ĐI VÀO CÕI THƠ

Lê Tấn Tài

Thơ trước hết là cuộc đời, xuất phát từ tình yêu, từ nụ cười trong sáng hay giọt nước mắt đắng cay. Những hạt thơ ấp ủ trong tim, lớn dần và nở ra những đóa hoa thơ tuyệt đẹp, an ủi sự cô đơn của chính mình và những người đang đau khổ.
Thơ là trực giác cảm nhận, vượt ra khỏi khả năng suy tưởng, ẩn chứa trong tiềm thức, tự nó hiện hữu và siêu thoát thế tục. Thơ với nhiều dư vang vô tận, dễ xoáy vào tâm tư con người, là tiếng vọng của cõi đời trầm mặc. Goethe viết: “Không có lối nào thoát khỏi đời sống một cách chắc chắn cho bằng đi qua nghệ thuật. Và cũng không có lối nào dẫn vào đời sống một cách chắc chắn hơn bằng đi qua nghệ thuật”. Chất thơ bảng lảng trong cuộc sống, vươn lên đỉnh cao tuyệt vời của nghệ thuật, của sự thăng hoa Chân Thiện Mỹ, vì thơ là sứ giả của Tình Thương đưa nhân loại gần gũi nhau hơn. Kinh Thi, kinh Dịch đã chuyên chở nước Trung Hoa suốt mấy ngàn năm lịch sử. Dịch mở rộng con đường tồn sinh. Thi là tiếng vang từ nơi sâu thẳm của con người. Con người vẫn luôn mong ước trần gian này là chốn thần tiên kỳ diệu, ắt hẳn phải biết mơ mộng, hay nói cách khác thơ ru ngườì lãng quên đời khổ lụy và đưa người vào chốn thiên thai huyền ảo.
Chỉ một chút gió thu lay lắt hay vài chiếc lá vàng vu vơ, hồn đã chùng xuống theo những tiếng thở dài. Chỉ vài hạt mưa cũng làm đôi mắt nâu nhòe nhoẹt nước mắt… Dư nước mắt chăng? Thương vay khóc mướn chăng? Thưa không, một giọt nước mắt rơi làm vơi vạn niềm sầu khổ. Thơ làm bùng nở tâm thức sâu kín: một chút cảm hoài, một chút ẩn tình, một chút dư âm, một lời di chúc, một lời ước nguyện, một lời trối trăn…
“Xin cho tôi nhắm mắt
Trong giấc ngủ bình an
Linh hồn không vướng mắc
U mê chốn trần gian
Xin cho tôi nhắm mắt
An nghĩ chốn vĩnh hằng
Trở về lòng bụi cát
Như một chiếc sao băng”

(Lê Minh Uyên)

Thơ giống như những cây bonsai, những nụ hoa cài trong bình hoa, những bức tranh tuyệt bích, đều vờn chải lại được cái thoáng chốc man mác, bâng khuâng…
Những hạt mưa lất phất trên những tàu tiêu, trên cây cổ thụ với biển sóng trắng xoá:
“Thánh thót tàu tiêu mấy hạt mưa,
Khen ai khéo vẽ cảnh tiêu sơ.
Xanh om cổ thụ tròn xoe tán,
Trắng xoá tràng giang phẳng lặng tờ”

(Bà Huyện Thanh Quan)

Một chiếc ao con, một chiếc thuyền câu bé tẻo teo, những chiếc lá vàng bay vèo trong gió:
“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.”

(Nguyễn Khuyến)

Tiếng lá khô xào xạc, con nai vàng ngơ ngác:
“Em không nghe rừng thu.
lá thu kêu xào xạc,
con nai vàng ngơ ngác
đạp trên lá vàng khô?”

