “Tối mắt” trước tiền tài, Việt Cộng đã cướp sạch tài sản dân lành. Từ bóng tối bước ra ngoài, ta bị chói mắt hay “hoa mắt.” Có những người và sự vật chưa từng thấy bao giờ là “lạ mắt.” Còn “quen mắt” thì thường thấy, thường xảy ra như câu: “Ngủ ngày quen mắt.”
Mắt có thể là: mắt lớn, mắt nhỏ, mắt một mí, mắt hí. Ca dao có câu:
“Những phường ti hí mắt lươn,
Trai thời trộm cướp, gái buôn chồng người.”
Không biết đúng hay sai. Nhưng cặp mắt của chủ tịch Tập Cận Bình bên Trung Cộng thì hí rõ ràng.
Mắt tròn, mắt ngắn hay dài; mắt lộ, mắt “lỗi”, mắt “ốc bươu” là do nhãn cầu nhô quá mí mắt.
Mắt sâu, mắt thụt. Là nhãn cầu tuột vào trong hốc mắt.
Mắt xếch là mắt làm thành góc 30 độ với mặt phẳng.
Dù thế nào, mắt đều có đầu mắt và đuôi mắt. Trong các sách về tướng pháp, hình dáng mắt có rất nhiều: mắt rồng, mắt phượng, mắt voi, mắt khỉ, mắt rùa, mắt chim thước, mắt sư tử, mắt cọp, mắt trâu, mắt công, mắt uyên ương, mắt hạc, mắt nhạn, mắt đào hoa, mắt ngỗng, mắt âm dương, mắt ngái ngủ, mắt dê, mắt cá, mắt heo, mắt ngựa, mắt bồ câu, mắt rắn, mắt chó sói, mắt loan, mắt cò, mắt tê giác, mắt nai, mắt vượn, mắt tôm, mắt gấu, mắt én, mắt cua, mắt mèo, mắt diệc…
Phổ biến trong dân gian là “mắt phượng” (phụng nhãn): mắt dài, hẹp bề ngang, đuôi mắt nhọn, mắt có hai mí, tròng đen nhiều và sáng, tròng trắng ít, hắc bạch phân minh, thần quang tàng ẩn. Người có mắt này quý mà không phú, rất hợp với văn chương, tư tưởng. Ta thường nghe câu “mày tằm, mắt phượng” để chỉ cái đẹp phối hợp của mắt và lông mày.
Mắt “đào hoa”: mắt dài, đầu và đuôi mắt nhọn, đuôi cong lên trên, không mí, ánh mắt ướt, đưa đẩy, đa tình. Nhìn đôi mắt nầy sao khỏi lụy tình.
Mắt bồ câu: mắt tròn, đẹp, mí trên rõ, mí dưới mờ, nhãn cầu tương đối tròn và nhỏ. Mắt đa tình.
Mắt nai: đầu mắt nhọn và ngang bằng đuôi mắt, hai mí rõ, nhãn cầu lớn, ánh mắt ngơ ngác. Mắt thuộc tướng, người hào sảng, không ham danh lợi, vật chất.
Về màu sắc của mống mắt, ta có: mắt đen, mắt nâu tròng đen chiếm 2/3, thông minh, nhân hậu; mắt trắng dã tròng trắng chiếm 2/3, tâm tính gian ác, bất nghĩa, bất nhân. Có câu “Mắt trắng môi thâm” nói lên tính độc ác của loại người này.
Mắt xanh biếc: Nhìn người với cặp mắt xanh là biệt đãi người đó. Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên có bản nhạc Mắt biếc. Ngoài ra, còn có mắt đỏ: các mạch máu hiện trên tròng trắng và viền mắt. Người có mắt này hung ác.
Mắt vàng khè: tròng trắng đổi thành màu vàng, thường do bệnh của gan và mật.
Cũng như mắt, lông mày có nhiều hình dáng. Phổ biến nhất là lông mày “lá liễu” là lông mày dài, thon hai đầu, như lá cây liễu. Trung tín. Nhu thuận,
Lông mày “lưỡi kiếm” sợi lông mịn, bề ngang nhỏ, bề dài quá mắt, đuôi ngược lên như lưỡi kiếm. Cương tính. Học vấn cao.
