Tầm Thường

Thưa Chị Trang Đài,

Năm nay em 58 tuổi, có vợ và hai con gái, một cháu đã vào đại học năm thứ hai, một cháu năm sau mới vào đại học.
Em tới Mỹ theo diện thân nhân bảo lãnh nên phải nói là rất chậm. Cả hai vợ chồng em đều ở lứa tuổi lỡ làng, nghề nghiệp chuyên môn không có, đi học lại cũng không thể vì phần thì khó khăn ngôn ngữ, phần khác phải lo cho hai đứa con gái ở tuổi niên thiếu là chính nên em lăn lưng ra đi làm ngay. Cô cũng có thể đoán biết, vừa không có nghề nghiệp nhất định, thể lực cũng không bằng nhân công Mỹ hay Mễ, em chỉ có thể dùng sở trường có sẵn ở Việt Nam là làm các sửa chữa lặt vặt trong nhà. Job đầu tiên của em khi tới đây là làm công cho một tiệm bán furniture của người Việt mình, vừa khiêng vác, chuyên chở, giao hàng cho khách, vừa lắp ráp đồ khi khách cần dịch vụ này từ tiệm. Ơn may, tiệm em làm có uy tín, đông khách đủ mọi giới và nhiều chủng tộc nên em có việc làm thường xuyên cộng với tip suốt 10 năm. Tuy vậy, tụi em vẫn ở mướn apartment, riêng em, chưa bao giờ dám mua một cái áo sơ mi mới hay đôi giày mới, tiện tặn tối đa vì em muốn lo các con gái em học hành thành công, có cuộc sống an nhàn hơn cha mẹ nơi xứ người. Sau này, vợ em có nhận làm thêm việc sửa quần áo do mấy người bạn có lòng tốt dẫn dắt, được các chị chia việc cho làm những khi họ bận quá. Vì có vợ em phụ giúp cũng kha khá nên em có một trương mục riêng để dành tiền cho hai đứa con lên đại học bằng tiền boa, tiền bonus và một phần lương của em, không cho vợ biết vì lý do em sẽ nói sau, cũng là lý do khiến em viết thư này nhờ cô.
Ca dao tục ngữ nước mình có câu “Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần,” em vẫn biết ngoài xã hội, người ta xét nét nhau ghê lắm nên vì không muốn các con em bị mất tự tin, bị bạn bè chế diễu và bị khinh khi vì cha mẹ tầm thường nên em tuyệt đối giấu các con việc em làm lao động để nuôi chúng nó. Có một lần, con gái lớn em năm 16 tuổi, hỏi em “Bố làm việc gì và ở đâu vậy?” Em giật mình rồi trả lời qua loa: “Bố làm ở một công ty sản xuất đồ gỗ lớn lắm, công việc tốt con ạ!” May là cháu không hỏi gì thêm.
Kể từ năm ngoái, vì dịch bệnh, tiệm em làm phải đóng cửa nhưng vẫn trả lương nhân viên một thời gian rồi sau chuyển qua lãnh tiền thất nghiệp, sau đó nữa, nhờ em biết sửa chữa lặt vặt trong nhà như em nói ở đầu thư nên ai nhờ gì em làm nấy, ai cần thì kêu, em cũng đắp đổi kiếm đủ sống qua ngày, cố gắng thường xuyên của em là không để con cái phải thiếu thốn các phương tiện học hành hay giao tế bạn bè. Vấn đề của em là vợ em tuy cũng cùng tâm trạng thương các con như em nhưng bà ấy cư xử cách khác, hoàn toàn không giống em. Tiền kiếm được là mua sắm quần áo, giày dép, ví bóp, cho ba mẹ con toàn hàng hiệu, thứ gì, kiểu gì cũng có, thậm chí mua xe mắc tiền và mẹ con thay nhau lái. Em đưa ý kiến thì bị bà phiền trách là em độc tài, bẩn chật, em muốn thể diện cho con để chúng nó không thua kém ai, bà cũng vậy thôi, đâu có gì sai? Em không làm sao cho vợ em hiểu được là lo cho con bằng chúng bạn của chúng nó không có nghĩa là phải phí phạm một cách quá đáng, không thật sự cần thiết. Thời trang đắt tiền là của người giàu có, dư tiền của. Nếu bà bớt mua sắm xa xỉ thì vợ chồng có thể dành dụm mua một căn nhà nhỏ để cuộc sống gia đình có căn bản hơn. Em phân trần vậy, hy vọng bà hiểu nhưng trái lại, bà cười mũi và nói mỉa mai em: “Làm việc kiểu ông và tui, có đồng nào xào đồng nấy là vui rồi, đòi mua nhà thì chờ trúng số đi!”
Em rất buồn nhưng không muốn to tiếng, sợ mấy đứa con nghe được rồi cũng hiểu lầm em như mẹ chúng nó thành ra đành nín thinh, gần như vài ba ngày lại thấy hàng Amazon gởi tới gói nọ hộp kia mà chua xót. Mỗi món đồ có thể không bao nhiêu nhưng gom lại hàng tuần hay hàng tháng, hàng năm thì sẽ không phải là ít, nếu không nói là rất nhiều.