(Lưu Trọng Lư)

Một ông đồ già dưới cơn mưa bụi bay:
“Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay”

(Vũ Ðình Liên)

Tiếng đàn hay là ở dư âm, lời nói hay là lời nói vắn tắt, bài thơ hay là bài thơ ẩn tình khiêu gợi. Thơ đôi khi chụp lấy

– một khoảnh khắc (bài thơ haiku sau đây chỉ có ba câu, mười chữ, một cảnh mùa thu, một chiếc cành khô, một con quạ đậu, một buổi chiều tàn… Chỉ vỏn vẹn mười chữ, nhưng vẫn là thơ, vẫn đủ gợi lên được hình ảnh lặng lẽ, khô khan và buồn bã của những ngày thu héo hắt sắp bước vào mùa đông buồn thảm…)
“Trên cành khô
Chim quạ đậu
Chiều tàn mùa thu”

(Basho)

– một trừu tượng
“Anh hát trong rừng sao
Em ngủ dưới cội đào
Chợt mùa đông tuyết phủ
Biết tìm em nơi nào”

(Trần Tuấn Kiệt)

– một tư duy
“Một giọt trời xanh
Xuyên qua khám tối
Một giọt nước mắt
Nhỏ xuống hồn tôi”

(Lê Minh Uyên)

Thơ đưa con người vào những cuộc tình đam mê. Tình vương vấn như sợi tơ trời, triền miên và thắm thiết.
“Ta ngắt đi chùm hoa thạch thảo
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi …
Và em nhớ rằng ta vẫn chờ em”

(Apollinaire)

Tình yêu làm cho không gian, thời gian ngưng đọng, để giữ lại những kỷ niệm bồng bềnh, trôi giạt…
“Thời gian hỡi! Dừng ngay cánh lại,
Giờ vui ơi! Xin hãy khoan thai …”

(Lamartine)

Ðó là cái bịn rịn, cái dây dưa, cái vương vấn, cái quyến luyến…Trong mỗi cuộc tình đều phảng phất một tình cảm kỳ dị…
“Em đã đến chưa? Sao đêm chợt vắng
Cả cuộc đời xáo động chợt hao đi
Những ngón tay dần chuyển đến hôn mê
Và tà áo phủ chân trời trước mặt.”

(Nguyên Sa)

Cuộc tình tan rã, thì nỗi đau hiện ra.
“Cả trời say nhuộm một màu trăng,
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng.
Không một tiếng gì nghe động chạm,
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng!”

(Hàn Mặc Tử)

Rồi nợ tình (love story) theo xác người trở về với cát bụi; tình thơ (love poetry) theo cõi mộng bay cao.
“…Mắt em nhỏ ngại ngùng song cửa
Nghe tình ca trên giọt sương tan
Gót chân em nắng vàng xưa viễn phố
Những ngón hồng ngơ ngác giữa đường chim
Ôi ta nhớ như đêm dài thượng cổ
Sợi tóc mềm lơi nhịp hát trong tim…”

(Tuệ Sỹ)

Tình thơ nồng nàn, cho nên những tiếng thì thầm của lịch sử vẫn được thơ ngân vang khúc đoạn trường khổ lụy. Ðó là âm hưởng của tồn sinh mộng ảo.Thơ trỡ thành ẩn tình hoài vọng quê hương.
“Ánh trăng rơi trước giường,
Ngỡ đất mù hơi sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.”

(Lý Bạch)

Trong cõi thơ, trăng cũng mơ màng như gió ngàn bạt đỉnh. Và từ đó, trăng đã nhập vào hồn ta:
“Trăng ơi ngủ với hồn ta
Ðầu hôm nghe vọng tiếng gà bình minh
Lá kia sương bỗng rụng cành
Khói đồi chim lạ kêu thành xuân thu”

(Trần Tuấn Kiệt)

Cõi thơ không chỉ nằm với trăng sao dìu dịu. Thơ lại đi qua miền băng giá với những hố thẳm tuyệt mù, chơi vơi không đáy của bến bờ mê muội.
“Ðêm nào ta trở về ngôi
Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian
Một phen đã nín cung đàn
Nghĩ chi còn mất, hơi tàn thanh âm.”

(Vũ Hoàng Chương)

Thơ cũng khai diễn trên ba đào lịch sử, vừa lãng mạn vừa kiêu hùng.
“Trời viễn mộng đọa đày đi mấy thuở;
Mộng kiêu hùng hay muối mặn giữa mù khơi?”