Lông mày “vòng nguyệt”: sợi mịn, đen như vẽ, dài quá mắt, cong như vầng trăng non Mùng Hai, Mùng Ba. Thông minh, nhu thuận, có khoa bảng, nổi tiếng về văn chương.
Lông mày thanh tú: hơi cong, dài quá mắt, đầu nhỏ, đuôi lớn và nhọn, cao hơn đầu. Thông minh, học vấn cao.
Lông mày “tằm” có hình dáng giống như con tằm. Khôn ngoan. Thành đạt.
Lông mi dài, cong vút tự nhiên, là một nét đẹp, quí phái của người phụ nữ. Cộng thêm “đôi mắt đen láy, long lanh”, biểu lộ trí thông minh, tâm địa nhân hậu.
Xem phim chưởng để ý các vị sư tổ luôn luôn có lông mày rủ với các sợi lông mày ở giữa dài phủ mắt. Đó là một dấu hiệu của trường thọ.
“Nhặm mắt” là mắt bị đỏ, sưng, xót, có mủ, thường do nhiễm trùng. Nếu mí mắt bị nhọt là “lẹo mắt” hay “mắt lẹo.” Để diễn tả độ đau của mắt, ta có: “nhức, rát, buốt, nhói mắt.”
“Phỏng mắt” là thương tích mắt gây ra bởi sức nóng của lửa, nước sôi, hóa chất… “Mắt bụp” là khi hai mí mắt bị sưng vì bệnh.
Ở Mỹ khi có “bệnh mắt” thì nên tìm bác sĩ chuyên môn về bệnh mắt (ophthalmologist), không nên đến ông chỉ khám và đo kíếng (optometrist). Khi mí mắt trên bị tuột xuống, che mất đồng tử, hạn chế thị lực đó là “sụp mắt” hay “mắt sụp.”
Bệnh này cần được giải phẫu để điều trị. Mắt “quáng gà” là không nhìn thấy rõ trong đêm tối hay nơi thiếu ánh sáng. Một trong những nguyên nhân là cơ thể thiếu vitamin A.
Khi nước mắt không đủ để làm “ướt mắt,” ta bị chứng mắt khô hay khô mắt, cần tìm hiểu nguyên nhân để chữa trị. Tạm thời, phải “nhỏ mắt” bằng nước mắt nhân tạo.
Khi bụi, vật lạ lọt vào mắt hay khi khóc thì “chảy nước mắt.” Khóc không chảy nước mắt là khóc giả, khóc dối hay khóc đưa linh. Khóc vì chuyện không đáng là “dư nước mắt.” Khi xúc động hay mới khóc thì “ứa nước mắt,” “mắt ứa lệ” “khóe mắt ướt,” hay “lệ hoen mi.”
Khóc nhiều thì “mắt đẫm lệ” nước mắt tuôn ra, “nước mắt ràn rụa,” “nước mắt đầm đìa,” “nước mắt dầm dề,” “lệ tuôn xối xả.” “Nước mắt như mưa” khiến ta nhớ đến điển tích “Tháng Bảy mưa ngâu Ngưu Lang, Chức Nữ.”
Khóc “thảm thiết” nhiều ngày đến nỗi “cạn nước mắt,” “hết nước mắt” hay “khô nước mắt.” Ngưng khóc một lúc lâu thì “ráo nước mắt.”
Mắt ngứa vì bị dị ứng. Đó là “mắt nhạy cảm.” Ngứa làm ta phải “dụi mắt” liên tục. Nhiều người bị ngứa kinh khủng đến độ muốn “móc mắt” ra chà giấy nhám cho đỡ ngứa. Nhưng “ngứa mắt,” “gai mắt” là không” vừa mắt” hay “xuôi mắt,” về chuyện gì.
Ăn mặc “đẹp mắt” hay “được mắt” dễ tạo cảm tình với mọi người. Các tiệm buôn sắp xếp hàng hóa cho “bắt mắt” để thu hút khách hàng. Hành động xấu xa làm “bẩn mắt,” “dơ mắt” người ta.
“Rửa mắt” là dùng nước, hay dung dịch muối làm sạch mắt. Nghĩa bóng là dùng mắt để thỏa mãn sở thích, cho tới khi thỏa mãn hoàn toàn là “sướng con mắt,” “đãcon mắt,” “no con mắt” hay “mãn nhãn.” No bụng nhưng “đói con mắt” chỉ những người thấy thức ăn thì thích ăn dù đã no. Chú ý tới người nào là “để mắt” tới họ.