Peter Phạm

Em Peter,

Cảm ơn em đã tin tưởng mà gởi thư hỏi. Vấn đề của em nghe qua tưởng là đơn giản nhưng sự thật nó không hề đơn giản:
1/ Người phụ nữ nào cũng có sẵn trong bản chất họ nhu cầu mua sắm tuy động cơ sâu xa không giống nhau. Có người thích mua sắm để làm đẹp; có người mua sắm để có cảm giác tự do, muốn gì được nấy; có người mua sắm để bù đắp hay giải quyết một thiếu sót, một khiếm khuyết hay tâm lý bất như ý trong bản thân, trong cuộc sống. Với thời gian, dù bắt đầu từ một nguyên nhân nào, mua sắm trở thành thói quen, thậm chí như một thứ nghiện ngập, rất khó bỏ. Trường hợp của em, tình thế còn thập phần gay gắt hơn vì cả ba mẹ con cùng nhiễm thói quen ấy.
2/ Tục ngữ nước ta cũng có câu: “Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn.” Lẽ ra, khi thấy vợ bắt đầu có lợi tức, em nên ngồi xuống bàn với vợ về một tương lai chung của gia đình. Lo cho con cái và lo để dành tiền mua một căn nhà nhỏ làm tổ ấm không mâu thuẫn nhau. Hướng vợ vào một mục tiêu rõ rệt thay vì giấu vợ với một trương mục tiết kiệm (cho dù có thiện ý) vì làm vậy, em đã tự cô lập mình, bỏ qua khả năng hợp tác của vợ, đồng thời, không cho thấy viễn ảnh khả thể của cả hai vợ chồng ở cái xứ sở của cơ hội và sự làm việc siêng năng này. Cảnh nhà đắp đổi qua ngày như em nói không cho vợ em cách suy nghĩ nào khác hơn như bà ấy nói: “Kiếm đồng nào xào đồng nấy là vui rồi!”
Nhưng thôi, muộn còn hơn không. Em hãy bắt đầu lại, nói thật với vợ những gì em vẫn giữ cho riêng mình, mắm muối tí chút cho bà ấy không bị shock, không nghĩ ngợi loanh quanh, tỷ dụ như “Anh đã nghĩ có thể cố gắng một mình anh nhưng bây giờ anh nghiệm ra, có em chung sức chung lòng vẫn dễ dàng và nhanh chóng hơn. Anh đã có từng này rồi, em bớt tiêu pha, phụ thêm để không phải đi ở thuê, mai kia có gả chồng cho các con cũng dễ coi hơn. Đứa nào theo chồng thì theo, đứa nào muốn đùm đậu với cha mẹ khi tuổi già thì cũng có căn bản hơn là lêu bêu em ạ!”
Người đàn bà Việt Nam thường lo toan vun vén, khi biết là có cơ hội, mong muốn tha thiết nhất của họ là một mái nhà làm nền tảng cho gia đình. Cô nghĩ chỉ có cách này may ra cứu vãn được, em thử áp dụng xem sao?
Chúc em may mắn và vạn sự lành nhé!

Trang Đài