(Tuệ Sỹ)

Cuộc rượu hào sảng phóng dật, đưa tiễn Kinh Kha nhập Tần. Tóc tráng sĩ dựng ngược. Nước sông Dịch tự thuở nào vẫn lạnh căm căm…
“Kinh Kha quán lạnh sầu nghiêng chén,
Ai kẻ dâng vàng kẻ biếu tay?”

(Nguyễn Bính)

Giữa cái kiêu hùng đó, còn vấn vương một sợi tơ trời của cõi mộng.
“Nơi đây biệt chúa Yên Ðan
Gan người tráng sĩ căm hờn sục sôi
Người xưa nay đã khuất rồi
Mà dòng nước cũ vẫn trôi lạnh lùng”

(Lạc Tân Vương)

Lạc Tân Vương đưa bạn đến tận sông Dịch, nhớ lại ngày xưa Kinh Kha từ biệt thái tử Ðan nước Yên để đi hành thích Tần Thuỷ Hoàng. Có hai câu hát:
“Phong tiêu hề Dịch thuỷ hàn
Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn”
(Gió thổi hiu hắt, nước sông Dịch lạnh,
Tráng sĩ một khi ra đi, sẽ không trở về nữa.)

Nay kẻ ở người đi cũng buồn như người năm xưa vậy biết đâu “Nhất biệt thành vĩnh biệt”.

Mỗi chúng ta đều có phần tâm linh và sự hiểu biết khác nhau về cuộc đời. Thích nghi với hoàn cảnh để sinh tồn vẫn là căn bản của con người. Dù cho có nằm xuống thì cũng chỉ là xác thân của một kiếp này, có gì mất đâu. Chết thì thương tiếc, nhưng tiếc thì không đạt được cái không của vạn vật, thế là vẫn còn chấp nệ rồi. Hãy thoát ra tất cả để không còn vướng bận và sống an vui từng ngày.
“Một khi ta nằm xuống,
Là một lần thay da,
Ta thành một người thật khác ta!”

(Trần Phước)

Cuộc đời thì luôn đổi khác và con người thì cũng mất hút, lạnh tanh… Ðời là một quán trọ. Người là kiếp phù du, nên ai cũng mong muốn có một mùa Xuân bất tận với cánh bướm nhỏ lang thang đi tìm hoá thân của mình.
“Khi mùa đông tuyết tan
Cánh bướm nhỏ lang thang
Tìm hoá thân tiền sử
Rừng lau sậy bạt ngàn”

(Tuệ Sỹ)

Mùa xuân giao hòa giữa mộng và thực, giữa thi ca và triết lý, giữa tình yêu và cuộc đời… Mùa xuân bất tận không phải “từ lúc yêu nhau hoa nở mãi” mà là từ lúc nhận ra được ý nghĩa “thường trong vô thường”. Thời gian cuốn trôi con người đi đến chỗ tàn phai, huỷ diệt. Nhưng qua thời gian, tất cả vẫn còn hiện diện, có đến, có đi như từng hơi thở vào ra, như làn gió ghé qua không hẹn trước, như cụm mây tan loãng vào hư không chưa kịp bay. Và một cành mai nở. Sự sống lại xuất hiện đem vui cho đời và gợi trong lòng người đọc những xúc động, bâng khuâng chìm đắm…
“Xuân của đất trời nay mới đến;
Trong tôi xuân đến đã lâu rồi:
Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi
Trong vườn thơm ngát của hồn tôi”

(Xuân Diệu)

Có những tâm trạng và tình cảm con người chỉ có thể diễn đạt bằng thơ. Bạch Cư Dị nói: “Cái cảm hoá được lòng người chẳng gì trọng yếu bằng tình cảm, chẳng gì đi trước được ngôn ngữ, chẳng gì gần gũi bằng âm thanh, chẳng gì sâu sắc bằng ý nghĩa. Với thơ, gốc là tình cảm, mầm lá là ngôn ngữ, hoa là âm thanh, quả là ý nghĩa”. Mang một chút nắng ấm, một khoảng trời xanh trên cao, một cánh hoa vàng rực rỡ ở một góc nhà…là tất cả những gì mà thơ mang đến cho tất cả chúng ta…