Dùng mắt quá sức như làm việc lâu bằng computer hay đọc sách nhiều, thì bị mệt mắt, mỏi mắt hay “đuối mắt.” Lúc đó mắt lờ đờ, mắt đờ đẫn như người mất ngủ.
“Mắt dại” là do đeo kính lâu đối với người bị các tật về mắt. Nhưng “mỏi mắt chờ trông” chồng đi cải tạo trở về thì chỉ tuyệt vọng. Cười “híp mắt” là cười thoải mái. Khi nhắm một mục tiêu thì người ta phải “nheo mắt.” Con người nhắm mắt khi ngủ, bất tỉnh hay khi lìa đời. Phụ nữ khi hôn thường nhắm mắt. Nhưng có người ngủ mà mở mắt.
Người chết “không nhắm mắt” vì còn vướng víu nợ trần ai hay uất hận trong lòng. Vì thế, thân quyến phải “vuốt mắt” cho họ. Ai buông xuôi, phó mặc cho may rủi, thì như câu Kiều:
“Cũng liều nhắm mắt đưa chân,
Mà xem con tạo xoay vần đến đâu.”
Ngoài ra còn có “nhắm mắt làm theo,” “nhắm mắt theo đuôi,” “nhắm mắt làm càng,” “nhắm mắt nói mò.”
Chau mày hay nhíu mày là suy nghĩ nhiều. Tròng mắt không cử động là “mắt đứng tròng” xảy ra khi bất tỉnh, hay hấp hối. Trẻ con hay chơi trò “bịt mắt, bắt dê.” Tục ngữ có câu: “Tai nghe không bằng mắt thấy.” Nhưng việc đời thấy tận mắt còn chưa tin được, huống hồ việc xảy ra “khuất mắt.” Ai biết phân biệt sự việc, phải trái, hay dở, là người “có con mắt.”
Người bình thường với mắt thường “mắt trần,” “mắt thịt” nhưng thấy rõ mọi sự việc gọi là “tinh mắt” hay “mắt tinh,” “tỏ mắt” hay “mắt tỏ.” “Tinh mắt” cũng có nghĩa bóng là thạo việc đời.
Thành ngữ “lấy vải thưa, che mắt thánh” hay “múa rìu qua mắt thợ” có nghĩa là không giấu được người có cặp mắt tinh tường. Tìm “đỏ con mắt” là hết sức kiếm người hay vật bị lạc mất. “Chớp mắt” hay “nháy mắt” là hành động cố ý.
Còn “giựt mắt” là mí mắt co giựt ngoài ý muốn, thường do mắt có bệnh. Song, dân gian tin mí mắt co giựt là điềm báo trước việc xấu, tốt sắp xảy ra.
Chớp mắt hay nháy mắt cũng chỉ khoảng thời gian rất ngắn của sự việc. “Chợp mắt” là giấc ngủ ngắn, thường vào ban ngày.
Phụ nữ thường thích “nhổ, tỉa lông mày,” “vẽ mắt, vẽ mày.” Ngày nay, họ lại đua nhau “wax, xâm lông mày,” gắn lông mi giả hay nối lông mi.
Ngoài ra, các bà thường đến thẩm mỹ viện để sửa mắt, cắt mí mắt, xâm lông mày. Có đẹp hơn hay không thì chưa biết, nhưng có người bị “nhướng mắt,” “trừng mắt” hay “mắt không nhắm kín” được khi ngủ.
Mắt khi nhìn thì biểu lộ trạng thái của tâm hồn như: “trợn mắt,” “quắc mắt” hay “trừng mắt,” “mắt long lên sòng sọc” để diễn tả trạng thái tức giận.
Ánh mắt soi mói, dò xét khi cố tìm hiểu vấn đề. “Ánh mắt hằn học, thù hận” của cán bộ Việt Cộng đối với tù cải tạo.
Mắt tròn xoe, thò lỏ, “nhướng mắt,” “giương mắt” là ngạc nhiên. “Trơ mắt ếch” ra nhìn hay “nhắm mắt làm ngơ” là có thái độ của khách bàng quan; “chớp mắt” là bối rối; “liếc mắt” là lén nhìn “Mắt ướt át” là mắt không khóc mà đầy nước, nhìn vào như mặt nước hồ thu. Đó là mắt của khách đa tình, như câu Kiều miêu tả: “Làn thu thủy, nét xuân sơn.”
