Tiếng chim kêu thương

Nhìn lên trời, thấy đôi chim sẻ bay lượn quanh đỉnh cây lộc vừng trước sân, cất tiếng kêu ai oán. Chợt hiểu, đây là con chim non đang được chim bố mẹ tập chuyền mà có lẽ chưa đủ sức nên bị rơi xuống đám cỏ. Tôi bèn đem con chim sẻ non đặt ở một chỗ cỏ dễ nhìn hơn. Lát sau, không còn thấy nó nữa. Tiếng chim kêu thương kia cũng không còn. Có lẽ đôi chim bố mẹ đã xuống dìu đứa con bay đi.

Tiếng kêu của đôi chim sẻ nghe não nùng, khiến tôi không khỏi liên tưởng đến một điển cố trong văn học Trung Quốc. Chương thứ 18 trong sách Khổng Tử gia ngữ có kể một câu chuyện vô cùng cảm động liên quan đến tiếng chim kêu. Khi Khổng Tử ở tại nước Vệ, một hôm, ông thức dậy thật sớm, lúc trời còn tờ mờ, có người học trò giỏi là Nhan Hồi đứng hầu một bên. Đột nhiên, ông nghe một tiếng khóc rất là ai oán, liền hỏi Nhan Hồi có biết được cớ vì sao mà có tiếng khóc đó hay không. Nhan Hồi liền thưa: “Con cho đó nếu không phải là tiếng khóc trong cảnh tử biệt thì phải là tiếng khóc trong cảnh sinh ly”. Khổng Tử rất ngạc nhiên, hỏi lý do. Nhan Hồi đáp: “Con nghe kể rằng trong núi Hoàn Sơn có một con chim mẹ nuôi bốn con chim con. Đến khi chim con đủ lông cánh muốn rời tổ để bay khắp bốn phương, chim mẹ đưa các con đi mà cất tiếng kêu buồn thảm, ai oán vì biết các con mình sẽ không bao giờ trở lại. Con trộm nghĩ tiếng khóc này cũng ai oán như thế đó”.

Khổng Tử liền sai một người học trò khác đi tìm hiểu thì gặp một người đàn ông đang khóc, hỏi lý do thì được trả lời: “Cha tôi đã chết, gia đình lại quá nghèo, tôi đành phải bán đứa con trai để lấy tiền chôn cất cha mình, bây giờ đứa trẻ sắp ra đi, tôi khóc cho cảnh biệt ly”. Khổng Tử nghe người học trò kia kể lại, liền nói: “Nhan Hồi quả là người rất hiểu âm thanh”.

Hoàn Sơn là tên một ngọn núi ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. “Hoàn Sơn chi khấp” (tiếng khóc ở Hoàn Sơn) là phép ẩn dụ trong văn học nói về nỗi khổ ly biệt với người thân thích. Tử biệt, sinh ly là những cảnh đau khổ nhất đời người. Tử biệt là cảnh đau khổ đã đành, vì âm dương đôi ngã, nhưng sinh ly có khi lại còn chua xót hơn. Vĩnh viễn không thể gặp lại người thân, không còn biết tin tức gì về họ, dù biết họ còn đang sống trên dương thế, há chẳng phải một trong những điều làm tan nát lòng người?

Tiếng chim sẻ kêu ai oán ngày hôm qua giữa trưa nắng mà sao nghe lại não nùng như tiếng nhạn kêu sương trong ca dao: “Đôi ta chẳng được sum vầy/ Khác nào cánh nhạn lạc bầy kêu sương”. “Lạc bầy kêu sương”, chỉ bốn chữ thôi cũng đủ để diễn tả trọn cảnh sinh ly. Thời trước, không có những phương tiện liên lạc hiện đại như bây nên không gian mênh mông lắm. Bài thơ Chanson de l’Adieu (Bài ca vĩnh biệt) của Edmond Haracourt có một câu nổi tiếng: “Partir, c’est mourir un peu” (ra đi là chết một ít ở trong lòng). Nhà thơ Xuân Diệu đã lấy ý để viết thành câu mà ai cũng thuộc: “Yêu là chết trong lòng một ít”.

Đọc thơ xưa, nhất là thơ Đường, ta luôn thấy điều đó bàng bạc trong tình hoài hương và nỗi sầu cô lữ. Không gian mênh mông, phương tiện giao thông khó khăn, khiến lòng người càng cảm nhận được thêm ý nghĩa ngậm ngùi của hai chữ “sinh ly”. Một điều thần kỳ hơn cả truyện thần thoại. Đâu nói chi xa, ở thôn quê ngày xưa, gả con gái qua bên kia sông, có khi một đời mới gặp lai một đôi lần. Mọi việc giờ đây đã khắc hẳn, chỉ cần mở máy tính hay cái smart phone ra là có thể chuyện trò và gặp mặt người thân ở cách xa hàng chục ngàn cây số.

Có lần tôi đi chơi bằng ghe nhỏ trên con sông ở một vùng quê hẻo lánh miền Tây Nam Bộ, nghe người bạn hát cải lương có câu: “Má ơi đừng gả con xa/ Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”, tự nhiên thấy thấm thía hai chữ “sinh ly” và nghe trong lòng rưng rưng. Ai thường chê cải lương là “sến”, là… “cải lương”, xin hãy một lần về miền Tây Nam Bộ, ngồi trên chiếc ghe trôi theo con sông nhỏ ở một vùng quê, nghe người dân miền Tây uống rượu gạo, hát cải lương, nghe tiếng chim bìm bịp kêu ven sông thì sẽ hiểu thế nào là nỗi buồn sông nước, thấm thía thế nào là “trên sông khói sóng cho buồn lòng ai”.

Thúy Kiều trước lúc chia tay với gia đình cùng từng đau đớn: “Đau lòng tử biệt sinh ly/ Thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên!”. Tiếng lòng đó cũng là tiếng chim kêu thương trong núi Hoàn Sơn hay tiếng chim kêu trên bãi cỏ khi lỡ nhịp bay chuyền. Và mỗi lần nghe được những âm thanh ai oán đó, biết đâu ta lại có dịp cảm nhận thêm nỗi “đoạn trường” trong điệu “tân thanh”!

LIÊU HÂN