Mắt u buồn của người sầu khổ. Mắt mơ huyền “mắt mơ màng” của người mơ mộng. Khi yêu ai, cái gì của người đó đều hay vì ta đã bị “mờ mắt” rồi.
Mắt láo liên là người mánh mung, gian trá. “Đảo mắt” để tìm kiếm người hay vật là “mắt dáo dác”. Kẻ sợ sệt hay có mặc cảm tội lỗi thì “mắt lấm lét” hay “mắt la, mày lét.” Hay lầm lẫn là vì “mắt nhắm, mắt mở,” nhứt là khi mới thức giấc.
Nhìn chăm bẳm, ngó đăm đăm người nào là thiếu lịch sự và làm cho họ khó chịu. Ngược lại, “ánh mắt dịu dàng” là dễ thương. Nhìn “đắm đuối” là có tình ý. “Chống mắt” là đứng yên nhìn hay thách thức ai việc gì. Các tiểu thư con nhà đài các, sáng “bảnh mắt” còn chưa tỉnh giấc.
Các văn, thi sĩ thường nói “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn.” Nhạc sĩ Hoài Linh trước năm 1975 đã viết trong bài Về Đâu Mái Tóc Người Thương: “Hồn lỡ sa vào đôi mắt em…” cho thấy chàng đã mất hồn vì đôi mắt của nàng. Khi hai người qua “ánh mắt giao nhau” mà đã thích nhau gọi là “hợp nhãn.” “Sóng mắt” giai nhân đắm chìm bao khách anh hùng. Để nói lên mãnh lực của đôi mắt, người xưa có câu:
“Nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc” (nghĩa là nhìn một lần thành nghiêng, nhìn lần nữa nước ngả.)
Trong thi ca, âm nhạc Việt Nam, nổi tiếng nhất là bài thơ Đôi Mắt Người Sơn Tây của Quang Dũng, nhạc Phạm Đình Chương. Bài hát có những câu làm tan nát cõi lòng người xa xứ: “Đôi mắt người Sơn Tây, u uẩn chiều lưu lạc, buồn viễn xứ khôn khuây…”
Một tổ chức xuất hiện lần đầu trước đám đông gọi là “ra mắt.” Tại Little Sài gòn, California và các thành phố có đông người Việt, rất phổ biến việc “ra mắt sách” nhằm giới thiệu các tác phẩm mới.
Có những vật giống như con mắt nhưng không để nhìn. Đó là hình “con mắt” được vẽ trước mũi các ghe, thuyền ở Việt Nam trước khi hạ thủy.
Đạo Cao Đài Tây Ninh thờ “thiên nhãn.” Vì thế, lá cờ của đạo này có hình “con mắt.”
Trong truyện Phong Thần, mắt có thể nhìn xa ngàn dặm gọi là “thiên lý nhãn” hay “nhãn thần,” “mắt thần.”
Ngày nay, ta có viễn vọng kính giúp thấy xa, kính hiển vi để nhìn vật quá nhỏ. Mắt của điệp viên 007 James Bond là “mắt X-rays” có thể nhìn xuyên qua quần áo.
Năm 1998, hãng Sony do cố ý hay lỗi lầm đã tung ra thị trường loại camera thâu hình tối tân này. Mấy anh chàng “lanh tay lẹ mắt” đi mua ngay, đem ra bãi biển quay liền trước khi có lịnh cấm.
Nhân gian tin vào báo ứng thưởng, phạt của Thượng Đế vì “Trời cao có mắt.”
Nhạc sĩ Lam Phương đã viết trong bản Kiếp Nghèo: “Trời cao có mắt, cúi xin người ban phước cho đời con.”
Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, dân miền Nam được “mở mắt,” “sáng mắt,” khi thấy rõ Việt Cộng tàn bạo như thế nào, đúng như câu nói: “hãy nhìn kỹ những gì Việt Cộng làm.” Mọi người “bừng mắt,” “tỉnh mắt,” “trắng mắt,” thì đã muộn màng.
Ôi! Việc đời, cái “thuận mắt” “vui mắt” thì ít, cái “nghịch mắt,” “buồn mắt,” “chướng mắt” hay “trái mắt” thì nhiều. Phải chăng “không có mắt” thì tốt hơn? Quý vị nghĩ sao?